Chết Cho Niềm Tin (Mc 6:14-29)
Trong kịch bản "Cuộc thảm sát trong nhà thờ chính tòa", xuất bản năm 1935, văn sĩ Thomas Eliot đã dựng lại cuộc tử đạo của thánh Thomas Becket, Tổng Giám Mục Cantobery, vào thế kỷ 12. Biến cố đã diễn ra trong nhà thờ chính tòa được như thành lũy cuối cùng. Từ trong thánh đường, thánh Thomas Becket đã ra lệnh cho những kẻ trung thành với ngài như sau: "Hãy kéo cửa lên, hãy mở rộng cửa ra, tôi không muốn rằng nơi cầu nguyện và là cung thánh phải biến thành một pháo đài. Nhà thờ bảo vệ các tín hữu theo cách thế của nó, chứ không như gỗ đá, bởi vì gỗ đá sẽ sụp đổ, còn nhà thờ thì tồn tại, nhà thờ cần phải được mở ra, ngay cả cho kẻ thù, anh em hãy mở rộng cửa".
Khi thấy một số người còn chần chờ hoặc muốn tử thủ, thánh Becket khuyên mọi người hãy có cái nhìn siêu nhiên và chiến đấu bằng khí giới siêu nhiên, ngài nói: "Chúng ta đã chiến đấu chống lại quái vật và chúng ta đã chiến thắng, chúng ta cần phải chinh phục duy chỉ bằng sự đau khổ mà thôi. Đây là chiến thắng dễ dàng nhất, đây là giờ khải hoàn của Thập Giá, tôi ra lệnh cho anh em hãy mở cửa".
Cuộc tử đạo của thánh Thomas Becket như được ghi lại trên đây nêu bật ý nghĩa đích thực của mọi cuộc tử đạo. Tử đạo là chết vì yêu thương và yêu thương ngay cả kẻ thù của mình. Thánh Becket đã muốn nói lên ý nghĩa ấy khi kêu gọi những kẻ trung thành với ngài hãy mở cửa nhà thờ chính tòa. Ngài nói: "Nhà thờ cần phải được mở ra ngay cả cho những kẻ thù của chúng ta".
Thánh Gioan Tẩy Giả mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe cuộc tử đạo đã thấy được sức mạnh của tình yêu. Ngài không chỉ rao giảng bằng lời nói, nhưng bằng cả cuộc sống và cuối cùng bằng cái chết của ngài. Tiền hô cho Đấng Cứu Thế không những bằng lời nói và cuộc sống, mà còn tiền hô cho Chúa Giêsu trong cái chết của ngài. Quả thật, trong cái chết của vị tiền hô, người ta đã có thể thấy trước số phận của Đức Giêsu và cái chết của Ngài. Gioan Tẩy Giả như dư luận thời ngài đồn đãi đã sống lại hay đúng hơn đã tiếp tục sống trong Chúa Giêsu. Cái chết của ngài được lặp lại trong chính cái chết của Chúa Giêsu.
Mãi mãi lời nói của Tertulianô vẫn còn giá trị: "Máu các thánh Tử Đạo là hạt giống làm trổ sinh các tín hữu". Cũng như do cái chết, Gioan Tẩy Giả tiếp tục sống qua các môn đệ ông và nhất là trong con người Chúa Giêsu, thì các thánh tử đạo cũng trở thành bất diệt trong lòng tin của các Kitô hữu.
Chúng ta phải chinh phục duy chỉ bằng sự đau khổ mà thôi. Lời của văn sĩ Eliot được đặt trên miệng thánh Thomas Becket mời gọi chúng ta nhìn mọi sự với cái nhìn siêu nhiên, tức là nhìn dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thập Giá Chúa Kitô, bởi đó nói như thánh Phaolô: điên rồ đã trở thành lẽ khôn ngoan, yếu đuối đã trở thành sức mạnh.
Có muôn nghìn cái chết, nhưng chỉ cái chết vì yêu thương mới có thể làm con người trở thành bất diệt. Sống đạo là tử đạo, sống đạo là chết từng ngày trong biết bao từ bỏ mà niềm tin đòi hỏi, nhưng chính cái chết từng ngày ấy dẫn đưa chúng ta đến cõi sống muôn đời và là hạt giống sẽ nẩy mầm trong cuộc sống của những người khác.
Chân Lý