Tận Hiến Thế Nào?
121. Phải thực hiện sự tận hiến nói trên như thế nào?
Qua sáu chương trên, ta đã biết sơ luợc lý thuyết về việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ, từ khái niệm (tận hiến là gì?), đối tượng (tận hiến cho ai?), bản chất (tận hiến những gì?), cho tới mục đích (tận hiến làm gì?), hiệu quả (tận hiến được gì?) và vẻ cao trọng của nó (tận hiến có tốt không?). Chương này dành riêng nói về sự thực hiện việc tận hiến ấy (tận hiến thế nào?). Đây là phần rất quan trọng của việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ: nếu chỉ biết lý thuyết rồi để đó, mà không thực hành, thì cũng chẳng khác gì có đức tin mà không có việc làm; đó là đức tin chết (Gc 2:17). Nói tổng quát, sự thực hiện việc tận hiến có hai phần: chuẩn bị bên ngoài và thực thi bề trong. Cả hai cùng quan trọng, nhưng xét về bản chất và lâu dài thì việc thực thi bề trong quan trọng hơn. Ta sẽ nói về hai phần thực hiện này.
A. Chuẩn bị bên ngoài
122. Việc chuẩn bị bên ngoài hệ tại đâu?
Để chuẩn bị tận hiến cho Trái Tim Mẹ một cách đúng ý nghĩa, sốt sắng và hiệu nghiệm, ta có ba công việc phải làm, đó là: dành một thời gian tuỳ khả năng để tìm hiểu việc tận hiến sắp làm; một thời gian để tĩnh tâm dọn mình trước khi tận hiến; thực hiện việc tận hiến bằng một nghi thức bên ngoài.
123. Phải tìm hiểu như thế nào?
Tục ngữ nói: vô tri bất mộ. Đó là nói về những việc thông thường tự nhiên thôi mà còn phải biết mới ham muốn. Huống hồđối với một việc quan trọng là tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria, một việc xây nền tảng trên tình yêu mến Mẹ, và Chúa Giêsu, nhằm mục đích yêu mến Mẹ hơn để yêu mến Chúa hơn. Nếu không biết rõ tận hiến cho Trái Tim Mẹ là gì thì sao hâm mộ, yêu mến mà thực hành được? Vậy ít nhất ta phải tìm hiểu mọi khía cạnh nêu ra trong bản giáo cương này, một bản giáo cương giản dị, nhưng tạm đủ về việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ. Ngoài ra, ta cũng nên tìm đọc những sách khác nói về việc tận hiến cho Mẹ, về cuộc đời Mẹ, về lòng tôn sùng Trái Tim Mẹ, về những vinh quang của Mẹ . . . Nhờ đó, tinh thần Mẹ sẽ thấu nhập vào tâm hồn ta, làm cho ta có một thâm tín vững chắc, không lay chuyển về sự cần thiết phải tôn sùng, yêu mến và tận hiến cho Trái Tim Mẹ. Vì lẽ việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ là một việc quan trọng, nghiêm chỉnh, lâu dài, chứ không phải là một việc tầm thường, trò đùa và làm cho qua lần chốc lát.
124. Phải tĩnh tâm như thế nào?
Việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ có tính cách quan trọng, như là việc nhập đạo của người đã lớn tuổi, như việc lựa chọn bậc sống. Đó là một việc làm ta dứt khoát cởi bỏ tinh thần thế tục, mặc lấy con người mới (Eph 4:24): tìm hiểu cho biết mình là gì, Mẹ Maria là ai, Chúa Kitô là Đấng nào, để tận tuyệt từ bỏ mình, từ bỏ cái tôi vĩ đại của mình, chỉ còn thiết tha yêu mến Mẹ, và nhờ Mẹ mà tới đích là yêu mến Chúa Giêsu hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn (Mt 22:27). Thánh Luy Môngpho, vị sáng nghĩ ra việc tận hiến cho Đức Mẹ, đòi phải dành ra đủ ba mươi ngày để tĩnh tâm dọn mình tận hiến. Nhưng tùy theo tổ chức, có thể tĩnh tâm ít ngày hơn, thí dụ dành ra ba ngày, sáu hay bảy ngày, mỗi ngày dành nhiều giờ tìm hiểu thêm, nhất là thiết tha cầu nguyện, miễn sao nhận thức được tầm quan trọng của việc tận hiến, thật lòng ước muốn tận hiến, và kiên quyết thực hiện những đòi hỏi của việc tận hiến này cho đến chết là đủ.
