Mỗi năm dân Do Thái ăn mừng lễ Vượt Qua để tưởng niệm họ được giải thoát cảnh nô lệ tại Ai Cập và kỉ niệm việc Chúa Giao Ước với họ. Chúa Giê-su cùng với các môn đệ cử hành lễ Vượt Qua này. Đây là bữa ăn sau hết Ngài quây quần bên các môn đệ. Bữa ăn Vượt Qua mang tính truyền thống lịch sử của Dân Chúa, nhưng còn hơn thế nữa, Chúa Giê-su đã cử hành hiến tế tình yêu mà ngày thứ sáu Ngài sẽ đổ máu cứu chuộc cho nhân loại.
1. Chúa Giê-su Thượng Tế
Chúa Giê-su đã tự nguyện nộp mình chịu khổ hình ( KNTT II). Bí tích Thánh thể là thân mình Chúa Giê-su bị nộp vì chúng ta và Máu giao ước của Ngài đổ ra cho chúng ta và mọi người được tha tội. Nơi bí tích Thánh Thể, tình yêu dâng hiến cho Chúa Cha trở thành tình yêu tự hiến cho chúng ta. Chúa Giê-su yêu Chúa Cha đến cùng, nên cũng yêu nhân loại đến cùng: “Không có tình yêu nào lơn hơn tình yêu của người hi sinh mạng sống vì bạn hữu” (Ga15,13).
Chúa Giê-su là tư tế vì Người là “Đấng được Chúa thánh hiến và sai đến thế gian” (Ga 10,36). Sứ mệnh này không nằm ngoài bản thân người mà nằm trong chính việc Nhập Thể, suốt đời Ngài đã hiến mình cho sứ mạng Cứu Thế và cao điểm là hiến mình trên thập giá.
“Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúamà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệtrở nên giống phàm nhân sống như người trần thếNgười đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,chết trên thập giá”( Pl.2,6-8).
Sự thánh hiến của Chúa Giê-su được thực hiện bằng việc Nhập Thể bằng một đời sống vâng phục thi hành ý Chúa Cha, tự nguyện trở nên tôi tớ khiêm tốn phục vụ trong tình yêu, và nhất là bằng việc tự hiến để làm hi lễ trong Giờ của Người, Giờ Tử Nạn và Vinh Quang.
“Đã đến giờ con người được tôn vinh…Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất mà không chết đi, thì nó vẫn chỉ là trơ trọi một mình”(X. Ga.12,20-33).
Hạt lúa Giê-su đã gieo vào trần gian, ba mươi năm âm thầm ở ngôi làng nhỏ bé Nazareth và ba năm lang thang đây đó… “Con chồn có hang, con chim có tổ, còn Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt.8,20).
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su nói : “Này là Mình Ta, Này là Máu Ta” (X.1Cr 11,23-27). Đó không chỉ là một công thức để thực hiện chức năng biến bản thể bánh rượu mà còn là lời cam kết và thực thi sự dấn thân trong Hi Lễ Thâp Giá.
Cử hành hi lễ chiều Thứ Năm, Tiệc Ly có nghĩa gì nếu trong ngày Thứ Sáu không có cuộc khổ nạn và Máu Thánh Ngài đổ ra? Vâng, hiến mình làm Hi Lễ Giao Ước, hi lễ xá tội, với thái độ tin tưởng, vâng phục và yêu mến? Tiệc Ly chính là cử hành mầu nhiệm tự hiến trước hi lễ thập giá.
Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giê-su đã thưa với Chúa Cha: “Con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật họ cũng được thánh hiến” (Ga17,19.). Ơn thánh hiến của Chúa Giê-su là nguồn mạch và mẫu mực của ơn thánh hiến nơi mọi người (từ Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục, các linh mục, các tu sĩ nam, nữ và mọi người tín hữu).
2. Thánh Thể: Hi Tế Vượt Qua
Mỗi lần cử hành Bí tích Thánh Thể là chúng ta cử hành và hiện tại hoá cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa, làm cho mầu nhiệm đó hiện diện trong Giáo Hội và sống động trong mỗi cuộc đời chúng ta.
Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá :
– Là thể hiện đến cùng tình yêu với Chúa Cha khi người dám hiến cả mạng sống để hoàn tất sứ mạng Cha trao.
– Là thể hiện đến cùng tình yêu với Chúa Cha khi người dám hiến cả mạng sống để hoàn tất sứ mạng Cha trao.
- Là thể hiện đến cùng tình yêu đối với nhân loại, khi tự hạ đồng hoá và mang lấy tất cả hệ lụy yếu hèn, khổ đau và cả sự chết của con người. Cũng chỉ vì yêu thương mà Người đã dám chấp nhận hiến dâng đến cùng trên thập giá, để mang lại hạnh phúc cho con người.
Mỗi lần tham dự Thánh Lễ, chúng ta “loan truyền việc Chúa chịu chết”. Việc loan truyền đích thực chỉ khi nào chúng ta biết mang vào tâm hồn, vào tấm lòng “Đức Kitô chịu đóng đinh” và để cho mầu nhiệm Thập Giá của Người được thể hiện trong cuộc đời chúng ta nên một trong những lễ dâng của Người.
