Lời Chúa cnmc 4a _ kẻ mù lại thấy, kẻ thấy thì như mù

KẺ MÙ THÌ LẠI THẤY,
KẺ THẤY THÌ NHƯ MÙ
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy chạm mắt chúng con, như đã chạm mắt người mù.
Để chúng con nhìn những vật hữu hình, thấy được những vật vô hình. (Origen)
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, M.D.
Đọc bài Tin Mừng Gioan hôm nay (Ga 9:1-41), ta nên để ý đến phần kết luận, nói về ý nghĩa “nhìn thấy” mặt đức Giêsu. Tác động này nói lên mức độ mù lòa của con mắt chúng ta, sự cảm nghiệm của chúng ta về sức mạnh chữa lành của đức Giêsu và sự hiểu biết của chúng ta về con người Giêsu thực sự là ai. Là Thiên Chúa và là đấng Cứu Thế từ trời đến. Ngay từ khởi đầu Tin Mừng Gioan, thắc mắc này đã được nêu lên. Đức Giêsu từ đâu đến? Ai đã sai người đến thế gian? Con người thành Nazareth đã theo học tại chủng viện nào? Anh ta đã có được tất cả mọi sự như vậy là do đâu? Anh ta đã học ở đâu mà dám phá bỏ cả lề luật Chúa? Những vấn nạn này quả đã tràn ngập trong bài Tin Mừng Gioan hôm nay nơi câu chuyện người mù bẩm sinh được nhìn thấy.
Câu chuyện chữa người mù trong ngày Sabbath là một biểu tượng độc nhất, bởi vì chữa khỏi mù chỉ thấy trong Cựu Ước sách Tobit (7:7;11:7-13;14:1-2), mà Tobit lại không phải là mù bẩm sinh. Câu chuyện hôm nay, dấu hiệu thứ sáu trong Tin Mừng Gioan, được nêu ra để làm nổi bật lời Chúa Giêsu:
“Ta là Ánh Sáng thế gian” (Ga 8:12; 9:5). Bài tường thuật nói lên sự tương phản giữa đức Giêsu là Ánh Sáng và dân Do Thái là những kẻ mù lòa (Ga 9:39-41). Chủ đề Nước lại một lần nữa được đưa ra ám chỉ suối nước Siloam. Nhưng nực cười thay, đức Giêsu lại bị dân Do Thái phán xét, mà phán xét bới Ánh Sáng thế gian xác thịt! (Ga 3:19-21).
CUỘC TRANH LUẬN
Hành động chữa sáng mắt người mù chỉ nói gọn trong 2 câu, nhưng cuộc tranh luận về việc chữa lành kéo dài 39 câu. Cuộc tranh luận xem ra như phần chính của câu chuyện! Để trả lời những thắc mắc về nguồn gốc của đức Giêsu, người mù được chữa lành trả lời: “Ông ấy đã chữa sáng mắt tôi.” Anh nghĩ ông ta từ đâu đến? Người mù tuần tự đi từ tối tăm đến sáng tỏ: anh ta coi đức Giêsu là một người, là tiên tri và sau cùng anh tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa. Những người biệt phái Pharisieu lúc đầu thì công nhận là người mù mắt được chữa sáng, nhưng sau đó bắt đầu hồ nghi và cuối cùng chối bỏ nguốn gốc Thiên Chúa của đức Giêsu.
Câu chuyện người mù quá đơn giản làm cho những kẻ gọi là khôn ngoan đâm bối rối để rồi cuối cùng họ không công nhận người này là người mù mà họ biết trước kia. Tuy nhiên điều đó cũng dễ hiểu đối với những người Pharisieu, họ đã được huấn luyện, cũng như biết bao nhiêu người khác, theo nguyên tắc: quan sát, phân tích, diễn tả rồi cắt nghĩa hiện tượng trong những hoàn cảnh đặc biệt. Đó cũng là bình thường mà thôi.
QUÁ KHỨ CỦA NGƯỜI MÙ
Người mù này thực sự không biết một tý gì về tôn giáo và sự cứu chuộc. Anh ta không phải là người ngoan đạo theo nghĩa truyền thống hoặc kính nể những tổ phụ. Điều chắc chắn và rõ ràng nhất là đã một thời hắn sống trong tăm tối nhưng bây giờ hắn đã được ngụp lặn trong thế giới chan hòa ánh sáng. Hắn đã biết và nhận ra điều đó. Chỉ một điều đó! Còn điều đặc biệt và lạ kỳ nhất nữa đã xẩy ra cho hắn là hắn muốn biết ai đã làm hắn hết mù!
