Nếu ai đã một lần về thăm gia đình tại Việt Nam, thì hình ảnh những cụ già, những em bé nhếch nhác xin ăn trên đường phố Sài Gòn, hay các thành phố lớn đã trở nên quá quen thuộc. Nhưng đằng sau những số phận cùng khổ này là gì? Trong số báo tháng này với chủ đề "bóc lột sức lao động" mời bạn cùng làm "phóng viên" với tôi nhé để lần theo dấu vết và một sự thật được phơi bày hết sức tàn nhẫn...
À mà nhỉ, chuyện "buôn người" hay "chăn dắt" thì thời nào cũng có, nước nào cũng có, là nỗi đau của con người, của loài người. Nhưng ai có thể ngờ...
Nỗi Đau Nhãn Tiền:
Tôi đang được một người bạn chở bằng xe máy len lỏi trong dòng xe đông đúc trên đường Nguyễn Trãi, Quận 1, đến đoạn gần ngã tư Nguyễn Văn Cừ, thì tiếng một phụ nữ "thét" lên: "Con ơi con, bỏ chân vô trong đi, xe cán lên chân con bây giờ". Tưởng có gì nguy hiểm lắm, mọi người thắng xe ngoái nhìn. Một cảnh tượng thật đau lòng: hai bé gái khoảng chừng 5 hay 7 tuổi ở trần da đen thui thủi đang ngồi bên lề đường. Trên vai hai đứa bé đèo thêm hai em bé chỉ mới hai tháng tuổi. Một đứa dường như quá mỏi nên ngồi xoải chân ra lòng đường, đặt đứa trẻ loi choi nằm dài trên đôi chân của mình. Những đứa trẻ chỉ còn da bọc xương. Tay vẫn cầm một cái ca bằng nhựa giơ giơ lên giữa dòng người qua lại.
Tôi bảo bạn thắng xe, nhảy xuống, định đến giúp em và nhân tiện tính xin một tấm ảnh... Nhưng vừa đưa máy hình lên thì một đứa lớn phát hiện, em thét lên báo hiệu cho đứa kia rồi cả hai vội xốc hai em bé chạy thật nhanh qua bên kia đường mặc cho dòng xe cộ rất nguy hiểm. Chờ sẵn bên kia là hai phụ nữ, một người khoảng 40 tuổi, một người khoảng 20. Hai bé gái giao lại hai đứa nhỏ cho người phụ nữ lớn tuổi rồi đi thẳng. Hai người phụ nữ nhìn tôi như muốn ăn tươi nuốt sống - và hình như họ muốn gào thét vào tai tôi: "Ai cho ông chụp hình? Có muốn chết không hả?" Trời đang mưa phất phất, nhưng trong lòng tôi, dòng thác đã đang điên dại chảy tự bao giờ!
Đi Tìm Kẻ "Chăn Dắt"
Được mấy người bạn làm trong báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên "mách mối" - tôi và một người bạn tìm đến các quán nhậu bên bờ kênh Nhiêu Lộc khi ánh đèn đường yếu ớt hắt vào từng bàn nhậu!
Vừa kêu xong mấy món "nhậu" và có vẻ như đang chờ mấy người bạn - hai chúng tôi may mắn được vài em chiếu cố ngay! Nhìn bề ngoài tôi nghĩ các em khoảng chừng 5 hay 6 tuổi, nhưng khi hỏi ra em nào cũng bảo 10 tuổi, thậm chí còn 11! Cái đặc điểm giống nhau là em nào cũng ở Quảng Xương, Thanh Hoá - vào đây ăn xin với mẹ và bà! (chẳng em nào đả động đến ba). Nói chung, các em đều được "đào tạo" ra cùng một "lò" - nên bài bản giống nhau! Chỉ có điều duy nhất tôi tin đó là các em là người Thanh Hoá thật! Vì giọng nói thì không thể tránh được!
