Suy ngắm 14 Chặng Đường Thánh Giá

                                 TỪNG BƯỚC MỘT THÔI

Bài hát: "Những Chiếc Mạng Nhện"
Thơ: Lm Nguyễn Tầm Thường - Nhạc: Phạm Trung - Thể hiện: Diệu Hiền


Chúa Giê-su vác thánh giá, Chúa bị đánh đòn
Bài này sẽ hay quá ! nếu bạn đang mang tâm tình “xin cho con cùng bước đi với Ngài… từng bước một thôi”.



1.     Chúa Giêsu bị kết án tử hình.

Phiên tòa Lễ Vượt Qua năm ấy được diễn ra trong bầu khí sôi động khác thường với một nền công lý đã đến hồi suy sụp:

- Bên nguyên cáo là đám đông quần chúng vô trách nhiệm dưới sự lãnh đạo của các Thượng tế, miệng hò la sắt máu và tay vung lên đòi kết án tử hình.

- Bên bị cáo là một mình Chúa Giêsu đứng im lặng, đôi tay quyền uy ngày nào đã từng giải thoát bao người cùng khổ, giờ đây bị chốt chặt dưới vòng dây pháp luật phàm trần.

- Quan tòa là một người ngoại đạo, làm việc chẳng nhằm phục vụ cho ai ngoài lợi lộc cho bản thân.

- Và tội danh rốt cuộc chỉ là một điều vu cáo với những bằng chứng ngụy tạo lấy thịt đè người.

Vì kiêu ngạo, con người đã kết án Thiên Chúa, đã chối bỏ sự hiện diện của chân lý để chạy theo con đường lầm lạc và đã khước từ tình thương để lao đầu vào đêm tối của hận thù chết chóc.

Lạy Chúa, tổ tông chúng con khi xưa chỉ vì kiêu căng nên đã bị loại ra khỏi hạnh phúc địa đàng, và hôm nay tới lần chúng con cũng thường tự phụ gạt bỏ Chúa ra ngoài cuộc sống. Xin Chúa cho chúng con được thật lòng sám hối, và tìm lại bản chất con người mình trong cuộc khổ nạn của Chúa.

2: Chúa Giêsu vác Thánh giá.

Theo luật Rôma, tội nhân bị khép án tử hình phải tự mình vác lấy Thập giá tới nơi thi hành bản án. Không ngoài thông lệ ấy, Chúa Giêsu đã nhận lấy Thập giá và Người lầm lũi dò bước trước mắt những kẻ kết án mình. Nhìn từ góc độ pháp lý, Thập giá được xem là một sáng kiến lạ lùng và tàn bạo của ngành tư pháp Rôma dành cho các tử tội, khi tòa án bắt phạm nhân phải vác lấy gánh nặng họ đã gây ra mà đi đến chỗ chết, như một kiểu đền bù công khai.

Nhưng nhìn từ góc độ cứu chuộc, Thập giá lại là một sáng kiến yêu thương không thể hiểu được của Thiên Chúa dành cho con người, khi Ngài để cho Chúa Giêsu đón lấy lỗi lầm của cả nhân loại chất chồng theo năm tháng trên bờ vai cứu chuộc.

Lạy Chúa, chia ly bao giờ cũng là lúc trao nhau những tình cảm thắm thiết nhất, thế nhưng, lúc Chúa ra đi, loài người chúng con lại ném vào Chúa những hận thù và oan nghiệt. Thập giá ngày xưa là gánh nặng con người dành cho Chúa, nhưng Thập giá ngày nay lại là quà tặng Chúa dành cho những ai yêu mến bước theo. Xin cho chúng con hiểu được ý nghĩa của Thập giá, và biết can đảm tiến bước theo Chúa mọi ngày trong đời chúng con..

3. Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất.

