Vô tình ghé mắt nhìn và lật giở từng trang báo “Công giáo và dân tộc” số 2029, tôi thích thú và tâm đắc với đoạn viết như sau: “Người nữ tu thánh hiến là một người mẹ và phải là một người mẹ, chứ không phải là một cô gái già!” Đặc tính “mẹ” của đời sống thánh hiến rất quan trọng, hãy trở thành những người mẹ, như hình ảnh của Đức Maria là Mẹ của Giáo Hội (trích huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hiệp hội Quốc tế các nữ tu Bề trên Tổng Quyền (UISG) tại Rôma).
Tự tặng cho mình một nụ cười nho nhỏ và suy nghĩ về từ “ mẹ” và “cô gái già”, thoáng nghe thì đơn giản nhưng để sống thì thật khó. Tôi thấy tự hào khi Việt Nam vẫn có số lượng ơn gọi nhiều hơn các nước khác. Dần dần thì các bạn trẻ cũng đã đặt ra cho mình đúng mục đích và lí tưởng sống. Không chọn mức sống gia đình để trở thành vợ hiền và có đoàn con ngoan, nhưng họ đã mạnh dạn chọn nếp sống tu trì.uảTuy nhiên, hạnh phúc mà những người phụ nữ này có được là họ cũng được mang tước hiệu “mẹ” trong mình. Không mang nặng vai trò của một người mẹ như ở đời, nhưng tôi thấy rằng sự hy sinh của những nữ tu đôi khi còn nặng gánh hơn cả một người mẹ. Là người nữ tu hiền lành, thánh thiện, dịu dàng chưa đủ, mà quan trọng họ phải có lòng yêu thương cách quảng đại và sẵn sàng hy sinh tất cả vì mọi người. “Lòng nhân hậu của người phụ nữ luôn luôn nhạy cảm trước nỗi khổ đau bất hạnh của người khác, là hiện thân của lòng thương xót Chúa Kitô”(10 tiêu chuẩn về một phụ nữ đạo hạnh và tốt lành của Đức Cha Phaolo Bùi Văn Đọc).
Làm sao để có thể cảm thông với mọi nỗi khổ của người khác? Chúng ta phải đọc được trái tim của những người mà chúng ta gặp gỡ muốn nói gì. Phận nữ nhi chân yếu tay mềm, nhưng có những hoàn cảnh buộc người nữ tu phải mang luôn cả bổn phận của một người cha, người thầy để chăm sóc cho đoàn con thiêng liêng mà mình phục vụ, đôi khi còn phải mang trong mình cả trái tim sắt đá nữa để có thể răn dạy. Tôi cảm phục trước tình yêu vô bờ bến của họ, động lực nào để họ có thể làm được những việc lớn lao như thế? Tác giả Heywood đã khẳng định rằng: “Không có gì là không làm được với một trái tim đầy nhiệt tâm”. Chỉ cần yêu thôi là đủ, phải không? Điều này có vẻ không khó nhưng không phải ai cũng làm được. Bộ phim về Chân Phước Mẹ Têrêsa đã để lại ấn tượng trong tôi với hình ảnh Mẹ tiếp xúc và chữa lành vết thương đã bị dòi bọ ăn sâu của người bị thương tật lâu ngày. Giật mình khi thấy Mẹ ôn tồn, nhẹ nhàng chăm sóc. Hay hình ảnh của những người nữ tu đi truyền giáo ở các vùng xa xôi hẻo lánh, thiếu thốn, chật vật, có thể họ thiếu vật chất nhưng tinh thần lại dư tràn sức sống. Trái tim họ luôn tràn đầy tình yêu nên không bao giờ họ than thở. Ra đi khỏi chính mình, nơi mình được an toàn bao bọc để trở nên khí cụ phục vụ Chúa và mọi người cách đắc lực. Lòng bác ái phải luôn ngự trị trong con người của người tu sĩ, dâng hiến không chỉ tuổi xuân mà luôn cả sức lực, tất cả những gì mình có. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng: “Sự dâng hiến nào cũng phải là sự dâng hiến của một trái tim nhiệt tình, bừng cháy lên ngọn lửa yêu mến, ‘vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây phải thiệt thân’ (Tv 69)”. Phải biết sống với trái tim biết yêu thương và hãy cùng hòa nhịp đập với những trái tim cần chia sẻ.
Còn bao nhiêu điều kì diệu nữa về người nữ tu mà tôi chưa khám phá hết được. Tôi ước ao rằng tôi cũng sẽ có trái tim của một người “mẹ” chứ không phải là trái tim của một “cô gái già”. Thiên Chúa thật là Đấng tuyệt mỹ và đầy yêu thương, khi trao ban cho người phụ nữ có được những nhân đức như thế. Hãy làm “mẹ” để luôn cảm nhận được sự đau khổ, yếu đuối của những người con. Hãy lấp đầy những trái tim lạnh giá, tan vỡ bằng tình yêu từ trái tim bằng thịt.
Anna Nguyễn Phương Uyên - Dòng Đa Minh Tam Hiêp