Tình Yêu Chung Thủy (Mt 5:27-32)
Nói đến sự chung thủy, người ta nhắc đến gương của công chúa nước Thụy Điển. Khi chồng bị nhà vua giam tù chung thân, bà đã đến xin cho được ở tù với chồng. Nhà vua ngạc nhiên giải thích cho bà: bản án của chồng bà là án chung thân, hơn nữa chồng bà bị giam tù, nên bà được tự do tái hôn. Nghe thế, công chúa trả lời: "Tâu bệ hạ, dù chồng tôi có vôi tội hay không, anh ấy vẫn mãi mãi là chồng tôi". Nói xong, nàng chìa cho nhà vua xem chiếc nhẫn trên đó có khắc hàng chữ: "Chỉ sự chết mới có thể phân rẽ". Công chúa đã sống trong tù với chồng 17 năm, chỉ sau khi nhà vua băng hà, hai người mới được trả tự do.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã kết án gắt gao tội ngoại tình. Lời Chúa Giêsu là vang vọng chính lờô Thiên Chúa được truyền đạt cho Israel qua miệng các tiên tri. Rất nhiều lần các tiên tri trong Cựu Ước đã không tiếc lời kết án tội ngoại tình của dân riêng, đồng thời cũng bày tỏ một Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và trung tín.
Sự chung thủy trong hôn nhân mà Kitô giáo đề cao cũng được tìm thấy trong nhiều tôn giáo và văn hóa khác. Tuy nhiên, nét nổi bật của đòi hỏi chung thủy trong Kitô giáo chính là nền tảng của nó, tức là Thiên Chúa. Con người được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa, và nếu Thiên Chúa là tìinh yêu chung thủy, thì hình ảnh Ngài nơi con người cũng phải là tình yêu chung thủy, ơn gọi của con người chính là thực hiện hình ảnh ấy. Dù sống độc thân hay trong bậc hôn nhân, ơn gọi chung của con người vẫn là sống chung thủy. Chung thủy với chính bản thân, hay chung thủy với người khác, đối tượng cuối cùng của chung thủy vẫn là Thiên Chúa. Khi con người tôn trọng chính mình là lúc con người tôn trọng hình ảnh Thiên Chúa trong chính mình
Sự trong sạch tự nó vô nghĩa, nếu không qui hướng về Thiên Chúa. Móc quăng đi một con mắt, chặt đi một phần thân thể sẽ trở nên vô nghĩa nếu hành động ấy không là một thể hiện của tình yêu đối với Thiên Chúa. Sự chung thủy trong tình yêu vợ chồng cũng là sự chung thủy đối với tình yêu Thiên Chúa. Qua người phối ngẫu, con người cam kết trung thành với chính Thiên Chúa. Sự phản bội, thất tín do đó cũng là phản bội thất tín đối với Thiên Chúa. Chúng ta hiểu được ý nghĩa của tội lỗi: tội nào cũng là một hành động bất trung đối với Thiên Chúa. Khi con người chối bỏ hình ảnh Thiên Chúa nơi bản thân mình, con người bất trung với Thiên Chúa; khi con người bất tín và phản bội nhau, con người cũng bất tín và phản bội Thiên Chúa.
Những người ngoài Kitô giáo nhìn vào các Kitô hữu như những người có một nền luân lý rất nghiêm nhặt. Có thể chúng ta để lộ hình ảnh của những người có quá nhiều giới răn để giữ và nhiều cấm kỵ để tránh. Kỳ thực Kitô giáo chúng ta thiết yếu không phải là một hệ thống luân lý, một hệ thống của những tuần giữ và cấm kỵ. Đạo chúng ta trước hết là một con người, và con người này đang sống và hoạt động, một con người làm cho chúng ta được sống, một người đòi chúng ta qui hướng cuộc sống về với Ngài, con người ấy chính là Chúa Kitô. Sống bởi Ngài và cũng được mời gọi để sống cho Ngài, ước gì xác tín ấy hướng dẫn cuộc sống chúng ta. Hãy dâng lên Ngài niềm chung thủy của chúng ta. Và xin cho chúng ta luôn biết tôn trọng hình ảnh Thiên Chúa nơi mỗi người.
Chân Lý