Giáo hội làm hết sức mình để chống lại sự dữ


Chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại Leon, Mêhicô, đã được đón tiếp nồng nhiệt. Trên chuyến bay đến Mêhicô, Đức Thánh Cha đã kêu gọi đấu tranh chống lại «chứng tâm thần phân lập» trong đời sống đức tin.

Đối diện với bi kịch của nền kinh tế bạo lực của ma túy, làm cho hàng chục ngàn người trở thành nạn nhân, Đức Thánh Cha đã gợi lên «trách nhiệm lớn lao của Giáo Hội». Giáo Hội phải «làm hết sức mình chống lại sự dữ». Điều này được thực hiện với sự trợ giúp của hai cột trụ : «loan báo Thiên Chúa» và «giáo dục lương tâm». Vì «Thiên Chúa là thẩm phán của điều lành và điều dữ», và Giáo Hội phải «giáo dục các lương tâm chống lại sự tôn thờ tiền bạc, những lời hứa giả trá và những gian dối làm nô lệ con người». Vì con người «cần đến vô biên», nên «Thiên Chúa phải được làm cho hiện diện với hết mọi người trong sự nhân từ của Ngài».

Liên quan đến vấn đề nhạy cảm về vai trò của Giáo Hội trong việc cổ võ công bằng xã hội, Đức Thánh Cha nói : «Giáo Hội phải luôn tự hỏi liệu mình làm tất cả những gì mình có thể hay chưa». Cho dầu Giáo Hội «không phải là một quyền lực chính trị, cũng không phải là một đảng phái, nhưng là một thực tại luân lý», nhưng Giáo Hội «có điều gì đó phải làm với chính trị», trong chiều kích luân lý của chính trị. Từ đó Đức Thánh Cha kêu gọi «giáo dục lương tâm» để «vượt lên chứng tâm thần phân liệt» mà, theo ngài, chạm đến nhiều người Công giáo, giữa «chiều kích cá nhân» của đức tin và «chiều kích tập thể» của nó. Đối với ngài, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở chiều kích cá nhân mà thôi.

Về vấn đề Cuba, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đứng trong đường hướng của Đức Gioan-Phaolô II: «Cuba phải mở ra cho thế giới và thế giới phải mở ra cho Cuba». Từ thời Đức Gioan-Phaolô II đến nay đã mở ra «một con đường đối thoại lâu dài, có tính xây dựng, cần có sự kiên nhẫn». Về lý tưởng mar-xít, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bày tỏ lập trường rõ ràng rằng : «Như nó đã từng được cưu mang, nó không còn đáp ứng cho thực tại nữa». Đức Thánh Cha kêu gọi giúp tìm ra những mô hình mới trong tinh thần đối thoại, bằng cách tránh đi những vết thương, để xây dựng tình huynh đệ. Về tự do lương tâm và tôn giáo, Đức Thánh Cha cho biết «Giáo Hội đứng về phía tự do».

Đến phi trường Leon, trước 3000 bạn trẻ náo nức đón tiếp ngài, trước sự hiện diện của Tổng thống nước Mêhicô, Đức Thánh Cha đã nói rằng: «Tôi đã đến với tư cách là người lữ hành đức tin, đức cậy và  đức mến». Đức tin để các tín hữu có thể «là men trong xã hội khi đóng góp vào việc chung sống tôn trọng và hòa bình đặt cơ sở trên phẩm giá bất khả sánh của mọi nhân vị, được Thiên Chúa tạo dựng, và không có quyền lực nào có quyền quên hay hạ giá». Đức cậy để các tín hữu «nỗ lực biến đổi các cơ cấu và các biến cố khó chịu đang tồn tại, mà có vẻ bất biến và bất khả vượt qua, bằng cách trợ giúp những ai không tìm thấy ý nghĩa lẫn tương lai trong cuộc sống». Và đức mến, vì Giáo Hội «không muốn gì khác hơn là, cách vô vị lợi và cách tôn trọng, làm ích cho người túng thiếu…»

Tý Linh
Theo La Croix

Previous Post Next Post