Theo tạp chí The National Geographic, những gì mà các chuyên gia tạm thời quan sát được bên trong phần mộ Edicule cũng đã đủ để chứng minh rằng nơi đón du khách hành hương từ mọi góc ngách của địa cầu cũng chính là ngôi mộ đã được đại đế La Mã Constantine phát hiện hồi thế kỷ thứ 4. Edicule lấy từ tiếng Latin aedicule, có nghĩa là ngôi nhà nhỏ, được dựng lên xung quanh rìa đá từng đặt di hài của Chúa Giêsu sau vụ hành hình của quân La Mã vào năm 30 hoặc 33 sau công nguyên.
Cây Thánh giá của sự thật
Khi lần đầu tiên nâng bề mặt đá hoa cương sau 5 thế kỷ, các nhà nghiên cứu tìm được tấm đá vôi mà theo dữ liệu lịch sử ghi nhận từng đỡ lấy di hài của Chúa vào thời khắc đau buồn đó. Cùng được phát hiện là một tấm đá hoa cương thứ hai màu xám, hoàn toàn chưa từng được biết đến trước đây. Phía trên tấm đá có khắc một cây thập tự mà các chuyên gia cho rằng đã được đục đẽo hồi thế kỷ 12 bởi những người tham gia phong trào Thập tự chinh. Nhà khảo cổ học Fredrik Hiebert của tạp chí National Geographic, một đối tác của dự án, cho biết : “Điều tuyệt vời nhất đối với tôi là khi chúng tôi gạt bỏ lớp bụi đầu tiên và phát hiện được tấm đá hoa cương thứ hai. Tấm đá này màu xám chứ không phải màu kem như ở mặt ngoài, và chính giữa là một cây thập tự giá được khắc họa cực đẹp. Chúng tôi hoàn toàn không biết về sự hiện diện của nó trước đó”.
Nhà khảo cổ học cho biết nhà thờ này đã bị hủy hoại nhiều lần trong quá khứ bởi đủ loại nguyên nhân, từ hỏa hoạn, động đất và những cuộc xâm lăng qua nhiều thế kỷ. Đó là lý do chính đằng sau nỗi lo lắng của giới chuyên gia về khả năng mộ Edicule có thể bị di dời theo sự chuyển dịch của thời gian. Tuy nhiên, với phát hiện mới nhất, có vẻ như đội ngũ chuyên gia đã tìm được chứng cứ rõ ràng cho thấy địa điểm hiện tại đang đón nhận người hành hương trên toàn thế giới cũng chính là phần mộ đã được Đại đế La Mã Constantine tìm đến hồi thế kỷ thứ 4, và là nơi những người Thập tự chinh từng dập đầu lễ bái. Chuyên gia Hiebert kể một cách xúc động : “Khi nhận ra được mình đang tìm được cái gì, chúng tôi cảm thấy chân run cả lên”.
Tái dựng ảnh kỹ thuật số trong Mộ Thánh
Vào thời điểm mở cửa mộ để tu sửa, các lãnh đạo tôn giáo của Hy Lạp và Chính Thống giáo Armenia cũng như các tu sĩ dòng Phan Sinh là những người đầu tiên bước vào. Theo ông Hiebert, sau đó ai nấy đều bước ra với nụ cười xán lạn, những tu sĩ bước vào trong đợt kế tiếp cũng có phản ứng tương tự : “Chúng tôi ai nấy đều hết sức tò mò. Khi đến lượt mình bước vào, chúng tôi nhìn quanh và thấy nhiều mảnh vụn. Nên có thể nói ngôi mộ này không rỗng, dù chẳng có đồ tạo tác hoặc hài cốt bên trong”
.
