Tận Hiến có tốt không?

Tận Hiến Có Tốt Không?
 117. Sự tận hiến cho Trái Tim Đức Mẹ cao trọng thế nào?
Tận hiến cho Trái Tim Đức Mẹ là một hành vi phó thác thánh thiện. Cứ xét riêng hành vi phó thác, nó đã là một hành vi cao trọng rồi, vì phó thác hệ tại đem tình yêu thơ thảo mà tùng phục và hòa hợp hoàn toàn với Thánh ý Chúa. Phó thác làm cho ta được an nghỉ thanh thản, trong lúc gặp đau thương cũng như khi được vui mừng, tùy ý thích của Thiên Chúa là Đấng thấu biết đâu là tốt lành cho ta. Sự tận hiến cho Trái Tim Mẹ có đủ những tính cách của đức phó thác thánh thiện tuyệt vời ấy, mà còn gồm chứa nhiều hành vi của những nhân đức  cao đẹp khác nữa, nên thật là một hành vi cao trọng.
118. Những nhân đức đó là những nhân đức nào?
Trước hết, đó là hành vi của nhân đức thờ phượng thẳm sâu đối với Thiên Chúa, Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Quả thật, do việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ, để nhờ Mẹ tận hiến cho Thiên Chúa, ta nhìn nhận chủ quyền tối cao của Thiên Chúa trên toàn thể hữu thể và cuộc đời ta, nhìn nhận sự hư vô hoàn toàn của ta, và đem hết tâm hồn tôn vinh những quyền năng vô hạn Thiên Chúa ban cho Mẹ Maria trên ta.
Thứ đến là hành vi nhân đức khiêm nhường. Nhờ hành vi này, ta nhìn nhận sự hư vô hèn hạ, sự bất lực khốn cùng của ta. Đồng thời ta tự ý tước đoạt, từ bỏ  bản thân ta, và dâng lại cho Thiên Chúa tất cả những gì Chúa ban cho ta qua tay Mẹ Maria, để rồi sau này, nhờ tình Chúa thương, ta lại được lĩnh nhận tất cả từ nơi Mẹ.
Thứ nữa là hành vi mến yêu tin tưởng. Yêu mến là hiến dâng chính mình, và, để dâng hiến chính mình, ta phải có một lòng tínthác tuyệt đối (số 129-131) và một đức tin sống động.
Tất cả những nhân đức ấy tập hợp trong sự tận hiến cho Trái Tim Mẹ , đan kết nên một vẻ cao trọng tuyệt vời.
119. Tận hiến cho Trái Tim Mẹ  còn cao trọng ở khía cạnh nào nữa không?
Căn cứ theo những điều vừa nói trên, ta có thể nói, nếu thực hành tốt và trung thành đến cùng, năng đem hết tâm hồn làm đi làm lại mãi, hành vi tận hiến cho Trái Tim Mẹ còn cao quí hơn một hành vi khác gọi là hành vi anh hùng (actus heroicus). Theo như thói quen thực hành trong Hội Thánh, hành vi anh hùng là hành vi đức ái cao cả đối với các linh hồn Luyện Ngục, hoặc một số linh hồn xác định nào đó. Nó hệ tại việc ta nhường tất cả hiệu quả đền tội của các việc lành ta làm, tất cả các ân xá ta được hưởng, và tất cả những ân xá người khác được hưởng chỉ cho ta sau khi ta qua đời, để cứu giúp các linh hồn Luyện Ngục. Nhưng việc tận hiến cho Trái Tim  Mẹ còn cao trọng hơn hành vi anh hùng đó,  vì ta không tự ý mình nhường các ơn ích lợi lộc thiêng liêng nói trên nữa, mà ta để mặc ý Mẹ, nghĩa là ta thực hiện hành vi phó thác  cao hơn mức anh hùng. Vì thế, nếu trước khi tận hiến cho Trái Tim Mẹ, ta đã thực hiện hành vi anh hùng nói trên, thì nó hoàn toàn phù hợp với việc tận hiến. Nếu muốn làm sau thì thật không cần thiết, vì nó kém hơn và gồm trong việc tận hiến rồi; hoặc nếu muốn làm cho yên lòng thì cũng phải rõ ràng tùy theo ý Mẹ, vì mình đã tận hiến hoàn toàn cho Trái Tim Mẹ.
120. Tận hiến cho Trái Tim Mẹ có cao trọng bằng việc tận hiến bậc tu trì không?
Theo thánh Tôma Tiến sĩ, tận hiến tu trì là một hành vi cốt nhằm thờ phượng Thiên Chúa (latria) theo nghĩa hẹp của việc tận hiến, và bản chất của đời tận hiến tu trì là theo sát Chúa Kitô hơn, dưới ơn thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (GL 573, 1). Tận hiến cho Trái Tim  Mẹ chỉ là một việc sùng kính biệt tôn hoàn hảo (hyperdulia), tuy có gồm hành vi thờ phượng theo nghĩa rộng (số 6, 118), nhưng bản chất không phải là để thờ phượng Thiên Chúatheo nghĩa hẹp, chỉ cốt nhằm để tùng phục và mến yêu Chúa cách chung tốt hơn thôi (số 86-87). Tận hiến tu trì thể hiện bằng việc công khai, qua thừa tác vụ của Hội Thánh, tuyên khấn giữ ba lời Phúc Âm khuyên: khiết tịnh, thanh bần, tuân phục (GL 654). Tận hiến cho Trái Tim Mẹ chỉ là một việc tư, không tuyên khấn điều gì, chỉ minh nhiên hiến dâng trọn vẹn để nhờ Mẹ, ta được thuộc trọn về Chúa hơn (số 88-89). Tận hiến tu trì làm nên một bậc sống bền vững (GL 573, 1), thuộc đời sống và sự thánh thiện của Hội Thánh (GL 574). Tận hiến cho Trái Tim Mẹ không làm nên bậc sống riêng biệt nào.
Vậy  tận hiến cho Trái Tim Mẹ không cao trọng bằng  tận hiến tu trì. Hội Dòng nào có thực hiện tận hiến cho Trái Tim  Mẹ cũng chỉ là làm một việc không liên quan gì đến bản tính bậc tu trì. Có thể tận hiến ngày vào nhà tập như một nghi thức nhập dòng, hoặc có thể tận hiến sau lần khấn đầu tiên để xin Mẹ phù trợ cho đời sống tu trì sau này, tuỳ ý hướng và mục đích của nhà sáng lập, hay truyền thống hợp pháp của Hội Dòng.
Previous Post Next Post