Headlines
Loading...
Không ngừng tỉnh thức

Không ngừng tỉnh thức


Không ngừng tỉnh thức (Lc 12: 35-38)
Helen Keller, một cô gái mù câm điếc từ lúc mới sinh. Do ý chí, cô đã học hành và trở thành khoa bảng. Helen, kể lại rằng chính cô giáo dạy kèm Sulivan đã giúp mình tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Một buổi sáng nọ khi Helen lên 8 tuổi, cô Sulivan đã giúp em đến bên cạnh cái giếng trước nhà, cô kéo nước lên và đặt bàn tay nhỏ bé của em vào nước, rồi cô dùng ngón tay của mình viết chữ "nước" trên bày tay em, cô viết đi viết lại chữ ấy đến cả ngàn lần. Trong phút chốc, mắt, tai, miệng, lưỡi và trái tim của Helen như được tháo cởi. Em chợt hiểu rằng cái chất lỏng và tươi mát đang chảy trong tay em có tên là nước. Cảm nghiệm đầu tiên về nước ấy đã đưa Helen vào thế giới kỳ diệu của ngôn ngữ. Bất cứ sự vật nào em sờ được, Helen cũng đều xin cô giáo viết tên gọi ấy trong bàn tay em. Một hôm, trong cơn giận dữ, Helen đã ném con búp bê của em. Khi cô Sulivan viết hai chữ búp bê trong tay em, Helen bỗng nhớ lại cơn giận dữ của mình. Em ghi lại rằng: Lần đầu tiên em đã cảm nghiệm thế nào là hối hận và em đã khóc sướt mướt.
Loài người quả là con vật đặc biệt. Chỉ con người mới biết làm thơ, vẽ, hát, hối hận, và khóc. Có sự khác biệt ấy giữa thú vật và loài người, bởi vì chỉ con người mới có thể ra khỏi thế giới và nhất là ra khỏi chính mình. Kinh nghiệm của Helen trên đây cho thấy tính cách cao vượt ấy của con người. Bên kia cái chất lỏng tưoi mát trong bàn tay, cô bé mù và câm điếc đã đi vào thế giới của ngôn ngữ. Bên kia con búp bê ngã đổ, em đã cảm nghiệm thế nào là hối hận. Một lời nói được lắng nghe, một thế giới mới được mở ra, một cuộc sống mới được khai sinh.
Có một lời đã được nói ra, một lời mở ra cho con người một thế giới mới, một lời có sức thay đổi cuộc sống con người, lời ấy chính là Chúa Giêsu Kitô. Lời Thiên Chúa nói với con người. Hôm qua, hôm nay và mãi mãi, lời ấy vẫn luôn được ngỏ với con người, nhưng để được lắng nghe lời ấy, con người phải không ngừng tỉnh thức, bởi vì lời ấy chỉ được ngỏ xuyên qua cuộc sống. Quả thế, thánh Gioan tông đồ đã viết: "Và Lời đã thành xác phàm." Chính trong xác phàm, chính xuyên qua cuộc sống mà con người mới nghe được lời ấy.
Vào thời Chúa Giêsu, nhiều người đã không tin nhận Ngài, nghĩa là không lắng nghe Ngài như chính lời của Thiên Chúa, bởi vì họ không muốn vượt khỏi thế giới câm điếc mù lòa của thành kiến, của những hệ thống có sẵn. Họ yêu cầu Ngài hãy làm những việc là lùng, hay cho những dấu lạ xuất hiện trên trời cao. Chúa Giêsu đã không chiều theo những đòi hỏi ấy. Ngài sống như một người không nhà không cửa và cuối cùng chêát nhục nhã như một tội nhân. Chính xuyên qua cuộc sống ấy mà Ngài muốn con người đón nhận Ngài như lời của Thiên Chúa.
Để có thể đón nhận và lắng nghe Ngài, con người phải không ngừng tỉnh thức và ra khỏi chính mình. Người đầy tớ không ngừng càm đèn sáng trong tay đợi chủ về là hình ảnh của người luôn tỉnh thức để đón nhận và lắng nghe lời Chúa. Lời Chúa được ngỏ với con người xuyên qua cuộc sống mỗi ngày, nên cũng luôn mang tính bất ngờ. Chính trong những cái thường nhật, nhỏ bé, độc điệu mỗi ngày, con người được mời gọi để nhận ra lời ngỏ của Chúa. Chính trong những cái bất ngờ của cuộc sống mà con người được mời gọi để nhận ra tiếng Ngài.
Lời kêu gọi của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay nhắc nhở cho chúng ta một thái độ cơ bản của người kitô hữu, đó là luôn tỉnh thức để đón nhận và gặp gỡ Chúa trong cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta luôn có đôi mắt rộng để nhìn thấy Ngài trong từng biến cố cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta đôi tai tinh tường để biết lắng nghe tiếng mời gọi của Ngài trong từng phút giây cuộc sống. Xin Ngài ban cho chúng ta quả tim và đôi tay rộng mở để biết chia sẻ cho tha nhân là hiện thân của Ngài.
Chân Lý