Báo cáo nhanh mới đây của LĐLĐ tỉnh Nghệ An sau khi đề xuất tiền lương tối thiểu vùng (LTT) của Tổng LĐLĐVN vẫn chưa được thông qua tại cuộc họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 25.8 cho thấy: Tâm trạng của một bộ phận CNLĐ Nghệ An vẫn rất băn khoăn, lo lắng về đời sống, việc làm, thu nhập, nhà ở... Họ cùng chung mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách phù hợp giải quyết việc làm, nhà ở, tăng thu nhập.
Trao đổi với chúng tôi, chủ một nhà trọ trên đường Đặng Thai Mai (KCN Bắc Vinh) cho biết: “Công nhân (CN) của Cty gấu bông nhận lương theo sản phẩm nên rất thấp. Vừa rồi chỗ tôi có CN Phan Thị Mai, quê Yên Thành, lương tháng chỉ được 3 triệu đồng, đã bỏ việc sang Thái Lan rồi”. Mỗi phòng trọ ở đây giá thuê mỗi tháng là 600.000 đồng, chỉ rộng chừng 10m2, ẩm thấp, lợp ngói fibroximăng nên mùa hè cực kỳ nóng, một số CN phải đi chỗ khác ngủ nhờ. Tại một khu đất chừng vài trăm mét vuông tại đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Bến Thủy (TP.Vinh) có đến 23 hộ gia đình sinh sống trong những căn nhà chật chội, ẩm thấp, xuống cấp nghiêm trọng. Tại đây, anh Nguyễn Tư Tuấn - cán bộ CĐ Nhà máy sợi 2 thuộc Cty CP Dệt may Hoàng Thị Loan - cho biết, hai vợ chồng anh thu nhập thực tế khoảng 9 triệu đồng/tháng, nhưng nuôi hai con nhỏ nên hết sức chật vật. “Đó là may mắn con còn khỏe mạnh, chứ có việc gì cực kỳ vất vả” - anh Tuấn nói. Trong khi đó, nhiều CN cũng chia sẻ: “Đời công nhân bầy tui, làm mấy chục năm, có tích lũy được ăn thua gì đâu”. Trước đây, vì thu nhập quá thấp, CN Nhà máy Hoàng Thị Loan tổ chức biểu tình, sau đó doanh nghiệp (DN) cải tổ, thu nhập của người lao động (NLĐ) có phần tăng so với trước, nhưng vẫn hết sức vất vả.
Cận cảnh phòng trọ tại đường Đặng Thai Mai (Nghệ An) không có giường, công nhân trải chiếu lên sàn để ngủ. Ảnh: Q.ĐẠI
Cận cảnh phòng trọ tại đường Đặng Thai Mai (Nghệ An) không có giường, công nhân trải chiếu lên sàn để ngủ. Ảnh: Q.ĐẠI
Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Nghệ An có 13.000 CNLĐ. Mức lương trung bình theo khảo sát năm 2013 là 3,3 triệu đồng/tháng và năm 2014 là 3,8 triệu đồng/tháng. “CN phải tăng ca mới có mức thu nhập tạm đủ sống, hầu như không có tích lũy” - ông Vương An Nguyên - Chủ tịch CĐ KKT Đông Nam Nghệ An - cho hay. Theo ông Nguyên, thu nhập của NLĐ tăng sẽ làm năng suất, hiệu quả LĐ tăng, DN có lợi. Ngược lại, thu nhập quá thấp, CN sẽ bỏ việc, không gắn bó với Cty, năng suất lao động bị ảnh hưởng và DN cũng phải chịu hậu quả.
Một minh chứng là Cty CP nhựa Tiền Phong miền Trung tại KCN Nam Cấm có 124 CN, mức lương bình quân 6 triệu đồng, chưa tính tiền ăn trưa, tiền tăng ca và phụ cấp độc hại, thưởng... Ông Khương Văn Thắng - Phó ban Tổ chức - Hành chính Cty - cho biết: “Với mức thu nhập tương đối cao, NLĐ của Cty phấn khởi, yên tâm, gắn bó với công việc, năng suất LĐ tăng lên, đem lại lợi nhuận tốt hơn cho DN. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Cty tôi chưa chấm dứt hợp đồng với CN nào vì không hoàn thành nhiệm vụ. Hiện mức lương căn cứ để đóng bảo hiểm của Cty cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng”.
Theo Báo Lao Động
Tags:
Kinh Tế