Ảnh: Dailymail
Các nhà nghiên cứu đã tham gia vào những cuộc thảo luận kể từ năm 1959 nhằm quyết định liệu có nên mở cửa mộ để thực hiện dự án trùng tu đóng vai trò then chốt đến sự tồn vong của Edicule, nhưng phải đến gần đây, các bên mới đạt được sự thống nhất. Chuyên gia Hiebert nói mọi thứ tại đây đều phải được thông qua ủy ban giám sát, thậm chí việc đốt một cây nến cũng mất rất nhiều thời gian : “Có một cái thang kế bên cổng chính của nhà thờ chưa từng được di chuyển trong khoảng 240 năm, và họ cũng chưa đạt được quyết định chính thức về việc xử lý cái thang này, nên ai nấy đều gọi đây là “thang bất động”. Do vậy, việc mở cửa mộ được xem là thắng lợi vô cùng to lớn sau công cuộc điều đình và đàm phán mệt mỏi giữa các bên”.
Nhờ vào công nghệ hiện đại, các chuyên gia đã sử dụng radar xuyên lòng đất và các máy quét ghi ảnh nhiệt để thu thập thông tin bên trong phần mộ trước khi mở cửa. Dữ liệu thu được quá lớn và cần phải mất nhiều tháng phân tích, nhưng đội ngũ nghiên cứu hy vọng sẽ sớm dựng được mô hình ảo cho công chúng thưởng lãm. Một số hình ảnh tại hiện trường đã được chia sẻ trên báo chí Anh hồi tuần trước, và dự kiến công tác trùng tu với số tiền đóng góp lên đến 3,7 tỷ USD sẽ tiếp tục được thực hiện vào đầu năm 2017.
Nhà thờ Mộ Thánh trực thuộc quyền kiểm soát của 6 tôn giáo. Trong đó, 3 nhóm chính có sự hiện diện thường trực là giáo hội Công giáo, giáo hội Chính Thống giáo Hy Lạp và giáo hội Chính Thống giáo Armenia. Cấu trúc của Edicule luôn gây quan ngại trong nhiều thập niên sau trận động đất vào năm 1927 gây hủy hoại đáng kể cho di tích quan trọng này, buộc nhà chức trách Anh thời đó phải gia cố nhà thờ bằng những vật dụng không thích hợp. Sau nhiều năm tranh cãi, Thượng phụ Chính Thống giáo Hy Lạp tại Jerusalem đạt được thỏa thuận với hai nhóm chủ chốt khác trong việc mời các chuyên gia của Đại học kỹ thuật quốc gia Athens nghiên cứu Edicule. Vào tháng 3.2016, các bên liên quan quản lý nhà thờ Mộ Thánh đã đồng ý cho phép trùng tu mộ.
Ảnh: Dailymail
Các nhà nghiên cứu đã tham gia vào những cuộc thảo luận kể từ năm 1959 nhằm quyết định liệu có nên mở cửa mộ để thực hiện dự án trùng tu đóng vai trò then chốt đến sự tồn vong của Edicule, nhưng phải đến gần đây, các bên mới đạt được sự thống nhất. Chuyên gia Hiebert nói mọi thứ tại đây đều phải được thông qua ủy ban giám sát, thậm chí việc đốt một cây nến cũng mất rất nhiều thời gian : “Có một cái thang kế bên cổng chính của nhà thờ chưa từng được di chuyển trong khoảng 240 năm, và họ cũng chưa đạt được quyết định chính thức về việc xử lý cái thang này, nên ai nấy đều gọi đây là “thang bất động”. Do vậy, việc mở cửa mộ được xem là thắng lợi vô cùng to lớn sau công cuộc điều đình và đàm phán mệt mỏi giữa các bên”.
Nhờ vào công nghệ hiện đại, các chuyên gia đã sử dụng radar xuyên lòng đất và các máy quét ghi ảnh nhiệt để thu thập thông tin bên trong phần mộ trước khi mở cửa. Dữ liệu thu được quá lớn và cần phải mất nhiều tháng phân tích, nhưng đội ngũ nghiên cứu hy vọng sẽ sớm dựng được mô hình ảo cho công chúng thưởng lãm. Một số hình ảnh tại hiện trường đã được chia sẻ trên báo chí Anh hồi tuần trước, và dự kiến công tác trùng tu với số tiền đóng góp lên đến 3,7 tỷ USD sẽ tiếp tục được thực hiện vào đầu năm 2017.
LING LANG
Nguồn: Báo Công Giáo và Dân Tộc