Headlines
Loading...
Năm Thánh Lòng Thương Xót : Hàng ngày hãy hành hương trong chính gia đình mình

Năm Thánh Lòng Thương Xót : Hàng ngày hãy hành hương trong chính gia đình mình


Trước khi tờ lịch cuối cùng của năm 2015 được gỡ bỏ, tại Vatican vào Chúa nhật 27.12, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cử hành thánh lễ cho các gia đình để đánh dấu Năm Thánh Lòng Thương Xót. Đức Giáo hoàng nói:“Chúng ta học cách tha thứ ở trong gia đình. Các gia đình nào sống vui với đức tin thì cũng giống như làm chất men cho xã hội”.

Ý nghĩa nhân bản sâu sắc trong bài giảng ấy là Đức Phanxicô trao cho chúng ta một cách hiểu mới mẻ về hai chữ hành hương (pilgrimage). Thật vậy, qua bài giảng ấy, chúng ta lãnh hội rằng hành hương không chỉ là đi đến một chốn linh thiêng vào một thời điểm nào đó trong năm; trái lại, hành hương cần được thực hiện hàng ngày trong gia đình chúng ta, bằng cách đối xử với nhau đầy thương yêu giữa cuộc sống đời thường.

Tôi chuyển ngữ sau đây bài tường thuật của Mauro Pianta,(1) đăng trên Vatican Insider ngày 27.12.2015, để chúng ta cùng suy gẫm lời giảng của Đức Phanxicô về “chất men cho xã hội” hôm nay, trong thực trạng phần lớn giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình đang phôi pha. (HK)


Đức Phanxicô nói: “Chúng ta chớ mất lòng tin vào gia đình ! Đẹp thay khi chúng ta luôn luôn có thể rộng mở lòng mình đối với nhau, và không giấu giếm điều gì. Nơi nào có tình yêu thương, nơi đó cũng có thấu hiểu và tha thứ”.

Trước các gia đình ở Rôma và những người hành hương có mặt tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng nói: “Các gia đình thân mến, cha phó thác cho tất cả các con sứ mạng quan trọng nhất này, là cuộc hành hương dưới mái nhà các con trong cuộc sống gia đình hàng ngày; thê giới và Giáo hội hiện nay lại cần sứ mạng này nhiều hơn bao giờ hết”.

Nhắc tới chuyến hành hương Giêrusalem của Thánh Gia, Đức Giáo hoàng vạch rõ: “Quan trọng biết bao khi gia đình chúng ta cùng đồng hành tới một mục tiêu duy nhất ! Chúng ta đều biết rằng chúng ta có một con đường để cùng đi với nhau, một con đường trên đó chúng ta gặp những khó khăn, nhưng cũng hưởng được những lúc hân hoan khuây khỏa. Và qua cuộc hành hương bằng cách sống với nhau, chúng ta cũng san sớt cho nhau những lúc nguyện cầu”.

Đức Phanxicô tiếp tục: “Một người cha, một người mẹ chúc lành cho con cái vào đầu ngày và cuối ngày, làm dấu thánh giá lên trán con cái, như đã làm trong lễ rửa tội cho con trẻ - thử hỏi còn điều gì có thể đẹp hơn thế không? Đây chẳng phải là lời cầu nguyện đơn sơ nhất mà những người làm cha làm mẹ có thể trao tặng con cái hay sao? Chúc lành cho con cái, nghĩa là tín thác chúng cho Chúa, giống hệt như ông bà Elkanah và Anna,(2) như ông bà Giuse và Maria, để Chúa có thể chở che và nâng đỡ con trẻ suốt cả ngày hôm ấy”.

Đức Giáo hoàng nhấn mạnh: “Điều quan trọng đối với các gia đình là cùng nhau đọc một bài kinh ngắn trước bữa ăn, để tạ ơn Chúa đã ban bố những tặng vật này và để học cách đem những gì mình nhận được mà san sẻ cho những ai đang cần nhiều hơn. Những điều này là những cử chỉ nhỏ nhặt, tuy nhiên chúng hướng đến một vai trò to tát của gia đình nhằm đào luyện mọi người trong cuộc hành hương bằng cách sống với nhau mỗi ngày”.

Xoáy vào việc Chúa Giêsu quay về Nadarét sau cuộc hành hương Giêrusalem, Đức Phanxicô nói: “Cuối cuộc hành hương, Chúa Giêsu trở về Nadarét và sống vâng lời cha mẹ. Hình ảnh này cũng chứa đựng một giáo huấn đẹp về các gia đình chúng ta. Một cuộc hành hương không kết thúc sau khi chúng ta đã đến nơi, mà khi trở về nhà tiếp tục cuộc sống thường ngày, chúng ta đem ra thực hành các hoa trái tâm linh đã trải nghiệm được”.

