NGHỊCH LÝ: Bảo hiểm y tế cao hơn học phí

Khai giảng năm học mới, phụ huynh học sinh lại trĩu nặng nỗi lo các khoản phí. Đặc biệt, năm nay phí bảo hiểm y tế bỗng dưng tăng vọt gấp 1,5 lần khiến những người dân nghèo, nhà nhiều con phải còng lưng gánh phí.
Không có trích phần trăm, hoa hồng
Anh Đinh Văn Định, có hai con đang học lớp 4 và lớp 8 tại hai trường trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Mới đầu năm, mỗi cháu đã tốn gần 5 triệu tiền các khoản ngoài học phí. Hai vợ chồng với đồng lương công chức, ở nhà thuê, thật quá khó khăn lo đóng tiền học cho hai con”, anh Định nói.
 
Học sinh náo nức ngày khai trường, phụ huynh lo lắng với các khoản phải nộp. Ảnh: Hồng Vĩnh
Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội cho rằng, với mức đóng bảo hiểm y tế như hiện nay, học sinh phải đóng tiền bảo hiểm còn cao hơn cả tiền học phí. Bởi mức học phí các trường công lập ngoại thành khoảng 20.000 đồng/ học sinh/ tháng, các trường công lập nội thành mức học phí 40.000 đồng/ học sinh/ tháng. Như vậy, mỗi năm học, học sinh chỉ đóng học phí khoảng 200-400 nghìn đồng. “Mà đi học thì tiền  đóng học là chủ yếu, ai lại đóng bảo hiểm cao hơn học phí như thế”, vị hiệu trưởng này nói.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường Lương Thế Vinh cho biết, hiện nay trường mới chỉ tiếp nhận thông tin chứ chưa bắt đầu thu. Theo ông Cương, mức bảo hiểm đối với học sinh như trước kia đã là cao, năm nay ngành y tế điều chỉnh lên hơn 400 nghìn đồng/em là quá cao. Ông Cương cho biết: “Những năm trước trường thu bảo hiểm trực tiếp với học sinh các lớp, sau đó đơn vị bảo hiểm trực tiếp đến thu tại trường. Không có chuyện trích phần trăm hay có khoản hoa hồng nào”, ông Cương nói.
Ông Cương cho rằng, nên có sự điều chỉnh để phù hợp hơn đồng thời mỗi học sinh chỉ nên tham gia một loại bảo hiểm. “Ví dụ, em đã tham gia bảo hiểm thân thể do gia đình mua thì không cớ gì bắt em đó phải tham gia tiếp bảo hiểm y tế trường học nữa”, ông Cương nói.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính Bộ GD&ĐT cho hay, năm học 2015-2016 bắt đầu áp dụng Luật Bảo hiểm y tế mới với mức đóng cao hơn. Những năm trước, học sinh chỉ đóng BHYT theo các tháng trong năm học, năm nay luật quy định đóng 15 tháng, trong đó có thể chia làm nhiều đợt. Cũng theo ông Quang, mức đóng bảo hiểm năm 2014 trở về trước 3,3%, hiện nay tăng lên đến 4,5% lương tối thiểu. Nhóm học sinh, sinh viên đóng 70%  của mức này cũng là khá cao. Ông Quang cho rằng, bảo hiểm y tế được thực hiện theo luật bảo hiểm nên ngành giáo dục cũng chỉ thu hộ ngành y tế mà thôi, không thể có sự điều chỉnh.
Bức xúc với phí bảo hiểm
Nhiều phụ huynh có con đang theo học tại trường tiểu học Võ Văn Tần, quận 12 (TPHCM) thắc mắc khi phải đóng phí bảo hiểm y tế với giá cao. Chị H, có con đang theo học lớp 3 tại trường này cho biết: “Khi thấy con đưa giấy thông báo mới đọc sơ qua thì các khoản phí hầu như không thay đổi, trường không bắt buộc con mua sách vở hay những vật dụng khác trong trường. Nhưng rất bất ngờ khi phí bảo hiểm năm nay gần như gấp đôi năm ngoái”. Là một lao động nghèo, có hai con theo học lớp 2 và lớp 6 nên chị Nguyễn Thị Huệ, công nhân Cty Posico ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 thấy đóng phí bảo hiểm y tế cho hai con hơn 1 triệu đồng nên choáng váng. “Năm học trước hai con tôi chỉ đóng 580 nghìn nhưng nay lên hơn 1 triệu đồng. Với đồng lương èo uột mà đầu năm phải đóng đủ thứ phí, lại cao như vậy nên rất vất vả”- chị Huệ nói.
 
