Khi “lang thang” trên internet, đôi khi người ta gặp được những điều bất ngờ thú vị. Trong số “Những Hình Ảnh Thương Tâm Nhất Năm 2011” của Trần Việt Trình đăng trên internet, có một tấm hình có thể “xoáy” vào lòng người bằng nỗi thương cảm sâu sắc: Một cụ già ốm yếu ngồi bán những mớ rau để mưu sinh.
Tấm hình “bà cụ” có kèm theo một câu chuyện được lan truyền rộng rãi và gây xôn xao giới cư dân mạng cả trong nước lẫn ngoài nước hồi cuối năm 2011. Câu chuyện đó thật cảm động và khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều... Câu chuyện ấy như sau:
– Ăn rau không, chú ơi?
Một giọng khàn khàn, run run làm gã giật mình. Trước mắt gã, một bà cụ già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn gã, bên cạnh là mẹt rau với vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy.
– Ăn hộ tôi mớ rau...!
Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người. Mới buổi sáng sớm. Bần thần một lát, rồi gã chợt quay đi, đáp nhanh: “Dạ cháu không bà ạ!”. Gã muốn nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi gã quên cái cảm giác ấy rất nhanh. “Mình thương người thì ai thương mình?”, cái suy nghĩ ích kỷ ấy lại dấy lên trong đầu gã!
– Ăn hộ tôi mớ rau cô ơi! – Tiếng bà cụ yếu ớt.
– Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!
Giọng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ như thế. Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Gã chau mày, đợi cô gái đi khuất, gã xuống xe đến nói với bà:
– Rau này bà bán bao nhiêu?
Bà cụ mừng rỡ:
– Hai nghìn một mớ.
Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.
– Sao chú mua nhiều thế?
– Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!
Rồi gã nhấn ga lao vút đi như sợ ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã. Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy lòng dâng lên niềm vui.
Chiều hôm ấy mưa to. Mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, và gã nghĩ đến bà cụ hồi sáng...
– Nghỉ thế đủ rồi đấy!
Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ.
Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ.
Chiều chủ nhật gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy, và có lẽ gã cũng thích như thế. Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện.
Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo:
– Bà bán rau chết rồi.
– Bà cụ hay đi qua đây hả chị? – Chị bán nước khẽ hỏi.
– Tội nghiệp bà cụ! – Một giọng người đàn bà khác.
– Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh.
Nghe đến đây mắt gã chợt nhòa đi, điếu thuốc chợt rơi khỏi môi. Bên tai gã vẫn ù ù giọng người đàn bà béo kia... Gã không ngờ...!
Câu chuyện đầy tính nhân bản. Và câu chuyện này có thể thật, cũng có thể không thật, nhưng tác giả đã nói lên “mặt trái” của cuộc sống và đã có thể “đánh động” lương tâm con người. Còn tấm hình kia là rất thật. Xã hội vẫn có những hoàn cảnh thực sự đáng thương tương tự. Tấm hình đó không thể nào giả tạo. Nhìn tấm hình đó chúng ta thấy rõ một bà cụ lọm khọm, gối mỏi, lưng còng, tuổi cao, sức yếu, ngồi ủ rủ bên lề đường với vốn liếng buôn bán chỉ là vài mớ rau. Đáng lẽ tuổi của cụ bây giờ phải được nghỉ ngơi, vì đó là công bằng, thế mà bà cụ vẫn phải hiu quạnh bươn chải mưu sinh!
Bà cụ không có con cháu hay bị con cháu hất hủi? Thật đáng thương nếu bà không có con cháu, nhưng bà cụ càng đáng thương hơn nếu bị con cháu hất hủi!
Cô gái kia là hiện thân của “căn bệnh vô cảm” trong xã hội ngày nay đang hoành hành mãnh liệt đến nỗi người ta coi như “chuyện tất nhiên”, đó là hội chứng “MacKeNo” (mặc kệ nó). Cô gái kia đã không mua mớ rau giúp bà cụ thì thôi, lại còn nhẫn tâm chê ỏng chê eo và còn dám mắng người đáng tuổi bà mình:“Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!”. Bất nhân quá! Mất dạy quá!
Chàng thanh niên mua rau vì bị lương tâm cắn rứt chứ không hẳn vì yêu thương. Cũng tốt thôi. Anh ta mua rồi hứa chiều trở lại lấy, nhưng thực ra anh không muốn trở lại.
Bà cụ tuy rất nghèo về vật chất nhưng bà vẫn “giàu” những thứ khác: Trung tín, tự trọng, nhẫn nại, chịu đựng, hy sinh,... Tại sao?
Mấy mớ rau đã được bán cho chàng thanh niên, anh hứa cuối ngày sẽ trở lại lấy nên bà cụ nhất quyết ngồi chờ đợi, chịu đựng cơn mưa tầm tã, bà cụ kiên quyết không bán cho ai khác. Tuổi cao sức yếu, bà cụ bị cảm lạnh và qua đời đột ngột!
Động thái của cô gái kia rõ ràng thật đáng lên án. Nhưng chính động thái xem chừng “tốt” của chàng thanh niên cũng có điều đáng trách. Chính anh ta đã “giật mình” khi nghe người ta bàn tán chuyện bà cụ bán rau đã qua đời. Lương tâm anh ta lại tiếp tục cắn rứt. Cái chết của bà cụ cũng có “cái lỗi vô tình” của chàng thanh niên. Đó là tính liên đới trách nhiệm vì cuộc sống luôn đòi hỏi sự công bình thực sự!
Lương tâm và động thái yêu thương ngày nay dường như là một cái gì đó xa vời với đời sống con người. Những con người rất ư bình thường còn vậy huống chi những người nắm quyền hành trong tay, những người ăn trên ngồi tróc, những người được thưa-bẩm-kính-trình, những người được ưu tiên, những người dư bạc thừa tiền, những người “một bước lên xe hơi”, chân không hề chạm đất, mặt không bị nắng chiếu!
Vâng, lương tâm làm gì có răng mà cắn rứt!
Đạo Công giáo là đạo yêu thương. Mùa Chay là mùa bác ái. Đọc truyện rất ngắn và xem tấm hình kia, chúng ta nên xét mình trước khi trách cô gái kia hoặc chàng thanh niên nọ. Thánh sử Gioan ghi lại 3 lần Chúa Giêsu nói về yêu thương, trước khi Ngài chịu khổ nạn và chịu chết trên Thập giá. Đó vừa là điều răn vừa là mệnh lệnh:
– Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu (Ga 13:34).
– Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 15:12).
– Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau (Ga 13:34).
Thánh Gioan xác định: “Ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” (1 Ga 2:5). Còn thánh Phaolô định nghĩa: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 14:10b).
TRẦM THIÊN THU
Mùa Chay – 2012
Tags:
xã hội