GIÁO LÝ PHÚC ÂM
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM A
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM A
I. Giáo Huấn Phúc Âm
Chúa Giêsu là ánh sáng trần gian: Đầy lùi bóng tối ma quỉ và ban cho con người ánh sáng Đức tin, tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ có khả năng ban cho con người hạnh phúc vĩnh cửu.
Những bí tích ban ơn cứu độ sẽ được thiết lập: Dùng những chất liệu hữu hình bên ngoài như nước, dầu, bánh rượu để ban ơn thánh vô hình bên trong. Giống như trong việc chữa lành người mù bẩm sinh bằng việc lấy nước miếng pha với bùn và đi rửa ở giếng Silôê.
II. Vấn nạn Phúc Âm
Những phần chính trong bài phúc âm và ý nghĩa?
Sự kiện bên ngoài dẫn đến việc chữa lành:
Thấy người mù – các môn đệ không nghĩ đến việc chữa lành hay giúp đỡ nhưng thắc mắc về lý do tại sao có người bị mù, tội anh ta hay tội Cha Mẹ anh ta?
Chúa Giêsu lấy nước miếng hoà với bùn xức vào mắt người mù và bảo đi rửa ở giếng Silôê. Nước miếng và bùn không là linh dược chữa bệnh mù. Cho tới bầy giờ y khoa cũng bó tay với bệnh mù từ thuở bình sinh. Tuy nhiên, Chúa muốn bộc lộ uy quyền của Ngài, biến một vật chất không dược tính, không khả năng trị bệnh thành một linh dược nhằm dẫn con người từ ánh sáng tự nhiên đến ánh sáng đức tin. Giống như trong bài Phúc Âm Chúa Nhật vừa qua, bên bờ giếng Giacóp, Chúa dẫn người phụ nữ từ nước tự nhiên đến nước hằng sống, từ khát vọng thoả mãn đời sống bằng những cuộc tình tạm bợ sang việc đi tìm Đấng là Nước Hằng Sống thoả đáp mọi khác vọng con người.
Chúa Giêsu dùng việc đi rửa ở giếng Silôê để người mù ngay khi sáng mắt không nhìn Đấng là ánh sáng ngay, nhưng anh ta sẽ có ánh sáng đức tin sau khi đã bị thử thách và bị khai trừ khỏi cộng đồng người Do Thái. Họ có mắt sáng thể lý, nhưng bị mù đức tin.
Phản ứng tiêu cực của Biệt Phái:
Chối bỏ thiên tính nơi Chúa Giêsu vì “không giữ ngày Sabát!” Có người thắc mắc: Giả như Chúa Giêsu cho người mù sáng mắt vào ngày khác, không là ngày Sabát, liệu người Pharisêu có tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hay không? Không, ngày Sabát chỉ là cớ của lề luật, tuy nhiên điểm mấu chốt vẫn là: Tên nầy là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria nghèo khổ ở làng Nazarét” thì làm sao có thể là tiên tri hay Con Thiên Chúa được. Không thể có việc Thiên Chúa xuống làm con người trong niềm tin của người Do Thái. Nghi ngờ về sự thật anh mù đã bị mù và đã được Ông Giêsu chữa lành, nên đã đi tìm thêm chứng cớ bằng việc phỏng vấn Cha Mẹ anh mù được sáng mắt: Hắn là còn của Ông bà và đã bị mù từ bình sinh.
Hội ngộ trong ánh sáng đức tin:
Người mù được sáng mắt bị khai trừ khỏi cộng đồng Do Thái, theo ý nghĩa Phúc Âm Gioan, đó là cộng đồng mù thiêng liêng. Chúa Giêsu đón gặp anh mù sáng mắt và đã ban cho anh ta ánh sáng dức tin: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây!” Anh mù sấp mình thờ lạy và chân nhận Chúa Giêsu là Thiên chúa làm người. Anh đã sáng mắt và đã có ánh sáng đức tin. Anh xa rời đám người thấy đường nhưng thiều ánh sáng đức tin, không nhìn thầy Thiên Chúa trong đời họ.
Tại sao các môn đệ Chúa khi thấy người mù lại đặt câu hỏi “ai đã phạm tội?”
Người Do Thái quan niệm: Bệnh là hậu quả của tội, có thể là tội của người bệnh hoặc tội của Cha Mẹ, Ông Bà hay ai đó trong gia đình người bệnh. Người Việt Nam cũng có quan niệm “quả báo” na ná như vậy khi cho rằng “đời cha ăn mặn, đời con khát nước!” hay “Ông Trời có mắt!” Chúa không chấp nhận quan niệm nầy, nhưng anh ta mù là “để các việc Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh!”
Như vậy Chúa làm cho người ta mù hay tàn tật để “các việc Thiên Chúa được tỏ hiện” sao?
Chúa không làm ai mù cả và cũng không dùng chúng ta làm vật hy sinh để tỏ lộ vinh quang Chúa, nhưng dù chúng ta có mang những bệnh tật vẫn có thể làm sáng danh Chúa. Bằng chứng là qua việc chữa lành người mù từ thưở bình sinh Chúa minh chứng rắng: Chúa là ánh sáng trần gian.