Đức Phanxicô nhắc nhở: “Chúng ta biết Chúa Giêsu đã làm những gì trong trường hợp đó. Thay vì quay về nhà với gia đình, Chúa nán lại Giêrusalem, trong Đền Thờ, khiến cho Đức Mẹ và Thánh Giuse rất đỗi lo lắng vì không sao tìm thấy bóng dáng con mình. Vì lỗi ‘trốn nhà’ tí tẹo này, có lẽ Chúa Giêsu đã phải xin cha mẹ tha thứ. Kinh Thánh không chép việc Chúa cầu xin tha lỗi, nhưng cha tin rằng chúng ta có thể đoán biết sự tình như vậy. Hơn nữa, câu hỏi của Đức Mẹ hàm chứa một lời quở trách nào đó, bộc lộ nỗi lo lắng và khổ sở trong lòng Đức Mẹ và Thánh Giuse(3). Khi trở về nhà, chắc chắn Chúa Giêsu vẫn gần gũi với hai đấng, như là một dấu chỉ cho thấy tình thương trìu mến và vâng phục trọn vẹn của Giêsu”.


Đức Phanxicô kết luận: “Trong Năm Thánh Lòng Thương xót, mỗi gia đình Kitô hữu có thể trở nên một nơi chốn đặc ân dành cho cuộc hành hương trải nghiệm niềm vui của tha thứ. Tha thứ là tinh túy của tình yêu, nó có thể thấu hiểu được các lỗi lầm và sửa sai lầm lỗi. Chúng ta sẽ đáng thương, khốn khổ biết bao nếu như Thiên Chúa không tha thứ chúng ta ! Trong phạm vi gia đình, chúng ta học cách thứ tha, bởi vì chúng ta chắc chắn rằng chúng ta được [Thiên Chúa] thấu hiểu và nâng đỡ, bất kể chúng ta phạm lỗi lầm gì đi nữa”.

Đức Phanxicô nói: “Niềm vui chân thật được cảm nhận trong gia đình vốn chẳng hề ngẫu nhiên hay tình cờ. Niềm vui này là kết quả của sự hòa hợp thâm sâu giữa mọi người, thể hiện cái đẹp biết bao khi sống bên nhau, nâng đỡ lẫn nhau trên hành trình kinh qua cuộc sống. Thiên Chúa luôn luôn ngự trị tại tâm điểm niềm vui này, với tình thương của Ngài là chào đón, thương xót, và nhẫn nại với tất cả mọi người. Nếu gia đình không mở cửa ra đón nhận sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa, thì gia đình đánh mất hòa hợp, rồi chủ nghĩa cá nhân choán chỗ và niềm vui không còn. Trái lại, gia đình nào sống vui, niềm vui đức tin, đồng thời truyền đi niềm vui đó, thì gia đình ấy là muối của đất và là ánh sáng của thế gian, là chất men cho toàn xã hội”.

Xem Thánh Gia là “trường học” cho các gia đình thời nay, Đức Giáo hoàng bảo: “Đối với mọi tín hữu, và nhất là đối với các gia đình, thì gia đình của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse là ngôi trường chân chính rao giảng Tin Mừng. Mọi gia đình đều có thể nhìn vào tấm gương của Thánh Gia và rút ra từ đó những ẩn ý có thể hữu ích cho nếp sống và những chọn lựa trong đời sống. Mỗi gia đình có thể rút tỉa sức mạnh và khôn ngoan từ Thánh Gia để tiếp tục hành trình hàng ngày của mình”.

Ngài nói thêm: “Đức Mẹ và Thánh Giuse dạy chúng ta hãy đón nhận con cái mình như món quà Thiên Chúa ban tặng, hãy sinh con và nuôi dạy chúng sao cho hòa hợp với công việc của Đấng Tạo Hóa, và qua mỗi đứa trẻ hãy trao cho thế gian này một nụ cười mới”.

Đức Phanxicô nói: “Chính trong các gia đình hiệp nhất, con cái lớn lên và trưởng thành, sống trong sự trải nghiệm đầy ý nghĩa và hữu hiệu về tình yêu với tràn trề biết ơn, đức dịu dàng, lòng tương kính, thấu hiểu lẫn nhau, tha thứ và hân hoan”.

Rồi ngài kết thúc bài giảng: “Cầu nguyện Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse ban phúc lành và bảo vệ tất cả các gia đình trên thế gian này, để cho thanh thản và hân hoan, công lý và an bình mà Chúa Kitô khi sinh ra đã mang tặng loài người, chúng được ngự trị trong các gia đình”.

Sau khi cảm ơn một nhóm thiếu nhi ca hát trên quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng tạm biệt: “Cha gởi lời chào nồng ấm đến tất cả mọi gia đình trên quảng trường. Cha cảm ơn các con đã làm chứng tá. Cầu xin Chúa ở cùng các con, nâng đỡ các con với ơn Chúa trên những nẻo hành trình của các con hàng ngày”.

Huệ Khải - Báo Công Giáo và Dân Tộc

___________________________________________

(1) http://www.lastampa.it/2015/12/27/vaticaninsider/eng/the-vatican/francis-let-us-not-lose-confidence-in-the-family-ZEBdrJew2DzP7q7e0DmAQN/pagina.html

(2) Elkanah được chép trong 1 Samuel 1. Còn Anna tức là Hannah, một trong hai bà vợ của Elkanah, mẹ nhà tiên tri Samuel. (HK chú)

(3) Luca (2:46,48) chép: “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. (...) Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (HK chú).