125. Phải theo nghi thức nào để tận hiến?
Ta đã biết: tận hiến theo nghĩa hẹp đòi ba việc mà việc thứ balà thực hiện bằng một nghi thức bề ngoài (số 2). Nghi thức này bắt buộc phải có theo đúng chỉ thị của Hội Thánh. Việc tận hiến theo nghĩa rộng không đòi hỏi nghi thức nào, nhưng cũng cần phải có mới tỏ rõ mình thật lòng tận hiến cho Trái Tim Mẹ. Nếu chỉ âm thầm trong lòng mà thôi, không đủ. Còn việc cử hành nghi thức ấy thế nào thì tùy tổ chức tận hiến. Tốt hơn, nên có một linh mục chủ sự. Linh mục này thường là cha linh hướng hoặc linh mục chủ trương một phát kiến tận hiến theo đường hướng của ngài, và đã từng hướng dẫn và chấp nhận nhiều người tận hiến cho Trái Tim Mẹ. Sự có mặt của linh mục này khi tận hiến không cần thiết cho bản chất của việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ, vì chỉ là một việc tư. Nhưng nếu ngài có mặt thì việc tận hiến thêm giá trị, vì nó được một vị có thẩm quyền chứng kiến, mặc dầu lúc đó ngài chỉ là chứng nhận tư, chứ không công khai theo nghĩa Hội Thánh hiểu.
B. Thực hiện bề trong.
126. Phải thực thi tận hiến bề trong như thế nào?
Định nghĩa tận hiến cho ta thấy nó gồm ba yếu tố mà một là nghi thức bề ngoài ta vừa nói trên (số 125). Hai yếu tố kia là: 1) đem người tận hiến từ chỗ thường hèn sang chỗ thánh thiện; 2) bền vững mãi trong chỗ thánh thiện ấy. Theo yếu tố thứ nhất, nếu là tận hiến trong bậc Giám Mục hay tu trì, thì chính nghi thức đã đem người tận hiến vào bậc thánh thiện. Nhưng nghi thức tận hiến cho Trái Tim Mẹ theo nghĩa rộng chỉ đem người tận hiến sang một tình trạng mới thôi, còn đòi yếu tố thứ hai là thao luyện mãi cho trung thành mới tới được bậc thánh thiện. (Thực ra bậc thánh thiện của chức Giám Mục hay tu trì được Hội Thánh công nhận là bậc thánh, chứ người tận hiến trong hai bậc đó cũng vẫn còn phải tu luyện nhiều cho thật tình và trung thành mới thực sự nên thánh được). Vậy yếu tố thứ hai nói trên đây là yếu tố quan trọng nhất của việc tận hiến. Ở đây ta nói về những phương tiện phải thực thi để, một khi đã tận hiến cho Trái Tim Mẹ theo nghi thức và chấp nhận chuyển sang chỗ thánh thiện, ta có thể ở lại mãi đến cùng trong chỗ thánh thiện ấy. Nên yếu tố này quan trọng nhất là ở bề trong.
Bề trong nói đây không hiểu tuyệt đối là chỉ ở tâm hồn, không lộ ra bề ngoài; song hiểu là những việc làm do tâm hồn như động cơ thúc đẩy mà phát lộ ra bên ngoài. Nói rõ hơn, vì đã tận hiến cho Trái Tim Mẹ trí năng, nên ta phải tôn kính Mẹ cách sâu xa; đã tận hiến ý chí, nên phải tuyệt đối tin tưởng ở Mẹ; đã tận hiến trái tim, là biểu hiệu của tình yêu, nên phải yêu mến Mẹ hết tình con nhỏ phó thác. Do tình yêu phó thác này, ta lại phải tuyệt đối lệ thuộc Mẹ trong mọi sự. Vì đã tận hiến cho Trái Tim Mẹ toàn bộ hữu thể, nên ta phải đem hết khả năng noi gương các nhân đức của Mẹ tới mức hoàn thiện; do đó, phải ân cần thực thi lời Mẹ dạy. Sau cùng, tất cả những thực thi trên chỉ được đảm bảo nếu ta trung thành bền vững với sự tận hiến đến cùng. Thiếu sự trung thành bền vững này, ta chỉ là một kẻ đánh trống bỏ dùi, bán đồ nhi phế, đáng mọi người chê cười mai mỉa (Lc 14:29). Nhưng nếu bền vững trung thành thực hiện những việc ấy đến hơi thở sau cùng, ta đã bắt chước Chúa Giêsu vâng phục Mẹ (Lc 2:51), và đã xây tòa nhà thiêng liêng thánh thiện của ta trên nền đá vững chắc (Mt 7:24).
