Headlines
Loading...
CN XXVIII Thường Niên: Tất cả là hồng ân

CN XXVIII Thường Niên: Tất cả là hồng ân

Lời Chúa:
Bài đọc 1: 2V. 5,14-17: Ông Na-a-man trở lại gặp người của Thiên Chúa và tuyên xưng Thiên Chúa.
Bài đọc 2: 2Tm. 2,8-13: Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Đức Kitô.
Phúc Âm: Lc. 17,11-19: Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này.
Suy niệm:
Trong quyển hồi ký “Hang sư tử”, Charles Anderson đã kể lại cuộc đời gian khổ của ông và cuộc biến đổi lạ lùng ông đã trải qua.
“Một buổi sáng tháng ba năm 1987, tại thủ đô Bejrus của Liban, ông bị ba tên khủng bố chận bắt đẩy vào chiếc xe Mercedes, tay chân bị trói, miệng dán băng keo. Và suốt 7 năm trời, ông phải trải qua biết bao cơn hành hạ thân xác, xúc phạm nhân phẩm, khủng bố tinh thần…
Trong cơn đau khổ, tình trạng cô đơn tuyệt vọng là khủng khiếp đối với ông. Ông bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Ông cảm thấy như bị mọi người bỏ rơi. Nhưng trong cảnh cô đơn tuyệt vọng đó, ông đã biết tìm đến Chúa, và ông bắt đầu cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện, cuộc đời ông thay đổi hoàn toàn: từ con người kiêu ngạo không cần Thiên Chúa, nay đã trở nên người biết tin tưởng phó thác vào Ngài. Ông đã tìm được lẽ sống và một sức chịu đựng chưa từng có.
Tất cả là hồng ân Thiên Chúa thương ban nhưng nhiều lần chúng ta đã không nhận biết được. Những liều thuốc đắng thật giá trị chữa bệnh hiểm nghèo của tâm hồn, nhiều khi ta lại coi thường hoặc cho như là Thiên Chúa ghét bỏ. Trái lại có những thức ăn vô bổ, có khi còn độc hại, chúng ta lại ham hố mê thích và cứ tưởng là hồng ân bao la của Thiên Chúa. Chẳng hạn: “Khi tình yêu con còn mơ, tim yêu con dệt thơ, thì tình Chúa hững hờ”. Thế mà ta lại tưởng là ân ban, thú vị đến nỗi xâm trên mình chữ “love” vào thân thể… Thực ra đó chỉ là thứ tình lãng mạn, rẻ tiền, mau qua. Như vậy chúng ta phải sáng suốt để nhận ra thế nào là hồng ân Thiên Chúa ở trong mọi nghịch cũng như niềm vui hạnh phúc của cuộc đời.
Trong thực tế ít người nhận ra đau khổ là ơn phúc. Quả thực Thập Giá Đức Kitô là nguồn ơn cứu độ cho người trần thế. Các thánh Tông đồ cũng đã dùng Thánh giá, hy sinh, đau khổ để mua hạnh phúc cho bản thân và các linh hồn. Chính vì giá trị lớn lao của đau khổ nên Thiên Chúa đã dùng Thánh giá hằng ngày như là ân huệ để thánh hóa con người. Sách gương phúc nói: “Ra ngoài hay vào trong bản ngã, chúng ta đều gặp Thánh giá”. Như vậy chúng ta phải cám ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, cả lúc khổ đau cũng như vui sướng.
