Hình ảnh: cuucaclinhhon.files.wordpress.com |
NGUỒN GỐC ĐỜI TU KITÔ GIÁO
TỪ TRUYỀN THỐNG TIN MỪNG ĐẾN THẾ KỶ
Đời tu đã xuất hiện trước khi có Kitô giáo. Nếu đọc lại trong lịch sử các tôn giáo, chúng ta sẽ thấy đã có những hình thức sống có thể so sánh với cách sống của người đan sĩ Kitô giáo. Trong bài này, tác giả chỉ đi tìm về nguồn gốc đời tu trong truyền thống Kitô giáo, vì vậy chỉ xin nói qua môi trường Thánh Kinh với những hình thức sống khá tương hợp theo đời sống tu.
Trước hết có thể nhắc đến nhóm người biệt phái. Nhóm biệt phái xuất hiện vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên từ nhóm người nhân đức ủng hộ ông Giu-đa Mác-ca-bê chống lại vua Antiochus Epiphane: "Bấy giờ huynh đoàn những người Hassidim những người kiên cường can đảm, hết thảy đều tận tình với lề luật đã sát nhập với họ" (1M2, 42). Người biệt phái tinh thông lề luật và có nhiệm vụ phổ biến dạy dỗ dân chúng. Họ tỉ mỉ áp dụng 613 điều luật một cách khắt khe như tác giả Mát-thêu ghi lại nơi chương 15,12. Với trách nhiệm dạy quần chúng nên nhóm biệt phái có mối quan hệ gần gũi với dân. Tuy nhiên, họ giữ khoảng cách đối với những người không tuân giữ lề luật thánh. Đức Giêsu rất gần gũi với nhóm biệt phái trong cách cầu nguyện, trong lời kêu gọi sám hối và trong niềm tin vào sự sống lại. Đức Giêsu thường trách họ thái quá và chỉ biết dựa trên lề luật để tiến gần đến Thiên Chúa. Dù Đức Giêsu tố giác nhóm biệt phái sống bề ngoài thái quá, nhưng không vì vậy làm giảm giá trị dự phóng cuộc sống của họ. Có một số người đã muốn theo dự phóng nầy nên đã tụ họp nhau lại thành huynh đoàn và tin rằng lề luật diễn tả trọn hảo ý Thiên Chúa. Họ cố gắng sống trọn vẹn theo luật. Nhóm biệt phái quy tụ được các ký lục, các tư tế và các giáo hữu. Tất cả mọi người không phân biệt giai cấp hay nam nữ đều có thể gia nhập nhóm nhưng bắt buộc phải qua giai đoạn tuyển chọn. Họ phải từ chối thỏa hiệp với xã hội đang sống. Và để giữ vững tinh thần, các thành viên trong huynh đoàn tụ họp nhau lại dùng cơm để củng cố mối liên hệ huynh đệ và giúp đỡ nhau về phương diện thiêng liêng.
Ngoài ra, có một nhóm khác mang nếp sống rất gần với đời tu mà người ta biết đến là nhóm "ẩn sĩ Ét-xê-nô". Tin Mừng không đề cập đến nhóm này. Nhờ tài liệu của các ông Pline người Rôma, triết gia do thái Philon thành Alexandrie, và sử gia do thái Flavius Josèphe nên chúng ta biết đến họ. Những tài liệu tìm được ở Biển Chết năm 1947 cũng cho biết thêm di tích về cộng đoàn ẩn sĩ Ét-xê-nô. Họ sống ly khai với Do Thái giáo, ẩn tu trong sa mạc, xa lánh văn minh băng hoại, chuyên cần trong kinh nguyện và suy gẫm Thánh Kinh chờ ngày tận thế. Họ sống như thể khước từ thế gian, thầm lặng trước những khó khăn của xã hội Do thái thời bấy giờ. Họ tự cho là những người duy nhất trên con đường hoàn thiện, và trung thành tuân giữ lề luật với một tâm hồn hoàn thiện.
Dù Tin Mừng có nhắc đến những nhóm mang một lối sống gần với đời tu, nhưng cũng không nêu rõ ràng ai là Đấng sáng lập ra cách sống đó. Vì vậy khi nói đến nguồn gốc đời tu, người ta thường mang trong đầu hai lối giải thích giản dị. Lối giải thích thứ nhất cho rằng chính Chúa Kitô đã thiết lập nên đời tu và một giáo hội mang lối sống đan tu. Lối giải thích thứ hai lại cho rằng chính Đức Giêsu đã cho các lời khuyên trọn lành là gốc rễ thể chế đời tu hoặc ít ra chính Đức Giêsu là người khởi xướng.
