Chuyện giàu – nghèo vẫn luôn là một “hằng số bí ẩn”, không ai khả dĩ lý giải thấu đáo. Người giàu mà không lệ thuộc tiền bạc, có tinh thần nghèo khó và thương người, chắc hẳn người đó vẫn… nghèo. Người nghèo mà lòng mê đắm tiền bạc, tìm cách “ăn chặn” hoặc bóc lột người khác, chắc hẳn người đó không nghèo, như người ta thường nói: “Cho không lấy, thấy không xin, kín thì rình, hở thì rinh”. Nghĩa là cho thì họ tự ái mà không lấy, nhìn thấy thì họ cũng tự ái mà không hề xin, giấu kín thì họ rình mò và tìm cách “xoi mói”, để hớ hênh thì họ rinh mất ngay chỉ trong tích tắc.
Tất nhiên, người nghèo mà có “máu tham” thì họ vẫn không hề nghèo!
TỶ PHÚ NHÂN ĐẠO
Ngày nay, xã hội phát triển, tỷ phú Việt Nam có nhiều, còn triệu phú Việt Nam thì nhiều như sao sa, chẳng nghĩa lý gì, vì tiền Việt Nam không có giá trị cao trên thị trường quốc tế. Thế nhưng, triệu phú USD thì có giá, dù USD không bằng Bảng Anh và Euro. Tỷ phú USD thì vừa có trị giá vừa có thế giá!
Còn một số người – điển hình là tại Việt Nam , chỉ “có của ăn của để” hơn người khác một chút, thậm chí chỉ không phải “ăn bữa nay lo bữa mai” thì cũng đã ra vẻ “ta đây” rồi. Có người còn muốn “chơi nổi”, họ cho “khác người” thứ gì đó, bằng cách này hay cách nọ, thậm chí đó chỉ là “đồ thừa” hoặc phi pháp.
Thế nhưng, trên thế giới lại có những tỷ phú rất “khác người”, đáng để chúng ta học hỏi.
1. Tỷ phú Bill Gates có số tài sản là 59 tỷ USD, nhưng 3 người con của ông sẽ chỉ được thừa kế số tiền bằng 1/6.500 số tài sản khổng lồ của ông. Ông đã nhiều lần tuyên bố sẽ dành 95% số tài sản của mình để làm từ thiện. Ông nói: “Nhiều tiền không bao giờ tốt đối với con trẻ. Chúng cần phải tự tìm ra con đường sống, tự tìm ra cách sống, thay vì chỉ nằm hưởng thụ những gì mà bố mẹ chúng để lại”.
Thực tế nhiều năm qua đã chứng tỏ điều đó. Ông luôn tỏ ra là một tỷ phú rất hào phóng. Ông thường xuyên cùng vợ là bà Milinda đi làm từ thiện ở các nước Châu Phi nghèo đói. Ông cho biết rằng sau khi ông qua đời, tài sản của ông sẽ được tập trung vào việc giúp đỡ trẻ em nghèo.
2. Tỷ phú Warrant Buffet, cổ đông lớn nhất kiêm chủ tịch tập đoàn Berkshire Hathaway, cũng đã từng tuyên bố rằng 3 người con của ông sẽ không nhận được nhiều từ số tài sản khổng lồ khi ông qua đời. Ông luôn quan niệm chỉ cho con mình những bài học về giá trị cuộc sống chứ không phải là một đống tiền. Ông nói rằng ông sẽ dành 85% trong tổng số tài sản 39 tỷ USD để làm từ thiện.
Con trai của tỷ phú Warrant Buffet là nhạc sĩ Peter Buffet cho biết: “Thứ mà chúng tôi nhận được từ cha đơn giản là những bài học về cách sống chứ không phải tiền bạc”. Nhạc sĩ Peter còn cho xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Tiền Không Là Tất Cả”. Đúng là “cha nào con nấy” theo nghĩa tích cực và tốt lành.
3. Tỷ phú George Lucas là đạo diễn, nhà sản xuất phim, diễn viên, kịch tác gia lừng danh. Ông được biết đến nhiều hơn với vai trò tác giả của bộ phim “Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao” (Star Wars, hãng 20thCentury Fox phát hành ngày 25-5-1977, tính đến năm 2008, bộ phim 6 tập này đạt doanh thu khoảng 4.410.000.000 USD). Không chỉ vậy, ông còn sở hữu hãng phim truyện LucasFilm. Giá trị tài sản của ông ước tính là 3,9 tỷ USD.
Ông có 3 người con, nhưng tỷ phú này cũng đã chính thức tuyên bố sẽ dành ít nhất 50% số tài sản để làm từ thiện, cứu giúp những người nghèo khổ. Ông cho biết ông muốn 3 người con học cách sống tự lập, tự tìm ra con đường làm giàu riêng chứ không dựa dẫm vào số tài sản của ông.
