HÃY ĂN Ở NHƯ CON CÁI ÁNH SÁNG
Bóng tối cũng có mưu mô của nó, mưu mô thâm hiểm nhất của bóng tối là làm cho người ta tưởng mình đang sống trong ánh sáng, đèn vẫn giơ cao mà không biết có còn sáng hay không.
Nước Tấn có kẻ hiếu lợi, một hôm ra chợ gặp cái gì cũng lấy. Anh ta nói rằng: “Cái này tôi ăn được, cái này tôi mặc được, cái này tôi tiêu được, cái này tôi dùng được.” Lấy rồi đem đi. Người ta theo đòi tiền. Anh ta nói: “Lửa tham nó bốc lên làm mờ cả hai con mắt. Bao nhiêu hàng hoá trong chợ tôi cứ tưởng là của tôi cả, không còn trông thấy ai nữa. Thôi, các người cứ cho tôi, sau này tôi giầu có, tôi sẽ đem tiền trả lại.”
Người coi chợ thấy càn dỡ, đánh cho mấy roi, bắt của ai phải trả lại người ấy. Cả chợ cười ồ. Anh ta mắng: “Thế gian còn nhiều kẻ hiếu lợi hơn ta, thường dụng thiên phương, bách kế ngấm ngầm lấy của của người. Ta đây tuy thế, song lấy giữa ban ngày, so với những kẻ ấy thì lại chẳng hơn ư? Các người cười ta là các người chưa nghĩ kỹ.” (Cổ học tinh hoa)
Đó là một chính nhân hơn là một kẻ hiếu lợi vì anh biết ‘lửa tham nó bốc lên làm mờ cả hai con mắt’, và đặt cái ‘lấy giữa ban ngày’ của mình với cái ‘ngấm ngầm lấy của’ của người khác lên bàn cân để phơi bày cho mọi người thấy cái mù tối rất khó nhận ra trong lòng người.
Trong phép lạ Chúa làm cho một người mù được sáng mắt, cái mù trong tâm hồn được đặt đối chiếu tương phản với cái mù nơi thân xác. Ai cũng biết đó là một “người mù từ thuở mới sinh.”
Làm cho người mù tự sơ sinh nhận biết được mình bị mù và ước ao được sáng mắt cũng chưa thấm vào đâu so với việc làm cho người mù trong tâm hồn nhận biết và ước ao sự sáng: “điều Ta truyền cho chúng là: Hãy nghe tiếng Ta thì Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ là dân của Ta. Hãy bước theo mọi đường lối Ta truyền dạy, để các ngươi được hạnh phúc. Nhưng chúng chẳng nghe, chẳng để tai, cứ theo những suy tính của mình, theo tâm địa ngoan cố xấu xa; chúng đã lùi chứ không tiến” (Gr 7,23-24).
Một người mù tự sơ sinh được ban lại ánh sáng là một dấu chỉ lớn cho tình yêu cứu độ. Đúng thế! Trong tình yêu cứu độ không có chỗ cho sự thất vọng. Sự thất vọng sẽ đứng ở đâu trước tình yêu nhẫn nại đến vô biên của Chúa. Chúa “không nhìn theo kiểu người phàm” (1Sm 16,7), và nhẫn nại yêu thương cả những kẻ cứng đầu, cứng cổ: “Ta không ngừng sai tất cả các tôi tớ của Ta là các ngôn sứ đến với chúng” (Gr 7,25)
Ôi! Nói sao cho hết được tình yêu cứu độ của Chúa!
Người mù không nhìn được Chúa nhưng Chúa thấy và biết sự khốn cực của anh. Anh đã không xin vì anh chẳng hy vọng, nhưng Chúa đã đến với anh. Khi nhập thể, Chúa đã chia sẻ và thông cảm với từng niềm vui nỗi buồn, cái được và cái mất bé nhỏ nhất trong đời sống mỗi người, để nên Tin Mừng chiếu sáng đời họ.
Không ai nằm ngoài tình yêu Đức Kitô, tình yêu đã trở nên lý tưởng sống của thánh Phaolô: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1Cr 9,22).
Nhưng niềm vui của ơn cứu độ không là một món “mì ăn liền” mà nó đòi hỏi sự dấn thân, ra đi của người tin. Người mù được Chúa sai đi: “Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa.” Anh đã đến rửa ở hồ và khi về thì nhìn thấy được. Niềm tin, ánh sáng Nước Trời, đã được ban tại giếng rửa tội, nhưng như người mù đã phải tự mình đến hồ Silôác mà rửa, niềm tin đó cần được đích thân mỗi người tìm kiếm mỗi ngày: “Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa” (Ep 5,8-10).
Một người mù đến chơi nhà bạn. Lúc trời tối anh đứng lên ra về. Thấy trời đã tối nên người bạn đưa cho anh cầm một cây đèn. Anh từ chối:
- Chẳng cần đến đèn tôi cũng về nhà được.
- Đúng là anh không cần đèn soi đường, nhưng anh cần phải cầm đèn để mọi người thấy mà tránh ra, kẻo lại va vào anh.
Thế là anh cầm cái đèn ra về. Anh đang đi thì có một người chạy xô cả vào anh. Anh cầm cái đèn giơ cao lên và nói:
- Mắt mù hay sao mà không thấy cái đèn tôi đang cầm đây?
- Còn anh mù hay sao mà không biết là đèn đã tắt ngúm rồi?
Ánh sáng Chúa được ban cho mọi người, nhưng bóng tối cũng có mưu mô của nó, mưu mô thâm hiểm nhất của bóng tối là làm cho người ta tưởng mình đang sống trong ánh sáng, đèn vẫn giơ cao mà không biết nó còn sáng hay không. Những người Pharisêu yên tâm thấy mình công chính khi đã giữ kỹ luật ngày sa-bát, dù không tôn thờ Chúa trong tinh thần và chân lý, dù không muốn tìm sự thật.
Mù hồn và mù xác được đặt bên nhau trong lời lý giải của người Pharisêu với người mù: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát; … một người tội lỗi làm sao có thể làm được những dấu lạ như vậy; … mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy dạy chúng ta ư?” (Ga 9,16.17.34).
Thế đó, tôi có thể là người đạo đức, kinh lễ đều đặn. Đèn tôi vẫn giơ cao, nhưng Đức Kitô có toả sáng không?
Lm. HK