Kẻ được chữa sáng mắt thì không khởi đầu với một hiểu biết đặc biệt, nhưng với một nhận thức chính xác đức Giêsu là người duy nhất đã cho hắn sự sống, đã cứu hắn, đã chữa hắn khỏi mù tối, cho hắn hy vọng và can đảm. Người đó chính là Giêsu! Chúng ta biết, người mù không phải là người duy nhất công nhận “Đức Giêsu là Thiên Chúa, đấng cứu chuộc, đã chữa cho hắn được sáng mắt”, nhưng là tất cả con cháu tinh thần của người mù, cả một đạo binh xuyên suốt lịch sử loài người! Hy vọng chúng ta là một phần trong tổng số đó!
VẤN NẠN VỀ ĐAU KHỔ
Gắng công giải quyết vấn đề đau khổ và chết chóc thường mang lại nhiều đau khổ lớn lao hơn là nỗi đau ban đầu. Người ta đặt vấn đề: ”Tại sao lại là tôi? Tại sao lại có đau khổ?” “Lỗi của ai mà tôi phải mù, điếc, câm, nghèo khổ không giống ai cả?” “Đau khổ có ý nghĩa và giá trị gì không?” “Ai đã tạo ra đau khổ?” “Tại sao những quái quỉ đó lại xuất hiện?” “ Tại sao tôi lại bị trừng phạt như vậy?.” Chúng ta thường dùng từ ‘mù lòa’ hay ‘tối tăm’ khi không thể hiểu nổi ý nghĩa của đau khổ.
Nếu đọc bài Tin Mừng hôm nay như đọc một câu chuyện khôi hài không hơn không kém thì chúng ta đã để mất một màn đối thoại độc nhất ở ngoài hội đường giữa đức Giêsu và người mù được chữa sáng. Niềm Tin của anh ta đưa đến một hậu quả ghê gớm cho anh ta và tất cả chúng ta. Anh ta bị đuổi ra khỏi hội đường. Anh ta bị xa lìa khỏi luật Torah, khỏi gia đình, khỏi chiều thứ sáu ngày Sabbath cùng với gia đình và bạn bè –tất cả mọi sự, bởi lẽ anh ta đã đăm chiêu nhìn sâu và trực tiếp vào Ánh Sáng. Cái nhìn đăm chiêu và kiên quyết ấy đã chữa lành anh và anh nhìn được ánh sáng.
SỰ MÙ LÒA CỦA CHÚNG TA NGÀY NAY
Nhiều người rất e dè không muốn biết nguồn gốc của ơn cứu độ, ai là người đem lại nguồn hy vọng và là nguyên cớ của niềm vui. Chúng ta không muốn nhắc đến tên người đó, sợ phải nghe những điều mà người ta sẽ nói tới về người. Sự e dè đó có lẽ vì chúng ta chưa sẵn sàng chấp nhận người đó là đức Giêsu? Đôi khi chúng ta miêu tả sự mù tối của chúng ta như là không nhìn thấy những cây trong một cánh rừng, nhưng đó chẳng qua chỉ là một cách cắt nghĩa loanh quanh ngụy biện. Buồn cười hơn nữa là bị mù bẩm sinh thì nại cớ không được học hỏi. Ngoài ra sự phách lối kiêu căng chính là cội nguồn của sự mù tối. Chúng ta cần có phép lạ để cải đổi những cái nhìn như vậy. Đã bao lần chúng ta hành xử như những kẻ đã cố gắng ngăn cản tên mù Bartimaeus (Mc 10:46-52) không cho hắn được nhìn và gặp Chúa? Chúng ta có hăm hở và vui vẻ mang bạn bè, đồng nghiệp, người mình yêu đến trước mặt Chúa không? Chúng ta có dám không làm như vậy khi biết rằng cuộc sống của chúng ta không thể có nếu không có đức Kitô?
Trong sứ điệp Mùa Chay 2011(http://www.zenit.org/article-31816?l=english) Biển Đức XVI đã viết về bài Tin Mừng hôm nay như sau: “Bài Phúc Âm này đặt vấn đề cho mỗi người chúng ta: Bạn có tin vào Con Người ấy không?”
“Lạy Chúa, con tin! (Ga 9:35; 38), người mù bẩm sinh vui vẻ tuyên xưng, cất lớn tiếng cho mọi người tin. Phép lạ chữa lành này là dấu hiệu mà đức Kitô muốn, không phải chỉ ban cho chúng ta thị giác mà còn muốn mở rộng viễn kiến nội tâm của chúng ta, để niềm tin của chúng ta có thể trở nên thâm sâu hơn bao giờ hết và chúng ta có thể nhận biết Người là đấng Cứu Chuộc duy nhất của chúng ta. Người soi sáng tất cả những gì tăm tối trong cuộc sống chúng ta và dìu dắt mọi người cả nam lẫn nữ đi trong cuộc sống như là “con cái của sự sáng.”
