Khái quát về địa lý và dân cư Gx. Lộc Thủy


PHẦN I
KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA LÝ KINH TẾ VÀ DÂN CƯ
Từ quốc lộ 1A rẽ sang đường về Bãi ngang đi về hướng đông, qua cầu Quỳnh Bảng, ta sẽ bắt gặp một Thánh Đường với tháp chuông vút cao, nổi bật giữa hai cộng đồng dân cư sầm uất, nằm dọc theo hai bờ dòng sông Mai giang hiền hòa uốn lượn. Tiếng máy nổ rì rầm từ những guồng quay của các ao nuôi tôm, hòa vào tiếng gió đại dương , tạo nên âm thanh thịnh đạt của một làng quê đổi mới, đang vươn lên trong cuộc sống thanh bình.
Đó là Giáo xứ Lộc thủy_ Giáo phận Vinh, thuộc xóm Mai Giang_ xã Quỳnh Bảng_ huyện Quỳnh lưu_ tỉnh Nghệ An.
Từ rất xa xưa, vùng đất này có tên là Cồn Tro thuộc khu vực Bến Nậy. Thời bấy giờ Bến Nậy có một địa giới bao la. Bắt đầu từ Giáo họ Cự Tân đi ra hướng bắc đến xóm Đò Hủ ( Xuân An) rồi quay ra hướng đông đến bờ sông Mơ, và dọc theo dòng sông này đi qua Cồn Tro ( Lộc Thủy), lại trở về ngã ba, nơi giáp giới sông Mơ và sông Bến Nậy, tiếp tục về hướng nam đi qua Đò Mơ ( Hiền Môn) tới Chùm Bụ, Chòm Doi ( Tân Yên) và còn xuống mãi cho đến Chòm Ông Hiêng ( Quý Hòa) Chòm Văn Phú ( Mành Sơn). Đó là một vùng sác sú sông ngòi hoang dã.
Theo lời các bậc vĩ vọng trong làng, thì vào khoảng năm 1650 mới có dấu tích những nhóm người di cư đầu tiên tìm đến nơi đây để làm ăn sinh sống. Nhóm người này tụ tập từ nhiều nơi; họ là những người ở các vùng lân cận đến sống dọc theo các bờ song, làm ăn trên mặt nước. Tuy cùng nhau làm ăn, nhưng nhóm của làng nào vẫn theo làng đó. Tối đến, họ chèo ghe về khúc sông Cổ Bù Hốc Vọng – gọi là Bến Nậy, quay quần với nhau ở đó. Mãi đến sau này, thấy người tập hợp đông dần lên, họ mới lập thành thôn xóm.
Dần dần, một số lớn ngư dân từ các làng Quỳnh Đôi, Thạch Động, Phú Đa, Thượng Yên, Diễn Châu, Hà Tĩnh, Thanh Hóa cũng kéo đến sống dọc theo các bờ song rạch này làm ăn và gia nhập vào thôn xóm, tạo thành một cộng đồng dân cư ngày càng đông đúc.
Đến khi dân Đồng Giá ( Thạch Động) lập tiểu thôn “ Cây Dã Điếm” thì dân Bến Nậy cũng lập “ Trúc Vọng phường”.
Bất cứ dân nào làm nghề trên dòng sông Mơ đều nhập vào “ Trúc Vọng phường” này. Do đó, Trúc Vọng phường hầu như không có địa phận cụ thể ( hữu cơ vô điều: có chỗ ở, nhưng không có ruộng cày) dân cư tản mác mỗi người mỗi nơi, sống bằng nghề chài lưới dọc theo song rạch từ cửa Càn ( Cờn Hải) cho đến Cửa Quèn ( Quyền Môn).
Cũng theo lờ kể của các vị Bô lão, thì trước khi cha con ông Trần Hiếu Bạch đắp con đê vào đầu thế kỷ 20 thì các ghe mành cỡ lớn từ các hải cảng ở Thanh Hóa, Hải Phòng, Nhượng sót?lót?…tấp nập tìm đến Lạch Cờn và Lạch Quèn là hai cửa biển lớn của vùng Quỳnh Lưu, để vào Bến Nậy mà trao đổi hàng hóa.
