Kinh nghiệm

Ai được sinh ra làm người thì đều có một số kinh nghiệm, về mọi phương diện, mức độ có thể khác nhau: nhiều hay ít, sâu sắc hay bình thường. Người này có kinh nghiệm về các lĩnh vực này, người kia có kinh nghiệm về các lĩnh vực khác.
Các lĩnh vực có thể khác nhau, nhưng có một kinh nghiệm mà bất kỳ ai cũng có: Kinh nghiệm tội lỗi. Càng nhiều tuổi càng nhiều kinh nghiệm. Vì thế, khi Chúa Giêsu bảo ai thấy mình sạch tội thì cứ lấy đá ném người phụ nữ ngoại tình. Chẳng ai bảo ai, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi (Ga 8:9). Điều đó chứng tỏ rằng ai càng sống thọ, càng nhiều tuổi, càng “dày dạn” kinh nghiệm tội lỗi.

Kinh nghiệm rất cần cho cuộc sống, gọi là kinh nghiệm sống. Càng từng trải thì càng biết sống khôn khéo hơn. Chính kinh nghiệm “phá ngu” cho chúng ta. Người ta nên khôn nhờ kinh nghiệm. Thật vậy, ai thành công cũng đã từng thất bại, ai chiến thắng cũng đã từng chiến bại, ai khôn ra cũng đã từng chịu khốn đốn. Đơn giản như việc tập đi xe đạp, ai cũng đã té ngã nhiều lần rồi mới biết đi xe đạp, rồi nhờ đó mới có thể đi xe máy.
Sacha Guitry (1885-1957, diễn viên, đạo diễn, kịch tác gia người Pháp gốc Nga) đã nhận xét: “Sự khôn ngoan đến từ kinh nghiệm, và kinh nghiệm đến từ sự ngu ngốc”. Thật là chí lý! Quả thật, cuộc sống có những điều lạ lùng mà thú vị lắm: Nhìn lại phía sau sẽ có kinh nghiệm, nhìn lên phía trước sẽ thêm hy vọng, nhìn ra xung quanh sẽ thấy thực tại, nhìn vào nội tâm sẽ gặp chính mình.
Chúng ta cần có kinh nghiệm, vì đã đi trên con đường lầy lội, khúc khuỷu hoặc gập ghềnh, chúng ta mới biết là khó đi, lần sau sẽ chọn con đường phẳng phiu và thẳng tắp để đi cho khỏe. Nhưng vấn đề là phải biết rút kinh nghiệm để chấn chỉnh cuộc sống mỗi ngày một tốt hơn, chứ chỉ rút kinh nghiệm cho có phong trào thì vô ích!
Kinh nghiệm càng đau đớn thì người ta càng khôn ngoan hơn, giỏi giang hơn, nhạy bén hơn. Ngã rồi mới biết thế nào là đau, là dại, là ngu. Chưa ngã chưa chắc là mình hay hơn người khác!
Chúa Giêsu nói với Giáo hoàng tiên khởi Phêrô: “Simon, Simon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh (Lc 22:31-32). Ông nghe thầy nói kỳ quá, và có vẻ như có chuyện không hay, ông cương quyết rằng dù có vào tù hoặc chết thì Phêrô vẫn là Phêrô, sẵn sàng theo Thầy đến cùng.
Thế nhưng Chúa Giêsu nói ngay: “Này anh Phêrô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy” (Lc 22:34). Vừa nhìn Thầy vừa gãi đầu, có lẽ ông nghĩ thầm: “Thầy nói kỳ ghê!”. Thế mà đúng y boong, chuyện xảy ra ngay trong “đêm định mệnh”, chỉ vì hoảng sợ mà Giáo hoàng tiên khởi Phêrô đã chối leo lẻo, dù người nhận ra ông chỉ là mấy đứa tớ gái, ông vẫn chối phăng về những gì liên quan Sư Phụ Giêsu. Nhưng rồi nhờ ánh mắt nhân từ của Thầy, và tiếng gà trống gáy vang, ông đã sám hối và than khóc tội phản Thầy của mình. Có lẽ từ đêm hôm đó, ông rất sợ mỗi khi thấy con gà trống hoặc nghe tiếng gà gáy! [Nói cho vui: Ò Ó O là “còn dám không?”. Run sợ là cái chắc, vì “kinh nghiệm” rồi!].