1. Tôn kính sâu xa
127. Sự tôn kính Mẹ Maria xây trên nền tảng nào?
Sự tôn kính Mẹ Maria cách sâu xa xây trên nền tảng thực tại cao cả nhất "Mẹ là Mẹ Thiên Chúa", và trên những hiệu quả do thực tại ấy sản ra. Quả thật, không bao giờ ta tôn kính quá một Đấng mà Ngôi Lời Nhập Thể đã kính tôn là Mẹ; Đấng mà Chúa Cha đã yêu đương chiêm ngắm là Con yêu dấu; và Đấng mà Chúa Thánh Thần đã nhìn nhận là Đền Thờ Ưu ái, là Bạn Thánh của mình. Chúa Cha đã xử với Mẹ rất trọng kính khi phái một sứ thần cao cấp đến chào Mẹ là Đấng Đầy Ơn, và hỏi xem ý Mẹ có bằng lòng đồng công trong việc cứu chuộc nhân loại của Ngôi Hai mà Chúa muốn Mẹ cộng tác rất mật thiết không. Chúa Con đã tôn kính, mến yêu và vâng lời Mẹ là Mẹ thật của mình. Chúa Thánh Thần ngự đến trong Mẹ và thỏa tình thích chí vì được một mình chiếm ngự linh hồn Mẹ, chiếm trị tình yêu của Mẹ. Như vậy, tôn kính Mẹ cách sâu xa chỉ là ta hợp nhất cùng Ba Ngôi Thiên Chúa, cộng tác với Ba Ngôi Thiên Chúa mà tôn kính Đấng cả Ba Ngôicực thánh đã cùng tôn kính.
128. Ta phải tôn kính Mẹ như thế nào?
Trước hết, ở tận đáy lòng và với hết tâm hồn, ta thực tình nhìn nhận Mẹ có một địa vị cao cả trên hết mọi bậc thần thánh, trên hết mọi thụ tạo, chỉ ở dưới một mình Thiên Chúa; và đem hết tâm trí cùng tâm hồn bảo vệ địa vị ấy của Mẹ, dầu có phải hy sinh tính mạng. Nếu có thể, tuỳ khả năng mà cao rao Mẹ, viết sách báo, rao giảng, truyền bá những cao vinh của Mẹ.
Thứ đến, ta hãy vâng phục Hội Thánh trong việc tôn kính Mẹ. Từ xưa tới nay, Hội Thánh hằng tôn kính Mẹ bằng sự biệt tôn (hyperdulia), nghĩa là tôn cao Mẹ trên hết và hơn hết mọi thần thánh; tôn cao chứ không tôn thờ (latria), vì việc tôn thờ chỉ xứng với một mình Thiên Chúa. Cho nên ta hãy sốt sắng cùng với toàn thể Hội Thánh long trọng mừng các lễ Hội Thánh đã lập ra để tôn kính Mẹ. Trong những lễ này, ta hãy dâng Thánh Lễ, Hiệp Lễ để cùng với Mẹ và Chúa Giêsu Thánh Thể cảm tạ Chúa Ba Ngôi đã sáng tạo nên Mẹ, đã ban cho Mẹ hằng hà sa số ân sủng trọng đại vô cùng. Ta hãy hân hoan cung kính tiếp nhận tất cả những điều Hội Thánh dạy về Mẹ, tôn vinh Mẹ; nếu có thể, ta cũng truyền bá những điều ấy cho nhiều người biết. Hãy hoan hô những ý kiến tốt đẹp của các nhà thần học ca tụng Mẹ, bảo vệ vinh danh Mẹ, đồng thời trừ diệt và phản đối những ý kiến giảm giá Mẹ. Hãy tán thành những cách sùng kính mà Hội Thánh, các thánh và những nhà đạo đức đề ra để tôn vinh Mẹ, và tuỳ khả năng phổ biến những cách sùng kính ấy cho người khác nữa. Trong Hội Thánh có rất nhiều cách sùng kính Mẹ, khả năng nhỏ yếu của ta không thể thực thi được hết cả. Ta hãy lựa chọn lấy một hai việc hợp với khả năng mình, song phải thực thi cho trung thành, thật lòng, mến yêu, bền vững, đừng ôm đồm nhiều quá hoặc chỉ làm nửa chừng, hay thay đổi nay cách này mai cách khác.
Thứ nữa, nếu có phúc được Chúa gọi vào tu trong Hội Dòng nào dâng kính Mẹ, ta hãy hăm hở và quyết chí đạp lên mọi chướng ngại mà vào Dòng ấy. Đây là việc thực thi lòng tôn kính Mẹ tốtnhất, có giá trị nhất, vì trong Hội Dòng ấy, ta được tuân giữ kỷ luật thánh, được hy sinh nhiều vì Mẹ, được có nhiều cơ hội tỏ lòng yêu mến Mẹ theo kỷ luật và đức tuân phục. Nếu không được ơn gọi gia nhập một Hội Dòng như vậy, ta cũng có thể gia nhập một đoàn thể, một họ thánh nào có mục đích hoạt động cho Mẹ. Đơn giản và tốt đẹp cao quí là việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ ta đang tìm hiểu đây. Ta sẽ thực hiện Tận Hiến sau khi hiểu thông biết đủ, vì việc tận hiến này đòi có một tính cách tuyệt đối tín thác nơi Mẹ, một tính cách hết sức cao quí trong việc tôn kính Mẹ cách sâu xa.
