Hoàng Anh Dũng - Một tấm lòng dưới đôi tay tài năng



 
ImageTôi từng đọc câu chuyện ngụ ngôn về ngọn nến, bất giác tôi nghĩ tới câu “Nếu có một đôi mắt, một đôi tay, một trái tim hãy để đôi mắt ấy nhìn ra lẽ phải, đôi tay ấy được lao động miệt mài và trái tim được cho đi lòng yêu thương đến nhịp đập cuối cùng”. Tôi tự hỏi “Bác sĩ Hoàng Anh Dũng là một người như vậy?”
Sinh ra trong một gia đình y khoa, anh trở thành một bác sĩ. Điều này không lạ bởi đó là sự tiếp nối thống gia đình. Nhưng có phải ai cũng theo được cái nghề đòi hỏi một tình yêu, một tâm huyết lớn lao này hay không?
Thật không đơn giản!
Năm 1980 sau khi tốt nghiệp, anh đã về đầu quân cho khoa Ngoại bệnh viện Quảng Ngãi – nơi cha anh đã tiên phong đi xây dựng. Mười năm gắn bó với khoa ngoại, bác sĩ Dũng không chỉ chữa bệnh mà còn học hỏi kinh nghiệm, hun đúc trong mình một chữ TÂM.
Năm 1990, Hoàng Anh Dũng sang Bỉ đoàn tụ cùng gia đình. Một cuộc sống mới lại bắt đầu nơi đất khách quê người. Anh bắt đầu bằng đủ thứ nghề: lau chùi nhà, rửa chén bát, phục vụ quán ăn, nhân viên các Viện dưỡng lão…Có những khi nản lòng cũng muốn bỏ nghề, cũng muốn kiếm tìm một cuộc sống thảnh thơi hơn. Nhưng đã là cái nghiệp muốn bỏ cũng không được.
Anh tiếp tục xin đi học lại. Nhờ bằng tốt nghiệp Y khoa Việt Nam và hành nghề Y trong suốt 10 năm, Hoàng Anh Dũng được hội đồng xét duyệt miễn giảm 5 năm. Chỉ sau 2 năm anh đã lấy được bằng Y khoa tổng quát của Đại học ULB.
Vào năm 1999, Hoàng Anh Dũng đã cùng 3 đồng nghiệp người Bỉ khác được nhận thử việc tại khoa ghép tạng của bệnh viện Erasme. Sau đó 2 năm, anh là người duy nhất được giữ lại. Đến tháng 4/2004, bác sĩ Hoàng Anh Dũng được bổ nhiệm làm Phó khoa ghép thận của bệnh viện, sớm hơn 2 năm so với qui định.
Khi nhắc tới quá trình công tác của bác sĩ có lẽ ta phải nói bằng cả sự thán phục bởi anh chưa một lần thất bại trong cấy ghép thận. Để đạt được trình độ đó không thể không kể tới những năm tháng khổ luyện cấy ghép tim, gan, thận cho biết bao chú lợn, đồng thời làm việc không công cho các phòng thí nghiệm.
Ngay khi nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ ngoại khoa tại Bỉ, bác sĩ Hoàng Anh Dũng đã trở về Việt Nam cùng với một số giáo sư chuyên về tim mạch và một bác sĩ ngoại tiêu hoá để liên hệ giúp đỡ bệnh viện trong nước.
Trong thời gian đó, nhận thấy chương trình phòng chống ung thư trong nước gặp rất nhiều khó khăn, bác sĩ cùng với bác sĩ Issam El Nakadi tìm cách lên kế hoạch và xây dựng lại công trình chống ung thư ở Huế. Dự án đã được cộng đồng nói tiếng Pháp tại Bỉ tài trợ với kinh phí lên tới 380.000 euro trong thời gian bốn năm (2001-2005). Mỗi năm có 6 đến 8 bác sĩ tại Bệnh viện trung ương  Huế và Trường Đại học Y Huế sang Bỉ thực tập.
Với sự hỗ trợ nhiều mặt của bác sĩ Hoàng Anh Dũng, tháng 3/2006, trung tâm ghép thận thứ 10 của Việt Nam với quy trình hoạt động, kỹ thuật, phác đồ điều trị thuốc ức chế miễn dịch tương tự như tại bệnh viện Erasme. Không dừng ở đó, cuối năm 2006 cùng với TS Trần Ngọc Sinh bàn bạc cho ra đời thêm hai trung tâm ghép thận vào đầu năm 2007 tại Bệnh viện đa khoa Quy Nhơn và bệnh viện đa khoa Kiên Giang.
Đồng thời bác sĩ Hoàng Anh Dũng còn trao tặng Bệnh viện đa khoa Kiên Giang bốn container trang thiết bị y tế trị giá trên 160.000 euro. Số thiết bị y tế trị giá hàng chục ngàn euro, có khi là những loại thuốc đặc trị đắt tiền, máy chạy thận nhân tạo, trang bị phẫu thuật, giường đa năng…
Bà Phan Thuý Thanh - Đại sứ Việt Nam tại Bỉ có nói “Hoàng Anh Dũng là một trong những bác sĩ ghép tạng giỏi nhất của Bỉ và châu Âu. Anh đã có đóng góp lớn trong việc đưa khoa ghép thận tại Việt Nam phát triển cũng như đưa bác sĩ Việt Nam sang học tập tại Bỉ. Dù vậy, hầu như anh ấy rất ít khi nói về mình cũng như đống góp của mình cho đất nước.”
Tấm lòng mà bác sĩ Hoàng Anh Dũng dành cho quê hương, cho cộng đồng người Việt không lời nào kể xiết. Không chỉ là những trang thiết bị mà còn là tấm lòng, còn là sự sống hồi sinh dưới bàn tay tài năng của vị bác sĩ luôn lấy chữ TÂM làm đầu. Vinh danh nước Việt 2006 tự hào nhắc tên anh.
<Thu Hiền tổng hợp>
Previous Post Next Post