
Tiếng “Amen có lẽ là một trong những từ phổ biến nhất trên môi người Kitô giáo. Từ“Amen” có nghĩa là: tất nhiên, xác thực, chắc chắn, hay đơn giản hơn “Amen” có nghĩa là phải. Theo nguyên ngữ Do thái, từ “Amen” hàm ý một sự vững vàng, kiên cố đảm bảo. Thưa “Amen”, tức là tuyên bố điều vừa được phát biểu là đúng, là để chấp nhận một câu nói hay để kết hiệp với lời kinh.
1. Cựu Ước
a. “Amen” - chứng thực ta đồng ý với ai. “Ngôn sứ Giê-rê-mi-a nói: "A-men! Ước gì ĐỨC CHÚA làm như thế! Ước gì Người thực hiện các điều ông vừa tuyên sấm, và đưa các đồ dùng trong Nhà ĐỨC CHÚA cũng như tất cả những người lưu đày từ Ba-by-lon trở lại nơi này” (Gr 28,6). “Ông Bơ-na-gia-hu con ông Giơ-hô-gia-đa thưa lại với vua và nói: "A-men, xin ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của đức vua chúa thượng của hạ thần phán như vậy!” (1V 1,36).
b. “Amen” - bằng lòng một sứ mạng. “Ta đã phán rằng: nếu các ngươi nghe tiếng Ta và làm theo tất cả những điều Ta truyền dạy, thì các ngươi sẽ trở thành dân của Ta, và chính Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi, để giữ trọn lời Ta đã thề hứa với cha ông các ngươi, là ban cho họ đất tràn trề sữa và mật như ngày hôm nay." Tôi đã đáp lời và thưa: "A-men, lạy ĐỨC CHÚA!" (Gr 11,5).
c. “Amen” - lãnh trách nhiệm về một lời thề và sau đó chịu Thiên Chúa đoán xét. “Xin cho nước đắng cay này ngấm vào nội tạng chị, khiến bụng chị sình lên và dạ chị héo đi. Người đàn bà ấy sẽ thưa: "A-men. A-men” (Ds 5,22).
d. “Amen” - cam kết của cộng đoàn trong nghi lễ lập lại giao ước. “Đáng nguyền rủa thay người tạc tượng đúc tượng -điều ghê tởm đối với ĐỨC CHÚA, đồ vật do tay thợ làm ra- và đặt ở nơi bí mật mà thờ! Toàn dân sẽ thưa: A-men! Đáng nguyền rủa thay kẻ khinh dể cha mẹ! Toàn dân sẽ thưa: A-men! Đáng nguyền rủa thay kẻ xê dịch ranh giới người đồng loại! Toàn dân sẽ thưa: A-men! Đáng nguyền rủa thay kẻ làm cho người mù đi lạc đường! Toàn dân sẽ thưa: A-men! Đáng nguyền rủa thay kẻ làm thiệt hại đến quyền lợi của ngoại kiều, cô nhi quả phụ! Toàn dân sẽ thưa: A-men! Đáng nguyền rủa thay kẻ nằm với vợ của cha mình, vì nó xâm phạm đến quyền làm chồng của cha mình! Toàn dân sẽ thưa: A-men! Đáng nguyền rủa thay kẻ nằm với con vật nào! Toàn dân sẽ thưa: A-men! Đáng nguyền rủa thay kẻ nằm với chị em mình, con gái của cha hay mẹ mình! Toàn dân sẽ thưa: A-men! Đáng nguyền rủa thay kẻ nằm với mẹ vợ mình! Toàn dân sẽ thưa: A-men! Đáng nguyền rủa thay kẻ giết trộm người đồng loại! Toàn dân sẽ thưa: A-men! Đáng nguyền rủa thay kẻ nhận quà hối lộ để giết người vô tội! Toàn dân sẽ thưa: A-men! Đáng nguyền rủa thay kẻ không giữ trọn những lời của Luật này mà đem ra thực hành! Toàn dân sẽ thưa: A-men!" (Đnl 27,15-26).