- Một lễ dâng về Cha như một lời ca ngợi, chúc tụng, tạ ơn khi chúng ta luôn luôn biết yêu mến vâng phục ý Cha. Một sự vâng phục đòi ta rất nhiều từ bỏ, hy sinh, quên mình cả bên trong lẫn bên ngoài. Đó chính là lúc mà mầu nhiệm Thập Giá lớn lên trong tâm hồn và biểu lộ trong cuộc đời chúng ta vậy.
- Một lễ dâng cho hạnh phúc của tha nhân bằng việc hiến mình phục vụ chúng ta. Càng quên mình phục vụ anh em như Đức Kitô đã yêu thương và hiến mình phục vụ chúng ta. Càng quên mình phục vị như Người, chúng ta càng nên một với Chúa trong hy lễ thập giá, càng làm cho mầu nhiệm này thể hiện trong cuộc đời mình.
Mỗi khi được nuôi dưỡng bằng Mình được trao hiến và Máu đổ ra vì ta, chúng ta ắt sẽ nhận được sức mạnh biến đổi chính mình và rồi chính chúng ta sẽ trở nên tặng phẩm cho tha nhân như thánh Augustinô đã nói: “Hãy trở nên những gì bạn đã lãnh nhận và hãy đón nhận những gì là chính bạn” (Bài giảng 272,1). Mỗi lần tham dự Thánh Lễ phải dìm sâu chúng ta hơn vào mầu nhiệm Thập Giá Chúa Kitô, đó là đòi hỏi tất yếu của mầu nhiệm Thánh Thể.
3. Tự nguyện tham dự vào hiến tế tình yêu của Chúa
Cuộc đời hiến tế cho Thiên Chúa theo mẫu gương Chúa Giê-su Thượng Tế đòi chúng ta phải từ bỏ chính bản thân mình, cùng những nếp sống theo tinh thần thế gian.
- Gương Chúa Giê-su
Người vốn là Thiên Chúa, nhưng để thực hiện công cuộc cứu độ, Ngài đã từ bỏ tất cả để chia sẻ phận người như chúng ta:
“Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi đã đến mức thập toàn, Người đã trở nên nguồn Ơn Cứu Độ vĩnh cửu cho tất cả những ai vâng phục Người, vì Người đã được Thiên Chúa tuyên bố là Thượng Tế theo phẩm hàm Menkixêđê” (Dt.5,8-9).
“Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1Pr.2,24).
- Gương Thánh Phao-lô
“Tôi trở nên mọi sự cho mọi người, bằng mọi cách để cứu độ được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (X.1Cr9,1-23).
“Tôi thông phần vào sự thống khổ của Chúa Giê-su, để được đòng hình đồng dạng với sự chết của Ngài, để làm sao đạt tới ơn Phục Sinh từ cõi chết” (Pl.3,10-11).
- Gương thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su
Chị đã tự nguyện hiến tế cuộc đời mình cho tình yêu. Nhất cử nhất động trong đời sống của chị đều là cách thế biểu lộ tình yêu cho Thiên Chúa và để cứu rỗi các linh hồn: Từ kinh nguyện của đời sống chiêm niệm đến những việc hi sinh hãm mình. Chị đã giữ kỉ luật rất nghiêm chỉnh và vui nhận những thử thách trong cộng đoàn. Vào một đêm trong Tuần Thánh, bệnh phổi của chị bắt đầu trở nặng. Chị đã ho ra máu, nhưng vẫn âm thầm chịu đựng sự mệt mỏi và thân xác rã rời. Hơn một năm, khi bệnh tình càng lúc càng nguy kịch, những đau đớn dồn dập… Chị đã sống trong tâm tình tự hiến cho của lễ tình yêu, cho đến hơi thở cuối cùng. Chị đã thưa với mẹ bề trên: “Chén đắng đã đến miệng con rồi”.
- Gương chân phước Charles de Foucauld
Cha đã tự nguyện hiện diện tại sa mạc Sa-ha-ra (Bắc Phi), cha đã âm thầm dâng thánh lễ đời cha tại một vùng Hồi Giáo. Bên cạnh thời tiết khắc nghiệt, trong bối cảnh mọi người theo dõi cha và có khi nghi ngờ cha. Hằng ngày cha dâng kinh nguyện, thánh lễ và lao động để cầu nguyện cho các bạn Hồi Giáo. Thánh lễ cuộc đời cha đã chấm dứt, đang khi cha dâng thánh lễ Misa, sau khi cha đã đọc lời truyền phép: “Thánh Thể và Máu Thánh hiện diện trên bàn thờ, thì một băng đạn đã được nã vào người cha do một người Hồi Giáo cực đoan đã hạ sát cha. Máu của cha đã hoà trộn với Mình và Máu Chúa trên bàn thờ.
