Bên trong các bệnh viện lớn ở Sài Gòn có những góc nhỏ như một khoảng lặng riêng giữa ồn ào tiếng khóc cười. Đó chính là không gian tâm linh, nơi nhiều người tìm đến tìm sự ủi an…
Lẽ thường, khi con người đau yếu, bệnh tật sẽ có xu hướng tìm đến phó thác, nương tựa, những nơi chốn tâm linh. Và cầu nguyện trở thành điều thôi thúc với cả người bệnh lẫn thân nhân của họ. Có lẽ cũng bởi nhu cầu này mà từ lâu, trong nhiều khuôn viên bệnh viện vẫn có những góc nhỏ được người dân dựng tượng, ảnh các tôn giáo khác nhau. Mỗi một tôn giáo lại tìm đến bàn thờ hay tượng ảnh của đạo mình nguyện cầu những điều tốt đẹp. Tín hữu Công giáo thường chọn hình ảnh Đức Mẹ nhân lành, hằng cứu giúp người đau khổ để tỏ bày.
Không khó để tìm ra những đài Đức Mẹ, hang đá Đức Mẹ ở các bệnh viện lớn trong thành phố. Có thể kể đến các bệnh viện như Chợ Rẫy, Nhiệt Đới, Nhi Đồng II, Ung Bướu, Xanh Pôn, Thủ Đức… Các tượng ở đây đều có kích thước nhỏ không quá 1,5m và cũng không phải là tượng có giá trị nghệ thuật, nổi tiếng hay đắt tiền như ở các nhà thờ. “Tượng bình dân do người bình dân bình thường tỏ lòng kính mến mà dựng lên” - đó là lời nhận xét chúng tôi được nghe nhiều nhất khi hỏi về lai lịch các bức tượng Mẹ ở nhiều bệnh viện. Và cũng vì lý do tượng do người dân đem đến thờ lạy nên dường như nguồn gốc và thời điểm chính xác của mỗi bức tượng đều chưa được xác định rõ ràng. Dẫu vậy, trong hơi thở của niềm vui, nỗi buồn chốn bệnh viện mỗi ngày vẫn có những tượng đài lặng im lắng nghe, thấu hiểu. Chốn tâm linh nơi bệnh viện mỗi ngày vẫn có người âm thầm dọn dẹp tinh tươm, kết hoa trang hoàng...
Người Sài Gòn xưa vẫn nhớ Nhi Đồng II trước kia có tên là bệnh viện Grall, xây dựng năm 1879, người thành phố quen gọi là bệnh viện Đồn Đất, dành cho người giàu có và Pháp kiều. Tượng Mẹ Maria nơi đây, theo nhiều người làm việc lâu năm, có lẽ cũng có vào khoảng thời gian này. Năm 1978, bệnh viện đổi tên thành Nhi Đồng II dành cho trẻ em. Tượng đặt phía trước Khoa Tổng hợp, gần khu tưởng niệm công lao bác sĩ Yersin - Calmette. Dưới chân tượng và bên cạnh có những bản kinh được đóng khung cẩn thận cho cả người trong và ngoài tôn giáo đều có thể đọc khi đến viếng. Tượng được xây một mái tháp có thánh giá trên đỉnh. Hằng ngày, hai hàng ghế đá trước tượng Đức Mẹ trở thành điểm dừng quen thuộc của nhiều ông bố, bà mẹ dẫn con ra cầu nguyện. Trong nỗi tuyệt vọng, niềm tin tuyệt đối mà họ phó thác hầu như được đặt trọn vào chốn tâm linh này. Họ gởi gắm nỗi đau, mong cho bệnh tật qua đi ở những phận đời kém may mắn là con em mình.
Lâu đời nhất ở thành phố là bệnh viện Chợ Quán. Cách đây một thế kỷ rưỡi, vào năm 1862, nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài thành phố Sài Gòn, kẻ ít, người nhiều chung tay xây dựng bệnh viện mang tên địa phương : Chợ Quán. Trải qua nhiều thay đổi, đến 1989, bệnh viện Chợ Quán có tên là Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Bức tượng Đức Mẹ được đặt trên một bệ cao trong khuôn viên bệnh viện này, bao quanh bởi nhiều cây cối, hoa lá. Người Công giáo thì dâng hoa, nhang, nến, trong khi những người thuộc các tôn giáo khác thì cúng trái cây, thức ăn và nhang đèn. Tượng được một số nhân viên Công giáo dựng lên và linh mục Phaolô Hồ Văn Lành làm phép năm 1974, dịp lễ Đức Mẹ lên trời. “Tượng hỗ trợ tinh thần và cho người bệnh thêm sức mạnh tâm lý vượt qua bệnh tật”, đó là lời nhận xét nhẹ nhàng của một nhân viên bệnh viện. Có nhiều giáo dân đang chữa bệnh tại bệnh viện không thể tới nhà thờ, nên việc đến viếng Đức Mẹ trở thành điều yên ủi. Ông Hà, một bệnh nhân quê Đồng Tháp giải thích việc ông thường đến cầu nguyện bên tượng không phải chỉ để xin ơn chữa lành, mà còn vì đây là cách ông gởi gắm niềm tin, là chỗ để ông có thể đọc kinh như thói quen đi lễ thường ngày, mà giờ do nằm viện không thể thực hiện.
