(Thời sự Thần học – Số 1, tr. 48-53)
Kim Thao
Trong bài này, chúng tôi muốn trình bày những nét nổi bật của Thánh Mẫu Học sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Thánh Mẫu Học là ngành chuyên biệt của thần học về đức Ma-ri-a; tiếng La-tinh gọi là Mariologia hay gần đây có người gọi là Maria logia. Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày Thánh Mẫu Học (TMH) trong Công đồng, và từ Công Đồng đến nay.
Công Đồng Va-ti-ca-nô II
Vào lúc khai mạc Công Đồng, người ta thấy có hai khuynh hướng về TMH:
Bức hoạ TRUYỀN TIN - tk. 15, của Fra Angelico, O.P., hiện lưu giữ tại tu viện thánh Máccô, Florence, Ý |
* Một hướng muốn tiếp tục con đường từ thế kỷ 19 với việc tuyên bố hai tín điều về Đức Ma-ri-a vô nhiễm nguyên tội và hồn xác lên trời: tượng trưng cho khuynh hướng này là một số 300 nghị phụ ký thỉnh nguyện yêu cầu Công Đồng tuyên bố tín điều về Đức Mẹ trung gian các ơn. Khỏi nói ai cũng đoán, họ đã đề nghị soạn một văn kiện riêng về Đức Ma-ri-a.
* Khuynh hướng thứ hai thì muốn trình bày Đức Mẹ trong tương quan với Giáo Hội: thay vì đề cao Người như một vị siêu phàm đặt trên bệ vinh quang, chúng ta hãy để Người trong lòng của Hội Thánh. Hậu nhiên, Đức Ma-ri-a sẽ không được bàn đến trong một văn kiện riêng, nhưng là trong văn kiện về Hội Thánh.
Công Đồng đã chấp nhận khuynh hướng thứ hai với cuộc bỏ thăm diễn ra ngày 29/10/1963 với 1114 phiếu thuận và 1074 phiếu chống. Thực ra, hai khuynh hướng ấy phản ánh hai phương pháp khác nhau để nghiên cứu TMH.
Khuynh hướng thứ nhất theo đường lối diễn dịch: họ đi từ nguyên tắc nền tảng "Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa"; rồi từ đó rút ra những hồng ân tương xứng với chức vị ấy.
Còn khuynh hướng thứ hai thì muốn tìm hiểu chân dung của Đức Ma-ri-a từ những bản văn của Kinh Thánh, dựa trên chương trình cứu độ, và do đó theo đường lối quy nạp. Đây là con đường mà Va-ti-ca-nô II đã chọn trong chương VIII của Hiến Chế về Hội Thánh. Công Đồng không định nghĩa tín điều nào về Đức Ma-ri-a, nhưng đã trình bày chân dung của Người trong chương trình cứu độ, nghĩa là xét trong tương quan với Chúa Cứu Thế và Hội Thánh. Thậm chí tước hiệu "Theotokos" (Thiên Mẫu) cũng được coi như là một chức phận trước khi là một vinh dự (summo munere ac digni-tate). Trong số tác giả nổi bật của khuynh hướng thứ hai phải kể đến René Laurentin, với cuốn "Court traité de théologie Mariale" xuất bản từ năm 1953.
Sau Công Đồng Va-ti-ca-nô
Tuy rằng Công Đồng đã đánh một khúc quặt quan trọng cho TMH, nhưng cũng còn nhiều thiếu sót, tỉ như: tương quan giữa Đức Ma-ri-a với Chúa Thánh Thần không được đả động đến; cũng vậy, Công Đồng không nói chi đến những hậu quả của lòng tôn kính Đức Ma-ri-a đối với những vấn đề thời đại (phong trào thăng tiến phụ nữ, các cuộc tranh đấu giải phóng con người khỏi những bất công xã hội).
Người ta ghi nhận rằng sau Công Đồng, có một thời gian hoàn toàn im lặng về TMH, kéo dài trên dưới 10 năm (từ năm 1964 cho đến 1974). Công Đồng Va-ti-ca-nô II thay vì mở màn cho một giai đoạn mới cho việc nghiên cứu TMH, xem ra đã kết thúc TMH: có lẽ từ nay Đức Ma-ri-a sẽ chỉ còn giữ một vai trò lu mờ trong thần học. Lý do của sự im lặng có lẽ tại vì trong cố gắng đối thoại đại kết với anh em Tin lành, người ta cố gắng tránh những gì có thể gây xích mích, và từ đó người ta muốn chú trọng đến "thứ trật các chân lý" (hierarchia veritatum); trong bối cảnh ấy, các tín điều về Đức Ma-ri-a được xếp vào hàng nhì. Thực ra mối bận tâm ấy hơi quá đáng, xét vì cuộc đối thoại đại kết không phải chỉ nhằm đến anh em Tin lành, nhưng còn phải để ý đến các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương nữa; mặt khác, những tín điều về Đức Ma-ri-a rất gắn chặt với Đức Ki-tô nên không thể bị coi là thuộc hàng nhì được.