2. Tin tưởng tuyệt đối.
129. Tin tưởng tuyệt đối ở Mẹ có nền tảng nào không?
Nền tảng của sự tin tưởng tuyệt đối này xây trên quyền năng và tình thương của Mẹ. Quyền năng này, Mẹ không tự mình mà có, song do khả năng cầu bầu của Mẹ, vì Chúa không muốn chối từ một ơn nào chính đáng đối với Đấng mà Chúa từng kính tôn và yêu mến hơn hết mọi thụ tạo (số 127). Đó thật là công bằng: Mẹ đã cung cho Chúa Giêsu nhân tính để Người có thể lập công cứu chuộc thế gian. Mẹ đã đồng công với Chúa trong đau thương cũng như trong hành động, thì Mẹ cũng phải được thông phần với Chúa trong việc ban phát ân sủng cho loài người, mới là chính đáng và hợp tình hợp lý. Cho nên Chúa không muốn từ chối và không thể từ chối Mẹ một ơn nào chính đáng Mẹ xin cho ta. Hội Thánh cũng vì lẽ đó mà tôn xưng Mẹ là Đấng Cầu Bầu Toàn năng. Về tình thương của Mẹ, ta đã có dịp nói ở trên (số 106). Ở đây xin thêm rằng: tình thương của Mẹ là tình thương của Người Mẹ yêu thương ta như yêu thương Chúa Giêsu, vì ta là chi thể của Chúa. Mẹ đã sinh ra ta trong đau khổ, giữa những quặn thắt nghẹn ngào trên đồi Can-vê, nên ta càng được Mẹ yêu thương hơn. Như vậy sự tin tưởng tuyệt đối ở Mẹ có hai tính cách: vững vàng và phổ quát.
130. Ta phải tin tưởng ở Mẹ vững vàng như thế nào?
Mặc dầu đầy những khốn nạn và lỗi lầm, ta cũng cứ tin tưởng vững vàng nơi Mẹ, không gì lay chuyển được lòng tin tưởng ấy của ta. Quả thật, Mẹ là Mẹ thương xót, Mẹ không phải lo đến việc xửcông bằng với ta. Nhưng Chúa đã tuyển chọn Mẹ đặc biệt để chỉ thi thố trước hết tình thương cảm, lòng từ ái, và đức nhân hậu đối với ta. Mẹ biết rằng ta luôn liều bị tình dục, thế gian, ma quỉ tấn công, và ta vẫn luôn luôn là con của Mẹ, nên Mẹ hằng xót xa cho số phận của ta, cả khi ta lỡ bước sa chân vào tội lỗi. Vì thế, vừa khi ta tỏ một ý muốn tóc tơ, một thiện chí mọn mạy trở về với Thiên Chúa, Mẹ liền đem hết tình thương đón tiếp ta. Thường ra chính Mẹ liệu trước cho ta có thiện chí và ước muốn ấy, rồi xin Chúa ban ơn xuống thúc giục ta. Hội Thánh đã hiểu rõ như thế, nên đã cho một số giáo phận mừng lễ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria là nơi nương ẩn của tội nhân. Chính vì Mẹ là Mẹ Vô Nhiễm, không bao giờ vương phải lỗi lầm mảy may nào, nên Mẹ càng xót thương ta là những tội nhân ngặt nghèo không được ơn thoát khỏi dục vọng như Mẹ. Đó chính là lý do để Mẹ thương yêu hết những người con đã tận hiến làm con thơ dại của Mẹ hơn. Đối lại, cũng là lý do để chúng ta là những người con tận hiến ngây khờ của Mẹ càng tuyệt đối tin tưởng nơi Mẹ vững vàng hơn.