Chúng ta đã biết nhiều người nên thánh nhờ kinh nghiệm tội lỗi: Vua Đa-vít và vua Salômôn, cả hai cha con đều phạm tội, nhưng họ đã được Chúa Giêsu tha thứ vì biết ăn năn; Dimas là tướng cướp giết người không gớm tay, bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu, chỉ một lời sám hối mà anh được Chúa Giêsu cho vào Nước Trời ngay; người phụ nữ tội lỗi được Chúa Giêsu tha thứ vì chị có lòng yêu mến say đắm (Lc 7:36-50) [Thánh Ma-ri-a Ma-đa-lê-na vẫn bị chúng ta đồng hóa với người phụ nữ tội lỗi này, nhưng không phải, thật là oan cho bà, vì bà chỉ là người được Chúa Giêsu trừ bảy quỷ – Mc 16:9; Lc 8:2]; người phụ nữ ngoại tình không bị Chúa Giêsu kết tội và cho trắng án vì chị biết tội mình (Ga 8:2-11); rồi tới Phaolô hăng hái bon bon “ngựa phi đường xa” đi bắt bất kỳ ai dám tuyên xưng Ông Giêsu là Thiên Chúa, nhờ ngã ngựa và biết sám hối mà ông được Chúa Giêsu bỏ qua hết; có lẽ đặc biệt là “đứa con hoang đàng” đã dám quay trở về với “người cha nhân hậu” (Lc 15:11-32). Các đại thánh đều là những người đã mắc tội tày trời. Và nhiều các vị thánh cũng đã từng trải qua kinh nghiệm tội lỗi mà nên thánh.
Nói về kinh nghiệm, chúng ta cũng nên lưu ý, vì chúng ta thường có “máu” ích kỷ, đố kỵ, và định kiến. Tội mình thì được để ở chiếc gùi đeo phía sau lưng, còn tội của người khác thì bị để ở chiếc giỏ đeo phía trước. Chúng ta đừng quên rằng, khi thấy một người mù từ thuở mới sinh, các môn đệ đã hỏi đó là tội của ai đã khiến người này bị mù bẩm sinh. Nhưng Ngài trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9:3).
Cũng tương tự, về chuyện chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng, và chuyện 18 người bị đè chết khi tháp Si-lô-ác sập. Người ta cứ tưởng họ là những người tội lỗi nên bị Chúa phạt. Kiểu đánh giá người khác như vậy cũng vẫn thường xảy ra ngày nay khi chúng ta thấy người khác bị tai họa nào đó. Nhưng Chúa Giêsu xác định: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy!” (Lc 13:2-5).
Hãy rút kinh nghiệm: Đừng suy diễn lung tung rồi nghĩ lệch lạc về người khác. Và đừng quên rằng “mọi bi kịch đều có thể xảy đến với những người tốt lành, người sạch tội, người công chính”. Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng không phải là Ngài không biết hoặc Ngài làm ngơ, mà vì Thiên Chúa dư thừa lòng thương xót.
Thật vậy, Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh nữ Faustina: “Lòng Thương Xót của Ta lớn hơn tội lỗi của con và của cả nhân loại” (Nhật Ký, số 1485). Đó là “bảo hiểm” chắc chắn cho chúng ta, chỉ cần chúng ta biết tín thác vào Thiên Chúa và đừng thất vọng vì tình trạng tội lỗi của mình.
Kinh Thánh nói tới Lòng Chúa Thương Xót hơn 400 lần. Dụ ngôn “Cây Vả Không Trái” là một trong các dụ ngôn về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?’. Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi” (Lc 13:6-9). Đó là sự kiên nhẫn chờ đợi của Lòng Chúa Thương Xót dành cho mỗi chúng ta.
Lòng Chúa Thương Xót thể hiện rõ ràng là lời Chúa Giêsu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ thủ ác:“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Đó cũng là lời biện hộ mà tất cả chúng ta được thừa hưởng. Chúng ta chỉ là những tội nhân khốn nạn, thế mà Ngài vẫn nghĩ tốt cho chúng ta và bênh vực cho chúng ta. Chúng ta không thể đủ trình độ mà hiểu nổi đâu!
Phúc đức nối tiếp phúc đức. Kinh Thánh nói rõ: “Ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, dù họ thuộc bất cứ dân tộc nào cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10:34). Thật hạnh phúc cho chúng ta biết bao!
Vì thế, chúng ta hãy cố gắng bắt chước người phụ nữ Sa-ma-ri mau mắn bỏ chiếc-vò-tội-lỗi bên giếng-cuộc-đời để sẵn sàng và can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu (Ga 4:7-30), làm chứng về sự thật, bảo vệ công lý và bảo vệ sự sống. Đó cũng là trách nhiệm chung mà Ngài đã trao cho bất kỳ ai: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15). Đồng thời chúng ta cũng quyết tâm theo lời khuyên của Thánh Phaolô: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4:2).
Ai cũng đầy kinh nghiệm tội lỗi, nghĩa là đã từng trải kiếp hoang đàng của người con thứ. Giờ đây, đang Mùa Cứu Độ, Mùa Chay Thánh, thời điểm thuận tiện nhất (x. 2 Cr 6:2), chúng ta hãy mạnh dạn “rửa tay và gác kiếm”, dứt khoát dừng bước giang hồ, để có thể trở về với Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót, càng sớm càng tốt!
Thiên Chúa đang chờ đợi và mời gọi chúng ta: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm” (Tv 95:8-9).
TRẦM THIÊN THU
Previous Post Next Post