Thứ Bảy Tuần Thánh - Vọng Phục Sinh


THỨ BẢY TUẦN THÁNH
VỌNG PHỤC SINH

Tin mừng : Mt 28, 1-10.
“Ngài trỗi dậy và đi Ga-li-lê trước các ông”

Anh chị em thân mến,
Hôm nay là lễ Vọng Phục Sinh, lễ mừng Đức Chúa Giê-su từ trong mồ đá sống lại khải hoàn, một tin vui và niềm hy vọng lại đến dạt dào nơi những kẻ tin vào Ngài, trước hết là Đức Mẹ Ma-ri-a, các môn đệ và những người yêu mến Ngài.

Trong niềm vui phục sinh với Đức Chúa Giê-su, tôi xin chia sẻ với anh chị em về sự Phục Sinh của Chúa liên quan mật thiết đến sự sống hằng ngày của chúng ta.

Chết liên lỉ và sống lại hằng ngày.
Một hôm ve sầu hỏi Đấng tạo hóa:
-    “Có thứ gì vừa có đầy đủ sức sống, nhưng đồng thời cũng có đủ sự chết không?”
-    “Có chứ”- Đấng tạo hóa tiếp lời: “Hạt giống của lúa, lúa mì và tất cả các hạt, chúng nó đều là vừa sống vừa chết; vừa chết vừa sống”[1].

Đức Chúa Giê-su đã sống lại như lời Ngài đã nói trước, đó là một niềm tin và là một sự thật, Ngài đã sống lại sau khi bị đóng đinh vào thập giá, chết, và được mai táng trong mộ đá, đó là tất cả niềm tin của chúng ta, như lời thánh Phao-lô đã quả quyết rằng nếu Đức Chúa Ki-tô chết đi mà không sống lại, thì chúng ta –những kẻ tin- là những người vô phúc nhất. Nhưng Ngài đã sống lại.

Đức Chúa Giê-su là hạt giống Nước Trời được gieo vào thế gian vừa có đủ sự chết nên Ngài đã chết, vừa có đủ sự sống nên Ngài đã sống lại, sự sống lại này là một bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy chính Ngài là Thiên Chúa, là Đấng cứu chuộc trần gian. Ngài đã sống lại và đang ở trong mỗi người chúng ta, để làm cho chúng ta -nhờ bí tích Thanh Tẩy và Hòa Giải- cũng được sống lại với Ngài trong từng giây phút của cuộc đời mình.

Anh chị em thân mến,
Phụng vụ đêm nay có nhiều nghi thức, mỗi một nghi thức đều ăn khớp với nhau, từ Cựu ước đến Tân ước, tất cả đều có liên quan đến Đức Chúa Giê-su lá Đấng cứu thế, là Đấng Mê-si-a mà các tiên tri đã loan báo, để cho chúng ta hiểu được kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại thật vĩ đại dường nào.

Mỗi giây phút trong cuộc đời của chúng ta đều có sự chết và phục sinh của Đức Chúa Giê-su: khi chúng ta hy sinh, chúng ta hãm mình là chúng ta chết cho tội và sống trong ân sủng của Thiên Chúa; khi chúng ta nhịn nhục, khi chúng ta phục vụ là chúng ta chết cho cái tôi và sống lại trong Thần Khí của Đức Chúa Giê-su...

Không phải chỉ đúng ngày lễ Phục Sinh chúng ta mới “sống lại”, nhưng tình yêu của Đức Chúa Giê-su thôi thúc chúng ta chết và sống lại mỗi ngày, bởi vì mỗi người trong chúng ta là những mảnh đất tốt để hạt giống Lời Chúa nẩy mầm và phát triển rồi ảnh hưởng đến môi trường chung quanh chúng ta.

Người ta sẽ không biết Đức Chúa Giê-su chết như thế nào và sống lại ra sao, nếu mỗi người trong chúng ta –người Ki-tô hữu- không đem đời sống của mình ra để làm chứng cho Đức Chúa Giê-su Phục Sinh, mà chứng cớ sống động nhất chính là chúng ta sống như Chúa đã sống, đó là yêu thương, phục vụ và tha thứ cho nhau- Alleluia.

Xim Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Trích trong “Truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch và viết suy tư của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Previous Post Next Post