Chúng ta hãy sống mầu nhiệm hiến tế trong cuộc đời dâng hiến. Trong bối cảnh của xã hội hôm nay, chúng ta phải đối mặt với một lối sống hưởng thụ và đề cao cá nhân, điều đáng lưu ý là họ muốn loại trừ ảnh hưởng của Thiên Chúa trong cuộc sống. Do đó, đời sống dâng hiến của chúng ta luôn gặp những thử thách:
- Giữa một xã hội thăng tiến về vật chất, bảo sống đúng lời khuyên khó nghèo hơi bị khó
- Giữa một xã hội tự do về tình dục, bảo sống khiết tịnh thì hơi bị khó.
- Giữa một xã hội dân chủ, bảo sống đời vâng phục, thuận theo ý Chúa thì hơi bị khó.
- Giữa một xã hội đề cao danh vọng và tự quảng cáo mình, bảo rằng sống khiêm hạ, bình dị trong bốn bức tường của nhà tu thì hơi bị khó.
Bằng cuộc sống mỗi ngày, ta liên kết mọi vui buồn sướng khổ, mọi biến cố nhỏ to trong tâm tình phó thác tuyệt đối vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa thương xót ta và thương xót toàn thế giới. Chúng ta cầu xin cho từng người, từng việc, trong từng thời điểm theo ý nguyện sứ mạng ơn gọi của chúng ta và làm cho nhiều người nhận biết Thiên Chúa và tin nhận Chúa Giê-su Ki-tô vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật.
4. Sống mầu nhiệm yêu thương
Đón nhận bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi để trở thành tấm bánh Giêsu nuôi dưỡng sự sống yêu thương của Thiên Chúa cho một thế giới đang rất đói, rất khát yêu thương, một thế giới có rất nhiều người đang bị chà đạp, bị bỏ rơi trong cô đơn ruồng bỏ. Hiện thân của Đức Kitô, hiện thân của lòng thương xót Thiên Chúa khi chúng ta biết sống tha thứ và nhân ái.
Hiện thân của một Thiên Chúa tình yêu bằng một cuộc đời ân cần phục vụ cho hạnh phúc của tha nhân. Một tấm bánh được bẻ ra để chia sẻ sự sống yêu thương, nối kết nhân loại thành một cộng đoàn huynh đệ, một gia đình của Thiên Chúa, một tấm bánh nuôi dưỡng những con người mới của của một thế giới mới, một thế giới tràn đầy yêu thương có khả năng vươn vào vĩnh cửu.
Nhưng để trở thánh tấm bánh Giêsu nuôi dưỡng thế giới trong sự thật, niềm vui, hy vọng và yêu thương, chúng ta phải mặc lấy chính Chúa Giêsu, mặc lấy tấm lòng và cuộc đời của Người.
Có dám bước qua con đường Thập Giá, chúng ta mới có thể mở rộng lối vào Phục Sinh cho mình và cho mọi người. Bao hạt lúa phải chịu nghiền nát để trở thành tấm bánh thơm tho, chúng ta cũng phải chịu nghiền nát như Thầy trong hy sinh, tự hiến, trong ân cần phục vụđể trở thành tấm bánh Giêsu dễ ăn và bổ dưỡng cho anh em. Hãy để cho dòng nước từ từ cạnh sườn Chúa (bí tích) trộn vào nắm bột đời ta để nên tấm bánh thần linh mang nhiều phẩm chất. Hãy nướng tấm bánh đời ta trên lửa của Thánh Thần, lửa tình yêu, để nên tấm bánh Giêsu thơm tho, bổ dưỡng, dễ ăn, được bẻ trao nuôi dưỡng gia đình, cộng đoàn và mọi người.
Đứng trước một thế giới đang đói, đang khát sự thật, tình thương, hy vọng và sự sống, mỗi lần tham dự Thánh Lễ là mỗi lần chúng ta nghe được tiếng Chúa ngỏ vời lòng ta tha thiết và thúc bách : “Các con hãy cho họ ăn” (Mt 14,6). Chúng ta có thể làm gì để đáp lại tiếng gọi của Người hôm nay ?
LỜI KẾT : Hãy dành riêng cho Giê-su
Giữa những ồn ào của đám đông, giữa những sôi nổi của thành công; ê chề và thất bại… Bạn và tôi, chúng ta hãy danh một chỗ rất riêng cho Giê-su.
Giữa những đam mê quay cuồng, giữa những khát khao thèm muồn; những trói buộc của sợ hãi và âu lo… Bạn và tôi, chúng ta hãy dành một chỗ rất riêng cho Giê-su.
Giữa lúc bị cuộc đời khước từ, giữa những lúc bơ vơ đi trong đêm tối mênh mông, chẳng có ai để cậy dựa… Bạn và tôi, chúng ta hãy dành một chỗ rất riêng cho Giê-su. Hãy trở vềbên Ngài, một mình ta với Ngài trong trầm lắng và bình an.
Lạy Chúa, xin cho con biết dùng những giây phút thinh lặng để trầm tư và cầu nguyện, đểnhìn lại cuộc đời và nhìn lại chính mình. Xin giúp chúng con biết quay về bên Chúa, đểgặp gỡ Chúa qua bí tích Thánh Thể, nhờ đó, chúng con được lãnh nhận sức mạnh Chúa ban, để tiếp tục lên đường trong yêu thương và phục vụ.
Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên
Tags:
tu đức