Headlines
Loading...
Hạt giống Lời Chúa

Hạt giống Lời Chúa


Hạt Giống Lời Chúa Mc 4:1-20
Tại một tỉnh thuộc miền trung Ấn Độ, một tín hữu Kitô tên là Sundasi tự nguyện tham gia công tác truyền giáo bằng cách phổ biến sách Phúc Âm. Ngày kia trên một chuyến xe lửa anh can đảm lấy ra một cuốn sách Phúc Âm đựng trong cặp và trao cho một người hành khách không phải là tín hữu Kitô. Thay vì chỉ từ chối không nhận, người ấy lại giận dữ chộp lấy quyển Phúc Âm xé nát và quăng những mảnh giấy vụn qua cửa sổ. Thiện chí truyền giáo của Sundasi kể như tan biến theo chiều gió.
Nhưng cũng chính lúc ấy có một người đi theo đường rầy, anh ta tò mò cúi nhặt mảnh giấy bị gió cuốn rơi trước mặt và chăm chú đọc. Một người bạn thấy vậy liền bảo: "Đây là mảnh giấy trong sách đạo Kitô, anh không nên đọc nó nếu không muốn bị ô uế". Anh ta suy nghĩ giây lát rồi nói với người bạn: "Tôi không sợ bị ô uế, trái lại tôi muốn đọc trọn cả quyển sách có dòng chữ tuyệt vời này".
Sau đó anh tìm mua một quyển Tân Ước. Anh say mê đọc và thấy con tim được chiếu sáng. Rồi sau khi lãnh nhận bí tích thanh tẩy, chính anh đã trở thành một giáo lý viên.
Lời Chúa như hạt giống vung vãi trên mảnh đất trần gian này, bị gió cuốn đi mọi hướng, nhưng chắc chắn sẽ có những hạt gặp được đất tốt để nẩy mầm và sinh nhiều hoa trái.
Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn khẳng định với chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.
Theo các nhà chú giải, đoạn Tin Mừng này gồm có hai phần: một phần ghi lại lời Chúa Giêsu giảng, một phần gồm sự giải thích của thánh Marcô sau này cho phù hợp với hiện trạng cua Hội Thánh. Phần nhất chấm dứt ở câu: "Ai có tai nghe thì hãy nghe". Chúa Giêsu giới thiệu một người gieo giống lạ thường, bởi vì tuy hạt giống có thể hiếm và đắt, vậy mà ông ta cứ gieo thoải mái, không cần biết đất tốt hay xấu và hạt rơi vào chỗ nào. Chúa Giêsu có ý mạc khải Thiên Chúa là Đấng rộng rãi, Ngài gieo lời Ngài cho mọi người, không phân biệt ai, không cần biết lời Ngài được đón nhận ra sao và có thể sinh hoa kết quả hay không; Ngài là Đấng yêu thương và chỉ biết yêu thương mà thôi.
Sự kiện Thiên Chúa yêu thương như thế tạo ra hai phản ứng: có những người như Biệt Phái, luật sĩ luôn đề cao công đức, đề cao việc giữ luật, sẽ không chấp nhận một Thiên Chúa yêu vô điều kiện, không đòi nơi con người một dấu gì làm bằng chứng cho lòng mến. Về hạng người này, Chúa Giêsu bảo: "Họ nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy". Còn phản ứng thứ hai là nhiều người sẽ tự nhủ: Thiên Chúa yêu vô điều kiện, thế nào mình cũng được cứu rỗi, bởi đó cứ sống buông thả. Thánh Marcô viết phần giải thích dụ ngôn là để cảnh cáo thứ luận điệu ấy. Ngài muốn nói rõ rằng: quả là Thiên Chúa rộng rãi và yêu vô điều kiện, nhưng ta phải coi chừng cách đón nhận lời Chúa và tình thương của Chúa, phải coi chừng kẻo trở thành kẻ nghe hời hợt, hoặc dễ thay đổi khi gặp thử thách, hoặc quá lo lắng việc đời khiến lời Chúa không sinh hoa kết quả được. Trái lại, phải biết trở thành mảnh đất tốt cho lời Chúa, bằng thái độ chân thành đón nhận, suy gẫm và làm phát triển lời Chúa.

Chân Lý