“Khốn cho ngươi, Giêrusalem, vì ngươi không biết giờ Thiên Chúa viếng thăm ngươi!”. Giêrusalem là thành thánh tế lễ cho Thiên Chúa, nhưng Giêrusalem cũng là thành phố đã chứng kiến bao cảnh tang thương phụ bạc. Ngày Chúa vào thành ngồi trên lưng lừa, dân chúng đã cầm lá phất phới hoan hô: “Vạn tuế con vua Đavít”; nhưng ngày Chúa ra khỏi thành oằn lưng dưới cây Thập tự, thì cũng đám đông dân chúng ấy lại vung tay nhục mạ: “Đem đi, đem đi, đóng đinh nó vào Thập giá!”.

Giêrusalem phụ bạc, Thánh đô sững sờ. Yêu thương bỗng hóa hận thù, lòng người phút thoáng mây mù đổi thay! Chúa buồn rầu và Người ngã xuống đất lần thứ nhất: ngã xuống vì sự bất trung của dân chúng.

Lạy Chúa, nhiều lần trong đời chúng con chỉ tìm an nghỉ, và chỉ thích dừng lại trong vinh quang ổn định, để rồi cố tình lẩn tránh hy sinh hoặc quên đi ý nghĩa của việc chối từ sự dễ dãi, bởi dễ dãi thường cũng đồng nghĩa với dễ chịu. Chúa vào thành Giêrusalem trong vinh quang ngày Lễ Lá, nhưng không dừng lại ở đó để làm vua, mà lại ra đi để chịu đau khổ đến ngã gục. Xin cho mỗi người chúng con khi suy niệm mầu nhiệm Thánh giá, cũng biết hy sinh và sống tinh thần từ bỏ mỗi ngày.

4. Đức Mẹ gặp Chúa Giêsu vác Thánh giá.

Không có biến cố quan trọng nào trong đời sống Chúa Giêsu lại vắng bóng Mẹ Maria, từ những lúc vui tươi nhất của đêm Giáng sinh đến những phút thê lương nhất của chiều tử nạn. Mẹ có mặt trong âm thầm. Mẹ chứng kiến trong thinh lặng. Ghi nhận và suy tư. Hiệp thông và dâng hiến. Cõi lòng hòa chung nỗi niềm cứu chuộc của con mình.

Mẹ nhìn theo Chúa không nói một lời, Chúa nhìn theo Mẹ chẳng nói một câu. Nhưng trong ánh mắt lặng lẽ gửi trao giờ phút ấy, xem ra đã chất chứa cả một sứ điệp nhiệm mầu. Đó là lúc tiếng “Xin vâng” của Mẹ năm xưa trong biến cố truyền tin gặp gỡ lời “Xin cho ý Cha nên trọn” của Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Cây Dầu. Vì thế, đó là sứ điệp sinh động rướm máu và hiện thực đến độ không còn lời để nói ra.

Lạy Mẹ Maria, cùng với Mẹ trên đường Thánh giá, chúng con muốn gặp Chúa, nhưng chúng con biết ánh mắt tâm hồn chúng con chưa thực sự an bình, chính vì thế, nhiều khi chúng con chỉ thấy ở đó “người tử tội trên đường thụ nạn” chứ không nhận ra Chúa là “Đấng Cứu Độ duy nhất”. Xin Mẹ giúp chúng con biết giữ cõi lòng tĩnh lặng, để trong mọi ngày sống, chúng con được gặp Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ cuộc đời chúng con.

5. Ông Simon vác đỡ Thập giá cho Chúa.

Thập giá trĩu nặng trên vai, Chúa yếu sức trên đường Tử Nạn. Vào chính lúc ấy, có một người đi làm về. Tên ông là Simon. Không biết tên ông theo nguyên ngữ Do Thái nghĩa là gì, chỉ biết rằng kể từ giây phút gặp gỡ Chúa Giêsu trên đường Thương Khó hôm đó, tên ông cũng đồng nghĩa với lòng trắc ẩn, lẽ cảm thông, tình thương người, tâm vị tha … Và kể từ lúc ông nhận vác đỡ Thập giá cho Chúa Giêsu trên đường Tử Nạn, đường ông đi không còn là đường về lại mái nhà xưa cay đắng nữa, mà đã trở thành đường lên đỉnh Thiên Sơn của miền cứu rỗi mở rộng cho hết mọi người.

