LM. JM. Hà Ngọc Phú CSsR
------------
“Từ Abraham đến Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan đến các môn đệ trên đường Emmau và cho đến bạn, Kinh Thánh mặc khải rằng KHÔNG ĐIỀU GÌ LÀM CUỘC SỐNG CỦA BẠN THAY ĐỔI NHƯ LÀ LỜI MỜI GỌI MÀ CHÚNG TA NGHE ĐƯỢC TỪ THIÊN CHÚA.”
Ý nghĩa cơ bản nhất của ƠN GỌI không được xác định bởi vai trò hay chức năng cụ thể nhưng là một cái gì đó lớn hơn, một cái gì đó được viết trên một tấm bạt rộng lớn. Đó là món quà tinh khiết, với Thiên Chúa là tác giả và cuộc sống như chính chủ thể đó. Lời mời gọi này trên hết không nhấn đến một vai trò nào đó trong cuộc sống, nhưng tiên vàn là một lời gọi để tìm kiếm chân dung của Thiên Chúa, một lời gọi đến sự thánh thiện và sự viên mãn của cuộc sống. Đây là đích điểm sau cùng trong Kinh Thánh: để nhìn thấy khuôn mặt của Thiên Chúa và sống. Đó là điều mà chúng ta được gọi, tất cả chúng ta là thành phần của gia đình nhân loại, và chắc chắn tất cả chúng ta là thành phần của Giáo Hội.
”Lời gọi” không phải là điểm trọng yếu của Kinh Thánh nhưng cần thiết để hiểu biết về sự hiện hữu của con người trước mặt Thiên Chúa trong Kinh Thánh. Ai có thể quên được trong các chương mở đầu của Tin Mừng Máccô và Matthêu với những cuộc gặp gỡ trên biển hồ Galilê? kẻ chài lưới Simon và An-rê đang thả lưới trên biển; Giacôbê, con trai của Dêbêđê, và Gioan em trai của mình, ngồi trong thuyền của họ và đang vá lưới – họ không có ý niệm về những gì sắp xảy ra với họ, điều sẽ thay đổi cuộc sống của họ mãi mãi. Chúa Giêsu, đi dọc bờ biển, Ngài gọi họ, “Hãy đến đây, hãy theo tôi và tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người” (Mc 1:16-20). Họ bỏ chài lưới và bỏ lại cha mình cùng những người làm công tại thuyền (mà theo Đức Giêsu).
Kinh Thánh tỏ bày nhiều câu chuyện khác, như câu chuyện về Chúa Giêsu gọi Phêrô lần thứ hai, xuất hiện ở phần cuối của Tin Mừng Gioan. Đây có lẽ là câu chuyện tuyệt vời nhất trong cả Tân Ước. Trên bờ biển Galilee, các môn đệ đánh cá thật mệt mỏi và bơ phờ, một nhân vật xuất hiện với một đống lửa đốt sẵn – đó là một người nào đó không rõ, nhưng hình ảnh thì quen thuộc. Ngài hướng dẫn nơi có cá và các ngư phủ được một mẻ lưới đầy những cá, điều đó đã thôi thúc một cách mạnh mẽ trong lòng, và Phêrô, biết ai đang chờ đợi ông, ông đã lao xuống biển và bơi vào bờ. Chia sẻ một bữa ăn sáng với bánh và cá, trạng thái căng thẳng của niềm vui và sự xấu hổ sắp trào ra trong Phêrô. Và sau đó đến thời điểm của sự tha thứ: “Simon Phêrô, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Phêrô trải qua các câu hỏi đến ba lần để chữa lành cho ba lần chối Thầy của mình. Sau đó, Chúa Giêsu mời gọi ông, “chăm sóc chiên con của Thầy, chiên mẹ của Thầy.” Môn đệ Phêrô được chữa lành, được làm mới lại lời mời gọi của mình.
Trong những câu chuyện này và nhiều câu chuyện khác trong Kinh Thánh, khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ, chúng ta thấy những điều cơ bản:
Những điều này làm sáng rõ ra rằng cuộc sống của người môn đệ bắt đầu không phải với một sự lựa chọn nhưng với một lời mời gọi. Năng quyền của Chúa Giêsu và duy chính Ngài là nguồn gốc của cuộc gọi đó. Nó đến bất ngờ và không báo trước.
Hầu hết các câu chuyện cũng làm sáng tỏ rằng nơi lời gọi thì quan trọng nhất vẫn là một lời gọi đi theo Chúa Giêsu. Điểm nhấn chính là nhân vị của Chúa Kitô. Các môn đệ theo sau Chúa Giêsu, không phải đi trước Ngài và thậm chí không đi bên cạnh Ngài. Chúa Giêsu xuất hiện công khai trước toàn dân, các môn đệ theo sau, thường bối rối và sợ hãi.
Nhưng có cái gì đó lớn lao hơn trong các lời gọi. Chúa Giêsu nói: “Tôi sẽ làm cho anh thành kẻ lưới người như lưới cá.” Các môn đệ được kêu gọi đi theo Chúa Giêsu sẽ được lao mình vào việc thay đổi người Do Thái, làm mới lại giao ước, chữa bệnh, trừ tà và giảng dạy như Chúa Giêsu đã làm. Và số phận của họ cũng sẽ gặp sự khinh chê, sự ghét bỏ của những quyền lực và bị chết như chính thầy mình.
Hầu hết những câu chuyện làm sáng tỏ rằng, cuộc sống của các môn đệ sẽ không bao giờ giống như trước đây. Họ rời khỏi con tàu của họ và gia đình của họ và lòng trung thành mới sẽ được đòi buộc.
Những câu chuyện về lời gọi trong Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta rằng đáp trả với lời gọi của Thiên Chúa đòi hỏi phải hoán cải và biến đổi suốt đời. Đây không phải là sự tình cờ mà Kinh Thánh mô tả đời sống đức tin qua biểu tượng của một cuộc hành trình. Từ những rung động đầu tiên của Abraham với chuyến đi vào đồng bằng của Canaan, trải qua cuộc xuất hành khỏi Ai Cập và hành trình đến miền đất hứa, từ những kinh nghiệm đau thương của sự lưu vong đến một sự kiềm chế và hy vọng tràn đầy trở về đất Giu-đa.
Và cũng như thế, cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu diễn ra như một cuộc hành trình dài, bắt đầu từ sứ vụ công khai tại Galilê và sau đó là cuộc hành trình cam go và đích đến là Jerusalem, nơi đón nhận số phận của Ngài là cái chết và sự Phục Sinh.
Đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa không phải là một sớm một chiều nhưng trải dài theo thời gian với sự khó khăn và gian khổ để đi đến Jerusalem, một hành trình thường kèm theo những thách đố, chán nản và thất bại. Mỗi người chúng ta đều có một lời mời gọi. Di sản Kinh Thánh mang lại cho chúng ta những phương tiện để hiểu được lời gọi đó và để đáp trả trong Đức Tin.
Cha Donald Senior, C.P.
Nguồn: http://ungsinhdongten.net
(Chuyển ngữ từ: http://vocationnetwork.org)