THỨ SÁU TUẦN THÁNH
BÀI ĐỌC I: Is 52, 13 – 53, 12
52 13 Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng. 14Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa, 15 cũng vậy, nó sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ.
53 1 Điều chúng ta đã nghe, ai mà tin được? Cánh tay uy quyền của Đức Chúa đã được tỏ cho ai? 2Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. 3 Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. 4Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. 5 Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. 6 Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. 7Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. 8Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. 9 Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa. 10Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu. 11 Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. 12 Vì thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, nó sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi.
ĐÁP CA: Tv 30
Đ. Lạy Cha, Con xin phó thác hồn Con trong tay Cha. (Lc 23, 46)
2Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Bởi vì Ngài công chính, xin giải thoát con, 6 Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín.
12Con đã nên trò cười cho thù địch và cho cả hàng xóm láng giềng. Bạn bè thân thích đều kinh hãi, thấy con ngoài đường, ai cũng tránh xa. 13 Bị lãng quên, như kẻ chết không người tưởng nhớ, con hoá thành đồ hư vất bỏ.
15Nhưng con đây vẫn tin tưởng nơi Ngài, lạy Chúa, dám thưa rằng: Ngài là Thượng Đế của con. 16 Số phận con ở trong tay ngài. Xin giải thoát con khỏi tay địch thủ, khỏi người bách hại con.
17Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ. 25 Hỡi mọi người cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
BÀI ĐỌC II: Dt 4, 14-16; 5, 7-9
414 Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. 15 Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. 16 Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.
57 Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. 8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục;9và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Pl 2, 8-9
Vì chúng ta, Đức Kitô đã tự hạ, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
TIN MỪNG: Ga 18, 1-19, 42
NHỮNG ĐAU KHỔ TRIỀN MIÊN CỦA CHÚA GIÊSU
Ai mang kiếp người cũng phải đương đầu với ba thù: xác thịt, thế gian, ma quỷ. Đức Giêsu cũng phải trải qua những đau khổ này, nhưng không hề phạm tội (x. Dt 4, 15: Bài đọc II ). Bài ca thứ tư về Người Tôi Tớ Giavê diễn tả đời phục vụ của Đức Giêsu: “Ngài bị người đời khinh dể ruồng rẫy, đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không muốn nhìn, nhưng sự thật Ngài mang lấy bệnh tật của nhân loại, gánh chịu những đau khổ của chúng ta, thế mà chúng ta lại tưởng Ngài bị Thiên Chúa phạt cách nhục nhã ê chề. Bị ngược đãi, Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt chẳng hề mở miệng. Người bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, Người bị chôn cất giữa bọn gian ác” (Is 52, 13-15 - 53, 1-10a: Bài đọc I).
Thực vậy Đức Giêsu bị “ba thù” tấn công:
A. ĐỐI THỦ SATAN. Chúng chỉ quấy rầy Đức Giêsu trong chốc lát bằng ba câu “nếu”:
* Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy truyền cho viên đá này thành bánh?
* Nếu ông quỳ xuống lạy tôi, tôi sẽ cho ông hết thảy các nước thiên hạ, uy quyền và vinh quang của các nước ấy?
* Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống từ trên thượng đỉnh Đền Thờ, Chúa sẽ ra lệnh cho các Thiên thần bay đến gìn giữ ông?
Như thế, Satan chỉ nêu lên những tình huống để dò ý Đức Giêsu thế nào, chứ thực tế chúng chưa dám đụng đến Ngài, vì lần tấn công nào của chúng, Ngài cũng xô nhào chúng một cách dễ dàng chỉ bằng một Lời Kinh Thánh (x. Lc 4, 1-12).