Thật thảm hại! Khi Chúa còn rao giảng công khai, biết bao người đã tới nghe lời chân lý và lãnh nhận hồng ân. Nhưng lúc gặp Chúa gặp cảnh khốn cùng, mấy ai đã đến giúp đỡ Người? Yêu thương đâu phải chỉ biết có nhận lãnh? Trái lại, yêu thương đòi buộc phải biết cho đi, như ông Simon đã cảm thông và cho Chúa những phút nghỉ ngơi quý giá sau một buổi làm việc mệt nhoài.

Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương chúng con đến hy sinh mạng sống. Xin ban cho chúng con trái tim biết nhạy cảm hơn trước những nhu cầu của người lân cận, và đôi tay quảng đại hơn trước nỗi khốn cùng của kẻ khác.

6. Bà Vêrônica lau mặt cho Chúa.

Trong những người hiện diện bên đường Khổ Nạn năm xưa của Chúa, người ta phân biệt được ba loại người: loại thứ nhất bám sát Chúa Giêsu hơn cả là đám đông quần chúng vô trách nhiệm hoặc những kẻ hiếu kỳ; loại thứ hai theo Chúa xa xa là những người thân cận như vài Tông đồ và các phụ nữ theo giúp Người từ Galilêa; và loại thứ ba là một số người thành tâm thiện chí có mặt rải rác đó đây trên mỗi chặng đường. Theo truyền thống, bà Vêrônica thuộc số những người thiện chí này.

Phúc Âm không nhắc đến tên của bà và tuyệt nhiên cũng chẳng có một chỉ dẫn nào về việc ướt át nặng nề về nữ tính khi bà trao khăn cho Chúa Giêsu lau mặt. Tuy nhiên, được truyền thống giữ lại trên đường Thánh giá, bà Vêrônica là đại diện cho những kẻ không biết Chúa, nhưng cảm mến Người và mong làm vơi sầu muộn cho Người khi lau khô những giọt mồ hôi loang máu. Thương người sẽ gặp Chúa.

Lạy Chúa, mỗi người chúng con đều biết giới luật trọng nhất là yêu thương, thế nhưng hằng ngày chúng con vẫn nhìn nỗi khổ của người hàng xóm với cặp mắt dửng dưng, và nghe niềm đau của người lân cận bằng trái tim băng giá. Xin Chúa thứ lỗi chúng con, và cho chúng con biết tìm gặp Chúa trong tình thân đối với tha nhân.

7. Chúa Giê su ngã xuống đất lần thứ hai.

Nếu sự bất trung của dân chúng đã làm Chúa quỵ gối, thì sự lạnh nhạt của các Tông đồ đã làm Chúa té nhào kiệt sức. Thật vậy, suốt ba năm đời công khai, Chúa Giêsu đã sống thân tình với Nhóm Mười Hai, nhưng khi Người bị trao nộp, họ đều hoảng sợ bỏ trốn. Giuđa manh tâm bán Chúa với ba mươi đồng rẻ mạt. “Thà nó đừng sinh ra thì hơn!” Đến như Phêrô đức tin mạnh mẽ là thế, đã có lúc tín trung thề non hẹn biển, cũng đã nhẫn tâm chối Chúa đến lần thứ ba. “Tinh thần thì mau mắn, nhưng xác thịt thì yếu đuối”.

Và Gioan “người môn đệ được Chúa yêu” thì xem ra lại chỉ theo Chúa xa xa. Còn các Tông đồ khác đã đành tâm rút lui vào bóng tối, sợ liên lụy vào mình.

Thế đấy! Thất bại hoàn toàn. Nhóm cận thân đã bỏ Chúa một mình. Thế đấy! Phá sản trắng tay. Chúa Cha ở xa bỏ Người đã đành, Nhóm Mười Hai tưởng là ở gần cũng bỏ Người trốn xa. Nghe chao nghiêng Thập giá, Chúa ngã xuống đất lần thứ hai: ngã cho các Tông đồ có lần được trỗi dậy.

