Headlines
Loading...
Một hình thức tông đồ

Một hình thức tông đồ


Một Hình Thức Tông Đồ Mc 2:2-12
Một nhà truyền giáo tại Ấn Độ có kể rằng: Một hôm trên quãng đường vắng ông thấy một người đàn bà quỳ phủ phục sát đất. Sau một lúc bà ta đứng dậy đi mấy bước rồi lại phủ phục trên mặt đường. Thấy vậy nhà truyền giới mới đến gợi chuyện và hỏi: "Bà đi về đâu vậy?" Người đàn bà giơ tay chỉ về hướng Hy-mã-lạp-sơn và nêu tên một ngôi đền nổi tiếng ở đó. Theo lời giải thích của bà ta, tại đấy phía dưới thung lũng, khi sấm chớp nổi lên là dấu hiệu sự hiển linh của Thượng Đế.
Như vậy từ đây tới ngôi đền đó người đàn bà phải vừa đi vừa phủ phục như thế trên cả ngàn dặm. Khi được hỏi bà làm như vậy với mục đích gì, bà ta trả lời vắn gọn và quả quyết: "Để được thấy Chúa".
Để được thấy Chúa người đàn bà trong câu chuyện trên chỉ một mình đơn độc trên con đường ngàn dặm, lại phải liên tục sấp mình phủ phục. Thật là vô cùng vất vả.
Trái lại, Kitô hữu chúng ta không phải là những con người đơn độc. Chúng ta được mời gọi đồng hành với anh chị em mình trên đường đi gặp Chúa để được thấy Ngài. Chúng ta cũng được mời gọi nâng đỡ, tiếp sức anh chị em trên đường đến với Chúa. Điều đó chúng ta thấy được tỏ hiện cụ thể trong bài Phúc Âm hôm nay.
Người bất toại không thể tự mình đến với Chúa mà phải nhờ đến người khác. Thấy lòng tin của họ, Chúa nói với người bất toại: "Này con, tội lỗi con đã được tha". Và sau khi đáp lại thắc mắc của luật sĩ, Chúa nói với người bất toại: "Hãy vác chõng mà về". Như thế là anh ta được lành cả hồn lẫn xác.
Sự kiện trên chứng tỏ có nhiều người muốn nối kết lại tình nghĩa với Chúa. Cũng có rất nhiều người khao khát đến với Chúa đang cần những người trung gian tận tình giúp đỡ. Chúng ta có đủ bén nhạy để đáp ứng mọi nhu cầu một cách đúng lúc không? Có dạn dĩ để giới thiệu Chúa không? Có nắm lấy cơ hội để đưa người khác về cùng Chúa không?
Cũng có những người cần đến lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta để vượt thắng khó khăn trên đường đến với Chúa.
Một linh hồn trở lại là một mất mát lớn đối với Satan, do đó nó tìm cách gây nhiều chướng ngại, như tính lười biếng và sự lần lữa làm cho con người tê liệt như một người bất toại, tính nhút nhát e dè không dám nhờ người khác giúp đỡ, quá bận rộn với công việc, sợ dư luận bàn tán.
Cầu nguyện hy sinh và hoạt động tông đồ là ba yếu tố gắn liền với nhau trong sinh hoạt truyền giáo. Cầu nguyện và hy sinh đi đôi với nhau sẽ đưa đến nhiều thành quả trong hoạt động tông đồ. Đó là điều chúng ta cần lưu tâm và thực hành.

Chân Lý