131. Còn tin tưởng phổ quát là thế nào?
Tin tưởng phổ quát có nghĩa là tin rất chắc chắn Mẹ sẽ ban cho ta hết mọi ân sủng cần thiết: ơn trở lại luôn trên đường thánh thiện, ơn tiến cao trên đường thiêng liêng, ơn bền vững đến cùng, ơn được gìn giữ cho khỏi mọi hiểm nguy, áy náy, lo âu, cam go gay cấn nhất ta có thể gặp. Lòng tin tưởng phổ quát này, thánh Bênađô đã tả ra một cách thơ mộng và hùng hồn như sau:"Nếu bão táp cám dỗ nổi lên, nếu bạn chơi vơi giữa cồn sạn gian nguy, bạn hãy trố mắt nhìn lên sao biển, hãy kêu gọi Mẹ Maria đến cứu nguy. Nếu bạn tròng trành trên sóng kiêu căng, tham vọng, dèm pha, ghen tị, bạn hãy cứ nhìn Sao gọi Mẹ. Nếu gió nóng giận, hà tiện, nhục khoái lấn xô thuyền hồn bạn, bạn hãy nhìn lên Mẹ Maria. Nếu bạn khắc khoải vì tội ác nặng nề, bẽ bàng vì lương tâm khốn khổ, hãi hùng khi nghĩ tới giờ phán xét, mà phải chìm dần xuống vực sâu u buồn thất vọng, bạn hãy nghĩ đến Mẹ Maria. Bạn hãy nghĩ đến Mẹ Maria, và hãykêu cầu Mẹ Maria giữa những lúc bạn gặp hiểm nguy, xao xuyến, phấp phỏng. Tâm hồn bạn, môi miệng bạn đừng xa rời tưởng nghĩ đến Mẹ, đừng tránh lánh kêu cầu Mẹ, và, để chắc chắn được Mẹ cầu nguyện trợ giúp, bạn đừng quên noi theo gương Mẹ. Theo bén gót Mẹ, bạn không lạc đường; van nài Mẹ tha thiết, bạn không thể thất vọng; tưởng nghĩ luôn đến Mẹ, bạn không hề lầm lạc. Mẹ còn cầm tay bạn, bạn không thể ngã; Mẹ bảo hộ bạn, bạn không sợ gì; Mẹ dẫn đưa bạn, bạn không mệt nhọc; Mẹ phù trì bạn, bạn sẽ chắc chắn tới cảng Thiên Đàng". Chúng ta cần ân sủng biết bao để chiến thắng kẻ thù và tiến trên đường thánh đức. Nhất là khi đã tận hiến cho Trái Tim Mẹ, ta càng phải tin tưởng tuyệt đối vào việc Mẹ như một trẻ thơ non dại. Vì thế, việc thực thi thứ ba của người con tận hiến cho Mẹ là:
3. Phó thác hoàn toàn
132. Sự phó thác cho Mẹ có nền tảng nào?
Theo định nghĩa, phó thác là một dự kiện hệ tại ta lệ thuộc Thiên Chúa là Cha nhân từ vô cùng (Mt 6; Lc 11), ở tình mến yêu thơ dại hiếu thảo đối với Thiên Chúa là chính Tình Yêu (1 Gn 4:8, 16), và ở sự hoàn toàn phù hợp với Thánh Ý quan phòng khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa (Mt 5:6). Từ định nghĩa chung đó đối với Thiên Chúa, ta cũng rút ra được một định nghĩa tương tự về sự phó thác hoàn toàn cho Mẹ Maria. Đó là: Hoàn toàn phó thác cho Trái Tim Mẹ là lệ thuộc Mẹ, Người Mẹ rất đáng mến; là thơ thảo mến yêu Mẹ, Mẹ Tình Yêu diễm lệ (Hc 24:24); và là tuân hợp với sự quan phòng đầy khôn ngoan và yêu thương của Mẹ. Cũng từ định nghĩa này, ta xây sự phó thác này trên những nền tảng vững chắc như sau, để ta tôn kính Mẹ sâu xa và tin tưởng tuyệt đối ở Mẹ:
a/ Trước hết, về phía Mẹ Maria: Mẹ là một người Mẹ đáng mến hơn hết mọi người mẹ. Ta từng biết Thiên Chúa chọn Mẹ làm Mẹ Chúa Giêsu, nên đã ban cho Mẹ hết mọi đức tính cao cả hoànthiện, đã làm cho Mẹ nên một Người Mẹ đáng mến yêu hơn hết. Mẹ lại là Người Mẹ yêu thương hơn hết, vì Trái Tim Mẹ được Thiên Chúa sáng tạo y hệt Trái Tim Chúa Giêsu, để Mẹ yêu mến Con Thiên Chúa cho thật hoàn toàn xứng đáng. Tình yêu Mẹ yêu Chúa Giêsu ấy, Mẹ cũng tỏ ra với ta, yêu thương ta là những chi thể của Con Mẹ. Tình Mẹ bao la như trời biển, như nước đại dương, như khí không trung, bất cứ ai cũng có thể đến lặn ngụp trong đó, không bao giờ cạn. Ai càng bé nhỏ, càng lặn ngụp sâu hơn, càng được tình Mẹ đùm bọc phủ phê hơn.