Dù sao đi nữa, sự canh tân TMH hậu Công Đồng thực sự bắt đầu từ năm 1974, với Tông Huấn Marialis cultus của Đức Phao-lô VI. Đức Thánh Cha vạch ra bốn tiêu chuẩn để học hỏi về Đức Ma-ri-a: 1) dựa vào Kinh Thánh; 2) hòa hợp với phụng vụ; 3) mở rộng đến chiều hướng đại kết; 4) nhạy cảm với văn hóa thời đại. Chúng ta thử rảo qua từng điểm một.
1) Dựa vào Kinh Thánh. Cũng như đối với phần khác của thần học, khi nói rằng TMH cần dựa vào Kinh Thánh thì không có nghĩa là trưng dẫn các câu Kinh Thánh để chứng minh cho các tín điều; nhưng là khám phá ra thần học đàng sau các bản văn Thánh Kinh. Ta có thể nhận thấy Kinh Thánh không trình bày Đức Ma-ri-a với những triều thiên chói ngời, nhưng như là một tín hữu luôn sẵn sàng lắng nghe lời Chúa và thực thi ý Chúa. Hơn thế nữa, trình bày TMH dựa theo Kinh Thánh có nghĩa là lồng nó trong chương trình cứu độ, đặt nó trong tương quan với những mầu nhiệm cứu độ. Những mối tương quan chính có thể kể ra như sau: tương quan với Hội Thánh, với Đức Ki-tô, với Chúa Thánh Thần.
a) tương quan với Hội Thánh: Điều này đã được trình bày trong chương VIII của Hiến Chế về Hội Thánh của Công Đồng Va-ti-ca-nô II: Đức Ma-ri-a là một thành phần ưu tuyển của Hội Thánh; Người là mẫu gương cho đời sống đức tin của Hội Thánh, và tiên báo đích điểm mà Hội Thánh lữ hành đang tiến tới. Xét như là kiểu mẫu, Đức Ma-ri-a dạy cho Hội Thánh biết đường làm Mẹ (qua việc rao truyền Tin Mừng để tăng trưởng thêm số con cái của Nước Trời), làm Hiền Thê (qua việc gìn giữ đức tin tinh tuyền, chung thủy với Đức Ki-tô). Còn khi chiêm ngắm Mẹ Vô Nhiễm và Hồn Xác Trên Trời, Hội Thánh trông mong đến ngày cũng được chia sẻ vào sự toàn thắng tội lỗi và cái chết vào thời cánh chung. Một đề tài khác mới chỉ manh nha trong Công Đồng Va-ti-ca-nô II và được Đức Gio-an Phao-lô II khai triển trong thông điệp "Redemptoris Mater" là con đường lữ hành đức tin của Đức Ma-ri-a. Người cũng đã trải qua những thử thách đức tin, kể cả đêm tối đức tin, trên con đường dương thế như chúng ta.
b) tương quan với Đức Ki-tô: Như đã nói trên, sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II, một số nhà thần học đã im lặng về Đức Ma-ri-a vì coi Người như hàng thứ yếu trong các chân lý đức tin. Điều ấy phần nào đúng. Tuy nhiên, mặt khác, người ta thấy rằng các chân lý về Đức Ma-ri-a và Đức Ki-tô có liên hệ mật thiết với nhau: chẳng hạn như việc chối bỏ sự thụ thai đồng trinh của Đức Ma-ri-a thường đi từ giả thiết rằng Đức Giê-su chỉ là một con người thường, chứ không phải là Thiên Chúa. Ngoài ra việc Đức Ma-ri-a là Mẹ của Chúa Giê-su cũng có những ảnh hưởng đến mỗi người Ki-tô-hữu, xét vì chúng ta là nhiệm thể của Đức Ki-tô: vì thế phần nào Người trở nên mẹ của chúng ta trên đường cứu độ. Mặt khác, việc Thiên Chúa muốn cho Đức Ma-ri-a góp phần vào chương trình cứu độ của Đức Ki-tô phản ánh đến cao độ việc Thiên Chúa muốn cho con người dự phần vào kế hoạch cứu độ, qua sự hợp tác và thuận nhận cách tự do.
c) tương quan với Chúa Thánh Thần: đây là một điểm mà Công Đồng Va-ti-ca-nô II không đi sâu. Đức Ma-ri-a thường được gọi là "Trạng Sư, Cầu Bầu" (Advocata) của Dân Chúa. Thế nhưng, theo Tân Ước, vai trò Trạng Sư và Cầu Bầu (Paraclitus) được gán cho Chúa Thánh Thần. Thế thì tương quan giữa Đức Ma-ri-a với Chúa Thánh Thần như thế nào? Đây là một điểm mới đã được một số nhà thần học nghiên cứu, tựa như: H. Muehlen, R.Laurentin, D.Bertetto, H.M. Manteau-Bonamy, X.Pikaza. Căn bản của mối tương quan là bản văn của Luca 1,35 (Thánh Thần Chúa sẽ xuống trên chị) và Tông đồ Công Vụ 2,1.13 (Thánh Thần xuống trên Đức Ma-ri-a và Hội Thánh). Đức Ma-ri-a được coi như cung điện của Thánh Thần để phân phát cho nhân loại; hoặc như là nơi gặp gỡ Thiên Chúa trong tự do, kết quả của ơn Chúa Thánh Thần, biểu lộ của quyền năng Thiên Chúa giữa loài người. Và có người gọi Đức Ma-ri-a là bạn của Thánh Thần (sponsa Spiritus Sancti), hoặc người mang Thánh Thần (Pneumatofora).
