Dường như chúng ta dễ khuyên bảo người khác chịu đau khổ, nhưng Chúa Giêsu thì đã thực sự gánh lấy đau khổ vì chúng ta cách cụ thể nhất. Chúng ta cùng suy niệm mầu nhiệm đau khổ của Chúa Giêsu và noi gương bắt chước Người.
Bảy lời sau cùng của Đức Giêsu trên thánh giá
1. Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm (Lc 23,34)
2. Ta bảo thật với anh: “Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trong thiên đàng” (Lc 23,43)
3. Thưa Bà, đó là con Bà - Đó là Mẹ của con (Ga 19,26-27)
4. Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Người bỏ tôi? (Mt 27,46; Mc 15,34)
5. Ta khát (Ga 19,28)
6. Mọi sự đã được hoàn tất (Ga 19,30)
7. Cha ơi, Con phó tâm hồn của Con trong tay Cha (Lc 23,46)
Suy niệm
Thường người ta có thói quen trốn chạy đau khổ bằng mọi cách. Và không có gì gây bực tức cho xã hội mạnh hơn, là quan điểm Kitô giáo cho rằng phải chấp nhận, chịu đựng và ngay cả sẵn sàng đón nhận đau khổ, để nhờ đó thắng vượt nó. ĐGH Gioan Phaolô II tin rằng “đau khổ là một ẩn số của con người”. Tại sao?
Nhân loại ngày nay đang tìm cách đẩy đau khổ ra khỏi thế gian. Đối với từng cá nhân, điều đó có nghĩa là phải làm sao tránh bị đau khổ. Nhưng người ta cũng phải thấy rằng như vậy thì thế giới sẽ hóa ra rất lạnh lẽo và rất khó sống. Đau khổ là một thành tố của kiếp người. Và ai thực sự muốn diệt đau khổ người đó cũng phải hủy diệt tình yêu; không có đau khổ thì chẳng có tình yêu, bởi vì tình yêu luôn đòi hỏi từ bỏ một phần chính mình, bởi vì tình yêu, tùy theo tâm tính và mức độ tình huống, cũng luôn kéo theo với nó sự từ bỏ và đau khổ.
Nếu ta biết con đường tình yêu là con đường “xuất hành”, nghĩa là ra đi khỏi mình là con đường thật để thành người, thì ta cũng hiểu rằng đau khổ là tiến trình trưởng thành. Ai sẵn sàng chấp nhận đau khổ, người đó trưởng thành hơn, hiểu người khác hơn, là người hơn. Ai trốn tránh đau khổ, kẻ đó không hiểu tha nhân, sẽ trở nên vị kỷ tàn bạo.
Chính tình yêu là một cực hình, một chịu đựng. Thoạt tiên, tôi cảm nghiệm được trong nó nỗi sung sướng, tôi kinh nghiệm được hạnh phúc thật. Mặt khác, trái lại, tôi cũng phải bước ra khỏi sự yên lành thoải mái của tôi, và cũng phải chấp nhận mình thay đổi hình dạng. Nếu ta bảo đau khổ là mặt trái của tình yêu, thì ta cũng hiểu được việc học đau khổ cũng quan trong biết là dường nào, và cũng hiểu được tại sao tránh đau khổ làm cho con người mất khả năng sống. Trường hợp này đời ta chỉ còn là trống rỗng, rồi có thể chỉ còn là bực tức, khước từ, hết còn là trưởng thành, hết còn biết sẵn sàng chấp nhận.
(Thiên Chúa và Trần Thế của ĐGH Bênêđictô XVI, Phạm Hồng Lam dịch)
LM. JM. Hà Ngọc Phú CSsR