b/ Thứ đến, Hội Thánh đã từng áp dụng vào Mẹ lời sách Huấn Ca mà xưng tụng Mẹ là Mẹ Tình Yêu diễm lệ (Hc 24:24), là Mẹ toàn mỹ không vương lây một chút ô tì (Tv 4:7). Thiên Chúa chính là Đấng toàn thiện toàn mỹ, đã sáng tạo nên Mẹ là Mẹ toàn thiện, toàn mỹ, xứng đáng làm Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể. Nếu Chúa Giêsu là Ngôi Lời Nhập Thể và cư ngụ giữa chúng ta (Gn 1:14), thì Mẹ Maria là sự thánh thiện hiện thân, là tình yêu hiện thân cũng cư ngụ giữa chúng ta, vì Mẹ là Mẹ Vô Nhiễm, một Thụ Tạo Mới, một Evà mới (số 11-14). Sở dĩ nói như vậy, là vì ta căn cứ vào những lời Thánh Kinh mà Hội Thánh đã áp dụng cho Mẹ, nhất là lời sứ thần bái chào Mẹ: "Đầy Ơn Phúc" (Lc 1:28). Theo các nhà thần học và giảng nghĩa Thánh Kinh, "Đầy Ơn Phúc" là danh hiệu của Mẹ theo bản thể: bản thể của Mẹ là "đầy ân sủng", nói câch khác, Mẹ chính là sự thánh thiện do Thiên Chúa ban cho Mẹ. Tình yêu diễm lệ, vô nhiễm, toàn mỹ và đầy ân sủng tạo nên sự thánh thiện như là bản thể của Mẹ: vì càng yêu mến Thiên Chúa bao nhiêu, càng nên thánh thiện bấy nhiêu. Mặt khác, tình yêu của Mẹ lại được Chúa Thánh Thần, chính Tình Yêu bản thể Thiên Chúa phối hợp với nữa, nên Mẹ càng trở nên tình yêu toàn mỹ tràn đầy ân sủng, càng là sự thánh thiện hiện thân. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu bản thể phối hợp với Mẹ, đòi Mẹ phải là người có một tình yêu, một thánh thiện tương xứng với Chúa. Sự tương xứng này lại đòi Mẹ phải có một tình yêu và thánh thiện có khả năng đồng hóa được với Tình Yêu bản thể là Chúa Thánh Thần: có như vậy mới là "môn đương hộ đối". Huống hồ sự phối hợp giữa Chúa Thánh Thần và Mẹ Maria ấy (Lc 1:35 vt) lại sinh ra Ngôi Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu, thì ta càng có lý mà nói: Mẹ Maria chính là tình yêu thánh thiện hiện thân. Tình Yêu thánh thiện hiện thân này là đối tượng tình yêu thơ thảo phó thác của ta. Tận hiến cho Trái Tim Mẹ là ta tháp nhập vào tình yêu diễm lệ, vô nhiễm, toàn mỹ, đầy ân sủng hiện thân của Mẹ, với tâm tình và tấm lòng một người con thơ dại nhỏ bé, như một nhánh cây nhỏ tháp nhập vào thân cây lớn, để rồi được đồng hóa với cây lớn vậy.
c/ Nền tảng thứ ba là sự quan phòng của Mẹ Maria đối với ta. Tất nhiên sự Quan Phòng của Mẹ tuỳ thuộc sự Quan Phòng của Thiên Chúa, nhưng cũng có những nền tảng rất chắc chắn là: thực tại Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (số 15-17), là Nữ Vương vũ trụ và các tâm hồn (số 44-48), là Mẹ Đồng Công cứu chuộc loài người (số 18-25), Mẹ nhân loại (số 26-27), Mẹ Hội Thánh (số 28-30); nhất là thực tại Mẹ là Mẹ Trung Gian phổ quát ban mọi ân sủng cho ta (số 40-43). Thật vậy, sự Quan Phòng của Mẹ là một hậu kết, một biểu lộ, một hình thức của thực tại Mẹ là Mẹ Trung Gian phổ quát và của sứ mạng Mẹ thánh hóa các linh hồn (số 35-39, 54, và 90-91), đúc nặn họ nên hình tượng Chúa Giêsu.