Ai đã gieo ý cho lối giải thích thứ nhất nêu trên. Theo các sử gia thì ý đó do ông Jean Cassien ghi lại như vậy, vì ông đã dựa vào một số văn bản của các giáo phụ như Eusèbe thành Césarée cũng như văn bản theo thánh Jérôme. Đời sống cộng đoàn phát sinh từ thời các tông đồ giảng đạo. Thật vậy chính đời sống này mà chúng ta thấy xuất hiện ở Giê-ru-sa-lem, trong tổng thể muôn vàn tín hữu như sách Công Vụ các tông đồ phác họa: "Đông đảo các tín hữu chỉ có một lòng và một linh hồn (Cv 4,32) Tôi lập lại, đó chính là toàn thể Giáo Hội đã sống lối sống này. Như sau khi các Tông đồ quá vãng, đoàn lũ các tín hữu bắt đầu nguội lạnh dần, nhất là những người đến từ bên ngoài niềm tin vào Chúa Kitô. Đối với những người còn sốt nóng ngọn lửa của thời các Tông đồ, họ bắt đầu thực hành riêng tư cho chính họ, những luật lệ mà họ nhớ lại là do các Tông đồ đã đặt ra để cho toàn thể thân mình Giáo Hội. Đấy, chính là một loại đan sĩ duy nhất có vào thời kỳ xa xôi đó".
Lối giải thích này ngày hôm nay không còn được ai nhìn nhận, vì lịch sử giáo hội đã cho những dự kiện chính xác bác bỏ lập luận trên. Nhưng tại sao ý trên vẫn có người cho là đúng. Họ cố gắng bào chữa cho rằng Đức Giêsu đã sống như một tu sĩ với các tông đồ kết thành một giáo hội. Giáo hội mang cuộc sống như một cộng đoàn. Họ dựa theo một lối giải thích Thánh Kinh để đi đến kết luận trên; ví dụ trong Tin Mừng thứ 4, thánh Gio-an cho biết các tông đồ bỏ tiền của vào chung nhau, và chính ông Giu-đa được giao trách nhiệm giữ gìn (Ga 12,6). Ngoài ra trong sách Công vụ các tông đồ, những tín hữu tiên khởi cũng đã làm theo đúng như vậy (2,44). Những đoạn văn trên có đủ vững vàng để chứng minh lối giải thích của họ hay không? Khi đọc lại chúng ta sẽ thấy những lập luận trên không đủ chứng minh.
Lối giải thích thứ hai cho rằng Đức Giêsu đã cho các lời khuyên Tin Mừng vẫn còn được một số người theo cho đến ngày hôm nay. Công Đồng Vaticanô II cũng như thể chấp nhận. Lối giải thích thứ hai không nói ngược lại những gì lập luận thứ nhất đưa ra, nhưng đôi khi người ta bỏ lối giải thích đầu để thử đặt nền tảng đời tu trên Lời của Đức Giêsu. Những lời này chỉ định Đức Giêsu trình bày một lối sống cá biệt rất phù hợp với triều đại Thiên Chúa mà Người truyền rao. Đức Giêsu đã mở ra hai con đường đi về Thiên Chúa hay để đạt đến ơn cứu độ: - Con đường đặt nền tảng trên lệnh truyền, đầy đủ và đòi hỏi cho tất cả mọi người. - Con đường các lời khuyên đề nghị cho những ai muốn đạt dễ dàng đến sự trọn lành.
Hai lối giải thích trên về nguồn gốc đời tu hôm nay không còn vững dù Công đồng Vaticanô II khẳng định "đời tu là ân huệ mà Giáo Hội nhận từ Thiên Chúa" (Lumen gentium 6). Nhưng cũng chính Công đồng Vaticanô II đã đưa ra một ý mới mẻ khác khi cho đời tu chiều kích lịch sử: "Theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chính giáo quyền ân cần giải thích các lời khuyên Tin Mừng, hướng dẫn cách thực hành, cùng thiết lập những lối sống cố định dựa trên những lời khuyên ấy. Do đó, như một cây đâm chồi nẩy lộc um tùm và kỳ diệu từ hạt giống Chúa gieo vãi trong cánh đồng của Người, thì cũng có nhiều lối sống khác nhau: đơn độc hay cộng đồng, và dòng tu khác nhau mà phần sản nghiệp dồi dào đem lại lợi ích cho các chi thể của dòng như toàn Thân Thể Chúa Kitô...(Lumen Gentium 43). Và trong P. Caritatis số 1 Vaticanô II còn khẳng định thêm: "...Ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội, đã có những người nam cũng như nữ, qua việc thực hành các lời khuyên Tin Mừng, quyết tự nguyện theo Chúa Kitô với một tinh thần tự do thanh thoát hơn, bắt chước Người một cách trung thành hơn, và mỗi người một cách, tất cả đều sống tận hiến cho Thiên Chúa."
