Headlines
Loading...
Giáo xứ Hiển Linh nép mình vào Lòng Chúa Thương Xót

Giáo xứ Hiển Linh nép mình vào Lòng Chúa Thương Xót


TGP SAIGON – 17 giờ 15 ngày thứ Bảy, 14-7-2012, Gx Hiển Linh tổ chức buổi tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) theo luân phiên của giáo hạt Gia Định (GP Saigon). Đặc biệt hơn, hôm nay là sinh nhật thứ ba ngày thành lập Cộng đoàn LCTX tại Gx Hiển Linh.

Hiển Linh là gì? Hiển Linh là “Chúa tỏ mình ra cho muôn dân”, quen gọi là Ba Vua (các nhà chiêm tinh – x. Mt 2:1-12). Như vậy, Hiển linh là đến với muôn dân, đúng như lệnh Chúa Giêsu truyền: “Đến với muôn dân”(x. Mt 28:19-20; Mc 16:14-18; Lc 24:36-49; Ga 20:19-23; Cv 1:6-8). Nói chung, “hiển linh” là đến với tha nhân.

Tôi không “đi lạc” như lần trước, nhưng tôi có ý nghĩ “mới lạ”: “Gx Hiển Linh khép mình bên dòng kênh Nhiêu Lộc”. Đến Gx Hiển Linh khi nước lớn hoặc nước ròng, bạn không cảm thấy “cái lạ”, nhưng khi bạn đến đây lúc “nước cạn” thì bạn sẽ cảm thấy “nét khác”: Một Giáo xứ “khép mình bên dòng kênh ĐEN và HÔI THỐI”.

Tuy nhiên, Gx Hiển Linh không bị “hòa nhập” vào “dòng đen hôi” ấy mà đang thể hiện “bản lĩnh” chính mình: SÁNG đức tin và THƠM tình người. Gx Hiển Linh đang “nép mình bên LCTX và đến với tha nhân”. Điển hình là hằng ngày có giờ chầu Thánh Thể từ 6 giờ tới 22 giờ. Đó là công của Lm Gioan Nguyễn Văn Minh, chính xứ Hiển Linh kiêm linh hướng cộng đoàn LCTX của giáo xứ. Vâng, đúng như nhạc sĩ “ngoại đạo” Trịnh Công Sơn nói: “Một ngày như mọi ngày”. Đó là điều rất ư bình thường, nhưng đó là điều-bình-thường-thánh-thiện.

Chúa Giêsu nhắn nhủ: “Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Đó lời mời gọi “quen thuộc” mà chúng ta từng nghe. Nhưng NGHE và HÀNH ĐỘNG là 2 động thái khác nhau (x. Mt 20:1-16 – Dụ ngôn “thợ làm vườn nho”, đặc biệt là Dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” hoặc “Người Con Hoang Đàng” – Lc 11-31). Thiết tưởng, Gx Hiển Linh đang rất “thực tế”.

LCTX vô cùng kỳ diệu, chúng ta không thể hiểu theo suy nghĩ của con người: Nổi bật là gương Phêrô, Tôma Tông đồ, Phaolô, Mađalêna, Dimas (người trộm lành). Thánh Thomas Aquinô (Linh mục Dòng Đa-minh, Tiến sĩ Giáo hội) nói: “Nếu loài người không phạm tội, Thiên Chúa sẽ không nhập thể”. Một câu nói đầy tính thần học mà chúng ta không thể hiểu theo nghĩa thông thường. Thật vậy, nếu hiểu theo nghĩa thông thường, chúng ta có thể “rối đạo”.
Đức tin quan trọng hơn phép lạ. Rao truyền LCTX khác với “quảng cáo” LCTX. Cảm nghiệm được LCTX là điều rất quan yếu. Cảm nhận và biết trọng trách Chúa Giêsu đã trao, Thánh Faustina viết: “Sứ mệnh của tôi không chấm dứt khi tôi chết. Tôi sẽ vén bức màn Thiên Đàng để mọi người cảm phục LCTX”. Còn Chân phước Gioan Phaolô II nói bằng kinh-nghiệm-sống: “Bất cứ ai thành khẩn kêu cầu: ‘Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa’ thì sẽ tìm được sự an ủi trong mọi cơn nguy khốn”.

Hoạt động theo đúng tinh thần và đúng linh đạo LCTX là điều cần thiết, chứ không chỉ là “phong trào” – vì “phong trào” lúc thịnh lúc suy, và có thể “chấm dứt”. Nhưng lòng sùng kính thì vĩnh viễn, từ khai thiên lập địa đến tận thế vẫn bao la LCTX. Có những người đã từng nói “cộng đoàn LCTX chỉ lo đọc kinh mà không hoạt động”. Cũng đúng và cũng sai. ĐÚNG vì họ “thấy” người ta đi lần chuỗi LCTX mỗi ngày lúc 3 giờ chiều mà không thấy những người đó thể hiện động thái tích cực; SAI vì người ta chỉ thấy “bề ngoài” mà không thấy “bề trong”.