Một sự thường tình trong giao tế, chúng ta hay dùng tiếng cám ơn để tỏ lòng tri ân đối với sự giúp đỡ của tha nhân về tiền của, sức khoẻ, thời giờ, kiến thức v.v. Ngoài ra còn có nhiều cách để đáp ơn khác: “Tình yêu đáp trả tình yêu”. Lòng kính trọng, nụ cười thân ái, thải độ mến thương; ngay cả của cải vật chất là điều thực tế và thường xuyên hơn cả: “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Có điều là chúng ta thường hay quên ơn những người rất thân cận: Anh chị em cùng sống chung một nhà, lo cho nhau từ việc to đến việc nhỏ; có những anh chị dám hy sinh cả cuộc đời để phụ với ba má nuôi nấng đàn em. Rồi đến công ơn cha mẹ….Có bà mẹ kia vì để khích lệ đứa con nhỏ của mình chăm lo việc nhà, nên bà thường thưởng cho nó một món tiền sau mỗi công việc. Lần kia, suốt cả một tuần, bà mẹ đau nằm liệt giường, thế là con nhỏ cáng đáng mọi việc cho mẹ nhưng không thấy mẹ tính tiền thù lao. Cuối tuần em nhỏ viết một hoá đơn những công tác chưa có tiền thưởng: Xách nước, nấu cơm, giặt quần áo, phục vụ trong suốt 80 giờ. Viết xong em rón rén dúi tờ hoá đơn vào tay mẹ. Ba phút sau bà mẹ đưa cho em nhỏ một tờ hoá đơn khác ghi rằng: công sinh thành, dưỡng nuôi, dạy dỗ, học hành, tiền thuốc thang bệnh tật….Tất cả các mục đều chưa được thanh toán! Cầm tờ giấy đó, em nhỏ chợt hiểu ngay, liền vội vàng chạy vào xin lỗi mẹ.
Ai trong chúng ta cũng nhận rất nhiều ơn nơi tha nhân: Ở học đường nhờ công ơn thầy cô giáo. Ở nhà thờ chịu công ơn cha xứ; các thầy, các sơ lo lắng phần hồn cho ta. Ở trong đất nước công ơn các anh chiến sĩ nhất là các tử sĩ. Tiếp đến là các vĩ nhân đã góp công vĩ đại cho thế giới văn minh ngày nay. Còn Đấng Vô Cùng Cao Cả chúng phải luôn cảm tạ là Ngài cho mình khí thở, nước uống, thiếu các thứ ấy chúng ta chết ngay. Đó là kể đơn giản, chứ mọi sự ta có và mọi sự trên thế gian này đều là của Chúa ban, đáng lẽ chúng ta phải luôn nhắc mình rằng: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Ngài” (Tv.103,2).
Bây giờ chúng ta đi sâu hơn vào bài Tin Mừng: Chắc ai cũng đã biết ít nhiều về bệnh phong cùi, nó là bệnh nan y nhơ nhớp, bệnh nhân phải sống cách biệt với người lành, riêng người Samaria còn bị kỳ thị tôn giáo vì là kẻ ngoại đạo. Vì thế mười người bệnh nhân đáng thương này gặp được Chúa trước khi vào thành Giêrusalem, họ cũng không dám đến gần Chúa mà chỉ đứng ở xa để kêu xin. Giả sử bây giờ có thầy thuốc nào đòi tiền tỷ hay đòi cả gia tài của ta để được ông chữa cho lành bệnh đó, chắc chúng ta cũng phải bằng lòng để ông chữa cho. Ở đây Chúa Chúa chữa cho nhưng không, nhanh chóng, không đau đớn. Mười người phong cùi nhờ tin vào lời Chúa mà đi trình diện thầy tư tế để được xác nhận là mình khỏi bệnh. Tất cả họ đã được khỏi bệnh, riêng người Samaria lại còn sống phép lạ cách sâu sắc hiệu quả hơn qua việc trở lại cám ơn ngợi khen tôn vinh Thiên Chúa.
Chúng ta cũng có nhiều lúc biết cám ơn Thiên Chúa và tha nhân. Nhưng có lúc lại quên ơn: khi gặp nạn thì vái thứ phương thiên hạ, cầu khẩn mọi thần thánh, thế rồi lúc rủi ro qua đi thì coi như xong chuyện, chẳng biết ơn nghĩa gì cả. Chúng ta suy niệm thêm nữa về phép lạ của Chúa hôm nay, để ý một chút là ta thấy rõ: Chúa Giêsu không những chữa bệnh mà còn thể hiện việc Cứu Độ. Ngài không nói: “Lòng tin của anh đã cứu anh lành bệnh” nhưng nói: “Lòng tin của anh đã cứu anh!”. Thật là sung sướng cho cả phần linh hồn. Ước gì chúng ta biết nhận ra ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh để tạ ơn Ngài trong mọi nơi mọi lúc như gương Đức Mẹ với lời ca: “Linh hồn tôi ngơị khen Thiên Chúa…”