Như vậy, sự trung gian phổ quát của Mẹ có phạm vi lan tới đâu thì sự Quan Phòng này choán gồm tất cả những gì gần hay xa liên quan đến việc ta nên hoàn thiện và được cứu rỗi đời đời. Vì thế, không những sự quan phòng của Mẹ bao gồm những gì tự nó là siêu nhiên - ban thánh sủng và hiện sủng đúng lúc, lo cho ta chịu các bí tích v.v... - mà còn bao gồm tất cả những sự kiện tự nhiên liên đới với sự sống siêu nhiên của ta. Nói cho ngắn gọn, sự Quan Phòng của Mẹ thực hiện trên ta theo hai chiều hướng: lo liệu cho ta dễ dàng nên thánh, và đẩy xa những gì ngăn cản đời sống Kitô hữu của ta. Vì thế, một khi đã tận hiến cho Mẹ, ta được sự Quan Phòng của Mẹ đặc biệt lưu ý. Đó chính là lý do để ta hoàn toàn phó thác cho Mẹ, cho tình yêu khôn ngoan hiền ái của Trái Tim Mẹ lo liệu mọi sự cho ta. Chắc chắn rằng không một mảy may tơ tóc nào trong cuộc đời ta, cả tự nhiên cả siêu nhiên, có thể thoát được ra ngoài tầm nhìn Quan Phòng của Mẹ.
d/ Ba nền tảng trên là xét về phía Mẹ, và căn cứ ở định nghĩasự phó thác hoàn toàn cho Mẹ. Hoàn toàn phó thác cho Trái Tim Mẹ còn có hai nền tảng xét về phía ta. Đó là ta phải trở nên một con trẻ thơ nhỏ dại, và nhìn nhận sự yếu đuối vô cùng của ta. Chúa Giêsu đã dạy: "Nếu các con không trở nên như những trẻ nhỏ non dại (parvuli), các con không vào được Nước Trời" (Mt 18:3). Hội Thánh từng xưng tụng Mẹ Maria là cửa Nước Trời (kinh Cầu). Vào Nuớc Trời cần phải qua cửa. Điều kiện để vào được cửa ấy là phải nên bé mọn thơ dại, vì cửa vào trời là cửa hẹp (Mt 8:14), ai càng nhỏ bé càng dễ vào lọt. Mặt khác, bất cứ sinh vật nào thoạt sinh ra cũng phải trải qua một thời kỳ non dại. Những người con sinh vào Hội Thánh Chúa cũng phải qua thời kỳ non dại này khi ở trần gian. Thánh Phêrô từng nhắc nhở: "Như những trẻ sơ sinh, anh em hãy khát sữa thiêng liêng" (Pr 2:2). Lời đó nói rõ: tất cả chúng ta, khi ở đời này, chỉ là những con trẻ sơ sinh thơ dại, nên phải khát sữa thiêng liêng Mẹ Maria ban xuống nuôi dưỡng qua Hội Thánh Chúa. Thánh Môngpho tả ý đó khi nói: ta được bồng ẵm trên tay Mẹ, được nuôi dưỡng bằng sữa Mẹ, được Chúa ban qua Mẹ những của ăn vừa tầm sức ta khi ta còn ở đời này. Hẳn ta cũng còn nhớ thánh Augustinô nói: khi ở đời này, ta còn hết sức non dại, chỉ là những bào thai trong lòng Mẹ Maria thôi (số 93), nên phải hoàn toàn phó thác cho Mẹ.
e/ Thứ nữa, bản tính yếu đuối, hay thay đổi của chúng ta cũng là lẽ bắt chúng ta phải phó thác như con dại trong lòng Đồng Trinh Mẹ. Chính nguyên tội và các tội lỗi, khuyết điểm, nết xấu riêng của ta đã gây nên tình trạng yếu đuối ấy. Thánh Phaolô vì thế đã nói: không cho ta ăn của cứng rắn được, mà phải cho ăn sữa thôi (1 Cor 3:1-2). Có là trẻ nhỏ non nớt mới phải ăn sữa. Và sữa ấy ở đâu ra nếu không vắt từ lòng Mẹ Maria là Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc? Mẹ cũng chỉ nhận sữa ấy từ Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu mà ban cho ta, chứ không lấy từ đâu khác. Vì thế, bản tính yếu đuối của ta là lẽ mạnh để ta phải hoàn toàn phó thác cho Mẹ.
133. Như vậy, ta phải yêu Mẹ bằng tình yêu con nhỏ phó thác như thế nào?
Nếu Mẹ Maria đã là Người Mẹ đáng yêu hơn hết, yêu thươngta hơn hết (số 132), ta cũng phải phó thác cho Mẹ hơn hết. Đó quả thật là một trong những đặc ân vinh quang nhất của Mẹ. Bất cứ Chúa Giêsu được nhận biết và yêu mến ở đâu, Mẹ Maria cũng được nhận biết và yêu mến ở đó: ta không thể tách rời Mẹ ra khỏi Con được. Tuy vẫn nhìn nhận Mẹ khác với Con, nhưng ta lại đem cùng một tình yêu mà yêu mến cả Con cả Mẹ, mặc dầu là ở một cấp độ khác nhau. Ta yêu mến Chúa Giêsu là Thiên Chúa, còn yêu mến Mẹ vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, một tình yêu dịu dàng, quảng đại, tận tình, nhưng tùy thuộc vào tình yêu mến Thiên Chúa. Sự phó thác của ta cho Mẹ cũng có những tính cách đó.
