Headlines
Loading...
Ý nghĩa của ngày Sabát

Ý nghĩa của ngày Sabát


Ý Nghĩa Của Ngày Sabát Mc 2:23-28
Kinh Thánh thuật lại: sau mỗi đoạn của công cuộc sáng tạo, Thiên Chúa dường như dừng lại ngắm nhìn công trình của Ngài và thốt lên: Thật là tốt đẹp. Và sau khi tạo dựng con người và đặt nó làm chủ vạn vật, Thiên Chúa nghỉ ngơi hoàn toàn.
"Ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi", có lẽ đó là một hình bóng nói lên rằng con người là tuyệt đỉnh vinh quang Thiên Chúa. Nói theo ngôn ngữ của thánh Irênê: "Vinh quang của Thiên Chúa chính là con người được sống". Hiểu như thế, ngày Sabát vừa là một tôn vinh dành cho Thiên Chúa, vừa là một xác quyết về phẩm giá con người, làm cho con người được sống. Do đó, ngày Sabát chỉ có ý nghĩa, chỉ có giá trị thực sự nếu được đặt trong tương quan với con người.
Chúa Giêsu không đến để hủy bỏ lề luật, nhất là ngày Sabát. Ngài vẫn đến Hội Đường Do Thái mỗi ngày Sabát, nhưng Ngài mặc cho ngày đó một ý nghĩa khi đặt nó trong tương quan với con người. "Ngày Sabát được lập ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabát". Những Biệt Phái bắt bẻ Chúa Giêsu và môn đệ Ngài vì đói mà bứt bông lúa ăn trong ngày Sabát. Khi dẫn chứng Đavít đã vào Đền Thờ lấy cả bánh dành cho Thượng Tế để ăn cho đỡ đói. Chúa Giêsu cho thấy giá trị cao cả nhất hướng dẫn hành vi của con người phải là con người, chứ không phải một lý tưởng hay một ý thức hệ nào.
Chúa Giêsu đã đặt lề luật vào đúng vị trí của nó. Đối với Ngài, danh dự Thiên Chúa được tôn vinh trước tiên chính là lòng tốt, nơi nào con người tỏ lòng tốt đối với người khác, nơi đó Thiên Chúa được tôn vinh. "Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống". Bất cứ nơi nào con người được tôn trọng, thì nơi đó Thiên Chúa cũng được tôn vinh, và mỗi hành vi bác ái đều là một tác động thờ phượng dâng lên Thiên Chúa. Ai chối bỏ người khác, ai khước từ lòng tốt đối với người khác, kẻ đó cũng xúc phạm đến Thiên Chúa và giam mình trong mù quáng.
Chúa Giêsu đã mang lại cho ánh sáng cho chúng ta. Ngài cho chúng ta thấy được bậc thang giá trị trong cuộc sống. Ngài cho chúng ta thấy đâu là hành vi thờ phượng đích thực. Mỗi Chúa Nhật, mỗi tác động đức tin, mỗi lời kinh đều là một mô phỏng ngày nghỉ của Thiên Chúa. Thiên Chúa dừng lại để ngắm nhìn công trình của Ngài, mà tuyệt đỉnh chính là con người. Do đó, sự nghỉ ngơi ngày Chúa Nhật và mỗi hành vi đạo đức không là một giam hãm chúng ta trong bốn bức tường nhà thờ, hay trong thái độ trốn thoát, mà phải là cửa ngõ đưa chúng ta đến hành vi thờ phượng đích thực, tức là phụng sự Chúa qua việc phục vụ tha nhân.
Chúa đến với chúng ta trong từng giây phút cuộc sống, nhất là trong những gặp gỡ hàng ngày của chúng ta với tha nhân. Xin Chúa cho chúng ta biết tôn vinh Ngài qua sự phục vụ người khác, biết múc lấy ý nghĩa và sức mạnh cho cuộc sống từ sự kết hiệp với Chúa.

Chân Lý