Khai giảng bớt giảng, khai trường bớt dài

Đưa hai từ “khai giảng” trở lại đúng nghĩa của nó là một việc làm rất cần thiết lúc này, nhằm góp phần thay đổi hiện trạng phát triển nền giáo dục của nước ta hiện nay.
Chẳng hiểu từ khi nào, ngày đầu tiên của một năm học mới đã trở nên vô cùng ý nghĩa với tất cả chúng ta.  Nó không chỉ là ngày mở đầu một năm học mới đối với học sinh đã học những năm trước đó, mà còn là một ngày hội đưa trẻ đến trường đối với các em nhỏ bắt đầu được đi học. Đối với các bậc cha mẹ học sinh thì cái ngày đầu tiên đi học cũng đã trở thành một kỷ niệm thật khó phai trong cuộc đời.
Với tất cả học sinh, khi tiếng trống trường đầu tiên của năm học mới vang lên thì phía sau nó sẽ là hai cánh cửa đang mở ra một thế giới khác với những nhịp rung vang và hồi hộp. Tất cả những điều tốt đẹp đều hiện lên lung linh, huyền diệu trong ngày khai trường với những háo hức, chờ đợi. Vì thế mà ngày khai giảng luôn là một ngày quan trọng, nhiều cảm xúc đáng nhớ của các em.
Muốn xã hội ngày càng phát triển thì người ta càng phải đầu tư nhiều hơn cho việc học. Trong kí ức của mỗi chúng ta hôm nay, vẫn luôn nhớ về mái trường xưa thân yêu với những ngày khai giảng rộn rã. Cho dù nó có nhiều sắc độ khác nhau, nhưng có thể nói đôi khi nó trở thành một “di sản” trong tâm hồn của nhiều người cho đến tận lúc họ trở thành ông bà đưa cháu đến trường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh trống khai giảng năm học mới tại trường THPT Pleiku năm học 2014. Ảnh: VOV
Thế nhưng, những năm gần đây ngày khai giảng đã không còn giữ được nét đẹp và ý nghĩa thiêng liêng của nó. Thế hệ học sinh hôm nay đã không còn háo hức mong đợi ngày khai giảng như nhiều thế hệ học sinh trước đây bởi có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan chi phối.
Cách thức tổ chức ngày khai giảng của các trường cũng đã thay đổi về thời gian, nghi thức tổ chức… Việc học trước, khai giảng sau đã làm mất đi ý nghĩa của hai từ đó. Đồng thời cũng làm mất đi sự háo hức, mong chờ của các em học sinh sau những ngày nghỉ hè xa trường lớp, thầy cô, bè bạn. Các buổi lễ khai giảng bây giờ đã chỉ còn là hình thức, mà không phải là ngày hội đến trường của các em học sinh. Những khi vì phải ngồi phơi dưới nắng hàng tiếng đồng hồ để nghe thầy hiệu trưởng giảng và kể lể về những bản thành tích dài lê thê cũng đã làm cho học sinh cảm giác “sợ” và né tránh ngày khai giảng. Do đó mà ấn tượng của những lễ khai giảng của các em học sinh hôm nay chỉ còn là những tiếng thở dài trong cái không khí oi bức, ngột ngạt và nhốn nháo.
Để đảm bảo một nền giáo dục hội nhập tiến tiến, trong một buổi trao đổi với Bộ Giáo Dục gần đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ý kiến về việc đổi mới cách giáo dục và đào tạo trong đó có việc đổi mới ngày khai giảng.
Cụ thể là cả nước đều phải thống nhất cách thức tổ chức ngày khai giảng, thời gian tổ chức khai giảng ngắn gọn, không rườm rà… Sẽ không còn hiện tượng các trường biến buổi khai giảng của trường mình thành một dịp để các thầy cô giáo đua nhau kể lể khoe thành tích.  Để ngày khai giảng phải thực sự là ngày hội đến trường của tất cả các em học sinh. Có như vậy mới tạo được không khí học tập và thúc đẩy học tập. 
Đưa hai từ “khai giảng” trở lại đúng nghĩa của nó là một việc làm rất cần thiết lúc này, nhằm góp phần thay đổi hiện trạng phát triển nền giáo dục của nước ta hiện nay. Trong cái tiết trời mưa nắng đan xen của những ngày đầu tháng Chín, các em học sinh sẽ lại được nô nức đến trường với những bộ quần áo mới, sách vở mới, suy nghĩ mới, ước vọng mới...
Kỷ niệm từ những mùa khai giảng trước lại ùa về khi bản nhạc của bài hát “ngày đầu tiên đi học” vang lên gợi lại cho tất cả chúng ta ước mong về một ngày “khai giảng bớt giảng”, một ngày “khai trường bớt dài”. Bởi chính những cảm xúc của thời khắc “vạn sự khởi đầu nan” ấy sẽ thắp lên những ngọn lửa tri thức nồng nàn, ngời sáng và bền lâu.



Theo Nguyễn Thúy Hạnh (Tuần VietNamNet)
Previous Post Next Post