Tình yêu thơ dại có ý thức và tự do (số 135) ta yêu mến Mẹ Maria, đây là một tình yêu ân cần tha thiết, hân hoan vì những cao quang, những nhân đức và những đặc ân của Mẹ. Ta năng suy ngắm những vinh quang đó, ca tụng những vinh quang đó, thích thú vì những vinh quang đó, và chúc tụng Mẹ vì Mẹ được nên rất hoàn thiện cao sang. Song đó cũng là một tình yêu hảo tâm hảo ý, thành thực khát mong cho danh thánh Mẹ Maria được nhận biết và yêu mến hơn ở khắp nơi do mọi người. Ta cầu xin cho ảnh hưởng dịu hiền nhưng mạnh mẽ của Mẹ trải rộng trên hết mọi linh hồn, lại thêm lời rao giảng và hoạt động vào lời cầu xin ấy nữa. Đó lại là một tình yêu thơ thảo, đầy phó thác và đơn sơ, dịu dàng và tận tụy, đi tận tới chỗ khắn khít cung kính nối liền con với Mẹ. Sau cùng, đó là một tình yêu tuân hợp, cố gắng trong mọi sự đều thuận hợp ý muốn của ta vào ý muốn của Mẹ Maria và, từ đó, vào ý muốn của Thiên Chúa, vì có hợp nhất một lòng một ý mới là yêu mến nhau thật.
Nói tắt lại, tình yêu thơ thảo và lòng tin tưởng (hay cậy trông) tuyệt đối của người con tận hiến cho Trái Tim Mẹ phải lên tới tuyệt đỉnh, tức là đi đến sự phó thác hoàn toàn, phó thác trọn vẹn cho Mẹ và từ Mẹ cho Chúa, để mặc Chúa và Mẹ tự do định đoạt về họ. Họ chỉ biết hoàn toàn vâng ý Chúa và Mẹ trong mọi sự, qua mọi hoàn cảnh và mọi biến cố. Người con tận hiến cho Mẹ phải ngoan thảo để mặc Chúa và Mẹ muốn làm gì thì làm. Phần họ chỉ biết vâng nghe và lệ thuộc (số 134-137) một cách vô điều kiện, như nói liền đây, vì lệ thuộc chính là định nghĩa, là bản chất của phó thác.
4. Tuyệt đối lệ thuộc
134. Tại sao ta phải tuyệt đối lệ thuộc vào Mẹ?
Ta phải lệ thuộc tuyệt đối vào Mẹ vì đặc tính của con trẻ thơ dại, nét nổi nang nhất của em bé thơ ngây là tình trạng lệ thuộc vào mẹ em. Điều này tưởng không cần phải minh chứng. Ta cứ nhìn một con trẻ sơ sinh bé bỏng là ta rờ thấy thực tại đó. Em nhỏ trước hết phải là bào thai lệ thuộc mẹ hoàn toàn (số 93). Rồi từ khi sinh ra vẫn phải lệ thuộc vào mẹ: mẹ ẵm bế, cho bú mớm, bao bọc, giữ gìn; mẹ đi đâu thì đem em đi đó; có bỏ rời em vì việc gì chốc lát, mẹ cũng phải trở lại ngay để nâng rước, bế bồng, nựng ru cho ngủ, dỗ ngọt cho ăn. Em bé phải lệ thuộc mẹ cả từ cái ăn giấc ngủ, cho đến sự xê dịch, sống còn. Đó là tình trạng lệ thuộc tự nhiên. Xét về phía siêu nhiên, ta phải bắt chước Chúa Giêsu, Đấng Thiên Chúa tự hữu quyền năng vô cùng, mà cũng đã một thời gian tự nguyện làm con thơ dại của Mẹ Maria, lệ thuộc cách tuyệt đối vào Mẹ, để làm gương cho ta. Vì thế, nếu đối với Mẹ, ta không tình nguyện chấp nhận làm con trẻ ngây dại tuyệt đối lệ thuộc vào Mẹ, thì một là ta rời quá xa gương mẫu trọn lành là Chúa Giêsu; hai là ta thật ngu dại, bỏ lỡ một phương tiện vô cùng quí báu để đảm bảo hạnh phúc đời này và nhất là đời sau. Ta bất lực hoàn toàn và nghèo nàn biết bao về đường thiêng liêng: thiếu ơn nâng rước của Mẹ đối với ta như một con trẻ ngây dại thì, nếu không chết hao mòn, ta cũng èo ọt khó sống đến cùng trong đường tận hiến cho Trái Tim Mẹ được.
Tags:
Giáo Cương Tận Hiến