''Yếu tố mạo hiểm'' của việc bước đi bằng lòng tin




''Yếu tố mạo hiểm'' của việc bước đi bằng lòng tin

Đức tin chính là hoàn toàn dựa vào lẽ thật, vào lòng trung tín của Thiên Chúa.

Thiên Ân dịch

Khi bạn thực hiện một cú nhảy của đức tin, thì dường như luôn có “yếu tố mạo hiểm” kèm theo - suy nghĩ việc gì sẽ xảy ra nếu Thiên Chúa không giúp bạn vượt qua. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Thiên Chúa không làm theo điều bạn đã cầu xin một cách cụ thể, nhưng làm điều gì đó khác? Làm thế nào bạn xác định được liệu mình thật sự có được lòng tin khiến bạn thực hiện cú nhảy?

Đức tin mạnh mẽ chính là một sự chắc chắn; đó chính là sự xác tín, sự tin tưởng, phó thác và cậy dựa tuyệt đối vào quyền năng của Chúa. Kiểu đức tin ấy không luôn trông đợi Chúa đáp trả chính xác theo những gì chúng ta xin, nhưng nhận biết rằng kết quả cuối cùng sẽ thuộc về sự lựa chọn của Ngài và theo ý định hoàn hảo và cao cả của Ngài.

Khi chúng ta thực hiện cú nhảy của đức tin, hãy coi chừng việc nhượng bộ hoặc thu mình lại ngay từ lúc đầu trước sự lừa phỉnh từ Satan. Bằng sự tin tưởng vào những lời hứa của Chúa, chúng ta tiến lên theo hướng mà Ngài chỉ dẫn chúng ta; nhưng một khi có một trục trặc nhỏ nảy sinh, hoặc một vài khía cạnh tiến triển theo hướng mà chúng ta không mong đợi, hoặc việc gì đó diễn ra hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta đã tưởng tượng hoặc đã nghĩ là thánh ý của Chúa, lúc ấy chúng ta rất dễ dàng không để ý đến Thư Rôma 8,28 - “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” - và đức tin của chúng ta dễ dàng bị lung lay. Chúng ta có thể bị vây quanh bởi những lo lắng và nghi ngờ về sự chính xác của mối liên hệ của chúng ta với Chúa, và có thể cũng nghi ngờ về mối quan hệ của chúng ta với những người khác.

Nếu chúng ta chịu khuất phục trước những suy nghĩ đó, lòng tin của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng xấu hơn là được củng cố. Vì thế, khi gặp đợt tấn công tiếp theo của Satan, chúng ta sẽ sợ hãi và yếu đuối và có thể đánh mất lòng tin. Lòng tin của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng một khi chúng ta nhượng bộ Satan và để Satain chiếm ưu thế. Vấn đề không phải chúng ta không có lòng tin để bắt đầu thực hiện “cú nhảy của lòng tin”, nhưng chính là chúng ta chịu khuất phục Satan sau khi bị chúng “hù doạ” và tấn công.

Làm sao chúng ta có thể ngăn chặn việc ấy xảy ra? Trước tiên, chúng ta phải chắc chắn rằng hướng mà chúng ta đang đi thật sự là ý định của Chúa. Hoặc nếu chúng ta không chắc về ý định cao nhất của Chúa là gì - đó là dấu hiệu của sự yếu đuối nơi chúng ta, và cũng là cách mà đôi khi Ngài chọn lựa để hành động - chúng ta vẫn quyết định chấp nhận bất cứ kết quả nào mà Ngài biết là tốt nhất, ngay cả khi nó trái ngược với điều chúng ta hy vọng. Chúng ta quyết định ngay từ đầu rằng chúng ta sẽ không đánh mất lòng tin nếu sự việc không diễn ra theo dự định của chúng ta, bởi vì chúng ta nhận ra rằng đó chính là một cơ hội tốt để Chúa có một kế hoạch tốt hơn.

