Bạo hành Tâm lý


Nói đến bạo hành, người ta thường nghĩ ngay tới bạo hành thể lý (đánh đập, hành hạ, đàn áp,…). Lời nói cũng khả dĩ bạo hành với phụ nữ như “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, và ngay cả cử chỉ hoặc thái độ cũng vậy. Đó là… bạo hành tâm lý!
Vợ chồng mới cưới, Công và Mai cùng đi nghỉ cuối tuần. Trên đường đi, Mai nói với Công: “Anh đừng chạy nhanh, em thót cả tim đây nè!”. Công thản nhiên nhấn ga: “Nhanh vậy mới đã chứ em”. Mai rùng mình: “Em sợ lắm”. Bỗng… “rầm”. Họ mới cưới 5 tháng. Mai đang mang thai 4 tháng. Công biết vợ mình không ổn!

KHÔNG NGOẠI THƯƠNG, NHƯNG NỘI THƯƠNG
Khi người ta nghĩ đến một phụ nữ bị bạo hành, hình ảnh đó thường là mặt tím bầm hoặc trầy xước thân thể mà không ai giúp đỡ. Nhưng thực ra còn một dạng là bạo hành tâm lý (BHTL), không để lại những vết thương thể lý nhưng vẫn rất nguy hiểm. BHTL là sử dụng những ngôn từ và động thái mang tính kiểm soát, hăm dọa và gây tổn thương về tâm lý. Những người BHTL luôn muốn kiểm soát và giành ưu thế đối với người bạn đời, họ dùng mọi chiến thuật để đạt mục đích này.
Người BHTL có thể là nam hay nữ, đa số là nam. Họ đè nén và áp chế người bạn đời, thường xuyên sỉ nhục để “đối phương” mất vị trí riêng và cảm thấy “lép vế”. Họ tách biệt nạn nhân với gia đình và bạn bè để kiểm soát mọi hoạt động của “đối phương”. Họ còn hăm dọa, đè nén cảm xúc và tình cảm, cô lập hoàn toàn. Theo nghiên cứu của ĐH Nam Carolina ở 1.150 phụ nữ (tuổi từ 18-65), có khoảng 15% bị BHTL và 54% bị bạo hành thể lý. Các phụ nữ này thường bị các chứng như đau nửa đầu, ung nhọt, bệnh đại tràng, đau cổ và đau lưng. Các phụ nữ bị bạo hành cảm xúc dễ bị các chứng như đau nhức mãn tính và đau nửa đầu. Còn với chị Mai, chị than phiền về sự mệt mỏi thường xuyên và chán nản trong quan hệ phu thê với anh Công.
MỞ ĐẦU CÂU CHUYỆN
Chị Mai 29 tuổi, không có vẻ là nạn nhân của việc BHTL. Chị tự tin và năng động trước khi lấy chồng. Chị gặp anh trong một lần đi biển ở Long hải. Anh Công 31 tuổi, công tử của một gia đình khá giả, cao lớn và điển trai, thích nổ về những gì mình có. Mai bị thu hút ngay trước vẻ sành điệu của Công.
Họ có vẻ rất xứng đôi. Nàng thích gì chàng cũng thích, xem ra rất tâm đầu ý hợp. Nhưng chỉ 3 tháng sau ngày cưới, quan hệ hôn nhân của họ bắt đầu rạn nứt, yêu thương nhòa nhạt, lãng mạn héo úa. Mai tâm sự: “Ngay sau lễ cưới, tôi đã cảm thấy có điều bất ổn, rất khó tả”. Đêm tân hôn, Công nói với Mai: “Mọi thứ đang thay đổi”. Mai bật khóc. Chị hồi tưởng: “Trước đây tôi đã có linh cảm nhưng tôi không quan tâm. Nghe anh ấy nói rất lạ, tôi đã sợ là linh cảm của tôi thành sự thật”. Và linh cảm của chị hoàn toàn chính xác!
VỠ MỘNG
Càng ngày Công càng dữ tợn, độc đoán. Vợ chồng thường xuyên “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Công phá bỏ các quà cưới, cắt điện thoại, ăn nói thô lỗ với Mai. Quan ngại cho tương lai, Mai định bỏ trốn nhưng bị Công phát hiện. Công đi biệt hai ngày, rồi trở về với vẻ hối hận thực sự. Vợ chồng lại ngọt bùi ái ân. Và rồi Mai thấy mình mang thai.