Động đất và sóng thần đan tàn phá nước Nhật và giết chết hàng ngàn người Nhật. Không vì người Nhật dã man đã từng giết chết nhiều người Việt Nam khi đánh chiếm Đông Dương nên bị Chúa trừng phạt. Nhưng đó là hậu quả của núi lửa đang hoạt động dưới lòng đất mà đất Nhật đang chịu ảnh hưởng.
Đây cũng là dịp để người Nhật có thể mở mắt để thấy ánh sáng đức tin qua lòng bác ái của các quốc gia Kitô giáo. Đây cũng là dịp để người Nhật biết khiêm tốn và nhìn nhận giới hạn của mình trước sức mạnh của thiên nhiên.
III. Thực hành Phúc Âm
Chúng ta sáng hay mù?
Chúng ta có lúc sáng và có lúc mù:
Chúng ta sáng mắt khi chúng ta tin Chúa, yêu Chúa và thấy Chúa trong anh em chúng ta.
Chúng ta mù mắt khi chúng ta lầm đường lạc lối, sống theo những cám dỗ của ma quỉ và không thấy người khác là anh chị em của mình để thương yêu và giúp đỡ.
Nhiều khi chúng ta không bị mù bẩm sinh, chúng ta được ánh sáng đức tin soi dẫn từ ấu thời qua Bí Tích Rửa Tội. Nhưng khi lớn lên, chúng ta bị bóng tối của ma quỉ úp chụp hay chúng ta lấy ích kỷ che mắt mình để khỏi nhìn thấy những gì phải theo và phải làm. Chúng ta tự làm mình mù.
Đi lễ mỗi ngày Chúa Nhật, chúng ta bị nghe nhiều thông báo, nhiều kêu gọi liên quan đến những việc từ thiện bác ái. Giống như người Do Thái, chúng ta bắt đầu căn nhằn và trưng dẫn luật “Nhà thờ là nơi thờ phượng Chúa, cứ nói về tiền mãi!” Thực ra, chúng ta muốnđiếc và muốn không nhìn thấy những nhu cầu bác ái, gây tốn kém cho chúng ta.
Ít nhiều trong các nhà thờ, sau lời nguyện hiệp lễ, thường có những thông báo liên quan đến bác ái, tài chánh và vật chất. Chúng ta không cách gì tránh khỏi! Bao lâu còn xác phàm, con người càng cần những nhu cầu vật chất. Giáo Hội trần thế là một tổ chức trần thế, đồng hành với xã hội, làm sao thoát được việc nói về tiền trong nhà thờ. Nếu không nói một năm đôi lần thì nói ở đâu bây giờ? Hay không nói, không nhắc nhở thì làm sao chúng ta biết?
Nhiều khi đã nói, đã nhắc nhỡ thường xuyên, nhưng vẫn có người cố tình không biết, không nghe và dửng dưng, nên buộc lòng người hữu trách phải tiếp tục thông báo và nhắc nhỡ. Vấn đề hơi quá đáng trong các giáo phận người Canada bây giờ là: Nhiều ban bệ, nhiều văn phòng ở các Trung Tâm Mục Vụ. Một Tổng Giáo Phận tôi biết có 260 nhân viên, làm việc và ăn lương. Đây là địa phận lớn, cần nhiều nhân viên! Tuy nhiên có bao giờ nghĩ đến chuyện cắt giảm nhân sự không? Nhân viên trong các văn phòng tự tạo công việc và làm cho mình bận bịu bằng việc ra văn thư hay thông báo hay sáng kiến mục vụ cách nầy cách khác. Nhiều khi vì ích lợi mục vụ, nhiều khi vì vấn để “giữ job”.
Hậu quả: Quá nhiều thông báo, chỉ thị và sáng kiến gửi xuống các giáo xứ. Có thứ cần, có thứ không cẩn. Nhiều quá, gây mệt và gây giả mù: Không nghe, không thấy, không làm… cho khoẻ thân. Cũng đâu có “chết thằng tây nào!”
Có trên 45 triệu người trên thế giới đang bị mù lòa thể lý.
Nhưng cũng có hàng tỉ người bị mù đức tin hay mù tinh thần.
Hãy làm cho mình sáng mắt bằng cách:
Đọc lại bài Phúc Âm trong gia đình một lần trong tuần nầy.
Các bạn trẻ nghĩ đến một chuyến về Việt Nam thăm quê hương, không để chơi, không để khoe khoang, nhưng có thể theo một đoàn người làm công tác xã hội giúp người bệnh tật và nghèo khổ ở các vùng xa xôi không?
Nhiều khi tôi muốn nhắm mắt làm ngơ để khỏi thấy những thực tế cần phải sửa sai trong đời sống cá nhân hay trong phương cách làm việc. Ngày này người Việt Nam hay dùng từ “bó tay!” để nói lên những bất lực của mình trước nghịch cảnh. Hãy khiêm tốn ngồi ăn xin ở vệ đường, tức làm cho người khác thấy bệnh tật hay khuyết điểm trong cuộc sống của mình và xin Chúa giúp sức cho mình sáng mắt nhìn ra những gì cần sửa sai. Với ơn Chúa qua bí tích giải tội, qua việc rước Chúa, qua việc đọc Lời Chúa… chúng ta dần dà sẽ sáng: Tâm sáng tình yêu và đời sáng bác ái yêu thương.
Lm Phêrô Trần Thế Tuyên