Người ta hoạt động cho LCTX mà thực tế không thương xót nhau thì vô ích. Cứ lo đi làm từ thiện chỗ này hay nơi nọ, bỏ bạc triệu giúp chỗ này hay chỗ kia, hành hương thánh địa này hay đền thờ nọ,… nhưng chúng ta có thực sự thương xót những người thân cận (các thân nhân và những người sống gần mình) hay chưa? Thế nào là thương xót? Cứ đọc Lc 10:30-37 sẽ rõ. Ai là Sa-ma-ri, ai là tư tế, ai là thầy Lê-vi? Liệu chúng ta có dám nhận? Thương xót nhau không hẳn là cho người ta vài trăm ngàn để người ta có tiền về quê xa (miền Tây, Trung, Bắc); cũng không hẳn là cho người ta một bữa ăn, một chỗ nghỉ qua đêm, cho người ta ở trọ,… Nếu được vậy rất tốt. Nhưng thể hiện LCTX có thể rất đơn giản: Một ánh mắt, một lời nói, một cử chỉ,… (có khi chưa cần hành động). Có đầy mới tràn. Những ánh mắt, cử chỉ, lời nói, động thái,… sẽ cho thấy chúng ta có cư xử với tha nhân bằng lòng thương xót hay không. Chưa thể hiện LCTX với những người thân cận thì làm sao thể hiện LCTX với người xa lạ? “Xa lạ” không phải là người không quen biết mà là người không cùng quan điểm, khác tôn giáo, khác trình độ, khác sinh hoạt, khác sở thích,…

Con người rất dễ ảo tưởng và lầm tưởng. Hãy cẩn trọng, vì có thể Lời Chúa đang cảnh cáo chính chúng ta: “Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế” (Mt 23:27). Thật vậy, Chúa Giêsu rất ghét GIẢ HÌNH, và Ngài đã lên án và nguyền rủa những bọn giả nhân giả nghĩa (x. Mt 23:1-32). Thậm chí ngay trong các hội đoàn cũng vẫn có những mầm mống gây chia rẽ!

Quả thật, Chúa Giêsu không hề “bóng gió”, chỉ tại chúng ta cố tình “tránh né”. Chúa Giêsu rất thực tế: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?” (Mt 7:9-10; Lc 11:11-12). Nghĩ thật thấm thía với nhận xét của ông Gandhi (người được dân Ấn Độ coi là thánh nhân): “Nếu những người Công giáo sống đúng theo Tin Mừng Đức Kitô thì dân tộc của tôi bớt khổ”. Làm người đã là khó, sống LCTX càng khó. Bạn có bao giờ nghĩ những điều này?

– Hãy cẩn thận với những ý nghĩ của bạn, vì bạn sẽ nói chúng.

– Hãy cẩn thận với những lời nói của bạn, vì bạn sẽ thực hiện chúng.

– Hãy cẩn thận với những hành động của bạn, vì chúng sẽ là thói quen của bạn.

– Hãy cẩn thận với những thói quen của bạn, vì chúng sẽ là cá tính của bạn.

– Hãy cẩn thận với những cá tính của bạn, vì chúng sẽ quyết định số mệnh của bạn.

LCTX hay GHXHCG (Giáo huấn Xã hội Công giáo) không hề khác nhau, vì tất cả đều bắt nguồn từ Tình yêu Thiên Chúa. Cứ suy nghĩ kỹ về Bát Phúc (kinh “Phúc Thật Tám Mối”) và kinh “Thương Người Có 14 Mối” sẽ biết thế nào là LCTX và GHXHCG.

Trong ca khúc “Và Con Tim Đã Vui Trở Lại”, nhiều người quen thuộc, nhạc sĩ Đức Huy tâm sự: “Tìm một con đường, tìm một lối đi, ngày qua ngày, đời nhiều vấn nghi, lạc loài niềm tin sống không ngày mai, sống quen không ai cần ai, cứ vui cho trọn hôm nay”. Đó là “bản chất” con người yếu đuối. Nhưng tất cả sẽ qua đi, còn lại một mình, nỗi cô đơn xâm chiếm: “Rồi cuộc vui tàn, mọi nguời buớc đi, một mình tôi về, nhiều lần uớt mi”. Thực tế quá phũ phàng! May mà còn Thiên Chúa – Thiên Chúa của tình yêu (1 Ga 4:8 & 16), Thiên Chúa của Lòng Thương Xót: “Tình yêu đã đến như ánh nắng mai xóa tan màn đêm u tối, cho tôi biến đổi tâm hồn thành một nguời mới”.