B. ĐỐI THỦ THẾ GIAN, là những kẻ không muốn đón nhận chân lý. Đan cử tổng trấn Philatô sợ mất ghế ngồi béo bở (x. Ga 19); các đầu mục Do Thái: hàng tư tế, Luật sĩ và Biệt phái thì tự mãn vào việc giữ Luật Môsê, luôn đòi mọi người phải kính trọng họ, nên khi thấy Đức Giêsu được nhiều người ủng hộ, tán dương, khiến cho các đầu mục Do Thái sợ dân bỏ họ mà theo Đức Giêsu, nên phải tìm mọi mưu kế giết Ngài (x. Ga 7, 45. 48-49); dân chúng thì chỉ đòi Đức Giêsu làm phép lạ đáp ứng nhu cầu thân xác họ, yêu sách này không được đáp ứng là họ phỉ báng Ngài và bỏ ra đi hết thảy (x. Ga 6, 22t); hoặc đòi phép lạ để thử thách nhằm hạ nhục Ngài (x. Mt 27, 39-44). Đây là loại người tạo nên “dịp thuận lợi cho Satan” (x. Lc 4, 13) hợp tác để tấn công Đức Giêsu trong suốt đời phục vụ của Ngài, cao điểm là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng đóng đinh Ngài trên thập giá chết cách nhục nhã! Nhưng chỉ sau ba ngày“ngủ” trong mồ (x. Mc 5, 39; Ga 11, 11), Ngài đã trỗi dậy đánh gục thần chết tiến vào vinh quang của Chúa Cha (x. Mt 20, 19). Một trong những kẻ hung bạo trong bọn này là viên sĩ quan Roma thi hành bản án tử trên Ngài, cuối cùng ông phải đấm ngực hối hận mà thốt lên: “Ông này đích thực là Con Thiên Chúa” (Mc 15, 39), để ai nhờ nghe lời ấy mà tin vào Đức Giêsu, thì Ngài cho họ được sự sống đời đời (x. Ga 17, 3).
C. ĐỐI THỦ LÀ XÁC THỊT ĐỨC GIÊSU. Thánh Phaolô nói: “Vị Thượng Tế (Đức Giêsu) của chúng ta đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta. Bởi thế khi còn sống trong kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lên lời khẩn nguyện nài xin Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhận lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ, mới học được thế nào là vâng phục, để biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Ngài không hề phạm tội” (Dt 4, 14-16; 5, 7-8: Bài đọc II). Nhất là trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh:
- Đôi chân Ngài đi cứu giúp những người đau khổ, bàn tay Ngài dang ra để thi ân, giờ đây chúng trả nghĩa bằng những chiếc đinh nhọn dưới nhát búa hằn học đóng xuyên thâu ghim chặt vào cây gỗ .
- Khối óc Ngài để suy gẫm Lời Chúa Cha ban, hầu mở miệng rao giảng cho muôn dân, giờ đây chúng lấy vòng gai ấn vào đầu ghim thấu óc, hết suy nghĩ;
- miệng Ngài bị vả sưng phù, hết nói năng.
- Trái tim Ngài để yêu, chúng ngoáy nát!
Chỉ còn có linh hồn Ngài không ai cướp được, Ngài thưa: “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha” (Lc 23, 46: Đáp ca).
Nói tắt: Mọi khả năng phục vụ của Đức Giêsu bị tước đoạt, cũng như mọi cơ năng để biểu lộ tình yêu lại được đáp trả bằng hận thù, nhưng “khi chính bản thân Đức Giêsu đã tới mức thập toàn, Người đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5, 9: Bài đọc II).
Ngày nay không ít người Công Giáo tự hào là các chi thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Giêsu Phục Sinh, thế mà vẫn tiếp tục gây đau khổ cho Ngài. Bởi vậy Chúa Giêsu Phục Sinh dù đã sống lại vinh hiển, nhưng tay chân và cạnh sườn Ngài vẫn còn mang thương tích (x. Ga 20, 26a), và xem ra các vết tử thương này càng ngày càng mở rộng, vì những người đã được tháp vào Thân Thể Ngài không sống giáo lý Ngài dạy. Đứng đầu là các giáo sĩ, thứ đến là giáo dân.
I/ CÁC GIÁO SĨ GÂY ĐAU KHỔ CHO ĐỨC GIÊSU.
Nguyên nhân gây đau khổ nhiều nhất cho Đức Giêsu là người ta tranh nhau quyền bính. Thậm chí cả đến các môn đệ Đức Giêsu đã được Thầy dầy công giáo dục, mà ông nào cũng nuôi tham vọng tranh ghế nhất nhì trong “Nước của Thầy” khi Thầy thành công trong sự nghiệp Cách mạng theo như các ông nghĩ. Thực ra ai cũng mơ ước mình được thành đạt trong cuộc sống để có địa vị trong xã hội, bản chất nó là tốt. Bởi đó thánh Phaolô nói: “Ai cầu mong được chức giám sự, người ấy mong ước việc tốt lành” (1Tm 3, 1). Nhưng tranh quyền đòi ăn trên ngồi trước, dùng quyền thống trị người anh em, để thủ lợi cá nhân, thì vô cùng độc ác.
Đức Giêsu rất muốn cho các môn đệ được quyền cao chức cả như Ngài, thì phải thực hiện hai điều Ngài dạy:
1- Phải kết hợp với Chúa Giêsu Phục Sinh, nhất là hiệp thông với Ngài qua Bí tích Thánh Thể. Thực vậy, khi các môn đệ tranh nhau địa vị, thì Ngài hỏi các ông: “Chúng con có uống được chéncủa Thầy không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các con sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được” (x. Mt 20, 22-23).