Khi chúng ta biết chắc rằng điều gì đó chính là thánh ý của Chúa, chúng ta không thể rút lòng tin của chúng ta lại khi dấu hiệu đầu tiên của “khó khăn” xuất hiện. Khi điều gì đó xảy ra có vẻ như không thuận lợi trên hành trình của chúng ta, điều tiên chúng ta phải làm chính là đến bên Chúa - chứ không phải là nghi ngờ rằng liệu chúng ta có quyết định đúng ngay từ đầu hay không. (Lẽ dĩ nhiên, ở đây muốn nói đến những quyết định mà chúng ta thực hiện sau khi đã trải qua những bước tìm kiếm thánh ý Chúa, chúng ta xác nhận lại điều đó với Ngài và bàn bạc kỹ lưỡng với tất cả những bên có liên quan, và chúng ta chắc chắn tất cả đều là điều tốt nhất và là ý định cao nhất của Ngài).

Khi đối mặt với trục trặc trong khi chúng ta nghĩ mọi việc phải tiến triển, thay vì ngờ vực, chúng ta phải đến với Chúa. Hãy hỏi Ngài xem sự cản trở trên con đường có phải là kế hoạch của Ngài không, và nếu phải, chúng phải nhìn nó theo cách nào - liệu chúng ta có nên xem xét lại những khía cạnh khác không, hoặc liệu Chúa có muốn chúng ta tiếp tục tiến lên phía trước mặc cho có sự thay đổi nhỏ nhặt này.

Đôi khi, sự lạc đường chính là những thử thách do Chúa mang đến để làm gia tăng lòng tin của chúng ta. Đôi khi Thiên Chúa để cho những việc ấy xảy ra như một cơ hội để chỉnh hướng lại đôi chút, bởi vì Chúa biết rằng khi chúng ta tiến lên theo con đường này, chúng ta sẽ phải cần một vài sự điều chỉnh mà chúng ta đã không cân nhắc lúc ban đầu, nhưng lại cần thiết cho việc hoàn thành kế hoạch cuối cùng của Ngài và đạt được kết quả tốt nhất.

Có những lúc Chúa để cho Satan thử thách chúng ta, giống như nó đã làm với Giop, thử thách lòng tin của chúng ta và để đánh giá lòng can đảm của chúng ta. Và khi chúng ta vượt qua được thử thách, lòng tin của chúng ta được truyền một sức mạnh lớn hơn. Nhưng cũng có những lúc Chúa để cho mọi việc tiến triển một cách dễ dàng và kết quả cuối cùng đến nhanh chóng và dễ dàng như mong đợi của chúng ta.

Lòng tin thật sự trông đợi chiến thắng, ngay cả khi chúng ta chỉ nhìn thấy ánh sáng yếu ớt dọc đường đi. Một người có lòng tin sẽ học cách nhận ra ánh sáng hoặc những phần trên con đường mà nơi đó họ phải tiến bước một cách liều lĩnh như là một phần trong tiến trình, và không hề nghĩ rằng con đường trông có vẻ mù mịt ở một đoạn nào đó đồng nghĩa với dấu hiệu của quyết định sai lầm vốn không được đặt nền tảng trên lòng tin.

Lòng tin của chúng ta phải được nuôi dưỡng để ngày càng được gia tăng, vì thế khi chúng ta thực hiện bước nhảy đầu tiên của lòng tin, chúng ta phải trông đợi rằng chúng ta sẽ cần phải tiếp tục tôi luyện lòng tin, nhờ thế, chúng ta có thể duy trì cách nhìn của Chúa khi chúng ta tiến lên phía trước. Chính cách nhìn của Chúa giúp chúng ta vững bước tiến lên khi con đường có vẻ hơi mờ tối, hoặc chúng ta sẽ chờ đợi cho đến khi nhìn thấy những kết quả tích cực từ lựa chọn mà chúng ta đã thực hiện.