Theo thói quen của mình, tôi mời các em ngồi ăn - nhưng không như những đứa trẻ ăn xin ở trung tâm quận 1 - các em này không ai dám ngồi ăn, và ngạc nhiên hơn nữa là không cầm thứ gì khách cho ngoại trừ... tiền! Đêm đó chúng tôi theo "sát chân" các em và phát hiện ra một người đàn ông "chăn dắt!" Ông chạy xe biển số Thanh Hoá "36F" - Ông đến "thu tiền" cứ mỗi khoảng 2 tiếng và khi trời đã về "sáng" (khi các quán nhậu đóng cửa) ông đến đón 3 đứa bé và một bà cụ già (giả bị mù). Chúng tôi lập tức bám theo cho đến tận bên quận Tân Phú và họ mất hút vào trong con hẻm! (Hay đúng hơn là tôi sợ bị lộ nên không... truy tiếp)
Hai hôm sau đó, chúng tôi tiếp tục "bám" theo các em và biết được người đàn ông tên Nghĩa: Ông thuê trọ ở đây cùng với nhiều người già và trẻ con! Cứ mỗi sáng khoảng hơn 5 giờ một tí thì tất cả mọi người - từ già đến bé - cuốc bộ ra đầu đường đón xe buýt đi... ăn xin! Chỉ riêng vợ chồng ông Nghĩa thì khoảng 10 giờ mới "thò đầu" ra khỏi cửa và lên hai xe gắn máy đi "thu tiền."
Tôi lân la, trong vai "đoàn thanh niên" giúp các trẻ em nghèo đi học lại đến khu nhà trọ đó tìm hiểu thì được những người hàng xóm cho biết rằng vợ chồng ông Nghĩa chỉ có hai việc đó là: ngủ và thu tiền trên sức lao động của các em.
Đứa trẻ (đứng) được ông Nghĩa thuê đi ăn xin!
|
Cô con gái chủ phòng trọ thẳng thắn cho biết ông Nghĩa thuê phòng làm ăn ở đây được nhiều năm. Hai vợ chồng ông Nghĩa thuê mấy người này cùng quê với họ ở Thanh Hoá với giá 300.000 đồng một tháng, họ đi ăn xin từ mờ sáng đến 12g trưa mới về ăn cơm và chiều đi tiếp. Cô con gái chủ phòng trọ nói: "Mấy đứa nhỏ bị thay liên tục, ổng tuyển người mới hoài".
Cũng theo cô, các em và các cụ già đi xin ăn mỗi ngày kiếm được khoảng trên dưới 100.000 đồng, có ngày gặp may thì 200.000 hay 300.000. Trung bình một tháng các em xin được khoảng 4-5 triệu đồng. Tuy nhiên, khách có cho 1.000 đồng hay 100.000 đồng mỗi lần các em cũng không vui vì tất cả đều bị chủ "chăn dắt" thu trọn. Hằng ngày các em phải dậy để đi ăn xin từ sáng sớm đến nửa đêm nên em nào cũng ốm o gầy mòn và thiếu ngủ trầm trọng.
Theo tôi được biết thì ông Nghĩa chỉ là nhóm nhỏ trong các tay "chăn dắt" gốc Thanh Hoá vào Nam "làm việc" - Có những nhóm lên đến cả 30 hay 40 chục em và được "bảo kê" rất kỹ. Cũng như những việc làm "tối" khác - họ chia vùng ra rất rõ ràng và như là luật bất thành văn - ai ở vùng người đó! Tuy nhiên... máu vẫn đổ ra vì nhiều khi "lính" của người này qua "địa bàn" bên cạnh làm ăn!
Những Hợp Đồng "Béo Bở" Đong Đầy Nước Mắt và Máu!
Trong những bám gót các em, tôi được biết hầu hết các em bị đưa vào Sài Gòn đều có "hợp đồng" hẳn hỏi - Hợp đồng của bố mẹ các em ký nhận tiền ứng trước và cho con "đi làm!"
Tôi không có giờ để ra tận Thanh Hoá "điều tra" tiếp - nhưng đã gởi một người bạn "khá tin cậy" đi thay tôi và khi trở về người đó tường trình như sau:
Ở Huyện Quảng Xương, Thanh Hoá thì vấn đề đi ăn xin đã có từ lâu đời - Xuất phát từ Làng Đồn Điền, Xã Quảng Thái! Vấn đề đi ăn xin ở đây không chỉ thuần túy về kinh tế mà nó còn trên phương diện lịch sử và văn hoá! Người dân có tục đi ăn xin từ xa xưa và nay đã lây sang nhiều xã khác!
Thế nhưng, người bạn tôi nói tiếp: "Họ nghèo lắm, hễ nghe ai bảo mỗi tháng vào miền Nam kiếm được ba hay bốn trăm ngàn là họ cho con em đi ngay! Họ không cần biết con em của họ vào đó làm gì! Các tay chăn dắt công khai về các xã, các thôn để "Tuyển nhân viên" rồi dùng cả xe bò, hay công nông chở về "trại tập trung" đó!