4. Tỷ phú Ted Turner là ông chủ của hãng tin CNN đồng thời là chủ tịch của Quỹ tài trợ Liên Hiệp Quốc, ước tính tài sản của ông là 2,1 tỷ USD. Ông có 5 người con, nhưng đã thẳng thừng tuyên bố sẽ dành toàn bộ tài sản của mình cho từ thiện. Nghĩa là những người con của ông sẽ không nhận được bất kỳ một khoản thừa kế nào từ người cha. Ông nói: “Chúng sẽ phải tự tìm cách để đi lên đến đỉnh vinh quang”. Hiện tại, ông đang tiến hành những hoạt động từ thiện của mình. Ông tuyên bố: “Tôi quyết định sẽ cống hiến phần đời còn lại của đời mình để cố gắng cứu thế giới này”.
5. Tỷ phú Bernard Marcus, chủ tịch hãng bán lẻ Home Depot thuộc loại hàng đầu thế giới, có phương châm sống: “Muốn giàu có, hãy tự mình tìm cách biến nó thành sự thật”. Ông cũng là một trong số các tỷ phú sẽ không để lại toàn bộ tài sản cho con cái mình. Tài sản của ông ước tình là 1,5 tỷ USD.
Ông sợ rằng, với số tiền quá lớn, con cái ông sẽ sử dụng chúng không đúng cách, thế nên ông chỉ để lại cho con cái một số tiền nhỏ vừa đủ để chúng tìm cách kiếm tiền nhiều như ông mà thôi. Số tiền còn lại, ông sẽ dành để đóng góp cho ngành giáo dục và giúp đỡ những người khuyết tật.
BÀI HỌC QUÝ GIÁ
Lướt qua đôi dòng tiểu sử của vài tỷ phú trên đây, chúng ta có thể rút ra những bài học quý giá cho cuộc sống. Họ là những người giàu, nhưng họ có tinh thần nghèo khó, không lệ thuộc tiền bạc, không mê muội vì vật chất, không thỏa mãn dục vọng của mình, biết kiềm chế bản thân, biết dùng tiền bạc của mình đúng cách và lợi ích cho người khác. Nói chung, họ đều là những người sống tích cực.
Người Pháp có câu: “Tiền bạc là đầy tớ tốt, nhưng lại là ông chủ xấu” (L’argent est un maitre bon, mais un servant mal). Các tỷ phú kia không coi trọng tiền bạc, chỉ coi tiền bạc là “đầy tớ”, là phương tiện sống, không lệ thuộc nó, biết “làm chủ” nó. Họ là các tỷ phú hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng họ lại có những điểm chung:
– Dạy cho con cái những bài học thực tế về giá trị cuộc sống.
– Không thừa kế nhiều tài sản cho con cái để chúng biết tự lập, không ỷ lại vào người khác.
– Dùng tài sản của mình làm việc từ thiện, chia sẻ vật chất cho những người kém may mắn hơn mình, và tích cực cống hiến để giúp ích cho đời.
Họ là những tỷ phú không chỉ giàu về vật chất mà còn giàu về lòng nhân đạo, họ cũng là những người can đảm vì không thương con theo kiểu bình thường mà theo kiểu “độc đáo” riêng của họ. Đúng vậy, thương con không đúng cách là ghét con, ghét con đúng cách là thương con. Chúng ta cứ tưởng cho con cái nhiều tiền bạc hoặc chiều chuộng con cái đủ thứ là thương chúng, nhưng thực ra chúng ta đã và đang vô tình “làm hại” chúng. Kiến thức rất quan trọng, như học giả Lê Quý Đôn nói: “Dẫu có bạc vàng trăm lượng, không bằng kinh sử một pho”.
Thực tế đã cho chúng ta thấy đã có những vĩ nhân, những người giỏi, những người nổi bật trong các lĩnh vực, những người thành danh, những người thành nhân,… Họ đều là những người có “mẫu số chung” là quá khứ không suôn sẻ, thậm chí là rất nghèo khổ, nhưng họ có ý chí “vững mạnh” để vượt qua mọi trở lực và không ngừng vươn lên: Cánh diều bay lên cao vút là nhờ gió thổi ngược, gió ngược càng mạnh thì cánh diều càng vút cao. Henry J. Kaiser xác định: “Cơ hội thường ẩn mình bên dưới những trở ngại”. Quả thật, “dám” là một cách để khả dĩ thành công. Và dù cho bạn không thành công thì bạn cũng thành nhân – thành nhân quan trọng hơn thành công. Hãy nghe F. Scott Fitzgerald phân tích: “Đừng bao giờ lẫn lộn giữa hai khái niệm thất thế và bại trận”.
Tính tự lập cũng quan trọng, vì nó có thể làm cho bạn dám đứng trên chính đôi chân của mình và là bàn đạp để bạn vươn lên bằng chính nỗ lực của mình. Câu nói của vĩ nhân Gandhi thật chí lý: “Đừng lo mình không có địa vị, chỉ lo không tự lập thân nổi”.
TRẦM THIÊN THU
Tags:
xã hội