Các ông quả quyết “uống được chén” của Thầy vì theo Thầy mà phải “nằm gai nếm mật” thì cũng cam. Vì khi Thầy thành công trong sự nghiệp, chắc chắn sự gian khổ các ông đã chịu sẽ được đền bù xứng đáng. Nhưng Đức Giêsu thì lại muốn các ông uống chén của Ngài, nghĩa là: Hiệp thông với Ngài qua mầu nhiệm Thánh Thể. Như Ngài đã nói với các ông trong lúc Ngài lập Bí tích này: “Đây là Chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11, 25).”Uống chén của Thầy” là hiệp dâng lễ với Chúa Giêsu để được đồng hóa với Ngài, đã là người cao cả nhất trong Nước Thiên Chúa. Đó là cách Chúa Cha đã chuẩn bị cho những ai “uống Chén của Thầy” (x. Dt 2, 6-11; Mt 20, 23). Vì thế mà Đức Giêsu đã so sánh ông Gioan Bt với kẻ nhỏ là người sống kết hợp với Ngài: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, trong những kẻ sinh bởi người nữ chưa một người nào cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả đã trỗi dậy; nhưng kẻ nhỏ trong Nước Trời lại lớn hơn ông” (Mt 11, 11). Ta lưu ý thuật ngữ “kẻ nhỏ” hay “trẻ nhỏ” hoặc “con thơ bé” trong Tân Ước chỉ riêng về người được Chúa Kitô cứu độ (x. Ga 13, 33; Mt 10, 42; Mt 11, 25; Mt 18, 6; Lc 12, 32; 1Ga 2, 1. 12. 14. 18. 28). Và nhờ được kết hợp với Chúa Giêsu, chúng ta mới có khả năng phục vụ đồng loại “nhờ Ngài, với Ngài, trong Ngài mà tôn vinh Thiên Chúa” (x. Rm 11, 36). Đây là Chân Lý trong Thánh Lễ chủ tế long trọng tuyên bố trước khi cho mọi người rước Lễ, để việc phục vụ trong Chúa Giêsu mới là việc bác ái, việc của Thiên Chúa, có giá trị tồn tại vĩnh cửu, tích trữ vào kho Quê Trời, để hưởng dùng vào thời cánh chung. Đối với những kẻ phục vụ mà không nhờ, không với, không trong Chúa Giêsu, thì việc ấy chỉ là nhân bản, không phải là Đức Ái, nên chắc chắn sẽ tan biến thành tro bụi (x. Cv 5, 38-39).
2- Thứ đến muốn làm lớn, người ta còn phải phục vụ đồng loại với tinh thần như Đức Giêsu, Ngài dạy: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 25-28). Đây cũng là “chén đắng” mà Đức Giêsu trong bản tính nhân loại Ngài run sợ đến toát mồ hôi máu nếu phải uống(x. Lc 22, 41-44). Nhưng “vì chúng ta, Đức Kitô đã tự hạ, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Tung Hô Tin Mừng).
Ngoài ra, các chủ chăn muốn trở nên người tôi trung phục vụ Chúa và đồng loại, còn phải đóng góp của cải, ưu tiên cho việc Nước Thiên Chúa, vượt trên việc bổn phận. bởi thế Đức Giêsu bảo ông Phêrô, thủ lãnh Hội Thánh “hãy thả câu xuống biển bắt được cá thì móc hai quan tiền trong miệng nó để nộp thuế vào Đền Thờ, phần Thầy trước, phần con sau”, mặc dù Đức Giêsu đã giải thích: Ngài là Vua, là Chủ Đền Thờ, môn đệ là con cái trong Nhà, thì không phải nộp thuế, nhưng để khỏi gây cớ vấp phạm cho người khác, Thầy trò vẫn sẵn sàng nộp thuế Đền Thờ (x. Mt 17, 24t). Chính vì thế mà Giáo Lý mới của Rôma số 2043, Đức Giáo Hoàng Phaolô II công bố năm 1992 đã thêm vào Điều Răn thứ 5 của Hội Thánh: “ Các tín hữu có bổn phận đóng góp cho các nhu cầu vật chất của Hội Thánh, mỗi người tùy theo khả năng của mình”
Ta cứ suy gẫm trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, có hai người nói về Đức Giêsu:
- “Này là Người” (Ga 19, 5). Đây là lời của tổng trấn Philatô sau khi đã cho đánh nát thân Đức Giêsu, rồi ông dẫn Ngài ra đứng trước dân, chỉ vào Ngài nói như thế. Như vậy, Đức Giêsu phục vụ nhu cầu mọi người đến nát thân, Ngài mới làm trọn người có nhân bản: Đúng là Người!