Người bạn tôi cũng có ghé thăm các "biệt thự cao cấp" tại Thanh Hoá mà các kẻ "chăn dắt" xây cho vợ con họ ở! Nghe tôi hỏi về việc đó người bạn tôi bảo "Anh em mình làm cả đời cũng không có tiền xây nhà to thế đâu!"
Chút Suy Tư:
Bạn thân mến, chắc bạn cứ nghe tôi kể mãi các chuyện "không vui" nhưng có thật này cũng chán nhỉ! Có những người chỉ đọc xong rồi buông một tiếng "tội!" - Thế thì chưa đủ đâu bạn! Tôi chia sẻ với bạn một bài viết của cha Quang Uy, DCCT để bạn cùng suy nghĩ nhé!
- Một người đàn ông sảy chân ngã xuống một cái hố rất sâu, chân bị bong gân trẹo khớp rất đau, loay hoay mãi không thể tự mình thoát lên được...
- Một người Pharisêu đi ngang và nghiêm giọng: "Hừm! Chỉ có kẻ xấu mới ngã xuống hố!"
- Một bà đạo đức dừng lại và tặc lưỡi: "Thôi! Chịu khó vác Thánh Giá mà đền tội cho xứng nhé!"
- Một nhà toán học ngang qua chỗ ấy, ngồi xuống tính toán xem người bị nạn đã ngã xuống hố như thế nào?
- Một viên cảnh sát đến hiện trường, bắt đầu thẩm vấn và điều tra: "Anh tên gì? Nhà ở đâu? Anh có biết anh bị ai xô xuống không? Có bị ai tư thù, âm mưu hãm hại anh không?"
- Một người hay làm công tác xã hội, từ thiện bác ái, thì an ủi: "Cố gắng đợi nhé, đến chiều tôi sẽ trở lại mang cho anh một hộp cơm và một chai nước suối".
- Một thầy thuốc hỏi vọng xuống hố: "Anh thấy thế nào? Chân có đau nhức lắm phải không? Anh phải nhờ ai đi mua thuốc kháng viêm và giảm đau nhé!"
- Một thầy giáo ân cần hỏi: "Thế từ bé đến giờ, chưa có ai dạy anh những điều tối thiểu khi đi đường để không bị lọt hố sao?"
- Một cha xứ lộ vẻ xót xa thương hại: "Anh theo Đạo gì đấy? Nếu là dân Công Giáo thì ở Họ Đạo nào, Giáo Phận nào? Vợ con gì chưa? Có bị rối gì không?"
- Một phóng viên bắt gặp, phỏng vấn nạn nhân để biết toàn bộ câu chuyện về cái hố, lấy dữ liệu để viết thành một bài thật gay cấn đăng lên trang nhất tờ nhật báo phát hành hôm sau.
- Một người theo chủ nghĩa cá nhân biết chuyện thì bảo: "A ha, cái hố này của anh thì đã thấm vào đâu so với cái hố của tôi!"
- Một người có tính lạc quan thì xuýt xoa: "Ồ! May cho anh quá, chưa đến nỗi nào đâu, sự việc đã có thể tệ hơn nhiều."
- Một người khác, ngược lại, có tính bi quan, lắc đầu bảo: "Ôi! Rồi anh xem, không khéo tình trạng sẽ còn tệ hơn nữa đấy".
- Một nhà mô phạm đi ngang, nhìn xuống người đàn ông bất hạnh và trách: "Sao anh lại để ngã xuống dưới ấy, lần sau phải nhớ cẩn thận hơn nhé?"
Thế rồi Chúa Giêsu cũng đi đến đó, chú ý ngay đến cái hố, cúi nhìn xuống và thấy con người đáng thương ấy, Ngài nhẩy ngay xuống hố, bảo anh ta bám chặt vào lưng Ngài để cùng Ngài leo lên !
Mùa chay đã đến rồi. Bạn thuộc loại người nào? Chắc là người "hiện thân" của Chúa ở trần gian. Nếu bạn không thể nhảy xuống hố để giúp họ trèo lên - hy vọng bạn hãy làm một cái gì đó - dù chỉ là một tiếng gọi giúp họ!
Ân Sủng và Bình An,
Lm. Martino Nguyễn Bá Thông
Tags:
một thoáng suy tư