1. TỪ THẾ KỶ THỨ I ĐẾN THẾ KỶ THỨ III
1.1. Những chứng nhân bằng cuộc sống: người khổ hạnh và bậc đồng trinh
Theo bối cảnh vừa ghi trên có những người muốn theo Chúa Kitô bằng mẫu gương cuộc sống. Họ thuộc thành phần nam nữ mang cùng một thực tại nhưng có khác nhau qua cách gọi. Vì vậy chúng ta gọi các ông là người khổ hạnh và các bà là bậc đồng trinh. Ta gọi họ chung chung với từ "những người sống độc thân". Họ lựa chọn cuộc sống xả kỷ, từ bỏ, chấp nhận đau khổ và chối từ sợ hãi phải đương đầu với cuộc sống tiết chế một mình. Tất cả những hy sinh đều có chỗ đứng quan trọng trong cuộc sống.
Từ thời Giáo hội sơ khai đã có những người sẵn sàng theo lý tưởng hoàn thiện phù hợp với lời Chúa Kitô mời gọi ghi trong Tin Mừng Mát-thêu 19,10-12: Các môn đệ thưa Người: "Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn". Nhưng Người nói với các ông: "Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người là hoạn nhân vì từ lòng mẹ sinh ra đã như thế; có những người là hoạn nhân vì bị người ta hoạn; và có những người là hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu."
Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Cô-rin-tô cũng khuyên như vậy (7,1.7.25-38). Những người này không phân biệt phái tính mang cùng một thực tại sống. Họ hoàn toàn tự do lựa chọn cuộc sống độc thân khiết tịnh, nhưng cũng có người đã sống đời sống gia đình một thời gian và quyết định không còn tương quan giao hợp với người phối ngẫu nữa. Họ tiếp tục sống và thương nhau như anh chị em. Họ không mang y phục nào đặc biệt và cũng không có dấu chỉ đặc biệt nào khác. Họ không sống thành cộng đoàn và không bị bó buộc theo cơ chế đặc biệt nào khác ngoài môi trường gia đình với những bận rộn công việc hằng ngày như mọi người chung quanh.
Hình thức khổ chế này không dễ được chấp nhận theo não trạng Do thái, vì nó đi ngược lại với ơn gọi đặc biệt của dân Do thái. Trong sách Sáng Thế, Thiên chúa đã ban truyền cho họ lệnh "sinh sôi nẩy nở" và sau này Lời Thiên Chúa hứa cùng Abraham không đi ra ngoài mục đích trên.
Thời Đức Giêsu cũng có những nhóm mang cuộc sống tiết chế như nhóm ẩn sĩ Ét-xê-nô ở Qumrân đã được ghi trên. Họ chối từ bậc sống hôn nhân và tin ngày tận thế sắp đến nên cần phải rút ra khỏi thế gian. Người khổ hạnh và bậc đồng trinh có cùng quan niệm đó không? Bối cảnh chờ ngày quang lâm quá quan trọng nên ngay trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, thánh Phaolô khuyên nhủ họ phải sống trạng thái trinh khiết: "Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi. (7,29-31). Thánh Phaolô giải thích cuộc sống độc thân Kitô giáo. Người độc thân là chứng nhân trước một xã hội không hiểu họ. Bậc hôn nhân trong đoạn thư này không cùng quan niệm như người Do thái trước kia. Người độc thân sống trạng thái tự do lựa chọn hiệp thông với Thiên Chúa. Họ tận hiến như hình thức phản kháng xã hội La mã thời bấy giờ. Một xã hội cổ võ tự do luyến ái làm con người có chỗ đứng rất hạn hẹp. Ngay từ thời các Tông đồ, tác giả Lu-ca cũng đã nhắc đến bốn nguời con gái của phó tế Philipphê. Bốn cô ở đồng trinh và được ơn nói tiên tri (Cv 21,8). Bởi vậy thời đó đã có những phụ nữ sống độc thân. Họ hoàn toàn ý thức lựa chọn cuộc sống mạc khải sự tự do và quyền người phụ nữ tự quyết trên lòng khao khát của xác thịt. Sống khiết tịnh là một việc làm hoàn toàn tự nguyện như đoạn Tin Mừng Mát-thêu 19 ghi trên.
Bước sang thế kỷ thứ III, vấn đề lựa chọn con đường khổ hạnh và khiết tịnh được nói đến rất nhiều. Một thể loại văn chương ca tụng việc giữ mình đồng trinh xuất hiện qua ngòi bút các giáo phụ Tertullien, Cyprien và Origène... "Tất cả đều chung lời chứng: sự đồng trinh là dấu chỉ thân phận mới mà Ngôi Lời nhập thể để cho nhân loại được sống. Một kỷ nguyên mới mang lại cho loài người những điều tốt của Nước Trời như cuộc sống, sự sống lại và những hôn lễ. Họ giúp chúng ta tái khám phá cái nhiệt tình thân phận mà họ sống, hầu làm cho người cùng thời có thể chấp nhận hình thái nếp sống mà ban đầu như thể lạ thường........
Lm Lê Phú Hải
Bài viết khá dài. và để tiên theo dõi hơn, các bạn có thể tải xuống toàn bộ nội dung của bài viết này TẠI ĐÂY
Tags:
Giáo sử