Lạy Chúa, là người Công Giáo, chúng con được hạnh phúc biết Chúa, nhưng có khi chính chúng con lại là những người phản bội làm buồn lòng Chúa hơn cả. Xin cho chúng con biết cương quyết trỗi dậy sau mỗi lần vấp ngã lìa xa Chúa.

8. Chúa Giêsu yên ủi các phụ nữ.

Trước khi tới Núi Sọ, tại một góc đường hẹp, một số phụ nữ Giêrusalem khóc lóc đợi chờ Chúa đi qua. Thật khôi hài! Khi Chúa còn công khai giảng dạy trên đường sứ vụ, người ta tìm mọi cách để ám hại Chúa, nào là bỏ vạ cáo gian, nào là vặn vẹo cạnh khóe, nào là gài bẫy giăng mưu, nào là kết án khử trừ; nhưng khi Chúa như “con chiên hiền lành” được thật sự trao cho người ta đem đi giết, thì họ mới bàng hoàng tỉnh mộng. Giết Chúa là một mất mát quá lớn, và bởi thấy mất mát nên mới khóc lóc tiếc thương.

Tiếng khóc ấy bên ngoài là nỗi cảm thương Chúa chịu khổ hình, như thương người vô tội bị hàm oan, như thương bậc chính nhân bị đem đi hành quyết; nhưng tận trong cõi lòng sâu thẳm, tiếng khóc ấy là sự nức nở và tức tưởi tiếc nuối nguồn ân phúc vừa đánh mất. Thành ra, tiếng khóc thương bỗng thành tiếng khóc than. Nước mắt khóc thương Chúa chịu khổ nạn lại vỡ thành nước mắt khóc than cho lầm lỗi của mình.

Lạy Chúa, suy niệm đường Thánh giá hôm nay, xin cho chúng con biết tê tái cõi lòng khóc cho những tháng ngày đi hoang xa lìa Chúa, và than cho một quá khứ trót dại lỗi lầm, để rồi chúng con được tìm lại Chúa trong giọt lệ ăn năn.

9. Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba.

Nếu tội là khước từ tình yêu của Chúa thì phạm tội là xúc phạm đến chính Đấng là Tình Yêu. Bởi Đấng là Tình Yêu đã yêu thương nhân loại đến cùng, đã cho đi tất cả không giữ lại điều gì, nên con người một khi khước từ tình yêu của Chúa, không những đã làm cản trở ơn cứu độ phát huy nơi bản thân mình, mà còn làm cản trở ơn cứu độ phát triển cho người khác nữa.

Thập giá trở nên trĩu nặng, vì kéo theo tội lỗi nhân loại chất chứa từ bao thế kỷ. “Không biết khi Con Người đến liệu còn gặp thấy niềm tin trên mặt đất nữa không?” Chúa rùng mình đau khổ và Người ngã xuống đất lần thứ ba: ngã cho các tội nhân được tìm về ơn tha thứ.

Lạy Chúa, đường Thánh giá Chúa đi năm xưa làm bằng đớn đau thể xác và sầu muộn tinh thần. Bước chân Chúa trải dài bằng hy sinh nhẫn nhục. Vòng tay Chúa ghì chặt bằng tha thứ khoan dung. Ánh mắt Chúa ngước lên bằng hao mòn vâng phục. Và trái tim Chúa nhịp đập bằng yêu mến xót thương. Xin Chúa cho chúng con mỗi khi ngã quỵ vì đau khổ, vì yếu đuối, biết hướng nhìn lên Thánh giá Chúa và trỗi dậy trong niềm tin vào tình thương của Chúa bao dung ngàn đời.