2) Hòa hợp với phụng vụ. Thoạt tiên xem ra tiêu chuẩn này có tính cách mục vụ, nghĩa là làm sao các việc tôn kính Mẹ Ma-ri-a (tựa như việc đọc kinh Mân côi) không nên dựa trên tình cảm ướt át, nhưng cần họa theo kinh nguyện phụng vụ, và gắn với chu kỳ năm phụng vụ. Nhưng ta cũng có thể hiểu tiêu chuẩn này theo nghĩa là TMH không thể chỉ giới hạn vào những suy tư lý luận, nhưng cần được nuôi dưỡng bởi sự chiêm ngám, cầu nguyện, ngợi khen. Sau cùng, có thể hiểu tiếng "phụng vụ" theo nghĩa rộng hơn nữa, tức là cả truyền thống của Giáo Hội. Trên thực tế, TMH gần đây chú trọng rất nhiều đến các giáo phụ cả đông lẫn Tây Phương.
3) Mở rộng đến đại kết. Đừng kể các Giáo Hội Chính Thống luôn có lòng tôn kính Đức Ma-ri-a dưới tước hiệu Theotokos (Thiên Mẫu), các Giáo Hội ly khai ở Tây Phương dần dần xét lại thái độ dè dặt của họ đối với Đức Ma-ri-a. Trong quá khứ, phần nào thái độ ấy là phản ứng của những lệch lạc của lòng đạo đức bình dân phía Công Giáo, đặt Đức Ma-ri-a gần như ngang hàng với Thiên Chúa. Những cuộc đối thoại đại kết dần dần phác họa lại chân dung của Đức Ma-ri-a sát với Kinh Thánh (tựa như: người có lòng tin, người chịu đau khổ, người tôi tớ Chúa, người mẹ của Chúa Giê-su), cũng như vai trò gương mẫu về lòng tin, sự thánh thiện cho toàn thể các Ki-tô hữu. Sự khó khăn xảy đến khi dùng đến vai trò trung gian (hay môi giới) của Đức Ma-ri-a. Theo Laurentin, nguồn gốc của sự khó khăn này có lẽ thuộc lãnh vực triết học hơn là thần học, xét vì phía Tin lành chưa có triết lý về "loại suy" (analogia) và "thông dự" (participatio), khiến họ khó chấp nhận sự khác biệt về cấp độ môi giới (trung gian) của Chúa Giê-su và Đức Ma-ri-a. Đối lại, phía Công Giáo cũng phải xét lại việc tôn kính Đức Ma-ri-a: việc đọc kinh cầu khẩn Người là một thụ tạo có hợp với thần học hay không? Cần nhấn mạnh rằng Đức Ma-ri-a dâng lời khẩn cầu lên Thiên Chúa cùng với chúng ta trong sự thông hiệp các thánh.
4) Lưu ý đến văn hóa thời đại. Sau cùng Đức Phao-lô VI muốn rằng Đức Ma-ri-a không phải chỉ là nhân vật thuộc về quá khứ, nhưng còn mang một sứ điệp cho các vấn đề của con người hôm nay. Việc đưa TMH vào văn hóa thời đại được thực hiện qua những phương thức khác nhau.
Tại Á Phi, sự hội nhập văn hóa có nghĩa là trình bày lại hình ảnh của Đức Ma-ri-a theo những truyền thống văn hóa địa phương. Tại Châu Mỹ La-tinh, Đức Ma-ri-a là biểu tượng cho linh đạo giải phóng: khi xướng lên kinh Magnificat, Đức Ma-ri-a hớn hở tạ ơn vì Thiên Chúa đã giải phóng những con người bị đàn áp, và quật ngã những tên cường hào; Đức Ma-ri-a tỏ ra là một người sống sát với những thảm cảnh của dân nghèo.
Còn đối với phong trào giải phóng phụ nữ, người ta muốn khám phá ra Đức Ma-ri-a như một phụ nữ đầy sáng kiến, năng động. Người biểu hiện những đặc tính của nữ giới: sự trực giác, thái độ đón tiếp, yêu thương, quý trọng mạng sống. Người là hình ảnh của bộ mặt hiền mẫu của Thiên Chúa.
Tags:
Thánh Mẫu học