Headlines
Loading...
Chỉ nơi ấy ta gặp Người và gặp lại ta

Chỉ nơi ấy ta gặp Người và gặp lại ta

Tiếng ồn đã đi vào cuộc sống con người ngày hôm nay như một cơn địa chấn âm thanh xảy ra trong mọi ngõ ngách. Bị chấn động bởi làn sóng từ ngữ, điên đảo theo các tần suất của truyền thông, con người quay cuồng với cơn lốc xoáy của tiếng động đến độ không còn dễ dàng nghe được tiếng nói bên trong của lòng mình, mặc dù vẫn khát khao, vẫn ước ao thoát ra khỏi thảm họa của sự ồn ào ấy. Có điều khi tìm về thinh lặng, người ta lại sợ rơi vào trạng thái cô độc của sự trống trải tâm hồn. Sự mâu thuẫn, xung đột nội tâm này, chúng ta cũng ít nhiều trải nghiệm. Thế nên vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để các tu sĩ, đặc biệt các nữ tu trẻ hôm nay vượt qua được những thách thức này, để trở về với thế giới nội tâm, nơi mà sự thinh lặng được coi như yêu sách hàng đầu của đời tu, bởi vì chỉ trong thinh lặng, ta mới gặp được Người và gặp lại được chính ta.

THINH LẶNG ĐỂ CHIÊM NGẮM
Khi cần quan sát và tìm hiểu kỹ càng một điều gì hay một ai đó chúng ta thường phải tập trung, thinh lặng và nhìn theo hướng đối tượng ấy. Người tu sĩ đi theo Đức Ki tô, chắc chắn muốn trở nên “đồng hình đồng dạng với Người” cũng cần phải lặng lẽ quan sát tất cả những cử chỉ, hành động của Thầy mình để mà bắt chước. Như một “fan” hâm mộ trước thần tượng của mình, chúng ta – những con người tự nguyện bước vào đời sống dâng hiến- cần phải âm thầm mỗi ngày theo dõi bước chân của thầy mình, để chiêm ngắm vẻ đẹp của Đấng chúng ta yêu mến qua toàn bộ hoạt động đời sống của Ngài. Và đỉnh cao của sự chiêm ngắm cần được dừng lại nơi thập giá. Nơi ấy chúng ta có thể nhìn thấy vẻ đẹp cao quý của sự tự hủy, của sự bỏ mình hư không vì sự sống của con người. Nơi ấy ta bắt gặp một tình yêu vô thủy vô chung, một tình yêu đến tận cùng. Tình yêu tận cùng ấy còn được kéo dài nơi Bí tích Thánh thể- nguồn suối tràn ngập ân sủng cho những cánh hoa lòng muốn chìm sâu trong đó. Người ta chỉ có thể chìm sâu khi trong giấc ngủ, hoàn toàn lặng, vô động. Cũng thế, việc chiêm ngắm chỉ đạt trọn vẹn khi ta thinh lặng hoàn toàn, diện đối diện với một mình Ngài.

Thinh lặng để ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên và con người – kì công của Thiên Chúa như lời thánh vịnh mô tả:

Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo
Muôn trăng sao Chúa đã an bài…
Tuyệt tác của Ngài Ngài cho làm bá chủ
Muôn sự muôn vật Ngài đặt ở dưới chân.

Thật là uổng phí nếu ta chẳng quan tâm đến cảnh vật thiên nhiên, cái chứa muôn điều bí ẩn trong đó mà chính Thiên Chúa ban tặng cho con người, Ngài muốn chúng ta khám phá ra vẻ đẹp. Ngắm nhìn vẻ đẹp mà chiêm ngưỡng tình yêu của Thiên Chúa. Một lúc nào đó, thảnh thơi, nhìn cánh hồng nở trong vườn, nhìn ráng chiều với những sắc màu nhảy múa, nhìn cánh chim chao lượn trên bầu trời, những bước nhảy ngộ nghĩnh của những chú cóc trong buổi chiều tà, nhìn thảm cỏ xanh mượt mà như nhung êm ái đôi bàn chân, ta cảm thấy đời thật đẹp, tình yêu ngập tràn trên lối đi của Đấng tạo hóa. Lúc ấy lòng ta òa vỡ, vì bấy lâu ta mãi theo nhịp sống mà quên đi cái thinh lặng đẹp biết bao. Ta đã bỏ quên và vô tình hờ hững. Nhìn thấy vẻ đẹp và đọc được ý nghĩa trong cảnh vật, đòi hỏi ta phải đặt mình trong sự thinh lặng.

Như mặt nước trong veo của hồ có thể soi rõ cảnh vật, sự thinh lặng cũng có thể dọi rõ linh hồn ta với cái nhìn trong sáng:“không ai biết rõ mình bằng chính mình”. Quả vậy ẩn sâu trong tâm hồn mình chỉ có lòng mình biết ngoại trừ Đấng tạo hóa. Sự biết ấy còn tùy thuộc vào mức độ diện đối diện với lòng. Bao lâu ta còn có thời gian nhìn sâu vào lòng mình, ta mới nhận rõ ta đang là ai và ta hiện hữu nhờ đâu. Bước vào tâm hồn mình, ta mới có thể thức tỉnh trước những vệt tối của đời ta, xóa đi những bóng mờ làm mất đi vẻ sáng trên khuôn mặt đã được khắc theo hình ảnh của Đấng Tạo Hóa- một vẻ đẹp trong suốt và sáng như pha lê, sắc màu mà muôn con người khao khát và muốn chiếm hữu.

