Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Bí Tích Xức Truyền Chức Thánh
Hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu
“Khi không nuôi dưỡng tác vụ của mình, tác vụ của giám mục, tác vụ của linh mục, bằng cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, và cử hành Thánh Lễ hằng ngày cùng thường xuyên đến với Bí Tích Hòa Giải, thì cuối cùng người ta sẽ không tránh khỏi việc đánh mất ý nghĩa thực sự của thừa tác vụ của mình và niềm vui đến từ sự hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu.”
http://baoconggiao.com |
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 26 tháng 3 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục với Bí Tích Truyền Chức Thánh trong loạt bài Giáo Lý về các Bí Tích.
* * *
Anh chị em thân mến,
Chúng ta đã có dịp vạch ra rằng ba Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thểcùng nhau tạo thành mầu nhiệm "khai tâm Kitô giáo", một biến cố lớn của ân sủng mà ở đó chúng ta được tái sinh trong Đức Kitô. Đây là ơn gọi căn bản kết hợp tất cả mọi người trong Hội Thánh, như các môn đệ của Chúa Giêsu.
Có hai Bí Tích tương ứng với hai ơn gọi riêng biệt: là Bí Tích Truyền Chức Thánhvà Bí Tích Hôn Phối.
Chúng tạo thành hai con đường chính mà người Kitô hữu có thể theo để biến đời mình thành một món quà tình yêu, theo gương và nhân danh Đức Kitô, và nhờ đó cộng tác vào việc xây dựng Hội Thánh.
Bí Tích Truyền Chức Thánh, được bày tỏ trong ba bậc giám mục, linh mục và phó tế, là Bí Tích làm cho việc thi hành tác vụ mà Chúa Giêsu đã trao phó cho các Tông Đồ, để chăn nuôi đàn chiên của Người trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, theo con tim của Người, có thể xảy ra được.
Chăn nuôi đàn chiên của Chúa Giêsu không phải bằng quyền năng của sức con người hoặc sức riêng của mình, nhưng bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần và theo con tim của Người, con tim của Chúa Giêsu, là một con tim yêu thương.
Linh mục, giám mục, phó tế phải chăn nuôi đàn chiên của Chúa với tình yêu. Nếu không làm điều ấy với tình yêu thì không phải là phục vụ.
Theo nghĩa này, các thừa tác viên đã được chọn và thánh hiến cho việc phục vụ này kéo dài sự hiện diện của Chúa Giêsu trong thời gian, nếu họ làm điều ấy với quyền năng của Chúa Thánh Thần nhân danh Thiên Chúa và với tình yêu.
1. Một khía cạnh thứ nhất.
Những người được truyền chức thánh được đặt làm đầu của cộng đồng. Làm "đầu" của nó, vâng, theo Chúa Giêsu có nghĩa là đặt quyền hành của mình vào việc phục vụ, như chính Người đã cho thấy và dạy cho các môn đệ của Người với những lời này:
“Anh em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.
Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.
Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.
Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20:25-28; Mc 10,42-45).
Một giám mục mà không phục vụ cộng đồng thì không làm tốt, một linh mục mà không phục vụ cộng đồng của mình thì không làm tốt, mà làm sai.
2. Một đặc tính khác luôn luôn xuất phát từ sự kết hợp cách Bí Tích này với Đức Kitô là tình yêu tha thiết dành cho Hội Thánh. Chúng ta hãy nghĩ về đoạn văn từ Thư gửi tín hữu Êphêsô, trong đó Thánh Phaolô nói rằng Đức Kitô
" yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh ;
như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống,
để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. (Eph 5:25-27).
Nhờ Bí Tích Truyền Chức Thánh, thừa tác viên hiến toàn thân cho cộng đồng của mình và yêu thương cộng đồng ấy bằng tất cả con tim của mình:
nó là gia đình của mình.
Giám mục, linh mục yêu Hội Thánh trong cộng đồng của họ, yêu cộng đồng ấy cách mãnh liệt.
Yêu thế nào? Như Đức Kitô yêu Hội Thánh.
Thánh Phaolô cũng nói như thế về Bí Tích Hôn Phối: người chồng yêu thương vợ mình như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh. Đó là một mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu: tác vụ linh mục này và tác vụ hôn nhân kia, hai Bí Tích là những con đường mà qua đó mọi người thường đi đến với Chúa.
3. Một khía cạnh cuối cùng. Thánh Tông Đồ Phaolô khuyên bảo môn đệ Timôthê của ngài là không được hững hờ, mà thực ra, phải luôn luôn khơi dậy hồng ân trong mình. Hồng ân đã được ban cho qua việc đặt tay (x. 1 Tim 4:14, 2 Tim 1:6). Khi không nuôi dưỡng tác vụ của mình, tác vụ của giám mục, tác vụ của linh mục, bằng cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, và cử hành Thánh Lễ hằng ngày cùng thường xuyên đến với Bí Tích Hòa Giải, thì cuối cùng người ta sẽ không tránh khỏi việc đánh mất ý nghĩa thực sự của thừa tác vụ của mình và niềm vui đến từ sự hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu.
4. Giám mục nào không cầu nguyện, giám mục nào không lắng nghe Lời Chúa, không cử hành (Thánh Lễ) mỗi ngày, không đi xưng tội thường xuyên, và linh mục nàocũng làm những điều này, thì sớm muộn gì cũng sẽ mất sự kết hợp của mình với Chúa Giêsu và trở thành một người tầm thường, không tốt cho Hội Thánh. Vì thế chúng ta cần phải giúp đỡ các giám mục và các linh mục cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, là bữa ăn hàng ngày, cử hành Thánh Lễ mỗi ngày và đi xưng tội thường xuyên. Điều này là rất quan trọng bởi vì nó liên quan đến việc thánh hóa các giám mục và linh mục.
5. Tôi muốn kết thúc bằng một điều mà tôi vừa nghĩ đến:
nhưng làm thế nào để trở thành một linh mục?
Người ta bán quyền lãnh chức linh mục ở đâu?
Không, người ta không bán nó. Đây là một sáng kiến của Chúa. Chúa gọi.
Chúa gọi từng người mà Chúa muốn cho trở thành linh mục. Có lẽ có một số người trẻ ở đây đã nghe lời mời gọi này trong tâm hồn của mình, mong muốn trở thành linh mục, mong muốn phục vụ người khác trong những điều đến từ Thiên Chúa, muốn trọn đời phục vụ việc dạy Giáo Lý, rửa tội, tha tội, cử hành Thánh Lễ, chăm sóc các bệnh nhân... và trọn đời theo con đường ấy.
Nếu có ai trong các con đã nghe thấy điều này trong tâm hồn của mình thì chính Chúa Giêsu đã đặt nó ở đó. Hãy gìn giữ lời mời gọi ấy và cầu nguyện rằng nó có thể tăng trưởng và sinh hoa quả khắp nơi trong Hội Thánh.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Tamlinhvaodoi nhận định
Chủ để bài này đặt trên nền tảng hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu.
Phương thế:
Khẩn thiết: cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, là bữa ăn hàng ngày,
Bổ xung: cử hành Thánh Lễ mỗi ngày và đi xưng tội thường xuyên.
Sao gọi là bổ xung?
Nếu không có cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa làm nền tảng thì dâng Thánh lễ và xưng tội chỉ là phù phép bên ngoài... như xây nhà trên cát !!!
Thế mà tiếc một điều.........
Tags:
Đức Thánh Cha phanxico