10. Quân lính lột áo Chúa Giêsu.

Trang phục dùng để che thân trong đời sống cá nhân và đồng thời cũng là một hình thức điểm trang trong đời sống xã hội. Trang phục không làm nên nhân cách, nhưng một phần nào đó cũng biểu lộ nhân cách. Trang phục chẳng thể đồng hóa với đời sống con người như “chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng trang phục cũng nói lên chút gì gần gũi với phẩm giá. Khi Chúa Giêsu chịu tước lột hết trang phục, thì có nghĩa là Người đã tự nguyện từ bỏ tất cả phẩm giá vốn có, để chỉ nhận lấy thân phận trần trụi khốn cùng của con người tội lỗi mà Ađam ngày nào đã để lại sau khi ăn trái cấm địa đàng.

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự …” (Pl 2, 6-8).

Lạy Chúa, Chúa đã từ bỏ vinh quang để mặc lấy nhân tính yếu hèn của chúng con. Xin cho chúng con ngay từ bây giờ biết sống mầu nhiệm Vượt Qua, nghĩa là biết từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình mà đi theo Chúa để hy vọng cũng được thông phần vinh quang với Chúa mai sau.

11. Chúa Giêsu chịu đóng đinh.

Thập giá là hai cây gỗ dọc ngang đặt trái chiều nhau: cây chiều dọc vươn lên tượng trưng cho thánh ý Thiên Chúa; cây chiều ngang trĩu nặng là hình ảnh ý riêng mỗi người; và trung điểm gặp gỡ giữa chiều dọc chiều ngang làm nên Thập giá chính là trái tim quảng đại. Mỗi khi phải từ bỏ ý riêng để đón nhận và chu toàn thánh ý Chúa là Thập giá khổ đau đã xuất hiện, và chính khi chịu đóng đinh vào Thập giá là lúc quay quắt nhất để diễn tả về một tình yêu tuyệt vời mang màu cứu độ. Yêu là đóng đinh.

Như vậy, Thập giá trước hết mang lấy ý nghĩa của sự đau khổ, vì phải đấu tranh với ý riêng mình. Nhưng đau khổ mà thiếu yêu thương là đau khổ vô ích, cũng như yêu thương mà vắng bóng đau khổ chỉ là yêu thương giả hiệu, nên cuối cùng khi đã chiến thắng chọn theo thánh ý Chúa, Thập giá bỗng trở thành dấu chỉ đong đầy ý nghĩa yêu thương.

Lạy Chúa, Chúa đã chịu đóng đinh vào Thập giá và đã chịu đau khổ chỉ vì yêu thương, Chúa đã đánh đổi tình thương bao la của Chúa để nhận lấy niềm đau cùng cực của cả nhân loại. Chúng con cảm tạ Chúa. Xin cho chúng con biết say mê Thánh giá Chúa và sống đời Tử Nạn mỗi ngày hơn.

12. Chúa Giêsu chết trên Thánh giá.

“Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay Cha”. Chúa Giêsu nói lời phó dâng và Người trút hơi thở cuối cùng. Màn trong Đền Thờ xé ra làm đôi. Giao Ước cũ đã hết hạn, Giao Ước mới đã khởi đầu. Viên sĩ quan chứng kiến cuộc Tử Nạn của Chúa đã tin nhận Người là Đấng Công Chính, dân chúng tham gia cũng ra về đấm ngực ăn năn. Như vậy, ngay khi Chúa Giêsu vừa tắt thở, Thập giá đã tràn căng sức mạnh cứu rỗi và từ đó nên nguồn mạch đức tin.

“Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên với Ta”. Sinh thời Chúa Giêsu đã có lần báo trước hiệu quả cứu độ của Thập giá, nhưng khi “giờ” Thập giá của Người đến, người ta mới thấy nghịch lý muôn đời của Tin mừng cứu rỗi: khôn ngoan biểu lộ qua điên dại; sức mạnh vươn lên từ yếu đuối; và sự sống hạnh phúc nẩy sinh từ những điều tưởng như mất mát chết chóc bi thương. Giáo Hội của những kẻ tin vào tình thương Thiên Chúa khởi nguồn từ đây.

