Phiến Đá Góc Tường (Mc 12:1-19)
Đoạn Tin Mừng hôm nay có thể xem như bức tranh mô tả tình trạng kinh tế thời Chúa Giêsu. Palestina vào thời ấy bị chia thành nhiều lãnh địa, mà đasố các chủ nhân đều là người ngoại quốc, trong khi những nông dân của miền Giuđê và Galilê thường chỉ là những tá điền làm công. Dĩ nhiên, trong tình thế ấy, những tá điền này không thể không cảm thấy căm hận đối với tên ngoại bang bóc lột. Dưới ảnh hưởng của phong trào ái quốc mang tên "Nhiệt Thành", nhiều nông dân tá điền này đã nổi dậy chống các chủ nhân. Giết đứa con thừa tự là cách tốt nhất để chiếm đất đai, bởi vì theo luật điền địa thời đó, đất trồng sẽ thuộc về người chiếm hữu đầu tiên. Nhưng trong bức tranh mà Chúa Giêsu nói đến, Ngài cho thấy toan tính của những tá điền xem như thất bại, bởi vì chủ nhân đã trở về kịp thời và ông đã trao việc canh tác cho những tá điền khác.
Chúa Giêsu muốn nói gì khi vẽ lại bức tranh trên đây. Hẳn Ngài muốn cho thấy khoảng cách của Ngài đối với nhóm ái quốc chủ trương dùng bạo động đánh đuổi ngoại bang. Vương quốc mà Ngài rao giảng không thuộc thế gian này, do đó cho dù bất công vẫn đầy dẫy trên mặt đất, nhưng con người không thể dùng bạo động và hận thù để giải quyết vấn đề. Con đường thực hiện vương quốc của Chúa Giêsu là con đường Thập Giá và cái chết.
Biết trước cái chết của mình và biết rõ ý định của các nhà lãnh đạo Do Thái giáo, Chúa Giêsu đã nhìn vào đó như chính sự thể hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua cái chết của Ngài. Cái chết tự nó là một sự dữ, Chúa Giêsu đã không tự lao mình vào cái chết, thế nhưng, trong chương trình kỳ diệu của Thiên Chúa, tội ác của con người đã trở thành điều kiện để tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa được thể hiện. Những gì con người cho là nhục nhã, yếu đuối, ngu xuẩn, đã trở thành vinh quang, sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa của Thánh Vịnh 117 mà Chúa Giêsu đã trích dẫn: "Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ đã trở nên đá góc tường".
Vào đầu tháng 4-1990, Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm một Hội Đường của người Do Thái ở Rôma, sau 2000 năm xa cách vì những ngộ nhận và kết án lẫn nhau. Cử chỉ của ngài đã nối lại nhịp cầu giữa những con cái của Tổ Phụ Abraham. Trước kia những người Công Giáo đã nhìn những người Do Thái như những kẻ giết Chúa, người ta dán nhãn hiệu ấy lên họ và dùng mọi phân biệt đối xử để loại họ khỏi xã hội.
Trong cái nhìn của Thiên Chúa, sự liên đới của cả một nhân loại tội lỗi, khiến chúng ta phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong cái chết của Chúa Giêsu. Thế nhưng, tình yêu của Thiên Chúa quyền năng đến độ có thể dùng tội ác con người như khởi điểm cho hồng ân cứu độ dồi dào của Ngài. Cái chết ô nhục của Chúa Giêsu đã trở thành nguyên nhân cứu rỗi cho mọi người, và trong cái chết của Ngài, cái chết và từng nỗi đau khổ của con người cũng mang một giá trị mới. Đó phải là niềm tin của chúng ta.
Nhìn lên Thập Giá, chúng ta hãy nói lên tất cả niềm tri ân cảm mến đối với Chúa, đồng thời hãy kín múc sức mạnh cho cuộc sống đầy khổ lụy của chúng ta.
Ước gì ánh sáng từ Thập Giá của ChúaGiêsu chiếu dọi vào những nỗi khổ đau mà chúng ta đang trải qua, để chúng ta nhận thấy rằng đau khổ cũng có sức mạnh thanh luyện tâm hồn chúng ta và góp phần xây dựng Giáo Hội-Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Chân Lý