Nhiều người “mờ mắt” vì các lời thuyết phục đa cấp đã vận động, thuyết phục chủ yếu là họ hàng, người thân và chòm xóm cùng tham gia mạng lưới.
LTS: Thời gian gần đây, nhiều công ty đa cấp lôi kéo nhiều người tham gia vì số tiền lời hứa hẹn quá "khủng" và cách thức mới mẻ hơn rất nhiều so với mô hình truyền thống.
Mới đây, một số thành viên Câu lạc bộ (CLB) Chăm sóc sức khỏe cộng đồng BM (quận Tân Bình, TP.HCM) phản ánh CLB này lôi kéo nhiều người đóng tiền để làm mã số rồi chờ tiền lời từ hệ thống đa cấp “rơi” xuống. Nhưng sau đó CLB chỉ trả tiền vài tháng đầu rồi ngưng.
Trước đó, họ được các thành viên cũ của CLB thuyết phục rằng sau vài tháng có thể kiếm được hơn trăm triệu đồng. Họ đóng tiền lấy 1-2 món sản phẩm tượng trưng, quan trọng nhất là phải mời được người mới vào hệ thống đóng tiền.
Hốt tiền rồi... đóng cửa
Ông TVĐ (TP.HCM) được một người giới thiệu vào CLB BM và khẳng định đây là cơ hội kiếm tiền theo mô hình kinh doanh “tiên tiến nhất thế giới”. Tháng 4-2014 gia nhập CLB BM, ông Đ. đóng 2 triệu đồng và được giao hai hũ thuốc thực phẩm chức năng và một mã số. Mã số của ông được đưa lên trang web trực tuyến của CLB để theo dõi.
Ông Đ. cho biết theo “hướng dẫn” thì ông không cần phải bán sản phẩm mà phải lôi kéo thêm người mới tham gia là có tiền. Theo lý thuyết thì tháng đầu tiên ông sẽ được trả 4 triệu đồng. Cứ 10 ngày kế tiếp ông lại được lãnh số tiền gấp đôi. Đến tháng thứ ba ông sẽ được lãnh 128 triệu đồng và tặng thêm một mã số khác. Ngoài ra, CLB còn có gói 30 triệu đồng với lợi nhuận cao gấp nhiều lần.
Tham gia CLB trên, ông Đ. gác hết công việc và lao vào tìm thêm khách hàng mới. Trong số những người được ông Đ. thuyết phục có một người bà con lấy hết số tiền dành dụm là 16 triệu đồng tham gia “làm ăn lớn”. Sau ba tháng lôi kéo nhiều người vào CLB nhưng ông Đ. không được trả tiền như lời hứa ban đầu. CLB nhiều lần báo dời ngày trả tiền. Đến tháng 7-2015, ban chủ nhiệm CLB không còn ở trụ sở và thường xuyên tắt máy. Ông Đ. và những người khác kéo đến CLB nhiều lần để đòi tiền nhưng không được.
Tương tự, bà NTL (quận 3, TP.HCM) cho biết bà giấu gia đình đóng đến 240 triệu đồng vào CLB trên. Sau đó, bà thu hồi vốn chỉ được hơn 100 triệu đồng thì bị “xù”. Vậy nhưng trước khi sự việc vỡ lở, bà L. đã kéo người bạn là bà NTO đóng 100 triệu đồng. Kế đến, bà NTO kéo thêm nhiều họ hàng ở quê vào với mức từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/người.
… Đến nay CLB thường xuyên đóng cửa. Nhiều người gọi điện thoại cho bà Phan Thị Liệu, ban chủ nhiệm CLB, thì không liên lạc được. Bà NTO bị nhiều người ở quê gọi điện thoại đòi tiền nên rầu rĩ: “Giờ không biết ăn nói làm sao với họ”.
Nhiều người đến đòi tiền CLB BM nhưng không được. Ảnh: HỒNG MINH |
Đóng 2 triệu, thu… 31 tỉ đồng
Bà VDD (quận 6, TP.HCM) nói: “Nghe một người bạn tư vấn về “hụi hỗ trợ người nghèo” của một số công ty, tôi tham gia “đầu tư”. Sau ba tháng chơi hụi với hơn chục triệu đồng, tôi thu về được gần 5 triệu đồng. Sau đó công ty không trả tiền nữa. Nhiều người thân, bạn bè nhờ tôi chơi giùm cũng bị mất tiền nên không nhìn mặt tôi nữa”.
Theo đó, bà VDD được bạn thân mời chơi hụi ở Công ty Quản lý Tư vấn Kinh doanh TH (quận Gò Vấp, TP.HCM) với lời giới thiệu: “Đây là hình thức chơi hụi hỗ trợ người nghèo làm giàu chính đáng, được Nhà nước bảo hộ”. Người tham gia mỗi tháng đóng 1 triệu đồng và sau đó phải “chiêu dụ” được ba người mới vào làm cấp dưới, công ty sẽ trả 2,4 triệu đồng. Nếu bà D. xây dựng được đủ 12 tầng đa cấp, tương đương với hơn 500.000 người chơi thì người chơi sẽ được trả… vài chục tỉ đồng.
Vậy là bà VDD mời được vài người thân thiết tham gia, trong số đó có những người nghèo là bà con của bà VDD ở quê. Tuy nhiên, một vài “cấp dưới” của bà không tìm được người mới trong thời gian quy định. Thế là họ bị “đánh rớt” khỏi hệ thống và không nhận được tiền công, cũng không đòi lại được tiền đã đóng.