Ngày nay, mỗi khi đứng trên con đê Ông Trần dõi mắt nhìn ra một vùng đồng bằng bao la với những xóm làng trù phú, ta không khỏi bùi ngùi nhớ về một khúc quanh lịch sử và về một con người:
Vào năm 1925, có ông Trần Hiếu Bạch và con ông là Trần Thúy Doanh, quê ở tỉnh Nam Định là một gia đình giàu và có óc kinh doanh. Nhận thấy vùng đất này , nếu ngăn được nước mặn, thì có thể cải tạo nó thành một vùng đồng bằng màu mỡ. Thế là hai cha con ông đã dốc hết khả năng, tiền bạc để thuê người đắp một con đê từ bến Đò Mơ ra tới Đò Hủ và kéo dài tận bờ sông Mai, dài vào khoảng 12 km.
Chuyện kể rằng, khi đắp con đê này, cha con ông đã phải điều đình khá vất vả với quan huyện Quỳnh Lưu và dân làng Quỳnh Văn ( Quỳnh Tụ) để được chấp nhận.
Con đê được khởi công từ 1925 cho đến năm 1931 mới hoàn thành. Nhưng sau đó, một hiện tượng đảo lộn môi trường sinh thái đột ngột xảy ra: Các loại sinh vật sống trong nước mặn trước đây như tôm, cá gần như bị tuyệt chủng, các loại thảo mộc như sú, vẹt đều bị chết, chim, cò không về nữa, lúa má cũng không cấy được vì đất còn chua mặn.
Bởi vậy, một số lớn dân cư trong vùng lần lượt bỏ quê đi rải khắp 12 trang trại là Đồng Lèn, Đất Thịt, Đồng Ải ( Quỳnh Thắng ), Cồn Cả, Xuân Yến ( Nghĩa Đàn ), Rú Đất ( Hoàng Mai ), Trại Cát ( Đồng s/Lằng ), Trang Họ ( Quỳnh Trang ), Yên Hòa ( Quỳnh Vinh ), Nhất Mỹ, Thái Yên, Tĩnh Gia ( Thanh Hóa). Những hộ bám trụ lại thì phải đi làm thuê, mót khoai, lúa để sinh sống qua ngày. Về sau, nhân dân gọi đây là sự kiện “12 trang trại”. Trong thời kỳ này, có một số người chủ trương phá đê. Cố Long ( bố của ông Tụ – thọ 115, hiện ngụ ở xứ Đồng Tiến – Hàm Tân) là người đứng đầu tổ chức này. Ông bị bắt, giải lên huyện; sau nhờ cha Phụng xin mới khỏi bị tù!.
Khoảng 7 năm sau đó, đồn điền của ông Bạch mới thuần đất, thuần nước và trở nên phì nhiêu, chim cá nhiều vô kể. Những người bỏ làng ra đi nay lại lục tục trở về. Một số lớn dân các vùng lân cận cũng lần lượt đến lập nghiệp, tạo nên một cộng đồng dân cư đông vui sầm uất. Diện tích canh tác của ông Trần có khoảng 3100 ha. Năm 1940 – 1942, các xã xung quanh vì không có đất, khiếu kiện lấy được 1000 ha.
Đến 1954 – cải cách ruộng đất, gia đình ông Trần bị quy thành phần địa chủ, can tội chiếm hữu ruộng đất, ông Trần Thúy Doanh bị đấu tố cho đến chết, toàn bộ tài sản bị tịch thu, vợ con phải lang thang đó đây, tha phương cầu thực.
Điều may mắn nhất là trong những giờ phút cuối đời, ông Doanh đã được ông Đoài ( có người nói là ông Hiển và ông Tin Vững) rửa tội theo ý nguyện của ông.
Sau đó, ông Phan Cơ, bấy giờ là chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh đã cấp giấy phép cho vợ con của ông trở về quê quán.
Năm 1993, gia đình ông có trở lại xin lễ và bốc mộ ông đưa về quê hương.
Nguyện xin Chúa nhân lành đón nhận linh hồn ông vào nước của Tình Yêu và Vĩnh cửu.
Năm 1955, sau cải cách ruộng đất, nhà nước thu hồi toàn bộ đất đai và giao cho nông trường Trịnh Môn quản lý.
*******
Bây giờ, ta lại tìm hiểu về Cồn Tro – tức Lộc Thủy ngày nay – là một địa danh thuộc khu vực Bến Nậy.