Bước vào đầu năm học, học sinh lại phải bỏ tiền đóng nhiều khoản phí

Trong khi đó, anh T.P.V. – một phụ huynh có con đang theo học lớp 2 tại trường tiểu học Chính Nghĩa ở quận 5 bức xúc khi năm học trước, tiền bảo hiểm y tế chỉ có 380 nghìn đồng/năm. Nhưng năm nay, theo anh V. phụ huynh phải đóng 544 nghìn đồng. “Tôi đã thắc mắc và được giải đáp là số tiền 544.000 đồng đó là phí cho 15 tháng bảo hiểm thay vì 12 tháng so với năm trước”- anh V. nói. Nhiều phụ huynh có con học ở Trường tiểu học Đông Ba, quận Phú Nhuận cũng “không rõ lý do” vì sao lại đóng phí bảo hiểm y tế cao chót vót như vậy cho đến khi đến văn phòng nộp tiền mới biết thu luôn 15 tháng.
Trao đổi với Tiền Phong hôm qua 6/9, đại diện Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết năm học này trùng với thời điểm chuyển tiếp bảo hiểm y tế theo năm học sang bảo hiểm y tế theo năm tài chính nên tính nộp thành 15 tháng, thay vì 12 tháng như trước đây. Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội TPHCM, mức đóng bảo hiểm y tế tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở là 1.150 nghìn đồng. Như vậy, số tiền phải đóng là 776.250 đồng, trong đó học sinh đóng 70% nên số tiền cần đóng là 543.375 đồng. “Đến năm 2017 sẽ thu lại bình thường theo năm tài chính là 12 tháng”- ông Cao Văn Sang- Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM nói.
Theo ông Cao Văn Sang, hiện Bảo hiểm xã hội TPHCM và Sở GD&ĐT TPHCM đã thống nhất học sinh nào khó khăn sẽ đóng thành 2 đợt. Đợt 1 đóng trước 6 tháng từ 1/10 đến 31/3/2016, sau đó đóng tiếp 9 tháng còn lại. Riêng học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo thì không mua bảo hiểm y tế nữa vì các em đã được cấp thẻ bảo hiểm miễn phí theo diện rồi.
Quỹ BHYT học sinh, sinh viên không chi trả hết
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, đây là năm đầu tiên học sinh, sinh viên thực hiện theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật BHYT. Việc nâng mức đóng BHYT nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Khi đi khám chữa bệnh BHYT, học sinh vẫn được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh, đồng chi trả 20%, trừ nhóm thuộc hộ gia đình nghèo, cận ngheo. Đây là nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại 70% học sinh phải tự trả.  Mức đóng này có thể giảm dần tùy theo sự hỗ trợ của địa phương. Đối với học sinh, sinh viên, ngoài việc Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, quyền lợi của các em còn được hưởng hơn những người khác. Cụ thể, học sinh sinh viên được dùng một phần kinh phí để chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường. Các trường hợp thuộc hộ nghèo, đã tham gia BHYT theo hộ nghèo vẫn được cấp thẻ miễn phí. Hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70%.
 
Giấy báo các khoản thu đầu năm học của học sinh tiểu học

Bà Hương cho biết thêm, số tiền học sinh sinh viên đóng BHYT hàng năm không chi trả hết nhưng được điều tiết sang các đối tượng khác cũng tham gia BHYT. Tuy nhiên, bà Hương thừa nhận, việc thực hiện BHYT trong năm nay sẽ hơi khó khăn cho các gia đình do mức đóng tăng và thu BHYT theo năm tài chính, tức là đóng 15 tháng trong năm học này. Do đó để giảm bớt khó khăn, học sinh sinh viên có thể đóng tiền BHYT 3 tháng (tương ứng với 108.675 đồng), sau đó đến tháng 12 mua tiếp hoặc trả luôn 15 tháng. Việc thực hiện tùy theo lựa chọn linh hoạt của các trường, các địa phương.

 
Anh Trần L. có con học tiểu học ở phường Tân Thuận Đông, quận 7 (TPHCM) bức xúc vì con đang đi học, không phải là cán bộ công chức đi làm nhưng vẫn phải đóng bảo hiểm bằng 4,5% theo mức lương cơ sở. “Luật BHYT cũ thì các đối tượng tham gia bảo hiểm đều đã đóng theo 4,5% mức lương cơ sở/tháng, trừ học sinh nhưng nay Luật BHYT sửa đổi 2015 lại tăng bảo hiểm y tế của học sinh  từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở là không chấp nhận được”- anh L. cho biết.
 


Theo Lê Nguyễn - Hữu Huy - Nguyễn Hà - Thái Hà (Tiền Phong)
Previous Post Next Post