Lạy Chúa, chúng con hãnh diện vì được làm con Chúa, nhưng nhiều khi chúng con sống không hơn gì những kẻ không có lòng tin. Xin cho chúng con, sau khi đã tham dự cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, cũng biết sống xứng đáng là những tín hữu trung thành, và xin cho Nước Chúa mỗi ngày một rộng lan.

13. Tháo xác Chúa Giêsu khỏi Thập giá.

Trời đã xế chiều. Hôm đó lại là ngày chuẩn bị, áp ngày Sabat, nên không có cách lựa chọn nào khác, Giuse Arimathia vội vã tháo xác Chúa Giêsu xuống và trao cho Mẹ Maria chiêm ngắm lần cuối cùng. Còn gì nữa đâu, biết bao khổ sầu. Lưỡi gươm cụ già Simêon tiên báo ba mươi năm trước giờ đây đã thực sự ứng nghiệm đâm nát cõi lòng. Mẹ nghẹn ngào ôm xác người con một thân yêu với những vết thương còn mở rộng và ngất lịm đón nhận nhành lá tử đạo dưới chân Thập tự.

Đó là cảnh tượng não nùng đã làm nên nguyên mẫu lạ lùng cho tất cả những ai tin tưởng phó thác trọn vẹn vào tình thương của Thiên Chúa. “Đức Maria: kẻ đã tin”. Giữa lúc đời đen tối nhất, khi con mình đã chết, khi ánh sáng lời hứa có vẻ như tắt ngấm, và khi Thiên Chúa làm như cũng bỏ rơi Đấng Thiên Sai, thì Đức Maria vẫn đứng vững. Âm thầm đón nhận và can đảm tin yêu.

Lạy Mẹ, chứng kiến cái chết của con mình, Mẹ đã đau khổ thật nhiều. Tấm lòng Mẹ tan nát. Niềm tin Mẹ kiên định. Mẹ hiệp thông cứu chuộc. Xin Mẹ giúp chúng con, đang khi mang trong mình Thập giá và thương tích của Chúa Kitô, cũng biết thông phần đau khổ với Người, để mai sau khi vinh quang Người tỏ hiện, chúng con cũng sẽ được hỷ hoan cùng người.

14. Táng xác Chúa Giêsu trong huyệt đá.

Một hòn đá lớn che lấp cửa hang. Thế là hết! Bóng tối bao trùm tất cả: lòng mồ Chúa cũng như lòng các Tông đồ. Bóng tối dường như nói lên khía cạnh bi quan của thảm kịch Vượt Qua: Vua Sự Sống đã tử trận và bị chôn vùi giữa lòng đá tưởng chừng mất hút trong thời gian biền biệt. Bóng tối cũng còn gợi lên nỗi thất vọng ê chề của các Tông đồ: có người ngao ngán rút lui co cụm trong một thứ im lặng đầy lo âu bất trắc; có kẻ vỡ mộng buông xuôi trở về nghề cũ cho tháng ngày qua.

Nhưng không! Bóng tối phải có một ý nghĩa lạc quan hơn. Đó là không còn là bóng đen mòn mỏi tuyệt vọng, mà đã trở thành bóng đêm canh thức đợi trông. Đó cũng chẳng phải là bóng đen rợn rùng kinh hãi, nhưng là một bóng đêm tin tưởng đợi chờ. Chính trong bóng đêm huyền nhiệm ấy, Chúa Giêsu đã âm thầm chuẩn bị Phục Sinh, để khi trỗi dậy từ cõi chết, Người làm bừng lên một sự sống mới xua tan đi mãi mãi bóng tối tử thần.

Lạy Chúa, nhiều lần chúng con chạm trán vào những thử thách đức tin mịt mù dường như đêm tối. Xin cho chúng con biết âm thầm chiến đấu và vững dạ cậy trông, để trong bóng tối cam go ấy, chúng con chóng tìm lại được hình ảnh của Chúa in đậm nét trong tâm hồn.

+ Gm. Giuse Vũ Duy Thống
Previous Post Next Post