Vĩnh biệt


Chia tay còn chưa ai muốn huống chi vĩnh biệt. Nhưng phàm ngữ là thế. Thiết tưởng, hai chữ “vĩnh biệt” hoặc “từ biệt” là loại ngôn ngữ (danh từ hoặc động từ) KHÔNG BAO GIỜ phù hợp với Công giáo.
Vĩnh biệt là không bao giờ gặp lại nhau. Nếu chúng ta vĩnh biệt thì chẳng khác gì “chó chết thì hết chuyện”. Nếu vậy thì cần gì phải bàn, cần gì phải quan tâm, cần gì phải lo. Cứ “xả láng”, dù có “sáng về sớm” cũng chỉ là “chuyện nhỏ”. Đó là chuyện thế gian.
Tuy nhiên, người Công giáo không như vậy, CHẾT không là HẾT, mà là QUYẾT hoặc BIẾT, vì tương lai không chỉ còn dài dài mà còn mãi mãi, chắc chắn còn gặp lại nhau trên Thiên Đàng, trên Nước Trời, vậy thì không thể là vĩnh biệt mà chỉ là TẠM BIỆT thôi.

Quả thật, quy luật “sinh – tử” là một hành trình, như mọi sự đều có khởi đầu và có kết thúc, đơn giản như sợi dây. Người đời nói: “sinh ký, tử quy – sống gởi, thác về”. Rất phù hợp với giáo lý Công giáo, vì chính Thiên Chúa là An-pha và Ô-mê-ga (Kh 1:8; Kh 21:6; Kh 22:13). Đúng vậy, dựa trên nền tảng Kinh Thánh, Giáo hội tuyên xưng Đức Tin Công giáo với Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ta sẽ sống lại” (Mt 22:23-33; Mc 12: 18 -27; Lc 20: 27 -40).
Sáng 4-8-2013, ngày lễ Thánh Gioan Vianney – năm nay không mừng kính lễ vì nhằm Chúa Nhật XVIII TN, tôi nhận được tin báo LM G.B. Vinh được Chúa gọi về lúc 17 giờ ngày 3-8-2013. Theo luật Phụng vụ Công giáo, sau kinh chiều 2 là thời gian thuộc về ngày hôm sau, tức là LM G.B. Vinh hoàn tất hành trình trần thế đúng vào ngày lễ Thánh Gioan Maria Vianney – bổn mạng các linh mục, đặc biệt là các linh mục giáo phận. Sự trùng hợp hay “định mệnh” – gọi là Ý Chúa?
LM G.B. Thân Văn Vinh sinh ngày 29-6-1931, ít ngày nữa là lễ bổn mạng ngài: 29-8-2013, lễ Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết. Lạ là ông bà cố chọn bổn mạng cho ngài là ngày Thánh Gioan Tẩy Giả “bị trảm quyết” chứ không chọn ngày sinh nhật của thánh nhân. Phải chăng Ý Chúa tiền định? Phàm nhân không hiểu thấu, nhưng chắc chắn “Thiên Chúa thấu suốt mọi sự” (Sbn 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35, 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12).
Thật ra tên “cúng cơm” của LM Thân Văn Vinh là Đỗ Trung Túc, nhưng ngài thay tên đổi họ từ sau 1975 cho có vẻ “dòng giống” theo tên của LM Đa-minh Thân Toàn Vũ – người xứ Thiết Nham, là cha giáo cũ – là Thân Toàn Vinh. Nhưng không hiểu sao, giấy tờ tùy thân ngày nay lại là Thân Văn Vinh. LM Đa-minh Thân Toàn Vũ là linh mục triều nhưng muốn sống khó nghèo nên đã có thời gian vào tu Dòng Xi-tô Phước Sơn trước 1975, nhưng sau 1975 ngài “về quê cắm câu”.
Vài điểm chính về cố LM G.B. Vinh:
1941 : Tu học tại Tiểu chủng viện Bắc Ninh.
1955 : Du học tại Đức quốc.
29-6-1959 : Thụ phong linh mục tại Đức quốc.
1959: Nhận bằng Tiến sĩ Thần học tại đại học Pragardufide, Đức quốc.
1961 : Cử nhân Anh văn tại đại học Fribourg, Thụy Sĩ.
1964 : Về Việt Nam, giảng dạy tại các dòng tu tại Đà-lạt.
1975-2000 : Chính xứ Thiết Nham (giáo hạt Phước Lý, giáo phận Xuân Lộc) và dạy Kinh thánh tại Đan viện Khiết Tâm Xi-tô Phước Lý.
2000 tới nay : Hưu trí tại Gx Thiết Nham.
Ngày 24-6-2008, giáo dân Gx Thiết Nham và thân nhân (linh tông, huyết tộc) đã tổ chức sớm lễ Kim khánh Linh mục cho ngài (đúng ra phải là năm 2009), vì thấy sức khỏe ngài sa sút nhiều. Nhưng Chúa vẫn kéo dài sự sống của ngài cho tới nay, mặc dù đã có những cơn nguy kịch.
Dù bị chứng Parkison từ lâu, tay run mạnh, đôi khi còn khó tự ăn cơm, nhưng ngài vẫn không than thân trách phận, và vẫn hoàn tất công tác mục vụ. Châm ngôn sống của ngài: “Con đến để thực thi Thánh Ý Chúa” (Dt 10:7 & 9). Khoảng 3 năm nay, ngài phải nằm liệt giường.
Thánh lễ an táng LM G.B. Vinh được cử hành tại Gx Thiết Nham, lúc 8 giờ 30, ngày 6-8-2013, chủ tế là ĐGM Đa-minh Nguyễn Chu Trinh, GP Xuân Lộc. Sau đó, thi hài ngài được an táng ngay tại trong khuôn viên nhà thờ Gx Thiết Nham.
Xin mở ngoặc: Có một thời gian ở gần ngài, tôi thấy ngài có một điểm rất giống Thánh Gioan Vianney: Giải tội bất kỳ giờ nào (ngày hay đêm, dù là giờ ngủ nghỉ). Ngài sống giản dị, không thích bề ngoài, ít nói, sao cũng được... Ngài còn trao cho tôi vài cuốn sách cần thiết cho hành trình của tôi, và đó là những thứ vô giá. Đặc biệt là ngài cũng đã từng “chia sẻ” với tôi về một số tâm sự riêng của ngài,...
Ai cũng một lần trở về với cát bụi, nơi mình đã được tạo thành, nhưng chết không là hết mà là biến đổi cuộc sống: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” (Thánh Phanxicô Assisi), và với Đức Tin Công giáo, chắc chắn rằng “ai gieo trong lệ sầu thì sẽ gặt trong hân hoan” (Tv 125).
Xin Thiên Chúa Ba Ngôi giàu lòng thương xót đại xá và cho linh hồn Gioan Baotixita được về hưởng Tôn Nhan Ngài. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Gx Thiết Nham, chiều 4-8-2013
Previous Post Next Post