Marta và Maria
Nếu được vào thăm điện Vatican, không thể bỏ qua tác phẩm nghệ thuật mà người ta gọi là viên ngọc quí của văn nghệ phục hưng ở Âu Châu đó là Nguyên đường Sixtina, nơi diễn ra các cuộc bầu Giáo Hoàng. Gọi là Sixtina vì nó đã được xây cất và dâng tặng Đức Sixtô IV (tk 15). Được gọi là viên ngọc quí vì bốn bức tường và trần nhà là bộ tranh có nội dung Kinh thánh do các họa sĩ thời danh thực hiện. Nổi tiếng hơn cả vẫn là các bức tranh trên trần nhà do danh họa Michel Ange trong suốt 7 năm ròng rã ngày đêm nằm ngửa trên dàn gỗ, mặt nhìn lên trần để vẽ lại những chương đầu sách khởi nguyên.
Thông thường, sau khi hoàn thành một tác phẩm, nghệ sĩ nào cũng ký tên để tên tuổi mình được lưu truyền hậu thế. Thế nhưng nhìn kỹ các bức tranh trên trần nhà nguyện Sixtina, không ai có thể tìm thấy bất cứ dấu vết nào của danh họa Michel Ange. Thay vào đó người ta chỉ đọc được hai chữ "Alpha và Ômega – Nguyên thủy và Cùng đích." Qua hai chữ ấy, Michel Ange muốn dành tất cả vinh quang danh dự cho Thiên Chúa.
"Tất cả vì Chúa, cho Chúa" đó có lẽ cũng là bài học Chúa Giêsu muốn nói đến qua câu truyện Marta và Maria trong Tin mừng hôm nay. Marta, Maria và Lazarô là ba chị em của gia đình Bêtania mà Chúa Giêsu thường lui tới với tình bạn thắm thiết. Với tính hiếu hiếu khách sẵn có, mỗi người đón tiếp Chúa theo cách thế của mình. Marta lo chuẩn bị bữa ăn, đó là biểu hiệu của lòng nhiệt thành phục vụ. Còn Maria tế nhị hơn đến gần bên Chúa lắng nghe lời Ngài. Cả hai thái độ đều có giá trị của nó. Khách đến nhà không chỉ để thưởng thức các món ăn, nhưng còn để hưởng hơi ấm tình người, thể hiện qua những trao đổi, lắng nghe, qua hiện diện ân cần. Nhưng hơi ấm tình người không chỉ thể hiện bằng chào đón, mà còn bằng những cử chỉ cụ thể của phục vụ.
Chúa Giêsu hẳn đã thấy được giá trị của hai thái độ trên, Ngài không đề cao thái độ này để hạ giảm thái độ kia. Ngài chỉ muốn nhân sự trách cứ của Marta để mượn hình ảnh lắng nghe của Maria và đưa ra bài học về thái độ của con người phải có đối với Thiên Chúa, đó là thái độ lắng nghe, đáp trả hoàn toàn.
Lời Chúa hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta thống nhất đời sống. Có những giây phút ưu việt dành cho cầu nguyện, thờ phượng, còn phần lớn thời giờ được dành cho những sinh hoạt khác. Đối với người kitô hữu phải biến mọi sinh hoạt thành lời cầu nguyện kéo dài, thành những hy tế trên bàn thờ. Chính qua những sinh hoạt ấy, chúng ta gặp gỡ, lắng nghe, thực thi thánh ý Thiên Chúa.
Chân Lý