Headlines
Loading...
Mối phúc thật

Mối phúc thật


Mối phúc thật
Picasso, danh họa nổi tiếng của thế kỷ 20, qua đời năm 1973, đã để lại 15.000 họa phẩm danh tiếng. Đọc tiểu sử của ông, người ta nhận thấy những nét độc đáo. Picasso rất sợ cô đơn, ông thích giao du với bạn bè, thích ở những nơi huyên náo ồn ào hơn những nơi đồng quê tĩnh mịch. Ông còn thích xem đấu bò và ra vào quán rượu. Thế nhưng mỗi khi ông bắt tay vào việc, xưởng vẽ của ông phải hoàn toàn yên tĩnh, mọi người trong nhà phải triệt để giữ thinh lặng.
Thinh lặng là điều kiện cần để làm những việc lớn. Đối với kitô hữu, việc lớn nhất là gì nếu không phải là lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Nhưng chỉ có thể gặp Chúa và lắng nghe tiếng Ngài trong thinh lặng, bởi vì Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của thinh lặng, ẩn dấu. Ngài nói với chúng ta trong thinh lặng hơn là trong náo động.
Đêm đầu tiên khi Ngôi Lời mặc xác phàm thường được gọi là Đêm thánh thinh lặng. Ngài không đến trong vó ngựa của quân vương, Ngài không đến trong tiếng kèn tiếng trống, nhưng đến trong thinh lặng của một trẻ thơ trơ trụi nghèo hèn. Ngài đến trong nếp sống ẩn dật của người thợ mộc vô danh. Ngài đến giữa những người nghèo và không tiếng nói. Ngài đã thinh lặng 30 năm. Ngài đã thinh lặng khi bị người ta xỉ nhục, kết án, và cuối cùng Ngài đã thinh lặng đưa tay chân cho người ta đóng đinh vào Thập giá và bị treo lên như một tên tử tội.
Kể từ lúc thưa xin vâng, Đức Maria cũng bắt đầu hành trình đi vào thinh lặng. Trong thinh lặng, Đức Maria có thể cất giữ mọi sự về Con của Người. Người đã thinh lặng sống bên Chúa trong 30 năm, đã thinh lặng dõi bước chân Chúa trong hành trình truyền giáo, và cuối cùng dưới chân Thập giá, Người đã đứng thinh lặng để lời của Chúa mãi mãi đi vào tâm hồn Người.
Tin mừng hôm nay là lời ca tụng đẹp đẽ nhất mà Chúa Giêsu dành cho Mẹ Ngài: "Ai nghe và giữ lời Chúa thì có phúc hơn." Phúc cho Mẹ không phải vì đã cho Chúa bú mớm, nhưng vì đã để lời Ngài biến thành xương thịt của mình; trong thinh lặng, Mẹ đã nghiền ngẫm và để lời Chúa thành chính sự sống của Mẹ.
Hãy loại khỏi tâm hồn những lo lắng, ồn ào, những sôi sục của hận thù, ích kỷ, những dấu vết của buồn thảm, bi quan. Trong thinh lặng của tin yêu phó thác, chúng ta sẽ nghe được tiếng Chúa trong mọi biến cố cuộc sống, sẽ nhận ra tiếng Ngài trong muôn kỳ công, sẽ nhận ra tiếng Ngài trong tiếng kêu cứu của những kẻ khốn cùng, sẽ nhận ra tiếng Ngài giữa những thất bại, thử thách.
Theo gương Đức Maria, chúng ta hãy đáp trả bằng tiếng xin vâng của tin yêu phó thác, mau mắn nhiệt tình, vui tươi chấp nhận.
Chân Lý