Như vậy trong sự cô tịch, lặng thinh của không gian và thời gian, mỗi chúng ta có thể ngắm nhìn tình yêu rực sáng của Đấng chúng ta yêu mến qua biến cố đau thương của đồi thập tự, qua nguồn suối ân sủng của Bí Tích Thánh Thể, qua kỳ công vĩ đại của thiên nhiên, đất trời và đặc biệt qua chính cõi lòng ta để mà thầm cảm tạ Đấng tạo hóa đã làm nên tất cả và ta có thể tín thác mà gieo mình vào Đấng Thinh Lặng.

Trong cái im lặng của đất trời, của hồn mình, ta nghe được những tiếng thì thầm đầy ngọt ngào và hạnh phúc từ chính Đấng Lặng Thinh đang muốn nói với ta rất nhiều điều.

THINH LẶNG ĐỂ LẮNG NGHE
“Trong yên lặng và cô tịch người ta chỉ còn nghe thấy điều cốt yếu nhất mà thôi”(Camille Belguise). Lời nhận định của Belguise cho ta thấy rằng ồn ào gây nên sự phân tán, tan loãng, trong khi sự yên lặng tạo nên sự cô đọng, cô đọng ngay trong chính nhịp thở của quả tim, biết rằng ta đang sống và đang hiện diện cùng Đấng đã tác tạo ta. Trong yên lặng và cô tịch ta chỉ còn nghe tiếng khẽ khàng của Chúa đang muốn ngỏ lời, chia sẻ cùng ta những khó khăn, những thất bại, những điều xuôi xắn, thành công, những buồn đau đan xen niềm hạnh phúc. Nơi ấy, Lời chân lý được ngỏ, ánh sáng chỉ đường được chiếu tỏa, mọi khúc mắc trong ta được giải tỏa, cảm giác bình tâm cho những bước đăng trình phía trước. Và trong sự trầm mặc của hồn mình với niềm cậy trông, ta có thể nghe tròn ý của Đấng là “cố vấn kỳ diệu”. Ngài có thể nói cho ta về âm thanh của bài ca đức ái, của bản nhạc giao hưởng hòa điệu nhịp nhàng của thiên nhiên. Am thanh êm ái ấy chỉ có thể lách nhẹ vào hồn ta như nước từ từ thấm qua lòng đất. Như vậy, ta sẽ chẳng nghe được gì, chẳng có thể thưởng thức nếu ta không đủ kiên nhẫn cho khoảng lặng của tâm hồn. Với Thiên Chúa, Ngài không muốn nói qua sự ồn ào và Ngài cũng chẳng thích hiện diện chỗ náo nhiệt. Ngài muốn mặc khải cho mỗi người trong cách thức riêng biệt. Như tiếng gọi Samuel trong đêm vắng, như sự xuất hiện trong cơn gió nhẹ với Êlia, như lời chỉ dẫn Giuse trong giấc mộng hay điển hình nhất vẫn là những lần Đức Giêsu lên núi cầu nguyện cùng Cha……. Tất cả đều diễn ra trong không gian tĩnh lặng và vắng vẻ.

Không chỉ nghe được tiếng Chúa khi ta thinh lặng mà còn cả tiếng lòng ta thổn thức. Thổn thức trước những ước mơ và khát vọng hoàn thiện con người của chính ta. Lúc ấy ta biết rõ tình trạng ta như thế nào: cảm thấy trống rỗng, đời ta vô nghĩa hay ta đang hạnh phúc, đời tròn đầy……Trong cõi thinh lặng ta biết tỏ sự thật về mình, biết những băn khoăn, những trăn trở đang làm ta nhức nhối. Nghe được tiếng lòng là một bước ta đang mở lối phía trước cho cuộc đời ta. Vì tiếng lòng là tiếng nói của lương tri cho ta biết sự thật. Một khi nghe được sự thật và chấp nhận sự thật là biết rằng đời ta sẽ biến đổi. Bởi trong sự thật Thiên Chúa hằng ngự trị. Và chính nơi đó Ngài giúp ta lấp đầy vực thẳm đời sống thiếu hụt của ta.

An tĩnh lắng nghe Chúa nói, và lắng nghe lòng mình nói là lúc ta nhận thức được chức phận làm con đối với Chúa.

Ngẫm lại trong đời tu, sự thinh lặng luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng chẳng ai có thể chắc chắn rằng mình luôn dành trọn thời khắc thinh lặng ấy một cách ý nghĩa. Nếu Thiên Chúa dựng nên con người với cặp mắt, đôi tai và một cái miệng thì chắc hẳn, Ngài cũng muốn chúng ta dùng chúng trong cuộc sống một cách tương đương, nghĩa là nghe và nhìn phải gấp đôi lời nói. Thinh lặng để nghe và nhìn giúp ta định tâm và bình thản nhận ra sự thật về đời mình : ta không hề đơn côi nhưng bên ta luôn có một: “Đức Giê su nhìn tôi, yêu tôi, bận tâm vì tôi”. Thật hạnh phúc dường bao.

Têrêsa Đỗ Thanh Tuyền
Dòng Đa Minh Tam Hiệp