Trước tình trạng “lâm tặc” ngang nhiên phá rừng gây xôn xao dư luận, xảy ra ở trên địa bàn một số huyện miền núi trong thời gian qua, mới đây lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với ngành kiểm lâm, để xem xét và chỉ đạo xử lý. Tại buổi làm việc, ông Hoàng Viết Đường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã “lệnh” cho Chi cục Kiểm lâm tiến hành rà soát và xử lý bằng cách đưa ra khỏi ngành những cán bộ kiểm lâm vi phạm.
Thời gian qua, trên địa bàn một số huyện miền núi Nghệ An như Thanh Chương, Con Cuông, Quế Phong…đã diễn ra tình trạng “lâm tặc” ngang nhiên phá rừng lấy gỗ. Theo thống kê, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 468 vụ vi phạm, tịch thu trên 946m3 gỗ. Điều đáng quan ngại, những khu vực rừng bị “lâm tặc” tàn phá đều có lực lượng chức năng đóng chốt, canh giữ nghiêm ngặt cả ngày lẫn đêm.
Một số vụ phá rừng xảy ra gần đây gây xôn xao dư luận như: Vụ phá rừng phòng hộ, với tổng khối lượng 23,07m3, xảy ra vào ngày 7/7, tại Tiểu khu 1002, thuộc địa bàn huyện Thanh Chương, nơi có đường vành đai tuần tra của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy. Tại huyện Con Cuông, “lâm tặc” đã sử dụng máy móc để triệt hạ rừng trái phép diễn ra gần cả một năm, cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã phát hiện và bắt giữ, nhưng chính quyền địa phương và lực lượng chức năng không hề hay biết. Tiếp đến, vụ “lâm tặc” triệt hạ 3 cây sa mu dầu có đường kính từ 1 – 2,7m, thuộc loại quý hiếm, được xếp vào nhóm 2A, xảy ra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong vào ngày 8/7. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ được hơn 200m3 gỗ đã bị “lâm tặc” xẻ thành tấm. Ngay sau đó, Công an huyện Quế Phong đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 5 đối tượng liên quan đến việc chặt hạ trái phép 3 cây sa mu nói trên, để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện trường "lâm tặc" triệt hạ 3 cây sa mu dầu quý hiếm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt |
Trước thực trạng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ bị tàn phá, ngày 13/8, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã tiến hành cuộc họp để xem xét, chỉ đạo xử lý, có sự tham gia của đại diện một số sở, ngành liên quan và chính quyền các huyện Con Cuông, Quế Phong, Thanh Chương, Anh Sơn…, cùng với các Hạt kiểm lâm, Trưởng trạm kiểm lâm ở những địa bàn xảy ra tình trạng “lâm tặc” phá rừng. Sau khi lắng nghe giải trình của đại diện các sở, ngành tham gia dự họp, ông Hoàng Viết Đường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã “lệnh” cho Chi cục Kiểm lâm khẩn trương rà soát, để xử lý bằng cách đuổi ra khỏi ngành những cán bộ vi phạm.
Trước đó, vào ngày 14/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, do UBKT Tỉnh ủy chủ trì, tiến hành kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch huyện, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, để xử lý cán bộ vi phạm. Theo đó, ngày 23/7, Hạt kiểm lâm huyện Con Cuông đã tổ chức kiểm điểm, xét kỷ luật đối với các cán bộ liên quan trong việc để rừng bị phá trái phép. Hạt kiểm lâm huyện Con Cuông đã kỷ luật bằng hình thức hạ bậc lương một cán bộ, còn hai cán bộ khác bị cảnh cáo, khiển trách.
Ông Hoàng Viết Đường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì cuộc họp chỉ đạo Chi cục kiểm lâm xử lý những cán bộ kiểm lâm vi phạm bằng cách đưa ra khỏi ngành |
Đến ngày 20/7, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn gửi các sở, ngành liên quan, yêu cầu kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời tình trạng phá rừng trái phép. Với sự chỉ đạo UBND tỉnh, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã tiến hành phối hợp với chính quyền các huyện có xảy ra tình trạng phá rừng để kiểm tra thực tế. Sau kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã thống nhất với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng về các biện pháp bảo vệ rừng, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong việc chỉ đạo công tác bảo vệ rừng tại gốc. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã và lực lượng kiểm lâm trong việc tham mưu về công tác bảo vệ rừng.
Sở NN&PTNT Nghệ An đã giao Chi cục kiểm lâm tỉnh chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật những cán bộ công chức, viên chức kiểm lâm có biểu hiện tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ, để rừng bị khai thác trái phép. Luân chuyển vị trí công tác lãnh đạo các đơn vị kiểm lâm, công chức, viên chức kiểm lâm giữa các vùng, các địa phương, trong đó ưu tiên bố trí cán bộ trẻ, khỏe, có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt về trực tiếp quản lý những vùng rừng trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục củng cố hồ sơ những vụ phá rừng xảy ra tại xã Đôn Phục, huyện Con Cuông và xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương để xem xét, nếu đủ điều kiện sẽ khởi tố vụ án hình sự để xử lý, nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa.
Nguồn tin: Báo Lao Động Thủ Đô