NHỮNG VÌ SAO CỦA TIN MỪNG MÙA CHAY
Câu chuyện chữa sáng mắt người mù trong Tin Mừng Gioan hôm nay đi song hành với những chuyện chữa lành người mù trong Maccô ở Bethsaida (8:22-26) và anh chàng tên Bartimaeus trên đường đi Jericho (10:46-52). Đây là những chuyện không còn hồ nghi gì nữa và cũng rất phổ thông trong Giáo Hội sơ khai và nay vẫn còn rất đặc biệt đối với Giáo Hội đương thời.
Những phép lạ này đã làm chúng ta và riêng tôi rất ngỡ ngàng đến độ không thể tưởng tượng nổi. Một người thường không thể làm được những việc quá phi thường như vậy. Nếu một lúc nào đó, tôi đến gần được thiên đàng, tôi sẽ xin được thưa chuyện với những vì sao của Tin Mừng mùa chay là người đàn bà Samaria (Ga 4), người đàn ông mù (Ga 9) và ông Lazarus bị bệnh nặng sắp chết (Ga 11). Họ là những người có diễm phúc và rất may mắn được đức Giêsu can thiệp làm cho họ trở thành những người mới chỉ bằng cách đụng vào người, nhìn vào mặt một cách trìu mến và bằng những lời nói đầy lòng trắc ẩn yêu thương. Tôi sẽ hỏi mỗi người trong những người đó những câu sau: Người đó từ đâu đến? Quí vị cảm thấy gì khi nhìn thẳng vào mặt ông ta? Quí vị có cảm nghĩ thế nào khi ông ta nói chuyện với quí vị? Làm sao quí vị biết được ông ta chính là Thiên Chúa?
Hôm nay, chúng ta hãy cầu khẩn Chúa để đừng chấp nhận đêm tối và bóng đêm hiện có trên thế giới và trong Giáo Hội, và đừng bao giờ thỏa mãn với những tối tăm ấy. Đừng bao giờ để mất cái nhìn cần thiết về đức Giêsu, một cái nhìn không phải là nhìn trộm mà là nhìn đăm chiêu, chiêm nghiệm về một con người của hòa giải với chúng ta, là hy vọng, là ánh sáng và là an bình cho chúng ta.
ĐÔI LỜI KẾT: SỐNG MÙA CHAY TRONG TUẦN
1- Suy nghĩ về lời nói của một nhà văn Hoa Kỳ tên Samuel Langhorne Clemens, cũng gọi là Mark Twain (1835-1910): “Tử tế là sứ điệp mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy.”
 Đọc chậm rãi những lời của Helen Keller (1880-1968), một tác giả Hoa Kỳ và nhà họạt động chính trị, một người mù và điếc đầu tiên đoạt văn bằng cử nhân văn chương. Helen đã vượt qua cảnh cô đơn do thiếu sót ngôn ngữ hầu như hoàn toàn, đã giúp người con gái bừng nở hoa khi nàng học biết truyền thông liên lạc. “Phải chăng tình yêu làm cho con người trở thành mù? Tôi không biết. Nhưng tình yêu có thể giúp người ta nhìn thấy. Tôi và nhiều người đồng ý cả ngàn lần.”
2- Khía cạnh nào của giáo hội, của xã hội và của nền văn hóa của chúng ta trong thời đại ngày nay cần phải được chữa lành, sửa đổi và tái tổ chức? Đâu là những điểm mù của chúng ta? Vấn đề lớn của cái nhìn cận thị và viễn thị của chúng ta nằm ở đâu? Chúng ta có thường xuyên thích độc thoại hơn là đối thoại, từ chối không chịu tin rằng chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều nơi những kẻ chống đối và không đồng ý với chúng ta, không chịu hòa đồng với những cái hay đẹp của nền văn hóa thời đại mới chung quanh chúng ta, thích cung cách đối xử hẹp hỏi, ngoan cố, hùng hổ giận dữ, ta đây hiện có? Lòng tham lam tư lợi, tính ích kỷ có làm mờ mắt bạn khiến bạn đối sử bất công thiên vị với mọi người không? Tôi có bất nhã, cục cằn, vô lịch sự khi tiếp xúc giao thiệp với họ không? Tôi có đòi hỏi quá đáng nơi những người mà tôi tiếp xúc không? Tôi có đối xử với những người tôi gặp một cách lịch sự chuyên nghiệp như những người và vật dụng tôi vẫn thường dùng hàng ngày không?