Từ xa xưa, Cồn Tro vốn là một vùng đất cồn, hói như Hói Dứa, Hói Chẵn…Vào những năm cuối của thế kỷ 17 và những năm đầu của thế kỷ 18, có một số gia đình đến định cư trên hai cồn nổi, làm nghề chài lưới và bán tro nên từ đó vùng này có tên gọi là Cồn Tro. Nếu căn cứ vào gia phả các dòng tộc đang sinh sống trên vùng đất này, ta có thể tạm thời khẳng định những cư dân đầu tiên của Cồn Tro ( Lộc Thủy) được xuất phát từ 5 dòng tộc:
  1. Hoàng tộc:
  • Cụ Hoàng Khánh ( gốc Diễn Vạn) sinh ông Hoàng Kiên.
  • Ông Hoàng Kiên sinh được 3 người con là:
Hoàng Tầm ( sinh sống tại Giáo họ Cự Tân)
Hoàng Suất
Hoàng Sức.
Như vậy dòng họ Hoàng nếu tính từ cụ Hoàng Khánh là tổ phụ đến ông Hoàng Kiên và hai con ông là Hoàng Suất và Hoàng Sức thì đến nay đã được 10 đời, đều sống ở Cồn Tro – tức Lộc Thủy ngày nay.
  1. Hồ tộc:
  • Cụ Hồ Hớn ( gốc Quỳnh Đôi) về định cư tại Lộc Thủy đến nay truyền được 7 đời
  1. Lê tộc:
  • Cụ Lê Vêu ( gốc Thanh Hóa) truyền đến nay được… đời.
  1. Trần tộc:
  • Cụ Trần Dược ( gốc Quỳnh Thanh) tính đến nay đã truyền được 6 đời.
Ngoài ra còn có Nguyễn tộc từ Quỳnh Liên đến định cư cũng truyền được 4 đời.
Về sau còn có một số người họ Cù, họ….đến gia nhập, tạo nên một cộng đồng dân cư sầm uất như ngày nay.
Hiện nay, dân Lộc Thủy hầu hết sống bằng nông nghiệp, chăn nuôi lẻ tẻ và kèm theo nghề đánh bắt cá gần bờ ( thường gọi là nghề lộng).
Có một số gia đình sản xuất tôm giống và đào ao nuôi tôm, nghề này đòi hỏi đầu tư nhiều vốn, tuy có thu nhập khá cao, nhưng cũng rất bấp bênh do khí hậu, thời tiết và dịch bệnh thất thường.
Cũng bởi đất hẹp, người đông, sản xuất manh múa, thu nhập thấp, không đáp ứng kịp những nhu cầu sinh hoạt trng thời đại mới, nên đa số bạn trẻ phải rời làng đi làm ăn xa. Có một số gia đình vào định cư lập nghiệp tại miền nam Việt Nam.
Nhưng người dân Lộc Thủy dù đi bất cứ nơi đâu, tâm hồn vẫn luôn hướng về và gắn bó với quê hương xứ sở.
Nếu ai đó đã có một lần đến thăm Lộc Thủy, khi đứng từ trên đê Ông Trần nhìn xuống một làng quê bình dị hiền hòa; hay những buổi bình minh, khi những tia nắng đầu ngày lăn tăn nô đùa trên sóng biếc, đứng trên Bãi ngang, nghe tiếng gió đại dương dào dạt hòa theo giai điệu bổng trầm vi vút từ những rừng phi lao, ngắm nhìn những con tàu bập bềnh nhấp nhô trên sóng, từ Hòn Bảng đến Xuân An, sẽ thấu hiểu tâm tình người Lộc Thủy vì sao không muốn rời làng.
Thi thoảng vài con tàu lác đác vào bờ với lượng cá không nhiều; chợ cá nơi đây nhẹ nhàng mua bán, không chen lấn, ồn ả, tranh giành, càng khiến ta hiểu sâu hơn tính cách thật thà, chất phác, đơn sơ, cần cù, chịu khó. Chịu thương, đã thẩm thấu vào con người Lộc Thủy không biết tự bao đời.
Phải chăng, cũng do tính cách đó mà năm 1954, trong phong trào đồng bào Công giáo ồ ạt di cư vào miền nam, dù ở vị trí cửa lạch vô cùng thuận lợi, dân Lộc Thủy chỉ có 12/65 gia đình chuyển vùng. Và cho đến nay, hơn nữa thế kỷ đã qua, các thế hệ kế tiếp của 12 gia đình này vẫn luôn tự xem như là một bộ phận không thể tách rời của Lộc Thủy.

Post a Comment

Previous Post Next Post