Chàng trai 8X với những bước nhảy từ tay trắng


 
Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, 16 tuổi, Nguyễn Tuấn Việt đã biết "chí thú làm ăn", một mình đạp xe "vùng vẫy" khắp các cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Hà Nội để chào hàng, bỏ mối những sản phẩm "tự chế" từ gỗ vụn. Để rồi sau đó, Công ty VIETgo của anh ra đời  và vang danh khi những sản phẩm của VIETgo được giới thiệu trên 500 website mua bán của thế giới và được Tổ chức Doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương công nhận là công ty uy tín, được trang web alibaba.com bình chọn là doanh nghiệp có nhiều giao dịch xuất khẩu nhất trên toàn thế giới.
"Máu lửa" kinh doanh từ khi còn là cậu học trò
Những trò đùa nghịch ngợm của tuổi thơ từ những miếng gỗ vụn đã được Việt "nung nấu" thành ý tưởng để cho "ra lò" những sản phẩm vòng đeo tay, vòng cổ... dành cho tuổi teen rất hot khi còn là cậu học sinh lớp 11.  Nhớ lại những ngày đầu "chinh chiến" ấy, anh chàng bảo: "Lúc đó vất vả lắm, vừa đi học về ăn vội miếng cơm rồi lao vào làm việc, đến chiều lại đạp xe đi giao hàng, tối mịt mới về mệt nhoài cũng phải học bài. Khổ nhưng ham lắm vì sản phẩm mình làm ra không kịp để bán".
Công việc làm ăn "thuận buồm xuôi gió" đã giúp anh chàng có được một số vốn "lận lưng", thế là Việt "tậu" cho mình một xưởng sản xuất nhỏ với 10 nhân công khi đang là một học sinh lớp 12. "Bị "nốc ao" khi trượt đại học năm đầu tiên, năm thứ hai, Việt đỗ vào khoa Kiến trúc của trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Nhưng học đến năm thứ 4 thì anh chàng quyết định chọn cho mình một con đường riêng: "Sau một thời gian nghiên cứu về kinh tế bằng những quyển sách của người giàu, mình đã quyết định không làm kiến trúc sư nữa mà theo nghiệp kinh doanh". Hỏi sao Việt liều thế, bỏ học không thấy tiếc sao,  anh chàng có vẻ dứt khoát: "Mỗi người đều có một con đường riêng để đi, mình đã chọn thì không tiếc và bằng chứng là mình đã làm tốt đấy chứ".    
Những "bước nhảy" của một thương hiệu
Mỗi ngày công ty của Việt nhận hơn 100 lời hỏi mua hàng từ nước ngoài, vì vậy những sản phẩm của VIETgo nhanh chóng có mặt trên các thị trường lớn của thế giới như: Nhật, Mỹ, Anh, Canada, Hàn Quốc... Theo cái đà ấy, ông chủ trẻ nhiều lúc lo "sốt vó" vì không kịp hàng để "chạy", hơn nữa: "Mình sản xuất có một loại thôi nhưng các đối tác thì mua nhiều loại hàng". Trưóc nhu cầu đó Việt quyết định "bành trướng" bằng cách không sản xuất nữa mà chuyển sang mua hàng từ các công ty, nhà máy sản xuất trong nước để xuất khẩu. Nhớ lại những ngày đầu "tập tành" học nghiệp vụ xuất khẩu anh chàng bị "đo ván" ngay: "Lần đầu tiên mình xuất một lô hàng, ai ngờ xuất sai chất lượng bị trả lại hoặc có lần xuất mùn cưa mình chưa quen, tính toán sai, lỗ nhiều lắm.
Cuối tháng không có tiền để trả lương cho nhân viên phải vay bạn bè, người thân, cầm cả xe". Nhưng dần dần Việt cũng thành thạo xuất khẩu qua thương mại điện tử nhờ biết tìm tòi học hỏi từ những người đi trước, từ những đối tác trong quá trình làm việc, tập trung nghiên cứu đọc nhiều sách,  rồi rút tỉa kinh nghiệm. "Lúc đó mỗi ngày mình cứ ngồi lì với quyển từ điển tiếng Anh trong tay, rồi chui vào các mạng của thế giới để tìm hiểu cơ chế làm việc của thương mại điện tử rồi sau đó áp dụng vào thực tế", Việt vui vẻ bộc bạch.   
Uy tín của VIETgo ngày một lớn, song song đó những đơn đặt hàng cứ "đổ về" khi mỗi tháng có hơn 2.000 cơ hội giao thương. VIETgo không thể "ôm sô" hết, anh chàng lại "tung" ra "chiêu" mới mà theo cách nói của ông chủ trẻ: "Đây là một dịch vụ mới chỉ có ở VIETgo mà thôi", tức là công ty của Việt sẽ giúp đỡ các công ty trong nước xuất khẩu trực tiếp thông qua thương mại điện tử, VIETgo sẽ đứng ra giới thiệu cho các doanh nghiệp trong nước liên hệ với doanh nghiệp nước ngoài và sẽ tư vấn để hai bên có thể ký hợp đồng làm ăn với nhau. Tất nhiên đôi bên cùng có lợi, VIETgo sẽ được hưởng 2% giá trị hợp đồng mà họ ký được và công ty được ký hợp đồng với đối tác nước ngoài sẽ trả chi phí cho VIETgo.
Sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, lại tự lập từ nhỏ, biết bươn chải để lo cho bố mẹ và gia đình nên Việt rất cảm thông với những phận người sống trong thiếu thốn. Đó cũng chính là lý do mà trước đây khi còn xưởng sản xuất, những công nhân mà anh thu nhận đều là những người khuyết tật, khi không còn sản xuất nữa thì anh đã giới thiệu cho họ đến làm ở một chỗ khác bởi với chàng trai này: "Đem đến cho người khác niềm vui và hạnh phúc thì mình cũng thấy hạnh phúc lây".

(Theo Thanh Niên)
Previous Post Next Post