- “Ông này thật là Con Thiên Chúa” (Mc 15, 39). Đây là lời tuyên xưng Đức Tin của vị sĩ quan Roma ngoại giáo, khi ông nhìn Đức Giêsu bị đâm, nước và máu từ tim dốc xuống khơi nguồn Ơn Cứu Độ loài người. Như vậy, khi phục vụ đồng loại phải nhắm làm cho mọi người đạt Ơn Cứu Độ, ta mới xứng danh là con Thiên Chúa.
Bất cứ ai phục vụ trong Chúa Giêsu như thế mới là người cao cả để được hiệp dâng Thánh Lễ với Ngài. Vì “Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5, 9b: Bài đọc II).
II/ NHỮNG GIÁO DÂN GÂY ĐAU KHỔ CHO ĐỨC GIÊSU.
1. Không muốn nghe Lời Chúa: Phúc Âm thánh Marco 3, 20-21 ghi lại: Đức Giêsu đang mải mê tiếp đón và đáp ứng nhu cầu của đoàn lũ dân chúng kéo đến chật nhà Ngài đang ngồi giảng dạy. Thậm chí Ngài không còn thời giờ để nghỉ ngơi ăn uống! Đúng lý ra, những người thân tộc của Ngài phải lấy làm hãnh diện được thơm lây. Thế mà họ lại đến lôi Ngài đi không cho giảng cũng như không để cho Ngài phục vụ ai. Họ nói với mọi người: “Ông này mất trí rồi!”
Thái độ hỗn láo với Đức Giêsu như thế, ngày nay nhiều giáo dân đang thể hiện, không muốn hàng giáo sĩ hết lòng giảng dạy cặn kẻ để hiểu thấu đáo Lời Chúa, họ chỉ muốn giảng càng vắn càng tốt. Do đó họ dễ dàng kết án “điên” đối với những người giảng nhiều điều giống Chúa Giêsu (x. Mc 6, 34). Khác hẳn thời Giáo Hội sơ khai: các tín hữu rất quảng đại đối với việc nghe Lời Chúa, họ bỏ việc, bỏ ăn, bỏ ngủ đi nghe Đức Giêsu giảng suốt ba ngày! (x. Mt 15, 32). Thậm chí người ta nghe ông Phaolô giảng quá lâu, làm anh Êutykhô từ lầu ba vì buồn ngủ nhào đầu xuống đất chết, thế mà các tín hữu vẫn phải ngồi nghe ông Phaolô giảng cho đến sáng (x. Cv 20, 7t).
2. Không thiết tha dự tiệc Thánh Thể: Trong đời Đức Giêsu, Ngài giảng một bài quan trọng nhất về Bí tích Thánh Thể, nhưng bị mọi người chê bai: “Ông này ăn nói sống sượng quá, ai mà nghe được”, thế là họ lũ lượt kéo nhau đi hết, trong đó có nhiều môn đệ đã từng theo Đức Giêsu cũng rút lui (x. Ga 6, 60-66).
Giáo huấn Công Đồng Vat. II dạy: “Một Giáo phận được tập trung trong Chúa Thánh Thần nhờ rao giảng Phúc Âm và cử hành Thánh Thể” (xem Sắc Lệnh Về Nhiệm Vụ Mục Vụ Của Các Giám Mục Trong Địa Phận số 11).
Ngày nay nhiều người ồ ạt kéo nhau đến phong trào Lòng Thương Xót Chúa hay đến với Canh Tân Đặc Sủng mục đích chỉ vì xin ơn, nhất là xin lành bệnh, chứ có mấy ai thiết tha khao khát đến dự Thánh Lễ mỗi ngày. Nếu chỉ nhận ra lòng Chúa thương xót khi thấy nhiều người anh em được ơn lạ chữa lành, để tin vào Chúa Giêsu, thì loại người này vẫn không được Ngài tín nhiệm, như thánh Gioan ghi nhận: “Trong thời Đức Giêsu ở tại Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua, trong đám người chầu Lễ, đã có lắm kẻ tin vào danh Ngài, bởi được chứng kiến các dấu lạ Ngài làm. NHƯNG ĐỨC GIÊSU KHÔNG TÍN NHIỆM VÀO HỌ, vì Ngài biết họ hết thảy” (Ga 2, 23-24).
THUỘC LÒNG
Đức Giêsu nói: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18, 8).
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH