MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI. CHƯƠNG 4
LỜI CHÚA
VÀ CÔNG TRÌNH SÁNG TẠO
VÀ CÔNG TRÌNH SÁNG TẠO
Từ Thiên Chúa giải thoát hay Thiên Chúa tác tạo
Trong lịch sử mạc khải Kinh Thánh, ban đầu, Thiên Chúa đã được hiểu và khẩn cầu như vị “Thiên Chúa của cha ông chúng tôi”, vị Chúa của một chi tộc, nhất là sau cuộc xuất hành, như vị Chúa cứu tinh, Đấng giải thoát dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ và ký kết giao ước với dân tộc ấy.
Niềm tin vào Thiên Chúa tác tạo vũ trụ chỉ trở thành một khẳng định mạnh mẽ khi dân bị lưu đày (thế kỷ thứ 6 trước công nguyên) trong thời gian này dân Giao Ước phải chung đụng với nhiều thần linh và huyền thoại của xứ Ba-by-lon. Cuộc va chạm văn hóa này đã khiến các tác giả được linh hứng xác định niềm tin của dân Ít-ra-en vào một Thiên Chúa tác tạo vũ trụ vạn vật.
Những tường thuật về việc sáng tạo trong sách Sáng Thế được viết vào thời kỳ này, thường thuật cổ xưa nhất về việc tạo dựng con người, cặp vợ chồng đầu tiên, bởi một Thiên Chúa thợ gốm (St 2, 4-25), và tường thuật của nhóm tư tế về việc sáng tạo vũ trụ trong bảy ngày, đã có chút sắc thái thiêng liêng hơn, vì Thiên Chúa sáng tạo tất cả bằng lời của Người: “Chúa phán”.
Nếu những từ vựng và hình ảnh của các tác giả Kinh Thánh hầu hết đều vay mượn từ thuyết nguồn gốc vũ trụ của miền Cận Đông, thì trái lại, niềm tin của dân Do-thái luôn nhất thiết gạt bỏ mọi dấu vết đa thần. Thiên Chúa là “độc nhất”. Người không tranh chấp với một thần linh nào là nguồn cội của vật chất và của sự dữ, giống như một số huyền thoại của các dân ngoại thường trình bầy.
Trong một tường thuật được lọc luyện kỹ càng hơn, các tác giả được linh hứng đã mô tả toàn thể vũ trụ như kết quả của một Lời tác tạo:
“Thiên Chúa phán: "Phải có ánh sáng." Liền có ánh sáng. Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Thiên Chúa gọi ánh sáng là "ngày", bóng tối là "đêm"” (St 1, 1 tt).
Chúng ta ghi nhận sự tương đồng của hai động từ tác tạo và nói. Thiên Chúa tác tạo bằng Lời của Người, “lời” luôn kiện toàn tất cả những gì được nói ra:
“Chúa truyền lệnh khiến bùng lên bão táp, lớp sóng xô cuồn cuộn dập dồn” (Tv 107, 25).
Hơn nữa, ngay từ khởi đầu, Lời tác tạo đã được liên kết với Thần Khí. Lời Người là Thần Khí và sự Sống. Lời đó của Thiên Chúa là chính hơi thởtừ miệng Người, chuyển đạt chính sự sống của Người.
“Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời,
một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú (...)
một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú (...)
Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện,
Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên”
(Tv 33, 6-9)
Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên”
(Tv 33, 6-9)
“Chúa phán một lời là băng giải tuyết tan,
thổi gió lên nước liền tuôn chảy” (Tv 147, 18).
thổi gió lên nước liền tuôn chảy” (Tv 147, 18).
Thiên Chúa Cứu tinh của Ít-ra-en và Thiên Chúa tác tạo đúng là Thiên Chúa duy nhất, chúa tể của lịch sử và vũ trụ vạn vật:
“Quả thế, Ðấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Ðấng đã tác thành ngươi ” (Is 54, 5).
“Mọi việc Ðức Chúa làm đều hoàn toàn tốt đẹp, mỗi mệnh lệnh Người ban sẽ được thi hành đúng thời đúng lúc (...). Người chỉ phán một lời là nước dồn thành khối, Người chỉ nói một câu là nước trữ vào bồn. Người vừa ra lệnh, mọi sự tiến hành như Người muốn; cũng không ai cản nổi công trình cứu độ của Người. Công việc của phàm nhân tất cả đều diễn ra trước mặt Người, lẩn tránh sao cho Người khỏi thấy là chuyện không thể được. Từ muôn thuở cho đến muôn đời Người nhìn thấy tất cả. Chẳng có chi kỳ lạ trước mặt Người. Không có lý do gì để hỏi: "Chuyện gì thế?" và "Sao lại xảy ra?" Bất cứ cái gì được dựng nên cũng đều có công dụng” (Hc 39, 16-21).
Mỗi vật thụ tạo kiện toàn sứ mạng của mình theo Lời của Chúa. Nếu Lời thiêng liêng, lời tác tạo của Chúa vô hình, thì nó đã được biểu lộ trong kết quả tạo dựng của nó. Điều này cắt nghĩa tại sao người Do-thái xem “tiếng sấm” như biểu tượng cho “tiếng Chúa”.
“Hãy lắng nghe tiếng Người gầm thét và tiếng Người mở miệng thì thầm (...).. Thiên Chúa cho nổi sấm mà loan báo những kỳ công, Người thực hiện những việc lớn lao ta không hiểu thấu. Người ra lệnh cho tuyết: "Sa xuống đất đi!" Rồi bảo với mưa rào: "Rơi cho nặng hạt!” (G 37, 2-13)[1];
Người nam và người nữ,
được tạo dựng làm đối tác của Chúa
được tạo dựng làm đối tác của Chúa
Chính Thần Khí tác tạo, hơi thở sống động, hơi thở của sự sống, chính sự sống thánh thiêng ấy của Người, mà Người đã chuyển đạt cách đặc biệt cho A-đam. Thực ra các tác giả Kinh Thánh muốn xem con người như thành quả của một quyết định đặc biệt trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa: “Ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh của Ta”. Một vật thụ tạo khác biệt với các động vật. Thiên Chúa dựng nên con người như những đối tác có trách nhiệm để đối thoại được với họ. Nhờ ân huệ của lời và của Thần Khí, Thiên Chúa cho họ đi vào tương quan với Người. Như thế trong bản đại hòa tấu giữa muôn loài khác biệt này, con người, kẻ xuất hiện sau cùng, có một vị trí riêng biệt.
Với người Do-thái, “A-đam” mang một ý nghĩa cộng đồng. Có nghĩa là “người”. Chất liệu được dùng để tạo dựng nên thân xác (bâsâr) của người là đất sét[2].
“Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2, 7).
Thân xác này bất động bao lâu Thiên Chúa chưa thổi hơi (ruah) của Người để từ đó nẩy sinh sự sống (néphésh).
“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1, 27).
Hữu thể bằng đất sét, loài người gồm Nam và Nữ. Con người phải có hai giới tính để trở thành hình ảnh của Thiên Chúa. Nó phải sai mắn để sinh sản ra những con người đồng loại khác. Nếu không, một ngày nào đó, sự sống đã được ban tặng sẽ cùng nó biến mất. Nó phải sinh sản ra đầy mặt đất này. Sự khác biệt giữa người nam và người nữ là do ý muốn của Chúa, không phải chỉ để sinh sản ra con người đồng loại, vì việc này không được dành cho phái Nam , mà nhất là để trở thành một hữu thể của đối thoại. Con người chỉ có thể sống và trưởng thành được trong tương quan, giống hình ảnh Đấng tạo dựng ra nó.
Kinh Thánh không nói tại sao, trong sự tự do diệu vời của Người, Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ và con người, nhưng các tác giả Kinh Thánh, được Thần Khí linh hứng, luôn đặt vũ trụ vạn vật vào trong một lịch sử, đó là lịch sử ơn cứu độ. Toàn thể vạn vật được coi như giai đoạn đầu trong kế hoạch tình thương của Chúa. Mỗi vật thụ tạo đều có cùng đích của nó. Nếu Thiên Chúa “kêu gọi” nước hay bầu trời với các vì tinh tú, cũng là để chúng phục vụ con người. Trọn bài tường thuật về việc tạo dựng của Thiên Chúa đều hướng về con người.
Còn con người, được tác tạo giống hình ảnh Thiên Chúa vì một lý do khác, đó là để chế ngự không gian và mang trách nhiệm đối với mọi sinh vật khác. Con người có trách nhiệm đối với sự sống trong vũ trụ. Đây mới là vai trò chính của con người trên địa cầu này.
“Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8, 6-7).
đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8, 6-7).
Vạn vật cũng là một lời cho tương lai, một lời hứa cho sự sống:
“Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất." Thiên Chúa phán: "Ðây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất (...). Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu” (St 1, 28-31).
Như thế, Kinh Thánh không định nghĩa con người, nhưng đặt cho con người một vị trí đối với Thiên Chúa, đối với vũ trụ và với anh em đồng loại. Chính bởi phẩm chất tương quan của mình, mà hữu thể người trở nên hình ảnh của Chúa, cùng đích nó phải nhắm tới.
Kinh Thánh nhấn mạnh việc Thiên Chúa ngắm nhìn muôn loài thụ tạo và cảm nhận được một niềm vui lớn lao. Tác giả sách Sáng Thế đã lặp lại bảy lần: Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Và việc tạo dựng con người còn tăng niềm vui ấy lên gấp bội. Người thấy kết quả công trình sáng tạo vũ trụ của mình là tốt đẹp, đến lượt con người, Thiên Chúa đã cho là rất tốt đẹp.
“Lạy Thượng Ðế của bậc tổ tiên, lạy Ðức Chúa từ bi lân tuất, Chúa dùng lời Chúa mà tác thành vạn vật dùng sự khôn ngoan Chúa mà cấu tạo con người, để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên” (Kn 9, 1-2).
Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa sáng tạo là nguồn gốc duy nhất của thế giới vạn vật, mà không lẫn lộn với vật thụ tạo. Người là cội nguồn của sự sống. Ta không hề thấy dấu vết thuyết phiếm thần trong Sách Thánh.
“Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,
và chính Người đúng bữa cho ăn.
và chính Người đúng bữa cho ăn.
Khi Người rộng mở tay ban,
là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê” (Tv 145, 15-16).
là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê” (Tv 145, 15-16).
Người nam và người nữ được hợp tác với quyền năng tác tạo của Chúa, dù không phải là thần thiêng. Thiên Chúa không ganh tỵ với chức năng ấy của con người, bởi chính Người đã trao ban sứ vụ ấy cho họ: Người còn mời con người “đặt tên” cho mọi loài cây cỏ và động vật, để nhấn mạnh vai trò quản lý của họ trên vạn vật. Chính vì hai động từ thống trị và phục tùngnày mà đôi khi người ta gán cho Do-thái-Ki-tô giáo trách nhiệm về thái độ “cướp bóc” của con người đối với thiên nhiên.
Chắc hẳn chúng ta phải công nhận rằng các tín hữu Tây Phương đã cổ võ một cái nhìn quá chú trọng vào con người, tách con người ra khỏi toàn thể vạn vật. Nhưng dù sao, lời mời gọi “phục tùng” và “thống trị” địa cầu không có nghĩa là có quyền khai thác bừa bãi mọi tài nguyên của trái đất, nhưng là phải biết khắc phục và qui hướng chúng. Với những kỹ thuật hiện đại, con người càng có thể khắc phục thiên nhiên, thì đồng thời càng phải biết đảm bảo sự chế ngự chính khả năng của mình, để không phải nhường bước trước tất cả những gì là thái quá hay bất cập.
Chúng ta không phải là những “chủ nhân” của trái đất, mà là người “làm vườn” của địa cầu, những người làm vườn có óc sáng tạo và trách nhiệm, với sứ vụ tổ chức, qui hướng vạn vật tới sự thể hiện cùng đích của chúng: “Trời mới và đất mới”, tặng phẩm cuối cùng này của Thiên Chúa sẽ trọng thưởng cho mọi lao công của chúng ta hôm nay.
Ta còn thấy đối với tác giả Kinh Thánh, Thiên Chúa cũng là chủ lịch sử. Trong Sách Thánh, ta thường thấy Thiên Chúa can thiệp vào hầu hết mọi biến cố. Nên phải cần có thời gian để ta khám phá ra rằng con người không phải là những “con rối” do Thiên Chúa giật dây, như trong một màn biểu diễn “múa rối”! Nhưng Thiên Chúa luôn để cho vật thụ tạo của Người, nhất là con người, một không gian sáng tạo, vì Chúa luôn tôn trọng tự do của chúng ta.
Sáng tạo, một động tác thường hằng
Ta đọc trong sách Sáng Thế: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất”. Mới đọc lên ta tưởng như việc sáng tạo đã hoàn tất, Thiên Chúa không còn phải bận tâm gì đến vật thụ tạo của Người nữa. Lối nhìn này đúng là không tôn trọng mầu nhiệm Thiên Chúa, như Người đã tự tỏ mình. Chính Thầy Giê-su cũng đặt sứ vụ của mình trong sự tiếp nối kế hoạch sáng tạo của Cha: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 17).
Động tác sáng tạo của Thiên Chúa không phải là một động tác đóng khung trong thời gian, trong quá khứ, từ một cái “búng tay” khởi đầu mà người ta có thể nhận diện thế giới hôm nay so với tình trạng hỗn mang ban đầu, theo quá trình tiến hóa của vũ trụ. Đối với tác giả Kinh Thánh, “lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo” không đẩy lùi Thiên Chúa vào một quá khứ xa vời, mà ý muốn nói lúc khởi đầu của mọi sự, mọi sự cho hôm nay cũng như mọi sự đã qua.
“Cỏ héo, hoa tàn, nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững” (Is 40, 8).
Sự sáng tạo là một động tác thường hằng. Lời của Chúa giữ chúng ta trong sự hiện hữu. Toàn thể vũ trụ chỉ có thể tiếp tục tồn tại, có được sự hài hòa trong “hơi thở của Chúa”, “Lời sống động” của Người luôn luôn sinh động. Không ngừng tiếp tục điều hành mọi tinh tú trên trời, cũng như nước từ vực thẳm và toàn thể các hiện tượng trong thiên nhiên.
Người tống đạt lệnh truyền xuống đất,
lời phán ra hoả tốc chạy đi.
lời phán ra hoả tốc chạy đi.
Tuyết tựa lông chiên, Chúa trải dài,
sương giá như tro, Người rải rắc.
sương giá như tro, Người rải rắc.
Làm mưa đá, Chúa tung từng miếng nhỏ,
chịu nổi làm sao giá lạnh của Người!
chịu nổi làm sao giá lạnh của Người!
Chúa phán một lời là băng giải tuyết tan,
thổi gió lên nước liền tuôn chảy.
thổi gió lên nước liền tuôn chảy.
Chúa bày tỏ lời Người cho nhà Gia-cóp,
chiếu chỉ luật điều cho Ít-ra-en”
(Tv 147, 15-19; x. G 37, 5-13)
chiếu chỉ luật điều cho Ít-ra-en”
(Tv 147, 15-19; x. G 37, 5-13)
Nhưng, nhất là Lời ấy còn là lương thực hằng ngày của con người. Chính Lời ấy gìn giữ con người trong sự sống.
“Người đã bắt anh (em) phải cùng cực, phải đói... ngõ hầu làm cho anh (em) nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Ðức Chúa phán ra” (Đnl 8, 3).
“Không phải hoa trái nuôi dưỡng người ta, nhưng lời Người mới giữ gìn chăm sóc những ai hằng tin tưởng vào Người” (Kn 16, 26).
Nhờ hơi thở của Lời mà Thiên Chúa thực hiện kế hoạch tình thương cho dân Người. Lời luôn thực hiện những gì do Lời loan báo, từ những biến cố lịch sử, mọi thực tại trong vũ trụ, đến việc kiện toàn kế hoạch cứu rỗi. Lời tiếp cận với dân như một sứ giả linh động.
“Chúa Thượng đã gửi một lời đến Gia-cóp, lời ấy rơi xuống Ít-ra-en” (Is 9, 7).
“Trong mọi lời tốt lành Ðức Chúa đã phán với nhà Ít-ra-en, không một lời nào ra vô hiệu: mọi lời đều ứng nghiệm” (Gs 21, 45).
“Có lời Ðức Chúa phán với tôi rằng: "Giê-rê-mi-a, ngươi thấy gì?" Tôi thưa: "Tôi thấy một nhánh "cây canh thức". Ðức Chúa liền phán với tôi: "Ngươi thấy đúng, vì Ta đang canh thức để thi hành lời Ta” (Gr 1, 11-12).
Con người, thợ làm vườn
chứ không làm chủ vũ trụ vạn vật
chứ không làm chủ vũ trụ vạn vật
Trong cái hôm nay của Thiên Chúa, động tác sáng tạo là thường hằng và sinh động luôn vượt trên thời gian. Thiên Chúa đã không muốn tạo dựng một vũ trụ hoàn tất, mà tiếp tục mời gọi sự tự do của chúng ta cộng tác, ngay bây giờ, với công việc sáng tạo và cùng Người kết thúc công trình tác tạo còn dở dang này.
Một phần nào, đó chẳng phải là ý nghĩa một số dụ ngôn của Đức Ki-tô, khi nói về một ông chủ trước khi đi xa, trao của cải cho những người giúp việc, để lúc trở về “gọi họ tính sổ” đó sao? (Mt 21, 33). Từ đó ta có thể nhận ra thánh ý Thiên Chúa tạo hóa, vì nâng đỡ vật thụ tạo mà chấp nhận bị lu mờ trước quyền tự do của các loài thụ tạo của mình. Và dáng vẻ bên ngoài như “rút lui” kia, đã chẳng là dấu chứng Người đã trân trọng con người, tin rằng nó có thể quản lý tốt mọi vật để đưa chúng đến kiện toàn đó sao? Như dụ ngôn về các nén bạc gợi ý, con người phải có khả năng thẩm định giữa nhu cầu chấp nhận rủi ro để thăng tiến và giữ nguyên tắc để đề phòng.
Các tác giả Kinh Thánh không tìm cách mô tả màu nhiệm của động tác sáng tạo – thế giới vạn vật tiến hóa thế nào, là phần việc của nghiên cứu khoa học – nhưng họ đặt con người vào giữa kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa tạo hóa. Ngoài một số người Mỹ theo chủ thuyết cơ bản, ngày nay vẫn tin rằng thế giới đã được tạo dựng trong bảy ngày, rằng người nam đầu tiên đã được hạ sinh bởi một người nữ!
Nếu con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, tất nhiên con người cũng được thông dự vào quyền năng tác tạo của Người. Và mọi thành tựu của chúng ta chỉ có thể làm Thiên Chúa hoan hỷ, với điều kiện duy nhất là những thành tựu kia phải hợp tác vào sự kiện toàn kế hoạch yêu thương của Người. Vì qua Lời Chúa được linh hứng cho con người, Người tự biểu lộ và đồng thời biểu lộ căn tính cũng như cùng đích của con người. Lời Chúa không phải là một thứ luật độc đoán, nhưng là một khuôn thước cho sự sống. Lời ấy cho ta những điểm qui chiếu, mà ngoài những mốc điểm này, con người có thể tự hủy diệt và hủy diệt luôn cả vạn vật. Lời Chúa hé mở ý nghĩa của những gì hiện hữu và cũng gói ghém một lời hứa cho tương lai. Lời Người vừa tác tạo vừa mạc khải.
Bởi vì, con người cũng có thể dùng quyền năng do Chúa trao phó, để tiêu diệt chính môi trường sinh sống của mình, hay để phục vụ anh em đồng loại. Cái quyền “thống trị” vũ trụ đúng là một trách nhiệm đảm bảo cho tương lai của chính mình và của toàn thể nhân loại.
Đứng trước những nguy hiểm ô nhiễm môi trường: không khí, trái đất hay sông nước, phong trào “sinh thái” chắc chắn đã đóng góp vào việc thức tỉnh lương tâm về trách nhiệm của con người trên toàn thể mọi vật thụ tạo. Con người phải biết tự nhắc nhở rằng mình chỉ là thợ làm vườn của vũ trụ, chứ không làm chủ. Nếu Thiên Chúa tạo hóa đã ban cho chúng ta một chức năng lớn lao trên mọi vật thụ tạo, chính là để ta trân trọng và phục vụ vạn vật, chứ không để ta lạm dụng chúng.
Cũng vì thế mà ngày nay chúng ta được mời gọi sống một cách giản dị hơn. Có quá nhiều người tiêu xài, mua sắm, tiêu thụ một cách phóng túng, bừa bãi. Ai cũng chạy đua đến với cái “hơn nữa! Hơn mãi!”, sự tàn phá tài nguyên thiên nhiên ngày nay đã đạt tới giới hạn cuối cùng của nó rồi. Một nhu cầu khẩn trương cho con người thời đại là phải sớm tìm ra một cách tiêu dùng hợp tình, hợp lý hơn.
Tất cả chúng ta đều biết rằng có sẵn đó, những giải pháp giúp con người sống tốt hơn, mà không cần phải từ bỏ tư tưởng tiến bộ, hay mọi hình thức sáng tạo cần thiết. Chỉ cần chúng ta sống bằng thái độ hài hòa với mọi người, ít mang tính cướp bóc đối với thiên nhiên và môi trường hơn. Về phía chính quyền cai trị, cũng như tư cách cá nhân, mọi người đều có bổn phận tìm kiếm “một sự phát triển toàn diện cho một tương lai lâu bền hơn”, như bảng đúc kết rất giá trị của “Hội Nghị các ki-tô hữu về toàn cầu hóa” đã ghi nhận[3]. Chỉ vì cách thức phát triển hiện nay không lâu bền, cũng không phổ quát. Chúng ta phải phát minh ra một quan niệm mới về tình liên đới giữa các dân tộc trên địa cầu, cũng như giữa các thế hệ con người.
Công cuộc sáng tạo và lịch sử cứu độ,
chỉ là một động tác sinh động
chỉ là một động tác sinh động
Cái nhìn của Kinh Thánh về việc sáng tạo chẳng bao giờ là kết quả của một tư duy tri thức, nhưng là một kinh nghiệm hiện hữu. Thiên Chúa của Kinh Thánh vừa là Đấng Tác Tạo, vừa là Đấng Cứu Thế. Ta đã thấy rõ sự toàn thắng của Thiên Chúa trên những hỗn độn, được xem là một khởi đầu, giai đoạn thứ nhất của lịch sử cứu độ, của mạc khải về kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa muốn đem hạnh phúc cho con người.
Ta không được tách rời công cuộc sáng tạo ra khỏi toàn thể lịch sử cứu độ. Ki-tô hữu, dưới ánh sáng của sự kiện Đức Giê-su Ki-tô chết và sống lại, đã khám phá ra rằng chương trình của Thiên Chúa là một tổng thể được cấu kết chặt chẽ với nhau, mà ta không thể phân cách mầu nhiệm của việc sáng tạo ra khỏi mầu nhiệm cứu chuộc.
“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Trong Ðức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Ðức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1, 3 tt).
Mặc dù thảm kịch của tội lỗi, Thiên Chúa vẫn tiếp tục dự án tác tạo của Người. Nhưng việc tác tạo thường hằng kia đã thở thành “vượt qua”, vì con người đã từ chối hợp tác vào hành động tạo dựng của Thiên Chúa.
Đối với một ki-tô hữu, Đức Ki-tô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, chính là con tim của công trình sáng tạo, đang trên đường tiến tới hoàn tất và giải thóat. Những văn bản tân ước đều nhấn mạnh Đức Ki-tô là khởi điểm, là trung tâm và là cùng đích của mọi sự. Chính Người đem ý nghĩa đến cho mọi loài thụ tạo. Thiên Chúa Cha đã tác tạo mọi sự vì Con và cho Con! Ngay khi khởi đầu cuộc hành trình với vũ trụ, Cha đã liên tưởng đến việc nhập thể của Con, của Ngôi Lời. Tất cả đã được tạo dựng để tiếp đón Con Người!
Trường phái của thánh Phao-lô đã suy gẫm lâu dài về vị thế hàng đầu và phổ quát này của Đức Ki-tô. Người là Trưởng Tử của mọi loài thụ tạo và là Con Người Hoàn Thiện, là khởi đầu và là kết cuộc của việc sáng tạo. Bởi mầu nhiệm nhập thể, Đức Ki-tô đã nâng cao phẩm giá của chính vật chất lên.
“Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo. Vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình và vô hình... tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1, 15 tt).
Ta không biết làm thế nào Thần Khí đã vạch ra một lối đi, từ lúc xuất hiện các tinh tú trên trời, cho đến tận con người tư duy trên mặt đất. Làm sao, từ vật thể, phát hiện ra ý thức của một hữu thể có khả năng nói lên tiếng “tôi”. Ta vẫn phải công nhận rằng một trong những đặc thù lớn nhất của tư tưởng Kinh Thánh là khái niệm rất sinh động về việc sáng tạo vũ trụ. Đó cũng chính là điều khác biệt giữa Kinh Thánh với các nền văn hóa cổ xưa và các tôn giáo khác trên mặt đất.
Với dân Hy-lạp, bánh xe lịch sử, cứ mỗi trăm năm, đều phải quay trở lại. Vì thế “Không có gì mới mẻ dưới bầu trời!” Và con người phải quy thuận theo định mệnh (fatum). Trong Ấn giáo, thì việc sáng tạo cũng phải thuần phục theo bánh xe lịch sử, nhưng nó lại không có khởi đầu cũng chẳng có cùng tận.
Còn trong Kinh Thánh, với Giao Ước, kèm lời hứa với Áp-ra-ham cho một Đất Hứa – Đất Hứa này trở thành Vương Quốc của Thiên Chúa, với sự tham dự, thông phần vào đời sống của Thiên Chúa mà Đức Giê-su Ki-tô loan báo -, dân trong Kinh Thánh là dân tộc đầu tiên đã cho lịch sử một ý nghĩa, một định hướng. Đó là điều mà các khoa học hiện đại muốn xác minh bằng lý thuyết của việc tiến hóa. Sự sáng tạo không phải là một chu kỳ, mà là để hướng về một mục đích, nó được ghi khắc trong một lịch sử năng động. Những lời hứa có tính thiên sai của các ngôn sứ, còn bao hàm cả một tương lai như một cuộc tái tạo mới mà ngôn sứ I-sai-a đã viết cho dân bị lưu đày:
“Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa” (Is 65, 17 tt).
Con người phải nhân bản hóa cái thế giới
mà Thiên Chúa muốn thăng hoa
mà Thiên Chúa muốn thăng hoa
Nếu Đức Ki-tô Hiển Dung đã trở thành Người hoàn hảo về mặt lịch sử cho con người, thì thụ tạo mới được tái tạo kia vẫn còn đang được cưu mang, để mỗi người chúng ta phải liên đới với nhau cho việc hạ sinh này.
“Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người (...) Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8, 19-22).
Sự hiệp nhất và hài hòa của vạn vật không phải là trong quá khứ huyền thoại, một thiên đường nguyên thủy đã mất, nhưng là hoa trái của một giao ước, một lời hứa đang được thực hiện. Ý niệm về thế giới của Ki-tô Giáo, không phải là một thế giới thơ mộng tình tứ, mà là một thế giới đang được kiến tạo cho việc hòa giải, một thế giới đang được cưu mang, đang đau đớn như nỗi đau của một việc hạ sinh, được giải thóat và sinh động bởi tình yêu Đức Ki-tô Đấng Cứu Chuộc. Sự giải thóat và thăng hoa của con người đang được toàn thể vật thụ tạo chờ mong. Tội lỗi của con người đã làm vật thụ tạo bị tổn thương, đổ vỡ sự hài hòa. Khi con người lãng quên Đấng Tạo Hoá, nguồn sống của mình, nó cũng kéo theo một phần vật thụ tạo ra khỏi quỹ đạo tình yêu, biến chất bản tính của nó.
Thiên Chúa không phải là một quyền lực ma thuật, tác động bằng những sự can thiệp lạ lùng. Lời Người, sức mạnh của tình yêu chỉ có hiệu lực khi con người tiếp nhận nó. Nó luôn hiện diện trong con người để hành động, chỉ cần con người đi xuống chiều sâu của chính mình. Thiên Chúa chỉ có thể tác động theo mức độ cởi mở của chúng ta cho Lời Người.
Chính khi tiếp nhận Thần Khí, ngày qua ngày, mà con người dần dần nhân bản hóa từ những bản năng, xu hướng, tương quan, đô thị, làng mạc, mọi cấu trúc kinh tế xã hội và toàn thế giới, đến chính bản thân mình. Con người chúng ta được mời gọi “nhân bản hóa” mọi loài thọ tạo, để chuẩn bị cho việc thăng hoa tối hậu, là công trình của Thiên Chúa cho biến cố cuối cùng của Đức Ki-tô.
[1] xem Tv 29).
[2] A-đam có nghĩa là có màu đất, vàng nâu, màu đất sét (adâmah), từ đó con người được nặn ra.
[3] Chúng tôi nhiệt liệt khuyến khích đọc cuốn sách này: Assises chrétiennes de la mondialisation, Livre blanc. Dialogues pour une terre habitable. Paris, Bayard, 2006. Đó là tổng kết sáu năm hội họp làm việc của nhiều phong trào ki-tô giáo.
HDGMVN
HDGMVN