Đài Đức Mẹ trong khuôn viên bệnh viện Nhi Đồng 2
Bệnh viện Chợ Rẫy được xây dựng năm 1900 và có “tên Tây” là Hopital Municipal de Cholon, sau đổi thành Hopital Indigène de Conechine, và còn được đổi tên đôi ba lần nữa, toàn là tiếng nước ngoài. Những cái tên tiếng Tây dài dòng, khó đọc này chẳng mấy người nhớ. Hơn 100 năm nay, người dân vẫn gọi là bệnh viện Chợ Rẫy. Phía sau khuôn viên bệnh viện Chợ Rẫy có hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, đính tấm bảng ghi: “Bệnh viện Chợ Rẫy kính dâng Mẹ Maria nhân Đại hội Thánh Mẫu năm 1963”. Dù chỉ khiêm tốn một góc nhỏ nhưng hằng ngày, rất nhiều bệnh nhân và gia đình người bệnh tới thắp hương, cầu nguyện. Nằm điều trị bệnh đã lâu, chiều nào chị Lý (Long An) cũng đi bộ xuống lầu, đến tượng Mẹ đọc kinh. Chầm chậm bước tới trước tượng, chị nhẹ nhàng lần chuỗi Mân Côi. “Vào cảnh bệnh hoạn như thế này, tôi hết lòng nhờ Mẹ chuyển cầu xin điều lành. Không chỉ mình tôi ra đây, ngày nào cũng có người vô ra dâng hoa, lần hạt”, chị nói. Trong lúc đó, có người bưng đĩa trái cây ra cúng tạ ơn, một bà lớn tuổi khều khều, nhỏ nhẹ : “Cúng xong cho tui mấy trái táo nghe dì”. Người phụ nữ trẻ hơn có lẽ vừa khỏi bệnh hôm nay đến tạ, quay lại: “Chờ cháy hết nhang đã rồi lấy nghen chị”. Hằng ngày, những bệnh nhân nghèo như người đàn bà nọ vẫn nằm, ngồi la liệt trên dãy ghế đá quanh khu vực này để vừa cầu nguyện cho qua những cơn túng thiếu đau đớn, vừa chờ những đĩa hoa quả người trần tỏ lòng biết ơn Mẹ.
Tượng thánh Giuse trong bệnh viện Đa khoa Thủ Đức
Ngay cổng vào bệnh viện Mắt TPHCM hay còn quen được gọi là bệnh viện Xanh Pôn, phía đường Bà Huyện Thanh Quan, cũng có một đài Đức Mẹ. Dưới chân tượng là rất nhiều bảng tạ ơn của bệnh nhân hoặc người nhà họ. Đặc biệt có một biển ngay dưới chân tượng ghi : “Tạ ơn Đức Mẹ Maria đã cho con được các bác sĩ chữa lành đôi mắt....” . Theo một nhân viên bảo vệ lớn tuổi thì người viếng ngày nào cũng đông, hơn chục năm nay sáng sớm nào cũng có một người đàn ông trên đường đi làm tạt vào quét dọn, thắp nhang, châm nến... Trò chuyện cùng một người phụ nữ luống tuổi tên Hoa, người có cả con lẫn cháu bệnh nặng đang nằm phía trong, dù không có đạo nhưng bà rất xác tín : “Hằng ngày ra đây ngồi cầu nguyện cho cái tâm mình bình an, bình an để sống thêm ít nữa, lo cho mấy đứa con. Chỉ biết đặt hy vọng như vậy thôi cô ơi”...
Và còn rất nhiều góc tâm linh ở các bệnh viện khác vẫn có Mẹ lặng lẽ bình yên lắng nghe lời nhân gian cầu khẩn vượt qua nỗi khốn khổ của nhân sinh…
Song Minh| báo công giáo và dân tộc