Headlines
Loading...
Phêrô tuyên tín

Phêrô tuyên tín


Phêrô tuyên tín
Một họa sĩ nọ muốn có được chân dung Chúa Giêsu, ông rảo khắp nơi tìm cho được khuôn mặt người mẫu. Nhưng càng tìm, ông càng thấy rằng không thể co người nào hoàn toàn giống Chúa Giêsu. Từ đó ông kết luận gương mặt Chúa Giêsu phải là một tổng hợp mọi nét đẹp con người trên trần gian. Do đó, thay vì chọn một người mẫu, ông đi thu nhặt mọi nét đẹp trên khuôn mặt: nét đơn sơ nơi trẻ em, nét vui tươi trong cuộc sống, sức mạnh của con người. Nhưng chân dung Chúa Giêsu không chỉ có những nét hùng, nét đẹp mà còn phải có nét buồn. Gặp một người hành khất, ông khám phá ra nét khẩn nài; lắng nghe một tu sĩ giảng sự thống hối, ông nhận ra được sự nghiêm nghị. Mỗi người một vẻ, nhà họa sĩ cố gắng đưa vào chân dung Chúa Giêsu, nhưng ông vẫn còn thiếu một nét mà ông chưa xác định được. Ngày kia, đi vào một khu rừng, ông bỗng thấy một người che mặt bỏ chạy. Đuổi kịp con người ấy, ông khám phá ra đó là người phong cùi. Ánh sáng bỗng lóe lên; thì ra còn thiếu trên gương mặt Chúa Giêsu nét mầu nhiệm. Với ý nghĩ đó, ông cầm cọ vẽ một tấm vải trắng che phủ gương mặt Chúa Giêsu. Khi tác phẩm hoàn thành, tất cả những ai đã cung cấp cho họa sĩ một nét riêng của mình đều hớn hở đến nhận diện gương mặt mình nơi Chúa Giêsu, nhưng họ chỉ thấy tấm vải trắng trên gương mặt. Nhà họa sĩ giải thích: mãi mãi Chúa Giêsu vẫn là một mầu nhiệm, một mầu nhiệm mời gọi con người tuyên xưng bằng cả niềm tin và cuộc sống.
Cùng với thánh Phêrô, chúng ta hãy tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô của Thiên Chúa. Tuyên xưng như thế cũng có nghĩa là tuyên xưng mầu nhiệm Thập giá. Chúa Giêsu là Đức Kitô, bởi vì Ngài đã chấp nhận đi qua con đường Thập giá để cứu rỗi con người. Tuyên xưng mầu nhiệp ấy cũng chính là để mầu nhiệm Thập giá tỏ bày trong cuộc sống chúng ta. Chính trong mầu nhiệm Đức Kitô, con người có thể hiểu chính mình. Do đó, để thực hiện ơn gọi kitô hữu, chúng ta được mời gọi đi lại con đường Thập giá. Như họa sĩ đang cố gắng vẽ lại chân dung của Chúa Giêsu, mội kitô hữu cũng được mời gọi họa lại mầu nhiệm Thập giá chính là đi lại từng bước cuộc đời, quảng đại, hy sinh, phục vụ cho đến cái chết của Đức Kitô.
Xin cho lời tuyên xưng Đức Kitô là Cứu Chúa của chúng ta không dừng lại nơi môi miệng, nhưng được diễn đạt qua cuộc sống hy sinh, chấp nhận từng ngày của chúng ta.
Chân Lý