Nếu chúng ta củng cố lòng tin trong suốt thời gian ấy bằng cách không ngừng đọc những lời hứa của Thiên Chúa ngay từ lúc bắt đầu chuyến mạo hiểm, và chúng ta kiên trì mang đến cho lòng tin của chúng ta sự gia tăng cần thiết để tin tưởng, trông cậy Thiên Chúa vào kết quả tốt đẹp sau cùng, như thế chúng ta có thể tin Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua. Chúng ta sẽ có được sự tin tưởng, tin rằng cú nhảy của lòng tin ấy chính là kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta và đó là điều mang lại chiến thắng.

Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hiện cú nhảy của lòng tin và đó là tất cả những gì chúng ta làm mà không đầu tư thêm điều gì cả, không nuôi dưỡng lòng tin của chúng ta hơn bình thường, không cầu nguyện thành khẩn mỗi ngày cho bất cứ điều gì chúng ta mong Chúa làm cho chúng ta và không tận dụng sức mạnh của lời cầu nguyện từ những người khác, thì Thiên Chúa không thể giúp chúng ta vượt qua được, ngay cả khi điều gì đó chính là ý định của Ngài. Chúng ta đừng trách Ngài. Sự đáp trả của Chúa cho những lời cầu nguyện của chúng ta và thực hiện những phép lạ mà chúng ta ao ước chính là con đường 2 chiều. Ngài cần đến sự hợp tác của chúng ta và đôi khi chính điều đó lại bị lãng quên hay bị bỏ qua.

Hãy xem những phép lạ và những lời đáp trả cho lời cầu nguyện trong Kinh Thánh. Đôi khi, cần thời gian để lời cầu nguyện được đáp trả. Những phép lạ cần đến một sự thành khẩn lớn lao; cần có những bước có liên quan để ý Chúa được thực hiện. Môsê chẳng phải cần một lời cầu nguyện ngắn để Biển Đỏ được tách ra đó sao (x. Xuất hành 14). Có những bước mà Môsê cần phải thực hiện. Ông phải thành khẩn. Ông phải hỏi Chúa xem ông phải làm gì. Ông phải lắng nghe Ngài nói với ông về kế hoạch của Ngài. Kế đó, ông phải thực hiện kế hoạch của Ngài. Và đó không phải chỉ là giơ gậy lên và giang tay trong một lúc; mà cần có thời gian để biển tách ra và con cái Israel có thể bước qua lòng biển khô cạn. Cầm chiếc gậy nặng là việc mệt nhọc và đồng thời phải thành khẩn cầu nguyện; ông đã kiệt sức. Nhưng điều gì xảy ra nếu ông bỏ cuộc? Điều gì xảy ra nếu ông không làm theo những gì Thiên Chúa đã bảo ông làm? Chắc chắn câu chuyện kỳ diệu đã không xảy ra.

Sẽ như thế nào nếu mọi người không lăn tảng đá ra khi Chúa Giêsu muốn Lazarô sống lại? Có lẽ anh vẫn còn trong mồ - ngay cả khi ý định của Chúa chính là cho anh sống lại từ cõi chết (x. Ga 11,39-45). Vì thế, ngoài việc dựa vào lòng tin của chúng ta vào Chúa, còn cần đến sự sẵn sàng để chiến đấu cho những gì chúng ta cầu xin Ngài, thông qua lời cầu nguyện, thông qua việc sự dụng những khí giới thuộc về tinh thần, thông qua việc nhờ đến sự trợ giúp của người khác, thông qua việc làm bất cứ điều gì Thiên Chúa muốn chúng ta làm. Nếu chúng ta làm tốt phần việc của mình, Thiên Chúa sẽ làm phần của Ngài.

Đức tin không phải là điều gì đó to tát, một cảm giác tuyệt vời nào đó, như nhiều người nghĩ; nó chỉ đơn giản là tin rằng Thiên Chúa trung thành với Lời của Ngài. Đức tin chính là hoàn toàn dựa vào lẽ thật, vào lòng trung tín của Thiên Chúa.

NGUỒN HDGMVN 


Previous Post Next Post