Sau đó, công ty chấm dứt chương trình hụi nhưng chuyển qua lập “chương trình hỗ trợ nhân dân”. Mô típ vẫn theo cách thức cũ là đóng tiền rồi kiếm, thu nạp “chân rết” tham gia kiểu đa cấp. Đầu tháng 8-2015, chúng tôi đến Công ty TH xin tham gia hụi. Tư vấn viên của công ty tên Ph. nói: “Hụi cũ ngưng rồi, bây giờ công ty có chương trình hỗ trợ hay hơn. Chị chỉ cần đóng 1.990.000 đồng, xây dựng đủ 12 tầng thì sẽ được lãnh tới… hơn 31,8 tỉ đồng (?!)”.
Người này cũng cho biết thêm công ty mở chương trình từ tháng 6-2015 ở TP.HCM và đến nay đã có hàng ngàn người tham gia. Còn ở phía Bắc đến nay đã có trên 20.000 hội viên.
“Mạng lưới của anh có cán bộ huyện, tỉnh”
Ở Chi nhánh Công ty Cổ phần VP (quận Tân Bình, TP.HCM; trụ sở chính ở Hà Nội) còn có “quỹ đa cấp”, là quỹ hỗ trợ và quỹ doanh nhân. Hai người ra tiếp chuyện xưng là ông NVH, Chủ tịch HĐQT và ông NDH, Trưởng Chi nhánh phía Nam.
Ông NVH không vội vã thuyết phục chúng tôi mà cẩn thận kiểm tra các thông tin bằng một loạt câu hỏi: Ai giới thiệu đến? Người giới thiệu còn tham gia hay không? Trước đó đã tham gia công ty đa cấp nào chưa?... Lần lượt trả lời các câu hỏi trên, ông NVH nói: “Trên thế giới có loại hình đầu tư này rồi nhưng ở Việt Nam thì công ty tôi đi tiên phong. Làm nghề này phải có cái tâm”.
Hai người này cũng đưa ra “thể lệ”. Cụ thể, để trở thành hội viên “quỹ doanh nhân” thì phải đóng 10 triệu đồng tham gia. Đóng tiền xong sẽ có một mã số. Sau đó, mỗi người mời thêm ba người nữa vào hệ thống làm cấp dưới sẽ được công ty trả cho 24 triệu đồng. Mỗi người vào sau lại tiếp tục mời thêm ba thành viên mới tham gia, cấp trên lại có thêm tiền thưởng. Ngoài ra, công ty này còn có loại “quỹ hỗ trợ” với mức phí thành viên thấp hơn. Ông NDH tư vấn: “Thu nhập của anh mỗi tháng vài trăm triệu đồng. Mạng lưới của anh phát triển khắp các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Lắk, Bình Dương… Trong mạng lưới của anh có nhiều người là cán bộ ở huyện, ở tỉnh. Bây giờ công ty có chương trình mới rồi, em vô tham gia sớm sẽ chỉ đứng sau anh, người ta vô sau sẽ là cấp dưới của em”.
Bể hụi, vẫn “thuốc” người mới Tại một cuộc họp giữa Công ty VP và các đại diện chi nhánh gần đây, nhiều người bày tỏ bức xúc đòi lại tiền. Một “nhà đầu tư” tên Th. nói: “Tôi bỏ cả trăm triệu đồng tham gia, rủ nhiều người thân, hàng xóm, họ hàng tham gia. Ban đầu công ty trả tiền đều đặn, ai cũng lãnh được cả số tiền lớn nhưng sau đó thì ngưng. Một “nhà đầu tư” khác cho chúng tôi biết đã báo Công an phường (nơi chi nhánh Công ty VP trú đóng) về câu chuyện này. Dù vậy, hôm sau chúng tôi đề nghị ông Th. tư vấn để tham gia quỹ. Ông Th. lại vui vẻ đồng ý. Chúng tôi hỏi: “Hôm qua có cuộc họp căng thẳng vậy, liệu đóng tiền tham gia có thu lại được không?”. Ông Th. nói: “Không, công ty này tử tế lắm, chú chơi nhiều tiền lắm đâu có sợ gì đâu. Nghe người ta làm gì”. Tương tự, khi chúng tôi hỏi ông NDH (Trưởng Chi nhánh phía Nam Công ty VP) sao bị các hội viên cho là lừa họ, ông NDH nói: “Nếu em còn muốn theo nghề này để anh giới thiệu em chơi ở một công ty mới. Họ làm rất có tâm, lần này anh nói thật”. “Nhào vô sớm, hốt được nhiều” “Đã xác định chơi với đa cấp là phải liều và phải có mánh. Nơi nào mới mở mình nhào vô liền. Mình vô đầu tiên thì họ phải trả tiền và khi đã được một cục tiền rồi, nếu có lời rồi thì bể cũng được. Bạo phát bạo tàn thôi, cái nào dễ kiếm tiền nhanh thì dễ sụm. Chị cũng khuyên em cứ vô, giờ vô còn hốt được” - bà NTL bị “âm” 200 triệu đồng sau khi đầu tư vào CLB BM đã thẳng thắn nói như trên để rủ rê người khác tham gia công ty đa cấp khác. |
Theo Theo H.Minh-N.Hoàng (Pháp Luật TP HCM)
Tags:
Kinh Tế