3- Nên đọc mục #106 “Tuyên xưng Lời Chúa và sự đau khổ’/ “The proclamation of the word of God and the suffering” trong Khuyến dụ hậu thượng hội đồng “Verbum Domini.” http://www.zenit.org/article-30942?l=english
106. Khi thượng hội đồng làm việc, các nghị phụ đã coi việc tuyên xưng Lời Chúa cho những kẻ đau khổ, cả về thể xác lẫn tâm lý hoặc tinh thần là một nhu cầu. Trong thời đại đầy đau khổ thì những vấn nạn tối hậu về ý nghĩa đời sống con người lại càng trở nên cấp thiết hơn. Nếu lời của loài người trở nên câm lặng trước những bí mật của ác quỉ và đau khổ, nếu xã hội đánh giá đời sống chỉ khi nào nó đáp ứng được một số kết quả tiêu chuẩn và an toàn hạnh phúc, thì Lời Chúa làm cho chúng ta nhìn thấy chính những thời khắc đó đã được tình yêu Thiên Chúa “ấp ủ” một cách huyền diệu. Niềm tin phát sinh do bắt gặp Lời Chúa giúp chúng ta nhận thức ra được con người xứng đáng được sống một cách đầy đủ và trọn vẹn ngay cả khi bệnh hoạn và đau khổ làm cho nó yếu đi. Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta là để được hạnh phúc và được sống, trong khi đó bệnh tật, chết chóc đến thế gian là do tội lỗi (Kn 2:23-24).
Tuy nhiên Cha của sự sống chính là vị bác sĩ tuyệt hảo của loài người, Người không ngừng khom lung cúi đầu trên loài người đau khổ một cách âu yếm. Chúng ta chiêm ngưỡng sự tột đỉnh vinh quang của Thiên Chúa sát gần với nỗi khổ đau của chúng ta chính là nơi chúa Giêsu, “Lời nhập thế. Người chịu đau khổ và chết cho chúng ta. Nhờ cuộc khổ nạn và cái chết của người, Người mang sự yếu đuối của chúng ta lên với người và biến đổi nó một cách trọn vẹn.” Chúa Giêsu còn liên tục ở gần những kẻ đau khổ và còn kéo dài nhờ tác động của Chúa Thánh Thần trong sứ mệnh của Giáo Hội, trong giảng dạy và các phép bí tích, nơi những người thiện tâm, các cơ quan bác ái thực thi với tình yêu huynh đệ trong các cộng đồng khiến mọi người nhận ra măt thật của Thiên Chúa và tình yêu của người. Thượng hội đồng cám ơn Thiên Chúa vì những bằng chứng sáng ngời, thường là ẩn danh, của tất cả những Kitô hữu –linh mục, tu sĩ, giáo dân- đã đích thân làm và tiếp tục giúp tay, mắt và trái tim với đức Kitô, một y sĩ thực sự của thể xác và tâm hồn. Thượng hội đồng khuyến khích tất cả chúng ta tiếp tục săn sóc những người tàn tật, bệnh hoạn và mang lại cho họ sự hiện diện sống động của đức Giêsu Kitô trong lời nói và phép thánh thể. Những ai đau khổ cần được khuyến khích đọc kinh Thánh để nhận ra được là chính những điều kiện của họ có thể giúp họ chia sẻ một cách đặc biệt sự đau khổ cứu chuộc của đức Kitô hầu cứu chuộc nhân loại (2Cr 4:8-11,14).
4- Cầu nguyện bằng lời nguyện của Origen (185-253): “Xin được nhìn thấy.” Origen là một Kitô hữu người Phi Châu kiêm học giả và nhà thần học; ông cũng là một văn sĩ rất nổi danh thời Giáo Hội sơ khai.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy chạm mắt chúng con,
Như đã chạm mắt người mù.
Để chúng con nhìn những vật hữu hình,
Thấy được những vật vô hình.
Xin Chúa mở mắt chúng con,
Để chúng con đăm chiêu ngắm nhìn,
Không phải những thực tế hiện tại,
Mà là những ân phúc tương lai.
Xin Chúa mở mắt lòng chúng con,
Để chúng con chiêm ngưỡng Thần Linh Thiên Chúa,
Qua đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa,
Cùng với quyền lực vinh quang của Chúa
Đến muôn đời, Amen
Fleming Island, Florida
March 27, 2014
Fxavvy@aol.com
NTC
Previous Post Next Post