Nhưng “núi non dễ chuyển, bản chất khó dời”. Có lúc Công tỏ ra hiền như chiên, có lúc lại dữ như quái vật. Lúc thì không tiếc lời tán dương vợ, lúc thì tàn nhẫn buông lời nguyền rủa vợ. Mưa nắng thất thường. Để chắc ăn, Công bắt Mai phải ở nhà như tù giam lỏng, không được đi đâu hoặc gặp ai, kể cả đi chợ. Mai hoàn toàn mất tự do! Công chất vấn Mai đủ điều và luôn chê trách gia đình bên vợ hoặc bạn bè của Mai. Công thêu dệt: “Bạn bè em xa cách em vì họ thấy em không có tiền, gia đình em cũng vậy”. Mai chỉ còn biết khóc, không biết tỏ nỗi niềm cùng ai, gia đình chị ở xa…
Công biểu lộ bản chất gia trưởng đến mức luôn kiểm soát mọi hoạt động của Mai, thậm chí đến cả đồ lót cũng bị kiểm tra. Một sơ suất nhỏ cũng bị kết án là không chung thủy, mặc đồ gì cũng phải theo ý chồng. Đúng là “nợ đời” mà!
KẾT LUẬN
Để phức tạp hóa vấn đề, người bạo hành dùng mọi kiểu “bả” để đưa nạn nhân vào tròng, khiến họ “ra đi thì ái ngại, ở lại thì lo âu”. Nạn nhân cứ tiến thoái lưỡng nan, không đủ sức thẩm định chính mình. Thời gian tăng dần, các phụ nữ bị BHTL luôn đinh ninh rằng họ thực sự đáng bị bạo hành, cứ cho là tại số phận, là “hạt mưa sa” rơi vào “giếng khơi” thì đành chịu. Bắt được nhược điểm đó của phụ nữ, các ông chồng có thói gia trưởng càng được nước làm tới!
Cũng phải nói rằng phụ nữ “ưa” vật chất và trọng bề ngoài nên dễ có nguy cơ “gặp” người chồng bạo hành. Vẻ sành điệu khiến phụ nữ cứ ngỡ “bắt được vàng” giữa đường, ngỡ mình… gặp may! Khi bị BHTL, phụ nữ cứ tưởng không nguy hại bằng bạo hành thể lý – vì không có ngoại thương. Họ âm thầm chịu đựng, không cho ai biết, mà cũng không có gì chứng minh. Tuy nhiên, BHTL có sức công phá âm ỉ khủng khiếp hơn chúng ta tưởng, nhất là khi đã ngấm ngầm lâu. Đa số những người bạo hành là những người xuất thân từ các gia đình có nạn bạo hành, từng chứng kiến bạo hành hoặc có cha mẹ không quan tâm giáo dục con cái. Cần biết rõ chồng không thích vợ nói gì với mình để khả dĩ loại trừ dần BHTL. Đừng để chiến tranh lạnh hoặc leo thang!
Mai nói sẽ ly hôn. Công tức giận và không chịu, thậm chí Công còn đòi giết Mai nếu chị dứt khoát ly hôn. Nhưng rồi Mai cũng thực hiện được ý định của mình để thoát ly BHTL. Có thể Mai là một trong số ít phụ nữ còn “may mắn”!
Đây là các dấu hiệu của BHTL:
1. Anh ta tin tình yêu chiến thắng tất cả. Nghe chừng lãng mạn nhưng chẳng đâu vào đâu. Đừng vội nhận lời tỏ tình!
2. Anh ta cảm thấy mọi điều xảy ra với mình đều là lỗi của người khác. Người không nhận lỗi thì không đáng tin. Hãy tránh xa!
3. Anh ta nói: “Em thật hoàn hảo”. Nghe rất êm tai, nhưng chẳng bao lâu sẽ xảy ra bạo hành khi anh ta nhận thấy cô gái mình yêu cũng bất toàn. Cẩn tắc vô ưu!
4. Anh ta chỉ trích khi riêng có 2 người. Có thể đây là dấu hiệu anh ta muốn cô lập cô gái để cô gái bị lệ thuộc mà dễ “điều khiển”.
5. Cô gái muốn làm cho anh ta hạnh phúc bằng nhiều cách, chiều chuộng mọi ý muốn của anh ta vì sợ mất anh ta. Coi chừng!
TRẦM THIÊN THU
Previous Post Next Post