đ. “Amen” - tin tưởng, phó thác, kết hiệp với Thiên Chúa. “Bấy giờ ông Ét-ra chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng: "A-men! A-men! " Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy ĐỨC CHÚA” (Nkm 8,6).
e. “Amen” - kinh nguyện chắc chắn được chấp nhận. “Chính tay bà làm nên những việc ấy và thực hiện những điều tốt lành cho nhà Ít-ra-en. Thiên Chúa hài lòng về những việc của bà. Xin Thiên Chúa toàn năng ban cho bà nhiều ơn phúc, đến muôn thuở muôn đời. Mọi người đáp: A-men" (Gđt 15,10).
f. “Amen” – lời tung hô. “Chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa Ít-ra-en, từ muôn thuở cho đến muôn đời! " Và toàn dân hô lớn: "A-men! Ha-lê-lui-a!" (1Sb 16,36).
2. Tân Ước
a. “Amen” - lời tung hô, chúc tụng Thiên Chúa. “Nhưng anh em hãy lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Đức Giê-su Ki-tô là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Xin kính dâng Người vinh quang, bây giờ và cho đến muôn đời. A-men” (2Pr 3,18). “Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men” (Rm 1,25).
b. “Amen” – lời tung hô mà cộng đoàn dùng để kết hợp với vị đại diện cầu nguyện nhân danh họ đồng thời là lời thưa của cộng đoàn đã thấu hiểu ý nghĩa lời họ vừa nghe. "Quả thế, nếu bạn chỉ chúc tụng với tấm lòng thôi, thì làm sao hạng người ngoài cuộc có thể thưa "A-men" lúc bạn dâng lời tạ ơn, vì người đó không biết bạn nói gì?” (1Cr 14,16).
c. “Amen”- lời tung hô để kết thúc nhưng bản thánh ca của các thánh xướng lên trong phụng vụ thiên quốc thường liên kết với từ Alleluia. “Sau đó, tôi nghe như có tiếng hô lớn của đoàn người đông đảo ở trên trời vang lên: "Ha-lê-lui-a! Thiên Chúa ta thờ là Đấng cứu độ, Đấng vinh hiển uy quyền! Những lời Người phán quyết đều chân thật công minh! "Lần thứ hai họ lại hô: "Ha-lê-lui-a! Khói lửa thiêu nó cứ bốc lên đời đời kiếp kiếp! " Bấy giờ, hai mươi bốn vị Kỳ Mục và bốn Con Vật phủ phục xuống thờ lạy Thiên Chúa, Đấng ngự trên ngai, mà tung hô: "A-men! Ha-lê-lui-a!" (Kh 19,1-3).
3. Tiếng “Amen” của Thiên Chúa và của Kitô hữu
a. Tiếng “Amen” của Thiên Chúa
Lời “Amen” của Thiên Chúa là chính Đức Giêsu Kitô. Vì chưng, chính nhờ Đức Giêsu, “mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là "có" nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên "A-men" để tôn vinh Thiên Chúa” (2Cr 1,20). Cho nên, Đức Giêsu không những là Đấng nói thật, khi phán lời Thiên Chúa, mà Người còn chính là Lời của Thiên Chúa thật, “là lời của Đấng A-men, là Chứng Nhân trung thành và chân thật, là Khởi Nguyên của mọi loài Thiên Chúa tạo dựng” (Kh 3,14).
b. Tiếng “Amen” của Kitô hữu
Chúa Giêsu Kitô là Đấng “Amen” có quyền lực và thấu đáo của tình yêu của Đức Chúa Cha dành cho chúng ta. Người đảm nhiệm và hoàn thành “Amen” của chúng ta với Đức Chúa Cha. “Amen” là Đức Kitô, với cả hai bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người, Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Vì vậy, chúng ta nói “Amen”, nhưng với Đức Kitô “Amen” hoàn thành và hoàn hảo dâng lên Đức Chúa Cha. Đó là lý do tại sao chúng hô lên “Amen” để tôn vinh Thiên Chúa (2 Cr 1,20). Vậy, các Kitô hữu đáp lại lời “Amen”, chính là kết hợp với Đức Kitô, có nghĩa rằng họ được Kitô hoá trong Ngài. Vì“Chúng ta được hiện hữu trong Đức Kitô Giêsu” (1Cr 1,30), “được kêu gọi hiệp thông với Đức Kitô” (1Cr 1,9), “được Chúa Cha tiền định trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc” (Rm 8,29). Và từ đây, không ai có thể xướng lên lời ấy nếu không có ân sủng của Chúa Giêsu ở với họ. Cho nên, lời cầu chúc kết thúc cuốn Thánh Kinh và được tiếng “Amen” cuối cùng niêm ấn, “A-men, lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến! Chúc mọi người được đầy ân sủng của Chúa Giê-su” (Kh 22,21).