Niềm tin yêu lại hồi sinh: “Và con tim đã vui trở lại, tình yêu đến cho tôi ngày mai, tình yêu chiếu ánh sáng vào đời, tôi hy vọng đuợc ơn cứu rỗi. Và con tim đã vui trở lại, và niềm tin đã dâng về Người, trọn tâm hồn nguyện yêu mãi riêng Người mà thôi”. Có Chúa rồi, chúng ta có thể an tâm: “Dẫu như tôi phải đi qua vực sâu u tối, tôi sẽ không sợ hãi gì, vì Người ở gần bên tôi mãi...”. Đó là ý tưởng của Thánh vịnh 22. Một tác giả ngoài Công giáo không thể viết được những ca từ như vậy!

Thiết tưởng, có mấy điểm hay (theo quan điểm cá nhân): Lm Gioan Minh vái chào linh tượng LCTX sau khi hôn bàn thờ (theo nghi thức “nhập lễ”); sau phép lành cuối lễ, chính chủ tế 3 lần tế xướng: “Lạy Thánh Cả Giuse”, mọi người thưa “Xin cầu cho chúng con”), tiếp theo là 2 lần xướng “Giêsu, Maria, Giuse, con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn”, và lần thứ ba là “Giêsu, Maria, Giuse, con mến yêu, xin thánh hóa gia đình chúng con”. Đặc biệt là “hàng hiếm”: Cầu nguyện khoảng 5 phút sau khi rước lễ. “Dạng” này chỉ có ở các dòng tu, hầu như không thấy có ở các giáo xứ. Điểm này tuyệt vời, vì sau khi rước lễ, chúng ta được hòa tan trong Chúa Giêsu, rất cần “tâm sự” với Ngài. Thế nhưng, nhiều người rước lễ xong thì “quên” Chúa Giêsu, lo đi cầu nguyện ở các “tượng đài” khác hoặc “lo làm chuyện khác”. Chắc hẳn Chúa Giêsu là người buồn nhất!

Việc cầu nguyện rất quan trọng. Cầu nguyện không chỉ cho mình mà còn cầu nguyện cho người khác. Ngày nay, cách cầu nguyện này không chỉ phổ biến mà còn lô-gích. Trước Công đồng Vatican II, Giáo hội chỉ cầu nguyện cho các linh hồn Kitô hữu, nghĩa là không cầu nguyện cho các linh hồn ngoài Kitô giáo, nhưng sau Công đồng Vatican II, Giáo hội đã thay đổi “nếp nghĩ” và cầu nguyện cho các linh hồn khác, kể cả cầu nguyện cho các thai nhi (bị giết trước khi chào đời).

Tham dự những Thánh lễ được cử hành sốt sắng thì giáo dân thêm lòng kính mến Chúa. Thật vậy, nếu linh mục là vị Thánh, giáo dân sẽ thánh thiện; nếu linh mục thánh thiện, giáo dân sẽ tốt lành; nếu linh mục tốt lành, giáo dân sẽ tử tế; nếu linh mục tử tế, giáo dân sẽ vô tín ngưỡng. Hệ lụy xem chừng bình thường nhưng không hề bình thường.

Chúa Giêsu xác định: “Tôi bảo thật: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha” (Mc 3:28). Kinh tiền tụng nói: “Nếu Chúa chấp tội, nào ai rỗi được”. Nhưng không thể vì thế mà chúng ta… lợi dụng Chúa!

Thiên Chúa biết chúng ta hơn tự chúng ta biết mình. Chắc chắn vậy, thế nên Ngài hứa: “Kẻ gắn bó cùng Tôi sẽ được ơn giải thoát, ai nhận biết danh Tôi sẽ được sức phù trì. Khi kêu đến Tôi, Tôi liền đáp lại, lúc ngặt nghèo có Tôi ở kề bên” (Tv 91:13-15).

“Đạo từ cửa nhà thờ vào” hay “đạo từ cửa nhà thờ ra” hoàn toàn khác nhau. “Giữ đạo” khác với “sống đạo”. Và “hoạt động LCTX” cũng hoàn toàn khác với “sống LCTX”. Nghiêm lệnh của Chúa Giêsu là: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Không ai có thể tự biện hộ!

Sống LCTX là tuân thủ lệnh truyền của Đức Kitô: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).

TRẦM THIÊN THU