Headlines
Loading...
Cốt lõi của Tin Mừng

Cốt lõi của Tin Mừng


Cốt Lõi Của Tin Mừng Mc 3:1-6
Theo một thống kê, trong thời đệ nhị thế chiến, Đức Quốc Xã đã thiết lập khoảng 200 trại tập trung để giam tù binh và chính trị phạm. Nổi tiếng nhất là Đarkau, trong đó có khoảng 9 triệu người thuộc 23 quốc tịch khác nhau bị tiêu diệt, riêng người Do Thái là 6 triệu. Khi quân Đồng Minh đến giải phóng một trong các trại tập trung, họ thấy ngoài cổng dựng một tấm bảng lớn với hàng chữ: "Ở đây không có Thiên Chúa". Trước cảnh tượng ghê tởm đó, người takhông biết làm gì hơn là lấy cỏ phủ lại làm nên một qủa núi nhân tạo, trên đó dựng một Thánh Giá lớn để nói cho con người thời đại rằng khi con người chối bỏ Thiên Chúa, con người cũng đối xử với nhau tàn bạo hơn súc vật.
Sự sụp đổ mới đây của một số chế độ xây trên ý thức hệ vô thần cũng chứng tỏ rằng: sự chối bỏ Thiên Chúa thường lôi kéo theo sự chối bỏ và chà đạp con người. Bất cứ một chối bỏ Thiên Chúa nào cũng hàm chứa sự chối bỏ con người và ngược lại. Nếu đã có những người chối bỏ Thiên Chúa để chà đạp hình ảnh Ngài nơi con người, thì cũng không thiếu những người nhân danh Thiên Chúa để chối bỏ con người. Thực ra, thứ thiên chúa mà người ta nhân danh để chối bỏ con người chỉ là một thứ ngẫu tượng lệch lạc về Thiên Chúa mà thôi.
Chúa Giêsu đã đến để mạc khải một Thiên Chúa đích thực, và tên của Ngài là Tình Yêu, một Thiên Chúa tình yêu đã đặt con người trên mọi giá trị, trên mọi thứ lề luật.
Tin Mừng hôm nay là một trong những mạc khải về một Thiên Chúa Tình Yêu. Những người Do Thái đã nhân danh lề luật, nhân danh Thiên Chúa để bắt bẻ Chúa Giêsu đã chữa bệnh cho người có bàn tay khô bại trong ngày Sabát, ngày được dành để tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng đối với Chúa Giêsu, hành động tôn vinh Thiên Chúa đích thực chính là cứu sống con người, chính là làm điều thiện.
Lời Chúa hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta điều chỉnh tương quan của chúng ta với Chúa, hay đúng hơn điều chỉnh hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa. Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ có là Thiên Chúa Tình Yêu không? Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ có là Đấng mà hình ảnh đã được ghi khắc trong con người đến độ khinh rẻ con người là khinh rẻ Ngài không?
Điều chỉnh hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa cũng có nghĩa là điều chỉnh cách sống đạo của chúng ta. Cốt lõi của Tin Mừng là bác ái đã được chúng ta lấy làm động lực mọi sinh hoạt của chúng ta chưa? Hay chúng ta vẫn còn bám vào quan niệm cho rằng sống đạo chỉ là học thuộc một số kinh kệ, tuân giữ một số qui định của Giáo Hội? Sống như thế phải chăng không là một thứ tôn thờ ngẫu tượng mới, bởi vì Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ có lẽ còn xa lạ với cuộc sống, với người đau khổ, với chính con người.
Hãy dâng lời cảm tạ Chúa vì đã mạc khải cho chúng ta về tình yêu của Ngài. Xin cho chúng ta ý thức rằng mỗi khi chúng ta nhận ra hình ảnh Chúa nơi tha nhân, mỗi khi chúng ta thực thi bác ái, đó là lúc chúng ta tôn vinh Chúa.

Chân Lý